Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

17 tháng 9 2014

MỘT VÀI PHƯƠNG PHÁP VIẾT TIỂU PHẨM GÂY CƯỜI

Bài trao đổi

                                                                         
          Viết tiểu phẩm gây cười cũng cần có một số kỹ năng, với vốn hiểu biết của mình, tôi xin được trao đổi cùng các bạn mấy thủ pháp để viết tiểu phẩm có tính chất khôi hài như sau:
     Hiện tượng cười ở người được chia thành ba loai: Một là, cái cười có nguyên nhân về thể xác (do cảm giác nhột…). Hai là, cái cười có nguyên nhân về mặt nhân tâm lý, tình cảm (do sự vui sướng…) Ba là, cái cười do hiện tượng buồn cười gây ra. Ở đây nói về cái cười do hiện tượng buồn cười gây ra. Và hiện tượng buồn cười nói ở đây là hiện tượng buồn cười được kể thành truyện cười.
          Ở đây chỉ xin nói về cái cười do hiện tượng buồn cười gây ra, được tác động bởi truyện cười chứ không nói đến những cái cười do các nguyên nhân khác.
          Tác phẩm gây cười có thể chia ra 2 loại:
          Thứ nhất là loại tác phẩm chỉ đơn thuần gây cười: Đây là loại tác phầm khôi hài, không nhằm vào sự phê phán hay chỉ trích một hiện tượng cụ thể nào. Đó được gọi là loại tác phẩm hài hước đơn thuần.
          Loại thứ hai là tác phẩm hài phê phán: Là tác phẩm vừa mang yếu tố hài, song đồng thời cũng nêu lên những hiện tượng tiêu cực, những thói xấu “thông thường” của bất cứ ai (như tham ăn, sĩ diện, khoe khoang, mê tín, hà tiện, nịnh hót, hãnh tiến…). Loại này gọi là tác phẩm hài phê phán - đả kích. Nội dung thường nêu lên những hiện tượng chung trong xã hội, nhằm giáo dục là chính chứ không chỉ đích danh vào một người hoặc một nhóm người cụ thể nào.
          Về thủ pháp gây cười, có thể điểm ra một số thủ pháp cơ bản như sau.
          1. Phóng đại: Là có mục đích lố bịch hóa cái đáng cười – vừa làm nổi rõ cái thật như là mặt trái của hành vi nhân vật (nhờ cường điệu nét bản chất), vừa làm nổi rõ cái giả như là mặt phải của hành vi ấy (nhờ phép tương phản), khiến cho mâu thuẫn trong hành vi buồn cười tác động mạnh mẽ vào nhận thức, ý tưởng của người nghe / người đọc. Chẳng hạn, trong ca dao (trào phúng) có câu: “Lỗ mũi em tám gánh lông; Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho…”.
          2. Tạo liên tưởng ngược: Đây là cách nói làm cho người nghe, người đọc liên tưởng trái chiều mà cảm thấy tức cười. Người viết nói A, người đọc lại hiểu sang B. Thậm chí viết rất nghiêm túc nhưng người đọc lại hiểu sang nghĩa dung tục để rồi càng ngẫm càng thấy buồn cười. Thể loại này ta thường gặp trong thơ của Hồ Xuân Hương (Bà chúa thơ nôm) “Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
                                            Thân em dính dáng tự bao giờ
                                             Chành ra ba góc da còn thiếu
                                             Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
                                             Mát mặt anh hung khi vắng gió
                                             Che đầu quân tử lúc sa mưa
                                             Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
                                             Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?”
                                                                        (Vịnh cái quạt)
          3. Tạo sự hiểu lầm và bất ngờ: Người viết tạo nên sự hiểu lầm cho độc giả về một vấn đề nào đó, làm cho người đọc, người nghe cứ chú ý theo đuổi, nhưng rồi đột nhiên lại làm rõ ra sự thật hoàn toàn trái ngược. Người đọc nín thở đợi, đến khi vỡ lẽ mới biết mình bị lừa, và thế là cười.

