Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

23 tháng 12 2015

LÁ THƯ CỦA ÔNG BỐ GỬI CHO CON BÁN HÀNG ĐA CẤP

...

"Con trai yêu mến của bố!
Hôm nay ở quê bố mở cờ níp trên mạng ra thấy con và các bạn hò hét cái gì mà “Tôi Trạch Văn Đoành 25 tuổi, mục tiêu của tôi đến tháng 12 năm 2016 là kiếm được 1 triệu USD và mua được căn hộ ở Ciputra.
Tôi hành động bất chấp khó khăn, bất chấp nỗi sợ hãi”, thì con biết sao không?
Con ạ, mẹ con nghe xong hoa mắt ngã cái rầm ngay tại chỗ, bố và các em phải cho uống 6 thìa nước đường mới tỉnh dậy được.
Con ơi, mày giàu có thế mà giấu tiệt bố mẹ là sao hở con? Mẹ con tỉnh dậy nói với bố, ông này một năm nữa nó có một triệu đô và mua được nhà chung cư thì ít nhất bây giờ trong tay nó phải có cỡ vài tỉ bạc.
Ông bảo nó về quê trả nợ họ hàng cho tôi cái, với lại mang cái xe đạp mini tàu về cho tôi đi chợ, nó giàu rồi chắc đi xe con.
Thấy mẹ xúc động, sợ ảnh hưởng tim mạch, bố an ủi.
Chắc nó nói phét đấy, tháng trước xách gạo lên Hưng Yên thăm nó, thấy nó vẫn ở trong nhà trọ mái fibro xi măng nóng hầm hập, sáng dậy ngáp 6 cái, uống cốc nước lọc, khoác bộ vest đen mua 100 nghìn chợ Kim Liên rồi đi làm kia mà.
Đoành ơi, mày nói thật với bố đi, thần kinh con dạo này vẫn bình thường chứ?
Bố hỏi thế vì bố xem trên mạng có con bé mặt mũi cũng sáng sủa đứng trước hội trường hô khẩu hiệu xong khóc nức nở, con và các đồng nghiệp ôm chầm vỗ về động viên.
Con ạ, ban đầu bố cứ tưởng mày lợi dụng sờ mó... nhưng không ngờ mày mếu máo khóc theo như cha chết. Mày không bị thần kinh thì ma ám mày rồi hả con.?
...thằng cha mày thì đói nhăn răng, sáng ăn cơm nguội đi cày, tối úp mì tôm Hảo Hảo ăn coi bóng đá đây này, sao mày không khóc?
Đoành ơi, con trai ngu muội của bố ơi, nãy giờ bố troll mày đấy, giờ bố mới nói thật này!
Bố mặc dù ở quê đi cày nhưng không cái gì qua được bố đâu. Cái thằng diễn giả dạy mày cách làm giàu, bố nói thật, một là thất nghiệp..., hai là loại ba hoa chích chòe....
Con ạ, thằng giàu thì nó không ngu gì dạy đứa khác cách làm giàu đâu. Như mẹ mày ở quê đây, mẹ con nấu riệu ngon và bán chạy nhất làng, ai hỏi bí quyết bố toàn xui mẹ bày đểu hoặc giấu nghề.
Ngu gì nói bô bô cho cả làng biết cách nấu riệu ngon. Thế mà gia đình ta còn đói bỏ xừ, có cái mini tàu mày cũng mang đi thì biết rồi đấy.
Bố nghe nó dẫn chứng Bill Gates, Stever Jobs, Mark Juckerberg…trở thành tỉ phú từ một người bình thường để lòe con rằng họ làm được sao chúng ta không làm được?
Rằng nếu bố bạn nghèo, ông bạn nghèo thì bạn nên mừng vì không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Con ơi, Đoành dại dột và ảo tưởng của bố ơi!
Bố mà giàu, bố cho mày du học bên Tây hoặc chạy cho mày vào cơ quan ngon ngon lắm lộc lá, chứ không ngu gì để con cắp đít chạy theo bè lũ bán xoong nồi, thực phẩm chức năng và máy chi đó phục hồi sức khỏe.
Có nhiều cách làm giàu không khó… nhưng không có ai giàu và thành công bằng cách kéo nhau ra đường hò hét “Tôi thành công vì tôi bất chấp tất cả” như con trong cờ níp Đoành ạ!
Thôi thư vắn tình dài, bố không muốn nói lắm. Bố dặn con vài điều trước khi lùa trâu ra đồng.
Tốt nhất con về đi cày với bố, hoặc tăng gia sản xuất, nuôi gà vịt, thả cá trê, rô phi đơn tính, làm ít năm cưới con vợ, sinh con cho mẹ mày đỡ lo.
Nếu không về thì đi học lấy cái nghề sau này nuôi thân, đừng sáng uống nước lọc, diện comple, đi giày đen, ngồi mini tàu nói chuyện lên mặt trăng trong khi răng dính toàn rau muống.
Lừa ở đâu thì lừa, xin con đừng bất chấp khó khăn, bất chấp tất cả, gọi điện cho họ hàng gạ mua xoong chảo, nồi niêu và thực phẩm chức năng nữa. Vừa rồi giỗ tổ ai cũng nhìn bố như kẻ thù con biết không?
Và cuối cùng... anh mang ngay cái xe đạp mini tàu về cho mẹ đi chợ.
Bố tội nghiệp của con”.
                                                                                                Trạch Văn Hoành
Có vẻ từ lâu nghề này đã nhận không ít những ánh nhìn ái ngại bởi sự biến tướng của nó khi về Việt Nam. Khiến nhiều người phải rơi vào tình trạng nợ nần hay phải đi lừa đảo người khác mới kiếm được tiền.
Hiện tại, bức thư bá đạo này đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội bởi tính chân thực thời sự của nó cũng như lối viết văn đầy mỉa mai, châm biếm dành cho nghề kinh doanh đa cấp.
“Biết là do một chàng trai khác viết mà vẫn thấy hợp lý. Cảm ơn “người cha” đã nói lên sự thật mà ai cũng mù quáng để làm giàu. Quê mình nhiều người làm nghề nay đều bị vỡ nợ và xấu hổ...".
                                                                                                    Lược trích
                                                                                              Theo Trí Thức Trẻ


