Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

12 tháng 9 2012

NGẪM VỀ Y ĐỨC QUA LỜI DẠY CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG


         Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác (sinh năm 1720, tạ thế năm 1791), quê ở xã Văn Xá, huyện Yên Mỹ, thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay. Sinh thời Hải Thượng Lãn Ông là người thông minh, học cao, hiểu rộng, nhưng Ông đã từ bỏ công danh, phú quý, trở về với đời thường, hành nghề bốc thuốc cứu người. Ông đã để lại cho kho tàng y học cổ truyền Việt Nam một di sản quý báu, với gần 3.000 bài thuốc kinh nghiệm và trên 300 vị thuốc mới có giá trị. Song, điều quý giá hơn là, Ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một chuẩn mực đạo đức có giá trị vĩnh hằng.
            Theo Ông, người thầy thuốc mới vào nghề phải say mê, ham học, không ngừng nâng cao trình độ để không thể phạm sai lầm trong chữa bệnh. Thăm bệnh phải ưu tiên bệnh nặng trước, bệnh nhẹ sau, chứ không vì giàu sang hay nghèo hèn mà thăm bệnh, bốc thuốc lại có phần phân biệt. Khi khám bệnh cho người khác giới phải thể hiện tính nghiêm trang đứng đắn; "phải coi họ như con nhà tử tế, dù có đến con hát, nhà thổ cũng vậy". Khuôn mẫu đạo đức người thầy thuốc mà Hải Thượng Lãn Ông đề ra có thể tóm tắt như sau:
            Phận sự của người thầy thuốc là sẵn sàng cứu tính mạng mọi người ở mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt, khi làm nhiệm vụ thường trực thì không được lơ là, mải vui mà quên trách nhiệm. Khi gặp người bệnh cấp cứu phải hết lòng cứu chữa, nhưng cần nói rõ tình trạng bệnh tình cho người nhà bệnh nhân trước khi cho thuốc. Thuốc cấp cứu khi cần có thể cho không người bệnh, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của lương y mà bảo đảm hiệu quả tốt cho chữa trị. Phải luôn giữ thái độ khiêm tốn, hòa nhã với đồng nghiệp, nhất là với người cao tuổi. Kính trọng người có học vấn cao và giỏi nghề hơn mình, nhân nhượng trước kẻ kiêu ngạo, tận tình dìu dắt người kém hơn mình - đó mới là hạnh phúc cho người làm nghề thầy thuốc.
Lãnh đạo huyện Bảo Thắng tham gia cho các cháu mầm non uống VitaminA, nhân ngày Vi chất dinh dưỡng
              Người thầy thuốc rất cần có lòng nhân đạo trước con bệnh có hoàn cảnh cơ nhỡ, éo le, rủi ro, bất hạnh. Với các đối tượng này càng nên chăm sóc đặc biệt, ngoài việc cho thuốc, còn thùy theo sức mình chu cấp ăn uống cho họ để việc chạy chữa được hoàn chỉnh. Vì "Ta để tâm một chút, họ được sống một đời...".
              Khi chữa khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp. Vì nghề thầy thuốc là thanh cao, ta phải giữ khí tiết cho trong sạch. Chớ vì những mong muốn tầm thường mà bị người đời khinh rẻ. Khi đêm tối, thời tiết khó khăn, không được vì thế mà bắt bí người bệnh: "Bệnh dễ chữa nói là bệnh khó chữa, bệnh khó chữa nói là không chữa được, dở thói quỷ quyệt ấy để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương...Có khác nào đem nhân thuật làm chước lừa dối, đem lòng nhân đổi lấy lòng buôn bán".
             Đã hơn hai trăm năm trôi qua, nhưng những lời dậy ấy vẫn sáng ngời y đức. Vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngày nay những người thầy thuốc của chúng ta còn có thêm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lương y phải như từ mẫu". Tin tưởng rằng, họ sẽ luôn ghi sâu lời dạy của các bậc tiên hiền để xứng đáng là cháu con của Bác Hồ và hậu duệ nghề y của Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác.

                                                                                                            Mạnh Nguyên