Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 4 2013

TỪ TRẬN VÕ TRANG ĐẦU TIÊN Ở LÀO CAI


          Nhân kỷ niệm 65 năm, ngày truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Lào Cai (02/4/1948 -02/4/2013) xin được lược ghi, dựa theo hồi ký của đồng chí Trần Long –Tức Long Khánh, nguyên bí thư huyện ủy Bảo Thắng- ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy Lào Cai. Phần nói về chiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang Tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp-cuối năm 1948.

          Nửa năm sau ngày thành lập LLVT tình Lào Cai - vào khoảnh cuối tháng 11 năm 1948, đồng chí Hoàn Quy, bí thư Tỉnh ủy Lào Cai triệu tập cuộc họp tại Làng Chưng, bàn kỹ về chủ trương  kế hoạch võ trang tranh đấu.
          Tình hình lúc ấy rất căng thẳng, ngày nào tên quan một-Bến Đền cũng kéo quân lên Cam Đường lùng bắt thanh niên. Việc tổ chức võ trang tranh đấu ở chi bộ Cam Đường được bàn và triển khai rất khẩn trương. Chủ trương là, khi nổ súng võ trang phải đồng thời thực hiện “vườn không, nhà trống”. Cất dấu lương thực để chuẩn bị cho chiến đấu lâu dài và cũng phải tính đến việc vừa chiến đấu, vừa sản xuất.
          Các thôn họp rất sôi nổi, nhưng gay go nhất vẫn là súng đạn. Bấy giờ mới có 1 trung đội của ta vào đến Soi Cờ để chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy. Trong tay chúng tôi cũng chỉ có 1 khẩu Sít-ten và một số súng đạn của đơn vị đồng chí Trần Hợp. Chi bộ đã tổ chức cho việc tự sản xuất vũ khí rất khẩn trương và quán triệt phương châm “Cướp súng giặc để đánh giặc”. Cùng lúc đó chúng tôi đã giác ngộ được 22 anh em binh lính địch, người Cam Đường, hẹn khi có nổ súng vũ trang thì cùng kéo nhau về với phía ta.
Đc Trần Long (Người đứng bên trái)
          Sau một thời gian chuẩn bị, đồng chí Hoàng Quy cùng với chúng tôi đã bàn bạc, quyết định: Mười giờ đêm ngày 12/12/1948 là giờ quy định nổ súng võ trang tranh đấu. Đúng 9 gờ tối hôm đó, tôi lên nói chuyện với anh chị em, bao căm hờn uất ức bấy lâu dồn nén lại đã được kết tinh ở từng lời, từng cử chỉ, để rồi cả cuộc mít tinh cùng thấm nhuần Chỉ thị của đồng chí bí thư tỉnh ủy Hoàng Quy là, “Khi nổ súng võ trang tranh đấu, chỉ có tiến. Tiến là thắng lợi, lùi là tự sát”. Đó cũng là giờ phút thiêng liêng và hệ trọng của nhân dân các dân tộc xã Cam Đường, công khai đấu tranh võ trang với địch ngay trong lòng địch. Ba tổ diệt Tề, trừ gian xuất phát. Tôi cùng anh em tiến vào nhà Tổng Bao. Thấy anh Việt Sơn vào, Tổng Bao còn nhỏm dậy hỏi: “Cháu đi đâu đấy?”. Chúng tôi đã nhanh chóng ập vào bắt trói hắn lại, tôi thay mặt Việt Minh tuyên bố: “Tổng Bao cam tâm làm tay sai cho giặc, đã giúp giặc Pháp bắt bớ, chém giết, bóc lột đồng bào, nay xứng đáng phải được trừng trị”. Tổng Bao cúi đầu nhận tội và lắp bắp xin được tha chết. Cùng lúc ấy tôi gặp và được anh Tô Vũ báo cáo, đã diệt được tên Bình Thi và tên Sen chỉ điểm của địch. Lúc này tiếng súng ở đồn Bến Đền cũng đang nổ giòn dã. Nhân dân ở 2 xã Cam Đường và Gia Phú cùng hò reo “Ta tấn công đồn Bến Đền rồi...!”. Tuy nhiên do ta chưa có kinh nghiệm công đồn, nên trận đánh đồn Bến Đền đêm ấy chưa thành công mỹ mãn, chỉ mới giết được 5 tên địch và bắn bị thương 4 tên, chưa hạ được đồn. Nhưng cũng đã làm cho bọn địch một phen khiếp vía.
