“Tết” là một từ được xuất xứ bởi nghĩa Hán -Việt
của từ “Tiết” mà ra. Theo một số tác giả thì Tết là biến âm của từ “Tiết” trong
“Tiết khí’. Ban đầu là dùng để chỉ những lễ đặc biệt của người dân Việt xưa, là
những dịp nương theo mùa vụ, còn mùa vụ thì lại nương theo thời tiết mà thành.
Vì vậy trong một năm thì lớn nhất là Tết Nguyên đán (vào tiết đầu Xuân), dân
gian còn gọi là Tết cả. Rồi đến Tết Trung thu (vào giữa mùa Thu) rằm tháng Tám.
Ngoài ra còn có Tết Đoan ngọ (mùa Hạ) mồng năm tháng Năm, Tết Hàn thực mồng ba
tháng Ba. Ở một số nơi thuộc Đồng bằng Bắc Bộ còn giữ phong tục ăn Tết Cơm Mới
(mồng mười tháng Mười âm) và Tết Trùng cửu (mồng chín tháng Chín).
Theo truyền thuyết Trung Hoa, tết
Trung thu được xuất phát vào thời nhà Đường. Chuyện kể rằng, vua Đường Minh
Hoàng dạo chơi trong vườn Ngự Uyển vào
đêm rằm tháng tám âm lịch. Đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời
thật đẹp, không khí lại mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo
sĩ La Công Viễn, còn gọi là Diệp Pháp
Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí càng đẹp
hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên trong âm thanh du dương và ánh sáng
huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt xiêm y đủ màu, xinh tươi múa hát. Trong
giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả là trời đã gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc,
nhà vua mới ra về, nhưng trong lòng vẫn bâng khuâng luyến tiếc.
Về tới hoàng cung, nhà vua còn
vấn vương tiên cảnh nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y, và cứ đến đêm rằm
tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng, trong
khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa
hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước
đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân
gian.
Người Việt Nam ăn
Tết Nguyên Đán là tết lớn nhất. Nhưng theo một sô tác giả thì người Việt cổ lại
lại có lễ hội quan trọng vào mùa Thu (Có người cho đó là tết Trung thu). Bằng
chứng là trên mặt trống đồng có in khắc hình ảnh lễ hội, hẳn phải là lớn nhất
hoặc tiêu biểu nhất nên mới được người xưa chọn khắc lên mặt trống thiêng này.
Ở đây có thấy hình bông lau, là thứ chỉ nở vào mùa thu.
Trong văn hóa
lúa nước của người Việt, Trăng có một ý nghĩa rất to lớn, bởi nó gắn liền với âm
lịch (lịch mùa vụ và mọi hoạt động của người Việt cổ). Mùa thu lại là lúc tiết
trời mát mẻ, khí hậu dễ chịu so với nhiều thời điểm khắc nghiệt khác trong năm.
Ngày rằm tháng Tám là khi trăng sáng nhất và đẹp nhất. Lúc này còn là lúc công
việc nông nhàn. Lẽ nào một tộc người ưa Lễ hội và thường trực ngắm trăng như
người Việt lại chỉ xem trăng cho công việc làm ăn mà không là thưởng ngoạn, vì
vậy mới có tết Trung thu. Điều đó không liên quan gì đến tích cổ về Trung thu của
người Trung Hoa như phần dẫn tíchở trên.
Trong kho
tàng truyện kể dân gian có tích kể rằng, gia đình nọ sinh được 3 anh em, người
anh cả tên là Thỏ Nâu, anh thứ 2 là Thỏ Trắng và người em gái út tên là Thỏ
Ngọc. Năm ấy dân làng mất mùa, đói kém, vào dịp Trung Thu – tháng tám nhiều gia
đình đã phải ly tán. Sau khi nhặt nhạnh tất cả những gì làm được thức ăn cho
các con, bố mẹ 3 bạn thỏ đã từ biệt các con vào rừng xa để kiếm ăn. Ba anh em
thỏ gạt nước mắt trông theo cho đến khi bóng bố mẹ khuất dần sau rặng núi xa
xa.
Trời vẫn mưa
như trút, gió rét lạnh buốt xương. Ba nahh em thỏ phải ôm nhau cho đỡ lạnh.
Thương em nên Thỏ Nâu đã ra ngoài kiếm củi khô để sưởi ấm cho hai em, không may
bị ốm nặng. Thức ăn bố mẹ để lại ngày một ít đi. Do đói, rét và chăm anh nên
thỏ Trắng cuối cùng cũng bị ốm. Gió và mưa mỗi lúc càng mạnh, khiến căn nhà nhỏ
vốn đã chông chênh, giờ đây như muốn đổ sập. Không còn một nhánh củi khô nào,
thức ăn cũng đã cạn hết. Nhìn hai người anh ốm mê man, chân tay lạnh ngắt khiến
Thỏ Ngọc rất xót xa...Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng cô bé đã vui sướng khi
nhìn xuống mái tóc của mình. Đúng rồi, cô sẽ cắt mái tóc của mình để làm củi
đốt sưởi ấm cho 2 anh...Khi 2 người anh tỉnh dậy thì thấy Thỏ Ngọc nằm bất
tỉnh, hai anh vội lay gọi em. Thì ra, sau khi cắt đi mái tóc của mình để sưởi
ấm cho 2 anh, cô bé còn cắn bật máu tay
mình để tiếp sức cho 2 anh. Thỏ Trắng và Thỏ Nâu khóc gào gọi tên em,
nhưng Thỏ Ngọc vấn nằm im, mắt nhắm nghiền. Vừa khi đó bố mẹ của 3 anh em cũng
về đến, trên tay họ là giỏ bánh bột trắng thơm phức. Các con ơi, bố mẹ đã kiếm
được thức ăn rồi!. Nhưng tiếng reo của họ đã vội ngừng lại khi nhìn thấy cô con
gái út Thỏ Ngọc. Con ơi tỉnh dậy mà nếm miếng bánh bố mẹ đã mang về này. Nhưng
mặc cho bố mẹ gọi, Thỏ Ngọc đã vĩnh viễn rời xa. Cô bé đã tiếp sức cho 2 anh
đến giọt máu cuối cùng.
Những chiếc
bánh bột trắng tinh khiết (Sau này chính là bánh dẻo) đã thấm đầy nước mắt của
thỏ bố, thỏ mẹ và 2 thỏ anh, trở thành một màu nâu vàng sẫm, giống như những
ngọn lửa đang cháy (Đó chính là món bánh nướng ngày nay). Dường như tình yếu
thương dâng trào quá lớn, không ai còn cảm thấy đói và rét nữa. Câu chuyện này
đã làm cảm động đến Ngọc Hoàng thượng đế, nên Người đã ban cho Thỏ Ngọc sống
lại, cả gia đình ôm lấy nhau mừng rỡ. Thỏ Ngọc đã xin với Ngọc Hoàng ban cho
dân làng không còn bị đói rét nữa. Cũng vì vậy mà ngày tết Trung Thu bây giờ
không còn có gió rét như xưa.
Để ghi nhớ
tấm lòng hiếu thảo của bé Thỏ Ngọc, từ đó người ta đã lấy ngày rằm tháng tám là
ngày tết Trung Thu dành cho các bạn nhỏ chăm ngoan. Một mâm cỗ Trung Thu, dù to
hay nhỏ thì đĩa bánh dẻo và bánh nướng vẫn luôn là những món được trưng bày
thật trang trọng.
Từ những điều
kể trên cho ta thấy, tết Trung Thu của Người Việt đã có từ xưa. Có chăng là sau
này tiếp xúc với nền văn hóa Trung Hoa cả một thời gian dài, sự giao thoa văn hóa
đã du nhập thêm một số tập tục và thành tố văn hóa của người Trung Hoa, âu cũng
là để làm phong phú thêm cho văn hóa tết Trung Thu của người Việt Nam ./.
Mạnh Nguyên