MẦN RĂNG NHIỀU “DÚ DẬY”

Có một anh chàng được mệnh danh là bợm rượu, một hôm đi “lai rai” về vào lúc nửa đêm. áo vắt vai, hai chân đi “vắt sổ”, anh ta loạng choạng một hồi rồi cũng tìm được về đúng ngõ nhà mình. Trời sáng trăng suông, mới đến cửa đã nhìn thấy màn buông trăng trắng:
- May quá, hôm nay về khuya vậy mà “bã xã” vẫn mở cửa- nghĩ vậy rồi anh ta vội vội vén mùng (*) chui vào. Sờ soạng một hồi rồi lầu bầu:
- Khỉ thật, mần răng mà hôm nay "Dợ" mình nhiều “Dú Dậy”!.
Nhưng vì đã ngấm hơi men, nên ngả lưng là ngủ tít. Sáng hôm sau tỉnh dậy mới biết là vào nhầm ổ của chị lợn nái!.
 
          4. Tạo ra vẻ ngây ngô: Đây là những chuyện được xây dựng loại nhân vật ngây ngô hoặc giả ngây ngô - mặc dù bản thân nhân vật thậm chí vẫn cho rằng lời nói và hành vi của mình là thông thái. Ví dụ:
            Câu chuyện ĐẶC SẢN
Có vị lãnh đạo cấp trên đến thăn cơ sở, trước hội nghị có đông đảo cán bộ chủ chốt của địa phương , ngài thao thao nói về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nào là: Phải tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phải tìm ra cây – con “mũi nhọn” để “xóa đói giảm nghèo, rồi ngài bỗng dừng lại hỏi:
- Ở địa phương “ta”, các đồng chí đã  tìm ra “cây, con mũi nhọn nào chưa?”
Một chức sắc của cơ sở thưa:
Báo cáo, khó lắm ạ! Nuôi gà, vịt thì cúm gia cầm; nuôi gia súc thì “lở mồm, long móng”.... Trồng cây lương thực thì không có diện tích đất; trồng mía, nhãn, xoài lại rất khó tìm đầu ra!
Bỗng ở mãi cuối hội trường có tiếng nói “đổng” vọng lên: “ Chỉ trồng cây anh túc với nuôi con ca ve là lãi nhất !”.
Nghe thấy vậy, vị lãnh đạo cấp trên vội  “chộp” lấy ngay:
- Thì đấy, nếu trồng cây anh túc, nuôi con ca ve mà có lãi, sao mỗi hộ chúng ta không trồng lấy vài sào anh túc, nuôi lấy mấy đàn ca ve?. Mà hông biết món đặc sản ca ve ở quê ta ra sao, lần này các đồng chí có thể cho tôi thưởng thức một bữa nhé!.
Không khí hội nghị khá nghiêm túc nên chẳng có ai giám cười.
          5. Sự nhầm lẫn: Có những “cái nhầm” không chết người, nhưng nó lại gây nên lúng túng đến tột đỉnh cho nhân vật. Sự nhầm lẫn có thể do nguyên nhân khiếm khuyết về giác quan của nhân vật, nhưng cũng có khi chỉ là hậu quả của sự vội vàng, bất cẩn. Nhưng dù với nguyên nhân nào thì nó cũng tạo nên sự tức cười cho người chứng kiến. Điển hình như câu chuyện sau.