          Sáng 13/12, đồng chí Tô Vũ vào làng, tổ chức cho nhân dân sơ tán lên núi. Tôi viết báo cáo gửi đồng chí Hoàng Quy rồi lên Tùng Tung, tìm đơn vị đồng chí Trần Hợp để phối hợp bố trí lực lượng chặn địch từ thị xã tiến vào khu võ trang. Khi quay về, chúng tôi gặp toán lính của tên quan một Bến Đền vừa đi vừa bắn súng thị uy bừa bãi ở Xuân Cánh. Thực ra là chúng bắn súng để tự trấn an, vì chưa kịp hoàn hồn sau trận bị tập kích đêm trước. Tôi hội ý nhanh với Trần Hợp, nhận định là chúng đang tìm cách chạy lên thị xã, rồi chúng tôi đã nhanh chóng bố trí phục kích. Số lượng của quân ta lúc ấy chỉ vỏn vẹn có 9 người, đây lại là trận phục kích đầu tiên của Khu võ trang tranh đấu.
          Địch tới, đi đầu là một tên khố đỏ cặp nách 2 khầu “góp tám”. Chúng đã phát hiện được tôi, nhưng chưa có lệnh nổ súng nên tôi chỉ dùng dũng khí trừng trừng nhìn lại. Hai người lính cảm nhận được có điều nguy hiểm nên họ rảo bước đi nhanh mà không có ý bắn lại chúng tôi. Tên B-Ru-Chê đi sau một quãng, thấy tôi, y giơ tiểu liên lên bắn hết nửa băng. Tôi ngả người ra phía sau và rút lựu đạn ném xuống đường. Trần Hợp nhảy ngay xuống đường cướp khẩu Sít-ten của địch, bắn liền một băng làm bọn địch chạy tung tóe. Kết quả trận đánh ấy ta đã diệt một sỹ quan Pháp, thu một khẩu Sít-ten, một cặp tài liệu và giải phóng được 2 người bị địch bắt, trong đó có một đồng chí liên lạc mang báo cáo của tôi cho đồng chí Hoàng Quy, vừa bị chúng bắt ở Xuân Cánh.
          Ngày hôm sau, theo nguồn tin của nhân dân thị xã cho biết, mấy tên địch bị phục kích chạy về thị xã, có đứa chỉ còn độc một quần xi-líp trên người. Hẳn là chúng quá khiếp đảm. Sau đó mấy hôm, một người lính khố đỏ trong số 2 người đã nhìn thấy tôi phục kích mà không bắn trở về đầu hàng.
          Thắng lợi nhỏ trên đây như một làn sóng truyền đi khắp các thôn bản. Nhân dân Cam Đường phấn chấn, khắp nơi cùng truyền tin là “Ta vừa phục kích tên một Bến Đền, giết chết một thằng quan người Pháp”. Sau thắng lợi ban đầu ấy, ta cũng nhận thấy rõ sự lúng túng, hoảng hốt của địch khi bị phục kích vũ trang. Đặc biệt là, chúng không thể ngờ rằng chúng ta đã lọt sâu vào trong lòng chúng. Cuộc nổi dậy võ trang ở Cam Đường, Gia Phú đã như một mũi dao, xáy thẳng vào tim gan của địch; Cam Đường đã trở thành khu căn cứ tự do đầu tiên của tỉnh Lào Cai.

                                                                                Mạnh Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét