Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 6 2019

KHI CÁI “CHỐNG” ĐÃ KHÔNG CÒN TÁC DỤNG

         Ngày còn học ở trường Y, một lần thực tập tại khoa Tai-Mũi-Họng, thầy hướng dẫn hỏi:
          - Chức năng của cái Amidan là làm gi?
          Mình thưa: Nó là trạm gác quan trọng của “ngã tư” giao nhau giữa đường thở với đường ăn; có vị trí rất quan trọng để kiểm soát, ngăn cản, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể …
          Chưa nói hết thì thầy lại hỏi tiếp:
          - Quan trọng thế, tại sao vẫn có chỉ định cắt bỏ?
          Hỏi vậy nhưng không đợi trả lời, thầy giải thích:
          - Tuy là trạm gác chống tác nhân gây bệnh, nhưng thằng cha này cũng dễ bị tha hóa. Khi bị nhiễm khuẩn nhiều lần, chữa trị không dứt điểm là nó không chỉ mất tác dụng, còn trở thành ổ nhiễm khuẩn khuẩn nguy hiểm, luôn gây nên những trận viêm. Nặng dần, thậm chí còn biến chứng sang các bộ phận khác. Trường hợp này việc xử trí tốt nhất là cắt bỏ!.
          Ngày ấy cả nước đang ở thời bao cấp, Palie được dựng khắp nơi nên ví dụ của thầy thật là dễ hiểu.
         Giờ đây những cái Palie “Ngăn sông cấm chợ” đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng xã hội càng phát triển thì song hành với nó cũng xuất hiện không ít nạn tiêu cực, tham nhũng. Bởi vậy cơ quan chống tham nhũng mới lại được thành lập và quy mô không chỉ vỏn vẹn như cái Palie của thời bao cấp.
Nhưng, dẫu có hiện đại hay thô sơ thì sự hỏng hóc cũng vẫn là có thể. Từ đó suy ra, vị phó phòng chống tham nhũng cùng bộ phận thanh tra bộ Xây dựng bị bắt quả tang đòi chung chi hối lộ cũng không ngoài quy luật này.
Bình luận của biên tập viên VOV1 đã đưa ra nhận định: “Đó chỉ là phần nổi của những tảng băng chìm” –  một cảnh báo rất đáng để suy ngẫm!.

                                                                                       C.M 

01 tháng 6 2019

SỢ GÌ HƠN CẢ

       Chuyện xưa kể rằng, trong nhà nọ có con hồ tinh không hiện hình bao giờ, nhưng vẫn thường trò chuyện với gia chủ.
Một hôm có khách đến chơi đông, sau một hồi mời rượu họ tán vui với nhau rằng: “Ai sợ cái gì nhất thì nói ra, nói vô lý thì phải bị phạt rượu”. Thế là mọi người cùng lần lượt nói, người nói là sợ hùm beo, hổ, báo; người lại bảo là sợ thần- thánh, ma quỷ, yêu tinh; sợ giặc, cướp, bão giông…”
Sau cùng hỏi đến Hồ Tinh thì Hồ Tinh mới đáp: Ta chỉ sợ mỗi hồ tinh!.
Nghe vậy mọi người cùng cười và bảo: “Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là hồ tinh còn sợ gì đồng loại. Vậy thì anh phải chịu phạt rượu!”
Hồ Tinh cũng cười và giải thích rằng:
- Thiên hạ chỉ duy có đồng loại mới phải sợ nhau. Vì cùng cha mới nảy sinh tranh chấp tài sản; cùng chồng mới có sự ghen tuông; quan đồng triều mới tranh quyền đoạt vị; lái buôn cùng chỗ mới nảy sinh tranh lợi…Bức nhau thì hại nhau, trở ngại nhau thì khuynh lát nhau. Người săn chim trĩ thì dùng trĩ làm mồi chứ không thể dùng gà hay ngỗng; người đánh chim ngói thì dùng chim ngói làm mồi, chứ không thể dùng chim ri hay chim sẻ…Phàm những việc phản gián đều phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy ra thì sao ta lại chẳng sợ giống hồ tinh!.
Nói đến đây mọi người cùng ồ lên tán thưởng, thừa nhận là Hồ Tinh nói có lý.
LỜI BÀN:
Trên đời phàm yếu thì sợ mạnh, kẻ dại sợ người khôn; loài vật sợ loài người vì hơn trí thông minh. Nhưng những cái sợ ấy là sợ có thể biết rõ được, mà đã biết rõ được ắt có cách đề phòng.
Duy có cái sợ kẻ đồng loại, sợ người đồng nghiệp mới là cái sợ thật khó lường. Bởi vậy, tất nhiên người phải sợ người hơn cả sư tử, hùm beo... Kẻ đồng loại sợ nhau hơn khác loài; người đồng nghiệp sợ nhau hơn người khác nghiệp. Tại sao?. Tại chỉ có cùng nhau một loài, cùng nhau một nghề mới nảy sinh ra cạnh tranh đá chọi lẫn nhau. Khi đã có cạnh tranh tất nảy sinh nhòm ngó, tìm cách kìm hãm, hại nhau để đoạt lợi cho mình. Thậm chí mang lực lượng, phương tiện cực mạnh để giết chóc lẫn nhau. Chiến tranh trên thế giới này giữa loài người với loài người đã hàng vạn năm nay mà chưa khi nào chấm dứt. Thật thảm thương thay!.
                                                                                  C.M
                                                                     Biên tập dựa theo sách:
                                                                   “ CỔ HỌC TINH HOA”