XIN BÁT CƠM NGUỘI
Những năm trước đây kinh tế khó khăn, vải may quần áo còn phải mua bằng phiếu phân phối. Vì thế, có con đi bộ đội mang về biếu bộ quần áo quân phục mới là oách lắm. Ông lão nọ cũng được con biếu một bộ, cụ giữ cẩn thận lắm, chỉ khi nào có công việc quan trọng mới mang ra mặc.
Bữa ấy anh con trai về phép, có khách đến chơi đông nên ông bố mang bộ quân phục của con ra mặc, vừa để hãnh diện với thiên hạ.
Sáng hôm sau đi làm đồng về, cô con dâu từ cầu ao bước lên lên, thấy một người mặc quân phục đang đứng đái, ngỡ là chồng, cô ta quyết định trêu bằng một cú đã kheo, miệng còn đệm thêm câu:
- Cho xin bát cơm nguội!.
Bị cú đã bất ngờ, ông lão khuỵu chân xuống, nước giải bắn tung túe. Nhìn lại mới biết là nhầm, cô con dâu chỉ còn mỗi cách là bỏ chạy.
          6. Yếu tố tục trong truyện cười
Về khái niệm “ tục” ở đây cũng có hàm nghĩa tương tự như khái niệm “thô” ở “đặc điểm thi pháp của câu đố” (Đố thô, giảng thanh”  hoặc “Đố tục, giảng thanh”)
Yếu tố “ tục” trong truyện cười mang ý nghĩa có phần khác với yếu tố “tục” trong câu đố. Trong câu đố, yếu tố “tục” thiên về miêu tả. Cái “tục” là một trong những hướng liên tưởng, là sản phẩm của thứ cảm quan phát sinh từ bản năng. Trong truyện cười, kể cả những truyện “Tiếu lâm” tục tĩu, cái “tục” không phải là đối tượng miêu tả và cũng không phải là một hướng liên tưởng như trong thi pháp về câu đố. Nó chỉ được sử dụng đơn thuần như một phương tiện để gây cười. Có thể nói, nó chỉ là một phương tiện gây cười dễ dãi. Phải thừa nhận là nghe / đọc những truyện cười có yếu tố “tục”, người ta luôn bật cười dễ dàng mà không cần động não. Cái cười dí dỏm, hóm hỉnh, sâu sắc, do đó thường không dung nạp yếu tố “tục”.
7. Hành vi buồn cười gắn với những nhược điểm thông thường hoặc những tính cách có phần khác thường nhưng không bị coi là cái xấu như:
- Những lầm lỡ thường tình mà ai cũng có thể mắc.
- Những khuyết tật về thể chất (như thiểu năng về trí lực. cận thị, câm, điếc)
-Những tính tình hoặc thói tật riêng của một lứa tuổi, một nghề nghiệp hay cả một cộng đồng.
8. Cách sử dụng ngôn ngữ trong truyện cười
Do đặc điểm kết cấu truyện cười (có dáng dấp một màn kịch), đối thoại (bao gồm cả độc thoại) đóng vai trò quan trọng trong lời văn kể chuyện. Có thể hình dung lời văn kể chuyện gồm hai phần: Phần đối thoại là “tiêu điểm” của hành động và diễn hóa hành động của nhân vật; phần còn lại của lời văn kể chuyện là những chỉ dẫn về hoàn cảnh và diễn hóa của hoàn cảnh. Có thể nói, trong truyện cười, đối thoại lời nói của nhân vật đóng vai trò chính trong việc thể hiện tính cách của nhân vật. Do đó, đây cũng là chỗ kết tinh những nét đặc sắc của ngôn ngữ truyện cười. Đó là tính giản dị, tự nhiên, sinh động và sắc bén… Trong đó, tất nhiên nét nổi bật là tính chất hài hước là ở chỗ biết chắt lọc từ nguồn khẩu ngữ dân gian.

Kết luận
So sánh giữa truyện cười truyền thống (Tiếu lâm) với truyện cười hiện đại ta thấy có một số khác biệt là, truyện cười truyền thống thường vận dụng phương thức lạ hoá cả về Phóng đại, Tạo sự việc bất ngờ và Dựng hoàn cảnh phi thực tế; trong khi truyện cười hiện đại lại chủ yếu dùng lối tạo sự việc bất ngờ là chính. Cho nên, xét mặt hiện thực, truyện cười truyền thống không gần gũi với đời thường bằng truyện cười hiện đại. Nói cách khác, truyện cười truyền thống thiên về tư duy hình tượng, đậm chất hư cấu nghệ thuật, trong khi truyện cười hiện đại có phần thiên về tư duy lí tính, coi trọng mặt lí lẽ và tính xác thực của sự vật, sự việc.
Tóm lại, mấu chốt của nghệ thuật gây cười la ở chỗ phải làm sao cho cái đáng cười tự nó bộc lộ ra một cách cụ thể, sống động và thật tức cười để người nghe / người đọc (truyện) tự mình phát hiện ra nó mà cười.
Vì khuôn khổ của bài viết, tôi đã cố gắng giản lược kết cấu đẻ thu gọn lý luận về thủ pháp gây cười. Hy vọng giúp các bạn muốn sáng tác truyện cười tham khảo để tạo nên tác phẩm của mình đạt được yêu cầu cả về nội dung và nghệ thuật.

                                                                                   Mạnh Nguyên      



(*) Ở  Nam bộ gọi màn là mùng, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long người ta thường mắc mùng cho lợn vì ở vùng này rất nhiều muỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét