Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

21 tháng 2 2015

VỀ HƯU

(Nguồn từ "Tinh thơ ta gửi cho nhau" - người đăng Phạm Ba Hà)


Hôm qua "ấn kiếm" cầm tay
Nhận tờ quyết định thành ngay dân thường
Hết rồi ngày tháng lo toan
Không còn thấy cảnh trái ngang trên đời.
Chẳng còn chạy ngược chạy xuôi
Người khen, kẻ nịnh một thời cửa quan
Về hưu sống cảnh an nhàn
Những phường cơ hội không còn đến thăm
Hết rồi những oán cùng ân
Không còn cái cảnh lo toan “ phong bì”
Nhìn xe” bóng” thấy hững hờ!
Nhà hang khách sạn bây giờ tránh xa
Hết rồi “sáo nhị đàn ca”
Một đêm ăn trọn cả tòa binh đinh!
Còn đâu nữa những tiệc mừng
Nâng một ly hết cả ngàn cân ngô!
Về hưu viết chuyện làm thơ
Gửi cho tòa soạn đợi chờ hồi âm!
Một thời giả điếc giả câm
Về hưu thỏa chí tang bồng rong chơi
Chuyện xưa ai hỏi chỉ cười
Hơi đâu vạch áo cho người phơi lưng!
Lương hưu tùng tiệm đủ dùng
“Khóc, cười” đi khắp miền, vùng gần xa
Con lớn thì bố mất nhà
Có cháu thời ắt phải bà xa ông
Về hưu tự tại ung dung
Bạc phơ mái tóc sống cùng nhân gian!
                                     Khuôn Viên Tư Gia

11 tháng 2 2015

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN PHI CÔNG JORDAN BÌNH THẢN KHI BỊ THIÊU SỐNG


Trong đoạn video thiêu sống phi công người Jordan mà IS công bố, nhiều người cảm thấy khó hiểu khi anh không hề tỏ ra sợ hãi hay la hét ngay khi cận kề cái chết thảm khốc.

Theo tin tức từ tờ Burnews.com của Saudi Arabia ngày 10/2, lý do cho vẻ mặt bình thản, không chịu khuất phục của phi công người Jordan Moaz al-Kasasbeh trước lúc bị hành hình là bởi anh đã bị đánh một loại thuốc đặc biệt khiến anh này không thể ý thức được những gì đang diễn ra trước khi bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) thiêu sống trong một chiếc lồng sắt.
Đoạn video dài 22 phút được IS tung lên mạng cách đây không lâu quay cảnh thiếu úy phi công Kasasbeh tỏ ra bình thản một cách đáng ngạc nhiên khi bị nhốt trong một chiếc lồng với bộ quần áo ướt đẫm xăng. Viên phi công này cũng không hề tỏ ra sợ hãi khi một chiến binh IS châm ngọn đuốc vào vệt xăng dẫn đến chiếc lồng sắt.

Trang Burnews.com cho biết các chuyên gia của họ đã phân tích rất kỹ đoạn video trên và đưa ra kết luận rằng Kasasbeh đã bị IS cho sử dụng một loại thuốc đặc biệt khiến anh này rơi vào trạng thái lơ mơ và không nhận biết được những gì đang diễn ra xung quanh.
Báo cáo trên tờ này cũng trích dẫn một nguồn tin không xác định nói rằng, “các trung tâm cảm giác” của Kasasbeh đã bị đốt cháy nhanh chóng khi ngọn lửa liếm vào bộ quần áo cam mà phi công đang mặc, khiến anh không thể vùng vẫy. Kasasbeh chỉ bắt đầu giãy dụa khi ngọn lửa trùm hết lên người anh, biến anh thành một ngọn đuốc khổng lồ.

Chuyên gia này nhận định: “Điều đáng chú ý là Kasasbeh dường như mất nhận thức và không nhận thấy những gì đang chờ đợi mình, do đó anh ấy không hề tỏ ra sợ hãi”.
Tuy nhiên, sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều người đã cho rằng đây không phải là sự thật. Họ tin rằng phi công Jordan đã anh hùng, dũng cảm đến tận phút cuối, vẫn cầu nguyện khi ngọn lửa lan gần vào chiếc lồng sắt và biến anh thành một ngọn đuốc sống.

Các quan chức Jordan tin rằng Kasasbeh đã bị IS sát hại cách đây hơn một tháng, và sau đó IS đã nói dối về số phận của viên phi công này nhằm trao đổi con tin người Nhật lấy một “góa phụ đen” bị Jordan kết án tử hình.
Ngay sau khi đoạn video được công bố, Vua Abdullah của Jordan đã thề sẽ trả thù “tàn khốc” đối với phiến quân IS, và chính phủ Jordan cũng nhanh chóng tử hình 2 phiến quân IS bị họ giam giữ, trong đó có “góa phụ đen” Sajida al-Rishawi.

Chính phủ Jordan đã thực hiện liên tục các cuộc không kích chống lại các mục tiêu IS ở Raqqa – thành lũy ở Syria. Trong 3 ngày, lực lượng không quân nước này đã tiến hành 56 cuộc tấn công vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria.
                                                                            Theo Yên Yên (tổng hợp)
                                                                                                   Nguồn : Người đưa tin





07 tháng 2 2015

TƯƠNG TƯ …TRĂNG


Đêm rằm tựa cửa nhìn trăng
Hỏi em Ngọc Thỏ: Chị Hằng bao xuân,
Đường tình trăm nẻo trầm luân
Nỡ mang rải khắp xa gần thế gian?
Cho đời mắc lưới đa đoan
Cô đơn bao kẻ hờn oan vị tình…
                   *
Trăng lả lướt lung ling mặt sóng,  
Tỏa ánh vàng nhả bóng soi gương.    .
Ngổn ngang trăm nhớ ngàn thương
Hồn thơ du mộng đêm trường nôn nao.
Thả tình lơ lửng tầng cao,
Ấp e nhành liễu rì rào hương xuân.
Ngàn năm chẳng vết phong trần
Để cho bao kẻ tần ngần…Tương tư!
                                   Mạnh Nguyên

                         Trước Xuân Ất Mùi(2015)

05 tháng 2 2015

"CUỘC CHIẾN" CON RUỒI TRONG CHAI NƯỚC

                                                                      (Theo Tuổi trẻ online)

TT - Vụ anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang bị bắt giữ, bị cho là tống tiền doanh nghiệp bằng một chai nước có ruồi đang gây chú ý của dư luận với nhiều cách nhìn khác nhau.
              
           

Ba mẹ của anh Võ Văn Minh cho biết đến bây giờ vẫn không rõ anh Minh bị bắt vì tội gì - Ảnh: H.Thương
Là người nhận lời đề nghị của gia đình anh Võ Văn Minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Ðoàn luật sư TP.HCM) cho biết ông đã về Tiền Giang gặp gia đình anh Minh tìm hiểu vụ việc.
Luật sư Thi còn nói ngày 3-2, gia đình anh Minh có làm đơn xin bảo lãnh cho anh Minh được tại ngoại nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận.
Bị bắt khi đang nhận tiền
Ngày 27-1-2015, anh Võ Văn Minh bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tang vật thu được là một chai nước dán nhãn Công ty Tân Hiệp Phát có một con ruồi bên trong và 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát giao cho Võ Văn Minh.
Vụ việc được cơ quan công an thực hiện theo đơn tố cáo của Công ty Tân Hiệp Phát. Anh Võ Văn Minh bị tạm giữ hình sự từ ngày 27-1-2015 đến nay và chai nước có chứa ruồi được cơ quan công an trưng cầu viện khoa học hình sự giám định, nay chưa có kết quả.
Theo Luật sư Nguyến Tấn Thi thì, anh Minh bán chai nước cho khách thì khách hàng phát hiện bên trong có ruồi và trả lại cho anh.
Anh Minh đem cất chai nước, sau đó gọi điện phản ảnh đến nhà sản xuất là Công ty Tân Hiệp Phát với yêu cầu kèm theo là phải bồi thường 1 tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết theo thông tin từ báo chí, anh Minh có nói nếu không trả 1 tỉ đồng thì sẽ giao cho báo chí và in tờ rơi để phát tán cho nhiều người cùng biết. Công ty Tân Hiệp Phát cử ngay người đến gặp anh Minh để kiểm tra chai nước và thương lượng bồi thường.
Sau hai lần gặp gỡ tại một quán nước gần nhà anh Minh, hai bên thống nhất số tiền Công ty Tân Hiệp Phát trả cho anh Minh là 500 triệu đồng.
Ðến thời điểm hẹn giao nhận tiền thì anh Minh bị Công an Tiền Giang bắt. Ðến nay chưa có thông tin khởi tố vụ án.
Khách hàng có quyền thương lượng
Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, khi gặp trường hợp như anh Minh, người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường.
Luật quy định trong thương lượng, anh Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm, đồng thời có quyền đưa ra số tiền tùy ý.
Nếu anh Minh có nói sẽ gây thiệt hại cho Công ty Tân Hiệp Phát thì thật ra chỉ là cảnh báo hậu quả để giành lợi thế trong thương lượng, chứ không phải là lời “đe dọa”.
Công ty Tân Hiệp Phát chấp nhận vì lợi ích của công ty chứ không bị khống chế hay đe dọa gì. Công ty Tân Hiệp Phát lựa chọn phương thức giải quyết thông qua thương lượng thì phải tuân thủ các quy định liên quan phương thức này.
Vấn đề cần bàn là hành vi của anh Minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Yêu cầu có thể không chính đáng nhưng pháp luật cho phép họ thương lượng, nghĩa là chấp nhận cho họ đề đạt yêu cầu.
Công ty Tân Hiệp Phát có chấp nhận hay không là quyền của Tân Hiệp Phát, nếu không giải quyết thông qua thương lượng hòa giải được thì anh Minh có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Bình luận về vụ việc, luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Ðoàn luật sư TP.HCM) nói trong vụ việc này công an phải làm rõ chai nước có ruồi có phải là sản phẩm của Tân Hiệp Phát sản xuất hay không?
Anh Minh có mở chai nước đó ra rồi bỏ ruồi vào để tống tiền, uy hiếp Tân Hiệp Phát hay không? Nếu anh Minh là khách hàng của Tân Hiệp Phát, bỏ tiền ra để mua chai nước đó thì rõ ràng anh Minh là người bị thiệt hại.
Khi khách hàng bị thiệt hại, họ có quyền yêu cầu bồi thường, mức bồi thường bao nhiêu còn tùy vào đạo đức và ý nghĩ của từng người. Trong vụ việc cụ thể này, về mặt luật pháp anh Minh không sai, nhưng về mặt đạo đức thì có thể chưa được bởi mức yêu cầu bồi thường rất lớn.
“Riêng phía Tân Hiệp Phát, tôi cho rằng công ty này không giữ chữ tín đối với khách hàng. Công ty đã thỏa thuận về mức bồi thường cho khách hàng, tức là Tân Hiệp Phát nghiễm nhiên coi việc lỗi sản phẩm là chính xác, việc yêu cầu bồi thường của khách hàng là chính đáng.
Nhưng sau khi thỏa thuận xong, nếu có chuyện doanh nghiệp này tố cáo với công an, theo tôi, về mặt đạo đức Tân Hiệp Phát cũng không hơn gì khách hàng ấy” - luật sư Nghiêm nói.
Có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản
Khác với ý kiến của hai luật sư nêu trên, kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM) nói:
“Nếu đúng là ông Võ Văn Minh có các hành vi như gọi điện thoại cho đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát để đòi số tiền 1 tỉ đồng (sau đó đồng ý nhận 500 triệu đồng), nếu không sẽ làm mất uy tín của công ty thì hành vi này được coi là dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Theo ông Nguyễn Văn Chung, trường hợp khách hàng phát hiện dị vật trong thực phẩm của một hãng nào đó, nếu được đại diện của nhà sản xuất thương lượng để bồi thường, thỏa thuận này là tự nguyện giữa hai bên để đảm bảo uy tín của nhà sản xuất thì đó là quan hệ dân sự bình thường.
Nhiều công ty, hãng sản xuất tự nguyện bồi thường số tiền gấp nhiều lần sản phẩm bị lỗi cho khách hàng để đảm bảo uy tín của mình.
Tuy nhiên, nếu khách hàng nhân sự kiện này cố tình đe dọa, dùng các biện pháp khiến phía công ty phải lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, rồi sau đó phải đưa tiền (một cách không tự nguyện, bị ép buộc) thì hành vi đó có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, tòa hình sự TAND TP.HCM, nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là cần phải điều tra làm rõ có dấu hiệu ông Minh dùng con ruồi để đe dọa phía công ty ra sao"
Theo thẩm phán Nghĩa, kết quả điều tra đối với hành vi “đe dọa” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phải làm rõ việc phía công ty có thật sự bị sức ép, bị đe dọa đến mức phải đưa tiền hay không mới có thể kết luận hành vi của ông Minh là tội cưỡng đoạt tài sản.
Nếu ông Minh như một khách hàng bức xúc trước việc phải dùng một sản phẩm kém chất lượng, đòi công ty phải bồi thường cho mình thì đó là việc đòi quyền lợi chính đáng của khách hàng, không thể bị xử lý hình sự về việc này”.
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa cũng cho rằng nếu thực tế có con ruồi trong chai nước ngọt thì có thể thấy việc ông Minh đưa ra yêu cầu đòi công ty phải bồi thường là quyền của khách hàng, kể cả số tiền đòi bồi thường đó rất lớn, tới 1 tỉ đồng hay 500 triệu đồng.
Việc có côn trùng trong thực phẩm là một sai sót nghiêm trọng nên nhiều trường hợp nhà sản xuất sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn gấp nhiều lần so với giá trị sản phẩm để bồi thường cho khách hàng nhằm bảo vệ uy tín của thương hiệu.

                                                                                                                              HÀ CHÂU - CHI MAI

* Ông PHẠM LÊ TẤN PHONG (giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát):
Chúng tôi không muốn đối kháng với người tiêu dùng
Cũng như bao doanh nghiệp khác, nhà sản xuất chúng tôi luôn muốn đồng hành với người tiêu dùng chứ không phải đối kháng.
Bản thân Tập đoàn Tân Hiệp Phát luôn đặt tiêu chí sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn nhất cho người tiêu dùng sử dụng, cho nên người tiêu dùng chính là ân nhân, bởi không có họ thì không thể nào có doanh nghiệp, có Tân Hiệp Phát như hiện nay.
Việc quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đôi khi có xảy ra “trục trặc” mà nguyên nhân có thể do chủ quan hoặc khách quan thì có Luật bảo vệ người tiêu dùng giải quyết. Nếu nhẹ nhàng, hai bên cùng trao đổi, chia sẻ để hiểu nhau.
Nếu để đi đến tranh chấp hay khiếu nại cũng có sự hòa giải thông qua hội bảo vệ người tiêu dùng.
Vì Luật bảo vệ người tiêu dùng có quy định: nếu doanh nghiệp sản xuất ra một sản phẩm bị lỗi mà người tiêu dùng phát hiện thì nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm lỗi, đồng thời bù lại cho người tiêu dùng một sản phẩm tương ứng không bị lỗi nữa.
Nếu người tiêu dùng hiểu được điều này thì sẽ chấp nhận. Còn một khi không hiểu luật, hoặc có thể do mong muốn chủ quan, hay vì lý do khác mà người tiêu dùng đòi hỏi cao hơn, muốn nhiều hơn thì lại là vấn đề khác.
Chúng tôi luôn muốn thỏa mãn tất cả nhu cầu của khách hàng, kể cả đó là khiếu nại, chứ còn hướng đến xử lý bằng biện pháp mạnh, có liên quan đến luật pháp, chúng tôi hoàn toàn không muốn.
Trường hợp đã xảy ra và đang xử lý không phải là trường hợp đầu tiên Tân Hiệp Phát đối mặt. Nhưng nó là trường hợp đầu tiên người tiêu dùng có những mong muốn quá mức cần thiết đối với nhà sản xuất.
Tân Hiệp Phát chỉ mong muốn người tiêu dùng hiểu biết pháp luật để hành xử cho đúng nhằm tránh xảy ra những việc đáng tiếc.
                                                                                                          TRẦN VŨ NGHI ghi