Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 4 2013

VĨNH BIỆT CỤ NGUYỄN VĂN ĐIỆN

           (Chú tôi, cụ Nguyễn Văn Điện (Tức Nguyễn Ngọc Liêu) đã từ trần ở tuổi 81 (21/4/2013). Bài viết này đã được chuyển thể qua kịch bản truyền hình, tôi coi đây như một nén nhang vĩnh biệt Chú) 

          Cụ Nguyễn Văn Điện (tức Nguyễn Ngọc Liêu) sinh năm 1933- sinh, trú quán tại thôn Cổ Đẳng, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng. Thuở thiếu thời của cụ là những năm quê hương còn chìm trong nỗi lầm than, cực khổ dưới ách thống trị của Phong kiến - Thực dân. Mới hơn mười tuổi cụ đã phải chứng kiến nạn đói khủng khiếp vào tháng 3 năm Ất Dậu (1945). Rồi tiếp đó là nạn dịch tả, dịch thương hàn kinh hoàng, cướp đi mạng sống của biết bao người dân trong thôn xóm, trong đó có cả những người thân yêu của chính gia đình Cụ. Lớn lên Cụ lại phải chứng kiến quê hương chìm đắm trong lửa đạn chiến tranh-Tất cả đều xuất phát từ hệ quả của “Đêm trường nô lệ”. Vì lẽ đó, Cụ đã sớm giác ngộ Cách mạng, tham gia vào cuộc kháng chiến “chín năm” chống Thực dân Pháp xâm lược.
          Đó là năm 1951, trước tình cảnh quê hương chìm trong máu lửa chiến tranh, cụ Điện đã xung phong nhập ngũ để có cơ hội giết giặc, góp phần giải phóng quê hương. Cùng đồng đội, cụ đã tham gia nhiều trận chống càn của giặc ở các địa phương thuộc Hải phòng, Kiến An. Trong một trận chống giặc càn - tháng 8 năm 1953 tại huyện Tiên Lãng, trước thế địch mạnh hơn ta nhiều lần cả về quân số và trang bị vũ khí. Cụ đã cùng đồng đội ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Nhưng cũng trong trận chống càn này, Cụ đã bị thương, buộc phải rời quân ngũ và sau này được xếp hạng thương tật 4/4.
         Về với đời thường, Cụ Điện luôn cố gắng vượt qua những hạn chế về sức khỏe và  thương tật, hăng say trên các lĩnh vực công tác được giao; đặc biệt là xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương; đóng góp công sức vào hoạt động trao truyền và phát huy vốn dân ca Chèo-một loại hình nghệ thuật dân gian của quê lúa đồng bằng Bắc bộ. Với thành tích trong cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của Dân tộc, Cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân-Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng 3; đồng thời, để ghi nhận sự cống hiến trong công tác xã hội, cụ tiếp tục nhận được nhiều huy chương, kỷ niệm chương của các đoàn thể chính trị xã hội.
          Sau này, mặc dù sức khỏe ngày càng giảm sút bởi tuổi tác và vì sự tái phát vết thương, cộng với những khó khăn về vật chất trong cuộc sống đời thường. Nhưng cụ vẫn luôn tỏ ra lạc quan để “sống vui, sống khỏe”. Cùng với những thú vui tao nhã, Cụ đã góp phần làm đẹp thêm nét đặc trưng về văn hóa truyền thống của quê nhà. Với gia đình, Cụ là người chồng, người cha, người ông đáng kính; với dòng họ cụ là một vị cao niên có nhiều đóng góp trong gìn giữ nếp nhà và tham gia cung cấp các tư liệu lịch sử, nhằm duy trì trật tự, tôn ty của dòng tộc. Dù đã ở tuổi “bát tuần”, nhưng Cụ vẫn luôn trăn trở, lo toan xây dựng gia đình và gìn giữ nền nếp của dòng họ; giáo dục con, cháu và góp phần vào sự nghiệp xây dựng làng - xã văn hóa. Cụ luôn dạy bảo cho con, cháu giữ gìn đạo đức gia phong, mỹ tục, tránh xa những cám dỗ đời thường. Vì vậy, các con, cháu, chắt  của cụ đều là những công dân tốt, tựa như:
“Măng non ấm bụi tre già,
Đời con nối chí đời cha anh hùng”.

           Nay do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được các thầy thuốc tận tình cứu chữa, được các con, các cháu hết lòng phụng sự, nhưng cụ đã vĩnh biệt gia đình, con, cháu, chắt; vĩnh biệt bà con lối xóm và đồng chí, đồng đội để về cõi vĩnh hằng vào hồi 3 giờ 20 phút, ngày 20/4/2013 (tức là ngày 11/3 năm Quý Tỵ) - hưởng thọ 82 tuổi. Cụ Điện đã đi xa, nhưng cuộc đời Cách mạng và  ý chí của người chiến sỹ quân đội nhân dân - hội viên Cựu chiến binh Việt Nam vẫn luôn là niềm tự hào cho đồng chí, đồng đội và là tấm gương để con cháu noi theo. 
          Hôm nay, trong cái quan tài đỏ chói, sơn son, thiếp vàng này. Không còn buồn, vui, căm giận, không còn ưu tư, vướng bận nỗi trần ai... Có lẽ cả cuộc đời Cụ, cho đến bây giờ mới thực sự thanh thản, mới thực sự "sung sướng" nhất. Bởi lúc này mới hội được tương đối đầy đủ các con, các cháu, chắt, những người thân yêu nhất đến với Cụ, phủ phục trước linh cữu để bày tỏ sự tiếc thương, xót xa cho cuộc đời vất vả của một người cha. Và cũng đến lúc này Cụ mới có được đầy đủ những người bà con từ khắp nơi trong thôn, trong xã, trong huyện...về quây quần xung quanh, cầu mong cho hương hồn Cụ được an lành nơi cực lạc.. Niềm vinh dự nhất của Cụ là được phủ trên quan tài lá cờ đỏ sao vàng của Tổ Quốc do những người đồng Hội Cựu chiến binh thực hiện... 
           Trần Tuấn Tiến-một người bạn của các cháu Cụ bày tỏ nỗi lòng với bài thơ lục bát, có đoạn viết rằng:
“Ông "đi", tiếng nhị "đi theo"
Cả đời cái khó, cái nghèo dắt lưng...
...Cả đời cơ chỉ làm ăn
Tiếng tơ, tiếng trúc quẩn quanh bên mình.
Cả đời mang nặng nghĩa tình
Cả đời vun vén gia đình, vợ con.
Làm tròn nhiệm vụ nước non
Mà ông Giời vẫn như còn giận chi?
Non Tây, ông đã ra đi
Thác về”, “sống gửi” có gì tiếc đâu?
Mai sau...mãi mãi mai sau
Vẳng nghe tiếng nhị hát câu não lòng!”

          Để tỏ bày tình cảm của những người đồng chí, đồng đội; của người thân trong gia đình và xóm làng, thân hữu, lời điếu của Ban Tang lễ và lời vĩnh biệt của Hội Cựu chiến binh xã Tân Liên đã trân trọng ghi nhận công lao đóng góp của Cụ với Tổ quốc, với quê hương  và trách nhiệm với gia đình.
         Đại diện gia đình cũng xúc động nói lên sự biết ơn với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương; bạn bè thân hữu và bà con lối xóm đã trọn nghĩa, vẹn tình, sẻ chia niềm tiếc thương trước nỗi đau mất mát của gia đình, cùng tề tựu đông đủ để tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. 
           Thiết nghĩ, quy luật sinh - tử ở đời là do quyền tạo hóa. Song, Cụ Nguyễn Văn Điện đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, vĩnh biệt đồng chí, đồng đội; vĩnh biệt bà con chòm xóm và người thân vẫn là một sự hẫng hụt về tinh thần, để lại cho mọi người nỗi trống vắng và niềm tiếc thương vô hạn.
           Vĩnh biệt Cụ, hội Cựu chiến binh; hội Người cao tuổi và hội Nông dân xã Tân Liên cùng mất đi một người đồng chí luôn tận tâm, giàu nhiệt huyết; gia đình mất đi người chồng, người cha, người ông, người cụ đầy tình thân yêu và kính mến. Để tỏ lòng thương tiếc Cụ, đồng chí, đồng đội và đồng bào địa phương, thân bằng cố hữu xa gần đã cùng các con, cháu, chắt của Cụ quy tụ về đây, thành tâm dâng lên Cụ nỗi tiếc thương với tình cảm chân thành trước phút giây tiễn biệt. Thành kính tiễn đưa Cụ về Nghĩa trang nhân dân thôn Cổ Đẳng, xã Tân Liên để Cụ được cùng Tiên Tổ hưởng trăng thanh, gió mát; lắng tiếng sáo diều của quê hương trong giấc ngủ ngàn thu!. 
                                                                   M.N

TỪ TRẬN VÕ TRANG ĐẦU TIÊN Ở LÀO CAI


          Nhân kỷ niệm 65 năm, ngày truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Lào Cai (02/4/1948 -02/4/2013) xin được lược ghi, dựa theo hồi ký của đồng chí Trần Long –Tức Long Khánh, nguyên bí thư huyện ủy Bảo Thắng- ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy Lào Cai. Phần nói về chiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang Tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp-cuối năm 1948.

          Nửa năm sau ngày thành lập LLVT tình Lào Cai - vào khoảnh cuối tháng 11 năm 1948, đồng chí Hoàn Quy, bí thư Tỉnh ủy Lào Cai triệu tập cuộc họp tại Làng Chưng, bàn kỹ về chủ trương  kế hoạch võ trang tranh đấu.
          Tình hình lúc ấy rất căng thẳng, ngày nào tên quan một-Bến Đền cũng kéo quân lên Cam Đường lùng bắt thanh niên. Việc tổ chức võ trang tranh đấu ở chi bộ Cam Đường được bàn và triển khai rất khẩn trương. Chủ trương là, khi nổ súng võ trang phải đồng thời thực hiện “vườn không, nhà trống”. Cất dấu lương thực để chuẩn bị cho chiến đấu lâu dài và cũng phải tính đến việc vừa chiến đấu, vừa sản xuất.
          Các thôn họp rất sôi nổi, nhưng gay go nhất vẫn là súng đạn. Bấy giờ mới có 1 trung đội của ta vào đến Soi Cờ để chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy. Trong tay chúng tôi cũng chỉ có 1 khẩu Sít-ten và một số súng đạn của đơn vị đồng chí Trần Hợp. Chi bộ đã tổ chức cho việc tự sản xuất vũ khí rất khẩn trương và quán triệt phương châm “Cướp súng giặc để đánh giặc”. Cùng lúc đó chúng tôi đã giác ngộ được 22 anh em binh lính địch, người Cam Đường, hẹn khi có nổ súng vũ trang thì cùng kéo nhau về với phía ta.
Đc Trần Long (Người đứng bên trái)
          Sau một thời gian chuẩn bị, đồng chí Hoàng Quy cùng với chúng tôi đã bàn bạc, quyết định: Mười giờ đêm ngày 12/12/1948 là giờ quy định nổ súng võ trang tranh đấu. Đúng 9 gờ tối hôm đó, tôi lên nói chuyện với anh chị em, bao căm hờn uất ức bấy lâu dồn nén lại đã được kết tinh ở từng lời, từng cử chỉ, để rồi cả cuộc mít tinh cùng thấm nhuần Chỉ thị của đồng chí bí thư tỉnh ủy Hoàng Quy là, “Khi nổ súng võ trang tranh đấu, chỉ có tiến. Tiến là thắng lợi, lùi là tự sát”. Đó cũng là giờ phút thiêng liêng và hệ trọng của nhân dân các dân tộc xã Cam Đường, công khai đấu tranh võ trang với địch ngay trong lòng địch. Ba tổ diệt Tề, trừ gian xuất phát. Tôi cùng anh em tiến vào nhà Tổng Bao. Thấy anh Việt Sơn vào, Tổng Bao còn nhỏm dậy hỏi: “Cháu đi đâu đấy?”. Chúng tôi đã nhanh chóng ập vào bắt trói hắn lại, tôi thay mặt Việt Minh tuyên bố: “Tổng Bao cam tâm làm tay sai cho giặc, đã giúp giặc Pháp bắt bớ, chém giết, bóc lột đồng bào, nay xứng đáng phải được trừng trị”. Tổng Bao cúi đầu nhận tội và lắp bắp xin được tha chết. Cùng lúc ấy tôi gặp và được anh Tô Vũ báo cáo, đã diệt được tên Bình Thi và tên Sen chỉ điểm của địch. Lúc này tiếng súng ở đồn Bến Đền cũng đang nổ giòn dã. Nhân dân ở 2 xã Cam Đường và Gia Phú cùng hò reo “Ta tấn công đồn Bến Đền rồi...!”. Tuy nhiên do ta chưa có kinh nghiệm công đồn, nên trận đánh đồn Bến Đền đêm ấy chưa thành công mỹ mãn, chỉ mới giết được 5 tên địch và bắn bị thương 4 tên, chưa hạ được đồn. Nhưng cũng đã làm cho bọn địch một phen khiếp vía.