13 tháng 12 2015

BÌNH LUẬN TRÊN FACEBOOK THẾ NÀO THÌ KHÔNG PHẠM LUẬT*

Việc bình phẩm, nhận xét so với việc cố tình xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác rất dễ bị nhầm lẫn là một. Vậy nên, người dùng Facebook có thể bị rơi vào trường hợp như các vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua.

Vừa qua, đã có nhiều tranh luận xung quanh vụ việc một số cán bộ “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên mạng xã hội Facebook. Sau đó không lâu, tại Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), một sinh viên khoa Cầu đường đã bị triệu tập để làm rõ hành vi bình luận chưa phải phép với Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế của ngôi trường này.
Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ việc khác liên quan tới bình phẩm trên Facebook. Qua đó có thể thấy, Facebook - một môi trường ảo, nhưng đang có những tác động nhất định vào đời sống thật.
Đánh giá về thực trạng mạng xã hội hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn - chuyên gia công nghệ của một công ty quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam - cho biết: Theo thống kê mới nhất từ Facebook, Việt Nam có hơn 30 triệu người dùng Facebook, và mỗi người dành trung bình 2,5 giờ để lướt Facebook mỗi ngày.
“Để mường tượng sự khổng lồ của con số này, có thể hiểu cộng đồng Facebook tại Việt Nam đang chiếm 1/3 dân số Việt Nam và gấp 4 lần dân số của Lào. Điều đáng nói ở đây là mỗi người trên Facebook đều có quyền tự viết bài và đăng tải thông tin. Theo tôi, đây chính là lý do tại sao các thông tin hiện nay được truyền tải rất nhanh, đơn cử như sự kiện khủng bố liên hoàn tại Paris (Pháp) vừa rồi. Thậm chí, thông tin xuất hiện trên Facebook còn nhanh hơn cả các báo lớn danh tiếng của nước Pháp”, ông Tuấn nói.



Thống kê lượng người dùng Facebook tại Việt Nam và các nước trong khu vực, tính đến tháng 11.2015. 
(Nguồn: Statista)
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Trưởng đại diện Văn phòng luật sư Thạch Thảo) nêu quan điểm: “Người dùng Facebook phải hết sức tỉnh táo, đặc biệt đừng nghĩ rằng Facebook là mạng xã hội không ai kiểm soát nên cho mình toàn quyền quyết định những nội dung, thông tin muốn đăng tải. Việc bình phẩm một ai đó, như lãnh đạo hoặc cấp trên hoàn toàn không có gì sai nếu những câu bình phẩm mang tính chất nhận xét về cách làm việc hay thái độ cư xử của họ. Đó là những thông tin phản ánh hết sức cần thiết để những người bị bình phẩm tự soi lại mình và có những điều chỉnh sao cho phù hợp và tốt hơn”.
Tuy nhiên, theo luật sư Thảo, việc bình phẩm, nhận xét so với việc cố tình xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác rất dễ bị nhầm lẫn là một. Vậy nên người dùng Facebook có thể bị rơi vào trường hợp như các vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua. Ngoài ra, cũng có trường hợp người dùng Facebook cố tình gây nhập nhằng giữa tự do ngôn luận và xúc phạm danh dự, uy tín người khác.
“Hiện nay, có một số người cho rằng, quyền tự do ngôn luận là quyền được pháp luật cho phép và bảo vệ, mọi người đều có quyền phát ngôn của mình. Đúng là pháp luật cho phép tự do ngôn luận, nhưng không đồng nghĩa với việc lợi dụng quyền đó để xúc phạm danh dự người khác hay bịa đặt thông tin, vu khống”, luật sư Thảo nói thêm.

Người dùng cần phải tỉnh táo khi sử dụng Facebook để tránh những sự cố 
có thể xảy ra liên quan tới pháp luật. 
(Ảnh minh họa: WP)
Trước đó, chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng nhấn mạnh: “Mạng xã hội là tiến bộ của nhân loại, là sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Do đó, phải tìm cách để mạng xã hội phát triển lành mạnh, không thể vì một lý do nào đó mà hạn chế, ngăn cản mạng xã hội phát triển”.
Song song với đó, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá, mạng xã hội hiện nay còn nhiều bất cập, như: Thông tin dàn trải, vụn vặt, hỗn tạp, mang tính cá nhân; bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông và phản ứng dây chuyền; thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, có nội dung phản cảm, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục…
Làm nhục người khác có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết: Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó đã qua đời, mất năng lực hành vi dân sự hay chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy, bất cứ hành vi nào khác xâm phạm đời tư của cá nhân mà chưa được sự đồng ý của người đó đều là vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm, những người này sẽ bị kiện ra tòa để bồi thường thiệt hại do uy tín danh dự của đối phương bị xâm phạm. Cụ thể, người này có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật hình sự (BLHS) về “tội làm nhục người khác” hoặc Điều 122 BLHS về “tội vu khống”.

Theo Ngọc Phạm (danviet.vn)

* Tiệu đề được sửa lại.