![]() |
Khổng Tử với học trò |
Xưa nay chữ hiếu (孝) vốn được hiểu khá giản đơn, là sự trả nghĩa của con cháu
với cha mẹ, ông bà - theo triết lý "Trẻ
cậy cha, già cậy con". Khi con còn nhỏ thì cha mẹ chăm chút nuôi
dưỡng, ngược lại khi cha mẹ về già thì con cháu lại có trách nhiệm chăm sóc trở
lại. Điều đó không sai, nhưng theo Khổng Tử (Người được suy tôn
như một trong những nhà khai sáng Nho giáo,
đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông) thì đó là chưa đủ.
Bởi ý nghĩa sâu xa về Nho giáo của chữ hiếu
(孝) - theo chiết tự hình thái cấu trúc thì nó được
biến thể từ chữ lão (老). Chữ lão (老) bao
gồm chữ thổ (土) mà
chữ thổ lại được cấu tạo bởi chữ thập (十) - biểu tượng cho dương thế, đặt trên chữ nhất (一) là ranh giới dương thế với âm phủ. Xuyên qua nó là bộ phết (phiệt; 丿) - là nét sổ qua trái,
tựa như nhát mai đào đất. Cuối cùng là bộ chủy (匕) - tựa như cái quan tài nằm ở dưới, ý nhắc nhở cho những ai
đã lên lão thì quỹ thời gian không còn đáng là bao, họ nên tranh thủ làm nốt những
điều cần để lại cho đời.
Từ chữ lão (老) biến thể ra chữ hiếu (孝), xét về cấu trúc
chỉ khác ở chỗ, chữ tử (子
- con) được thế vào vị trí của bộ chủy (匕 - cái quan tài). Có ý là, khi người con đã sẵn sàng làm bất cứ
việc gì cho cha mẹ đẹp lòng thì dù phải chết thay cha mẹ họ cũng làm, đó là chữ
hiếu!.
Theo sách xưa thuật lại cuộc trò
chuyện giữa Khổng Tử và học trò của ông là Tăng Tử, khi
nói về "Lòng hiếu thảo - được coi như trung tâm vai trò đạo đức của
Nho giáo",
Khổng tử cho rằng, chữ hiếu cần được chia làm 3 cấp độ:
![]() |
Tượng Khổng Tử tại Bắc Kinh-Trung Quốc |
Đại hiếu – Tôn thân,
có nghĩa là hiếu thảo lớn nhất của người con là sự phấn đấu tự tôn cho chính bản
thân mình; phải biết chăm chỉ học tập, rèn dũa để trở nên người có đức, có tài
– làm được việc lớn, không chỉ rạng danh cho cá nhân mình mà còn làm mát lòng
cha mẹ và vinh danh cho dòng họ, tổ tông.
Kỳ thứ - Phất nhục,
nghĩa là không được làm điều xấu xa, gây ảnh hưởng đến cha mẹ, dòng họ. Ví như,
những kẻ không chịu tu tâm dưỡng tính mà làm những điều xằng bậy: Ăn cắp, hại
người, gây rối loạn xã hội... rồi phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đó là
những việc làm không chỉ gây tổn hại cho bản thân mà còn làm nhục nhã cho đấng
sinh thành. Vì vậy cấp độ thứ hai về chữ hiếu là phải tránh cho được những điều
như vậy.
Kỳ hạ - Năng dưỡng,
nghĩa là trách nhiệm phụng dưỡng của con cái với cha mẹ; "dưỡng
nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, ma chay hết sức xót thương, tế
lễ nghiêm trang rất mực" . Đó là cấp độ thứ ba của lòng hiếu
thảo.
Như vậy, để làm trọn vẹn được chữ hiếu thì trước tiên người làm
con phải phấn đấu tiến bộ để vinh thân chứ chưa hẳn chỉ là cúc cung phụng dưỡng.
Mà để thực hiện được Kỳ thứ, Kỳ hạ đương nhiên phải có được sự tôn thân. Đó mới
là điều kiện cần và đủ cho vẹn toàn chữ hiếu. Tuy nhiên, với ba cấp độ nêu trên
thì không thể thiếu được cấp độ nào, bởi nếu chỉ Tôn thân mà không làm được Kỳ
thứ, Kỳ hạ thì trước sau sự tôn thân ấy cũng tan thành mây khói.
Thì ra điều mong mỏi lớn nhất của các đấng sinh thành vẫn là mong
con cháu phải rèn luyện cho tiến bộ. Phải chăng, sự mong mỏi ấy cũng hoàn toàn phù
hợp với câu tục ngữ "Con hơn cha là nhà có phúc" của người Việt chúng
ta.
C.M