Ngô
Bảo Châu sinh ngày 28 tháng 6 năm 1972 tại Hà Nội. Thời niên thiếu, ông là học sinh Trường Tiểu học Thực nghiệm, Trường THCS
Trưng Vương, và sau đó học tại Khối chuyên Toán thuộc Khoa Toán - Cơ
- Tin học, Trường Đại học Tổng hợp
Hà Nội (cũ), nay là Trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông đã hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc
tế tại Australia năm 1988 và Cộng hòa Liên bang Đức năm 1989,
và cũng là người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic Toán học Quốc
tế.
Là
sinh viên Trường Đại học Paris XI (Université Pierre et
Marie Curie) và Trường Sư phạm
Paris (École normale supérieure Paris, ENS Paris;
một số ít người Việt Nam từng học tại trường này bao gồm Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo) từ năm 1992
đến năm 1994, rồi sau đó là sinh viên cao học và nghiên cứu sinh củaTrường Đại học Paris XI (Université Paris-Sud
11) dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Gérard Laumon, Ngô Bảo Châu bảo vệ Luận án tiến sĩ năm 1997,
trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên
cứu Khoa học Quốc gia Pháp(CNRS) từ năm 1998, lấy bằng Habilitation à
Diriger les Recherches (HDR) năm 2003 và sau
đó được bổ nhiệm làm giáo sư toán học tại Trường Đại học Paris XI năm 2004. Cũng trong
năm này, ông được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với Giáo sư Gérard Laumon vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita. Năm 2005,
khi được 33 tuổi, Ngô Bảo Châu được nhà nước Việt Nam phong đặc cách hàm giáo sư.
Năm 2007,
ông đồng thời làm việc tại Trường Đại học Paris XI, Orsay, Pháp và Viện Nghiên cứu Cao cấp
Princeton, New Jersey, Hoa Kỳ. Trong năm 2008,
ông công bố chứng minh Bổ đề cơ bản cho các đại số Lie hay còn gọi là Bổ đề
cơ bản Langlands. Cuối năm 2009,
công trình này đã được tạp chí Time bình chọn là một trong
10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Với
các công trình khoa học của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo
trong phiên họp toàn thể của Hội nghị toán học thế giới 2010 tổ chức ở Ấn Độ
vào ngày 19 tháng 8 năm 2010. Tại lễ khai mạc, giáo sư đã được tặng
thưởng Huy chương Fields. Trước đó, khi biết tin sắp nhận giải
Fields, ông đã tranh thủ nhập quốc tịch thứ hai với hy vọng giải
thưởng cũng sẽ đem lại vinh dự cho các nhà toán học Pháp.
Kể
từ ngày 1 tháng 9 năm 2010,
ông là giáo sư tại Khoa Toán, Viện Đại học Chicago. Ông
đã phát biểu khi nhận giải rằng "Đến một lúc nào đó, bạn làm toán vì
bạn thích chứ không phải để chứng tỏ một cái gì nữa" hay vì đam mê
giàu có hoặc sự nổi tiếng.
Nhằm
khuyến khích nền khoa học nước nhà, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng Ngô Bảo
Châu một căn hộ công vụ trị giá 12 tỷ VNĐ ở tòa nhà Vincom,
Hà Nội. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh
việc nhận căn hộ nhưng ông khẳng định giải thưởng này là xứng đáng, và đã nhận
căn nhà 160 m² này đầu tháng 11 năm 2010. Trước đó, ngày 4/9/2010, Hội đồng Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội (trong
chương trình Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 của thành phố) đã
lựa chọn thêm Ngô Bảo Châu vào danh sách Công dân Thủ đô ưu tú lần thứ nhất,
năm 2010.
Ngày 9/3/2011, phó thủ tướng chính phủ và bộ Giáo dục đã công bố Quyết định
thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (Vietnam Institute for Advanced
Study in Mathematics) và quyết định bổ nhiệm ông Ngô Bảo Châu làm giám đốc
khoa học của Viện.
Tháng
4 năm 2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy quyết định trao tặng
ông Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của nhà nước Pháp và
ông đã chính thức sang Pháp nhận giải này vào ngày 27 tháng 1 năm 2012 tại điện Élysée. Một tháng sau, Ngô Bảo
Châu cùng với năm người khác đã được Viện Đại học Chicago trao tặng danh hiệu giáo sư đã có
những thành tựu xuất sắc (distinguished service professorships).
Năm
2012 ông là hội viên danh dự (fellow) của Hội Toán học Hoa Kỳ.
![]() |
Giáo sư Ngô Bảo Châu chụp hình cùng một số sinh viên và đồng nghiệp ở Christ Church Meadow, Trường Đại học Oxford, Anh |
Cùng
với nhà giáo Phạm Toàn, và giáo sư toán học Vũ Hà Văn, GS Ngô Bảo Châu mở một trang mạng giáo dục với tên
là Học thế nào chính thức hoạt động
vào ngày 1/5/2013 với kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết
các vấn đề của giáo dục Việt Nam.
Tháng
10 năm 2013, ông là Chủ tịch danh dự của Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội theo lời mời của Giám
đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - PGS.TS.Phùng Xuân Nhạ.
