Nhân có ý kiến của bộ trưởng Giáo dục về việc “Bộ chính thức không bắt buộc giáo viên
làm sáng kiến kinh nghiệm”. Mõ tôi xin có mấy lời bình như sau:
Lâu nay cái “ căn bệnh phong trào” như
đã ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng của nhiều cấp, nhiều ngành rồi. Vì vậy ở đâu
cũng đua nhau “Sáng kiến kinh nghiệm” nở như hoa dại giữa mùa mưa.
Của đáng tội, tục ngữ đã có câu: “Của
rẻ là của ôi; của đầy nồi là của không ngon”. Việc phát huy tính sáng tạo, sáng
kiến kinh nghiệm hay đương nhiên là tốt. Nhưng không phải ai, chỗ nào và ở
đâu cũng có thể nẩy ra được sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt. Điều ấy còn phụ
thuộc vào trình độ, khả năng và cả một quá trình khổ công nghiên cứu. Điều cốt
yếu là người đưa ra sáng kiến phải thực sự có niềm đam mê tâm huyết, chứ không
phải cứ thúc ép mà thành. Vì vậy, việc áp đặt cho mọi người đều phải làm sáng
kiến kinh nghiệm thì cái hay, cái tốt đâu chưa thấy, nhỡn tiền là đẻ ra không ít cái dở hơi!.
Mấy năm qua cũng vì sức ép từ các nhà quản lý, mọi người đều phải cố mà nặn ra sáng kiến, trước là để đáp ứng
yêu cầu và sau là “không thua chị, kém em”. Vì cố để có một cái gì
đó được gọi là sáng kiến, cho nên phần nhiều chưa thấy sáng ở đâu, có khi áp
dụng vào thực tiễn nó lại thành tối kiến mới buồn.
Cách đây không lâu, để đồng cảm với
cái khổ của người dân vì các sáng kiến. Mõ tôi cũng đã viết mấy vần thơ, nay
xin được đăng lại để cộng đồng mạng cùng chiêm nghiệm:
MỘT THỜI SÁNG KIẾN
Để thành chiến sĩ thi đua
Phải chưng sáng kiến, chẳng đùa được đâu
Thế là thiên hạ đua nhau
Nặn ra “sáng kiến” để cầu được khen
Mỗi ngành mỗi kiểu đua chen
Mới thay, cũ đổi đảo điên tùng
phèo
Trên hô, dưới phải tuân theo
Triển khai “sáng kiến” cấm kêu,
cấm bàn
Làm không được cũng phải làm,
Vẫn là chiếu lệ: Lệnh quan dân
tòng!
*
Đổi thay nhân sự lòng vòng
Ấy là “luân chuyển”, chuyện không
phải bàn!
Từ ngày “sáng kiến” được ban
Cửa quan càng thấy rộn ràng lắm
thay
Người đi kẻ ở ai hay?
Tiền tươi, quà biếu càng đầy túi
tham.
*
Học hành giữa buổi gian nan
Cũng vì sáng kiến phất tràn cung
mây
Trẻ thành “chuột bạch” cả bầy
Phụ huynh nhớn nhác, cô - thầy
ngẩn ngơ…
*
Chuyện nhà chuyện đất bây giờ
Nhiều quy định mới lơ mơ khó
lường
Muốn sang đất, phải có đường
([1])
Mặc cho dân khó chẳng thương,
chẳng chờ.
*
Mong sao cho đến bao giờ
Trên thôi sáng kiến dân nhờ được
chăng?
Cả Mõ