          Sáng 13/12, đồng chí Tô Vũ vào làng, tổ chức cho nhân dân sơ tán lên núi. Tôi viết báo cáo gửi đồng chí Hoàng Quy rồi lên Tùng Tung, tìm đơn vị đồng chí Trần Hợp để phối hợp bố trí lực lượng chặn địch từ thị xã tiến vào khu võ trang. Khi quay về, chúng tôi gặp toán lính của tên quan một Bến Đền vừa đi vừa bắn súng thị uy bừa bãi ở Xuân Cánh. Thực ra là chúng bắn súng để tự trấn an, vì chưa kịp hoàn hồn sau trận bị tập kích đêm trước. Tôi hội ý nhanh với Trần Hợp, nhận định là chúng đang tìm cách chạy lên thị xã, rồi chúng tôi đã nhanh chóng bố trí phục kích. Số lượng của quân ta lúc ấy chỉ vỏn vẹn có 9 người, đây lại là trận phục kích đầu tiên của Khu võ trang tranh đấu.
          Địch tới, đi đầu là một tên khố đỏ cặp nách 2 khầu “góp tám”. Chúng đã phát hiện được tôi, nhưng chưa có lệnh nổ súng nên tôi chỉ dùng dũng khí trừng trừng nhìn lại. Hai người lính cảm nhận được có điều nguy hiểm nên họ rảo bước đi nhanh mà không có ý bắn lại chúng tôi. Tên B-Ru-Chê đi sau một quãng, thấy tôi, y giơ tiểu liên lên bắn hết nửa băng. Tôi ngả người ra phía sau và rút lựu đạn ném xuống đường. Trần Hợp nhảy ngay xuống đường cướp khẩu Sít-ten của địch, bắn liền một băng làm bọn địch chạy tung tóe. Kết quả trận đánh ấy ta đã diệt một sỹ quan Pháp, thu một khẩu Sít-ten, một cặp tài liệu và giải phóng được 2 người bị địch bắt, trong đó có một đồng chí liên lạc mang báo cáo của tôi cho đồng chí Hoàng Quy, vừa bị chúng bắt ở Xuân Cánh.
          Ngày hôm sau, theo nguồn tin của nhân dân thị xã cho biết, mấy tên địch bị phục kích chạy về thị xã, có đứa chỉ còn độc một quần xi-líp trên người. Hẳn là chúng quá khiếp đảm. Sau đó mấy hôm, một người lính khố đỏ trong số 2 người đã nhìn thấy tôi phục kích mà không bắn trở về đầu hàng.
          Thắng lợi nhỏ trên đây như một làn sóng truyền đi khắp các thôn bản. Nhân dân Cam Đường phấn chấn, khắp nơi cùng truyền tin là “Ta vừa phục kích tên một Bến Đền, giết chết một thằng quan người Pháp”. Sau thắng lợi ban đầu ấy, ta cũng nhận thấy rõ sự lúng túng, hoảng hốt của địch khi bị phục kích vũ trang. Đặc biệt là, chúng không thể ngờ rằng chúng ta đã lọt sâu vào trong lòng chúng. Cuộc nổi dậy võ trang ở Cam Đường, Gia Phú đã như một mũi dao, xáy thẳng vào tim gan của địch; Cam Đường đã trở thành khu căn cứ tự do đầu tiên của tỉnh Lào Cai.

                                                                                Mạnh Nguyên