Gia đình
Ngô
Bảo Châu sinh ra trong một gia đình trí thức truyền thống. Ông là con trai của Tiến sĩ khoa học ngành cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, hiện đang làm
việc tạiViện Cơ học Việt
Nam. Mẹ của ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ dược Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học
cổ truyền Trung ương, Việt Nam. Ông là cháu họ của Ngô Thúc Lanh,
một Giáo sư toán viết cuốn sách Đại số đầu tiên.
Năm 22 tuổi (1994),
sau khi học xong thạc sĩ ở Pháp, Ngô Bảo Châu lập gia đình với Nguyễn Bảo Thanh, người
bạn gái học chuyên Toán cùng ông tại Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Đến tháng 8 năm 2010,
hai người có với nhau ba người con gái: Ngô Thanh Hiên (sinh năm 1995),
Ngô Thanh Nguyên (sinh năm2000) và Ngô Hiền An (sinh năm 2003).
Quan điểm giáo dục
Ngày
11 tháng 5 năm 2014, trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ, GS Ngô Bảo Châu nhận
xét: "Tại sao phải dùng ngân sách để làm ra những quyển sách mà người dân
vẫn phải mua, vẫn bắt buộc phải mua hằng năm với một số lượng lớn. Vốn là một
người làm toán, người làm toán thích những suy nghĩ đơn giản và ngây thơ, tôi
thấy có một phương án đơn giản, ngây thơ để giải quyết sự bất công kể trên: đó
là công bố hoàn toàn nội dung sách giáo khoa lên mạng." Ông đề nghị sử
dụng mô hình wikipedia như mô hình mẫu cho việc này.
Đầu
năm 2015, GS Ngô Bảo Châu nhận xét: "trong năm qua, điều hơi tiếc là trọng
tâm cải cách giáo dục đáng ra giáo dục đại học là khâu yếu nhất lại không ai đả
động gì. Rõ ràng đây mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự
phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội".
Quan điểm chính trị
Theo BBC Vietnamese,
GS Ngô Bảo Châu cho biết ông đã gửi một bức thư kiến nghị về dự án Bauxit ở Tây
Nguyên vào ngày 29 tháng 5 năm 2009 nhưng tới thời điểm phỏng vấn là ngày 13
tháng 12 năm 2009, ông vẫn chưa nhận được hồi âm. Nội dung của lá thư theo ông
cho biết là đề cập đến chính sách thực dân mới của chính quyền Trung Quốc về
khai thác khoáng sản trên toàn cầu và đặc biệt là tại Tây Nguyên, ông cũng đưa
ra cảnh báo: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh.".
Đồng
thời trong cuộc phỏng vấn này, ông cũng cho hay ông có theo dõi sự kiện Viện nghiên cứu Phát
triển (IDS), một Viện nghiên cứu và phản biện chiến
lược tư nhân do Giáo sư Hoàng Tụy và Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A đứng đầu, đã giải thể
sau khi Viện này cho rằng một quyết định quản lý khoa học của Chính phủ ban
hành năm 2009 là bất hợp lý. Và ông đã cho biết quan điểm của mình về vụ này
như sau: "Tôi có theo dõi tuy không chi tiết như giới nhà báo. Nhưng
một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối
dở".
Trong vụ án Cù Huy Hà Vũ, Ngô
Bảo Châu nói ông "vốn không đặc biệt hâm mộ" ông Cù Huy Hà Vũ, nhưng cho
rằng ông Vũ là "một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy,
như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ
không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình"... đồng thời cũng chỉ trích chính quyền và tòa án rằng
họ đã "cố tình làm mất thể diện quốc gia" khi "bắt ông (Vũ) bằng
hai bao cao su đã qua sử dụng", xử "nửa công khai, nửa bí mật",
và "từ chối thực hiện thủ tục tố tụng". Ông cho là: "Không
thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ." Sau vụ bình luận gây nhiều tranh cãi
này, vào ngày 11 tháng 4 năm 2011, blog cá nhân của GS. Ngô Bảo Châu có tên
Thích học toán đã tạm đóng cửa và đặt ở chế độ cá nhân.
Ngày
12/9/2015, trong chương trình giao lưu ra mắt sách "Kẻ trăn trở" của
TS Lương Hoài Nam, GS Ngô Bảo Châu nhận xét: "Người biết phẫn nộ, biết
trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi trong xã hội, làm giảm bớt sự
đau khổ của con người, giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn".
Quan điểm tôn giáo
Ngô
Bảo Châu trưởng thành trong 1 gia đình theo Phật giáo. Mặc dù khẳng định triết
lý và văn hóa Phật giáo đã thấm sâu vào con người ông như nhiều
người Việt Nam khác, tuy nhiên ông
xác định mình không phải là Phật tử "theo nghĩa toàn vẹn nhất" của từ
này. Khi được hỏi về quan điểm đối với giáo lý Phật giáo, ông cho rằng "Triết lý Phật giáo cho con người một nhân sinh quan rộng
rãi, giải phóng nhiều định kiến. Đấy là một tố chất cơ bản của nhà khoa
học".
Ngày
19/05 nhân ngày sinh nhật lần thứ 126 của Hồ Chí Minh, Ngô Bảo Châu
viết trên Facebook cá nhân của mình:
“
|
“Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng
luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
|
”
|
Nguồn: WikipediA (tiếng Việt)
(Bách khoa toàn thư mở)
Bình luận về những phát ngôn gây sốc của Gs: Ngô Bảo Châu
(Bách khoa toàn thư mở)
Bình luận về những phát ngôn gây sốc của Gs: Ngô Bảo Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét