Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

05 tháng 12 2012

NUÔI DƯỠNG VÀ BẢO TỒN VỐN DÂN CA TRÊN QUÊ HƯƠNG BẢO THẮNG


           Huyện Bảo Thắng hiện có tới 68% dân số là người Kinh. Trong số này một phần lớn đồng bào thuộc các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình...được di dân theo chủ trương của Chính phủ, nhằm tăng cường phát triển kinh tế - văn hóa miền núi vào những năm đầu thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước.
          Cùng với việc bảo tồn và phát triển vốn văn hóa cổ truyền của các dân tộc anh em, thì các làn điệu dân ca của đồng bằng Bắc bộ cũng được bà con bảo tồn, phát triển trên quê hương Bảo Thắng. Đặc biệt là sự phát triển của nghệ thuật hát Chèo và dân ca Quan họ đã được duy trì ở nhiều câu lạc bộ như, câu lạc bộ Hát dân ca thị trấn Phố Lu; câu lạc bộ Hát chèo của xã Xuân Giao, Sơn Hà, thị trấn Tằng Loỏng...
Có thể nói, hát chèo và quan họ là những loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc của người dân Việt Nam từ bao đời nay, nó nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi chất trữ tình, đằm thắm và sâu sắc.
          Trong số những người tích cực cho sự gìn giữ và phát triển vốn dân ca ở Bảo Thắng, thì phải kể đến bác Mạnh Hoạch, Trần Thị Nhã - thị trấn Phố Lu; Vợ chồng anh Phạm Minh Toản, chị Bùi Thị Phiến - xã Sơn Hà; bác Lê Xuân Điệp- xã Xuân Giao; Trần Đình Ánh, Phạm Thị Yên - câu lạc bộ Hát chèo thị trấn Tằng Loỏng. Họ đã là những người thắp lên ngọn lửa cho phong trào gìn giữ vốn dân ca trên quê hương mới.         
          Câu lạc bộ hát dân ca thị trấn Phố Lu được coi là cánh chim đầu đàn trong phong trào hát dân ca của huyện Bảo Thắng. Đều đặn vào các tối thứ 5 và chủ nhật hằng tuần, thành viên câu lạc bộ lại họp mặt sinh hoạt tại nhà Văn hóa Trung tâm huyện lỵ. Từ đây, nhiều tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước đã được thăng hoa bởi những làn điệu chèo tự biên, tự diễn của các hội viên. Trần Thị Nhã - một người say mê hát chèo ở đất Phố Lu. Từ năm 1976, chị cùng gia đình đi Lào Cai, xây dựng quê hương mới, tuy xa quê hương Sông Châu - Hà Nam, xa ngôi làng có cây đa, bến nước, sân đình để sinh sống nơi núi rừng trùng điệp, với hoa văn thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng chưa khi nào chị quên nổi âm thanh, giai điệu của các làn điệu Hát thầm, Đào Liễu, Luyện Năm cung, Quân tử vu dịch. Được sự khích lệ của chồng là anh Nguyễn Văn Sỹ, Chị đã có được những tác phẩm khá hay. Theo nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Dương, nguyên Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, thì “chúng ta không mong ở trần Thị Nhã chất giọng chuyên nghiêp, có kỹ thuật thanh nhạc, nhưng quý trọng ở chị, mặc dù đã bước vào tuổi 56, giọng hát vẫn đằm thắm, nhiệt tình và thủy chung với cội nguồn văn hóa dân tộc”.
          Cùng cảm xúc của những người con trên quê hương mới, luôn hướng về nguồn cội. Chị Bùi Thị Phiến - người con của quê lúa Thái Bình cũng thổ lộ tình yêu quê mới, bằng những điệu hát Chèo và dân ca Quan họ tự biên. Chị đã cùng chồng là anh Phạm Minh Toản ghi một số đĩa CD, trong đó có những đĩa đã được đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Bảo Thắng giới thiệu trên chuyên mục văn nghệ cuối tuần.
Mặc dù vùng trung châu và đồng bằng Bắc bộ mới là cái nôi của hát Chèo và hát Quan họ. Nhưng từ cái nôi ấy, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật Chèo và Quan họ ngày càng phát triển, đã khẳng định được tầm quan trọng trong nền văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam.
          Ngày nay, trong xu hướng giao lưu văn hóa mở rộng, thì hát chèo không chỉ còn bó gọn trong khu vực trung châu, đồng bằng, mà đã vượt xa hơn ra nhiều vùng, miền của Tổ Quốc.
          Ở Bảo Thắng, nhu cầu phát triển nghệ thuật hát dân ca, trong đó có hát Chèo và dân ca Quan họ cũng đang ngày càng mở rộng ra địa bàn các xã, thị trấn. Điều đó là rất đáng mừng, bởi bảo tồn và phát triển vốn dân ca là bảo tồn một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu của cha ông; là gìn giữ bản sắc văn hóa cội nguồn của dân tộc.
Tuy nhiên, phong trào truyền bá và bảo tồn nghệ thuật hát dân ca nói chung, hát Chèo và Quan họ - nói riêng ở Bảo Thắng hiện nay mới tập trung ở lớp người trung và cao tuổi. Phải chăng, các đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Công đoàn cần phối hợp với các nghệ nhân để việc truyền bá nghệ thuật hát dân ca được đến với lớp trẻ. Đồng thời, cũng cần có sự vào cuộc, hỗ trợ từ phía các ngành chức năng của địa phương để vốn quý văn hóa truyền thống sẽ luôn được trường tồn, phát triển, đúng như quan điểm về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định.

                                                                                                                   M.N
                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét