Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

10 tháng 8 2013

VỤ KHỦNG BỐ Ở SOI CỜ NĂM ẤY

(Bài viết nhân kỷ niệm 65 năm thành lập đảng bộ Bảo Thắng 15/10/1948 – 15 10/2013)

Nói về phong trào Cách Mạng ở khu căn cứ Cách Mạng Soi Cờ, đặc biệt là sau vụ khủng bố, giết người, đốt làng của quân đội Pháp. Cụ Ngô Hữu Khôi - một chiến sỹ của đại đội “Thắng Bình”, thuộc Trung đoàn 165, F312 làm nhiệm vụ giải phóng Lào Cai  kể lại:

Soi Cờ trước đây thuộc xã Thái Bo (nay  là xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng). Đây là một bãi soi nằm giữa sông Hồng và cửa ngòi Bo, đối diện với Làng Đo của Thái Niên. Ngày ấy ở bãi Soi này chủ yếu là người dân Liễu Châu, phủ Quảng Oai (Sơn Tây) lên khai hoang lập ấp. Vụ khủng bố đẫm máu của địch vào thôn So Cờ ngay trước thời điểm thành lập tổ chức Đảng đầu tiên trên địa bàn Huyện (1948), là một trong những hành động uy hiếp tinh thần quần chúng, nhằm chặn lại sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Cách mạng ở Bảo Thắng. Nhưng kẻ địch không thể hiểu được rằng, hành động ấy đã không làm cho lòng dân nao núng. Ngược lại nó còn làm tăng thêm nỗi căm hận giặc, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong quần chúng nhân dân. 

Nhà tưởng niệm Khu di tích Soi Cờ
          Trước đó, tên quan một Bruché (B-Ruy-chê) - trưởng đồn Bến Đền đã có một báo cáo khẩn lên cấp trên của Y, Y nhấn mạnh: “Một báo hiệu nguy hiểm đã tới, Việt Minh đã thâm nhập vào dân chúng có hiện tượng chống bắt phu, thu thuế, các chức dịch làm việc gặp nhiều khó khăn” ([1]).

Trở lại với vụ khủng bố này, cần phải nhắc đến một người tên là Ngô Hữu Ngôn, ông Ngôn là người gốc Liễu Châu. Thời kỳ Quốc Dân Đảng chiếm đóng, ông Ngôn đã từng làm việc cho chúng. Cùng hoạt động và nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong chi bộ Quốc Dân Đảng còn có Bếp Hoàn (chi bộ trưởng), Bếp Hậu (đại vụ trưởng). Ông Ngôn được giao phụ trách quân vụ trưởng - người nắm giữ lực lượng vũ trang địa phương. Nhưng sau này do nhận rõ bộ mặt thật của Quốc Dân Đảng là phản động; được sự bảo trợ của quân Tàu - Tưởng, “Việt Nam Quốc Dân Đảng lập ra chính quyền phản động như: Tỉnh chính phủ, quốc dân quân, hiến binh...Thực chất là bộ máy để áp bức, bóc lột nhân dân, cướp bóc, tống tiền các nhà có máu mặt, phát hành tiền giả, bắt bớ tra tấn dã man những người yêu nước. Nhiều người bị chúng đánh đập rồi thủ tiêu bằng cách cho vào bao tải buộc kèm đá hộc đưa ra cầu Cốc Lếu quẳng xuống sông Hồng” ([2]).

Chứng kiến những hành động tàn bạo, dã man đó của Quốc Dân Đảng, ông Ngô Hữu Ngôn đã nhiều lần công khai phản đối sự o ép, bóc lột nhân dân của tổ chức này. Vì vậy đã dẫn tới mâu thuẫn giữa Ông với Bếp Hoàn và Bếp Hậu. Cuối cùng ông Ngôn quyết định từ bỏ, không hoạt động cho Quốc Dân Đảng nữa.

Năm 1948, Chủ trương của tỉnh Ủy Lào Cai là phát triển Việt Minh lên địa bàn Bảo Thắng, đồng chí Lê Đức Bình, ủy viên thường vụ tỉnh Ủy Lào Cai cử đồng chí Nguyễn Đức Thắng ([3]) dẫn tổ công tác vào hậu địch để thăm dò và xây dựng cơ sở. Trên đường đi, Tổ công tác có qua đại đội Thắng Bình, Nguyễn Đức Thắng đã gặp tôi - khi ấy là chiến sĩ của Đại đội. Khôi đã giới thiệu với đồng chí Thắng là, đến Soi cờ thì tìm gặp chú ruột mình là Ngô Hữu Ngôn để bắt mối. Tổ công tác đi trót lọt đến Soi Cờ, gặp được Ngô Hữu Ngôn. Sau khi được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, ông Ngôn đã nhận nhiệm vụ và trở thành giao thông viên đầu tiên của Ta giữa vùng địch hậu và vùng tự do. Ngay lần đầu tiên ông Ngôn đã vượt rừng trót lọt ra vùng tự do, mang thư của Tổ công tác báo cáo với Tỉnh ủy (lúc ấy đóng ở Lục Yên-Yên Bái) với nội dung, Tổ công tác đã bám được Soi Cờ và được quần chúng nhân dân rất hưởng ứng. Hoạt động của Tổ công tác đang có chiều hướng thuận lợi thì địch đánh hơi được, chúng quyết định mở trận càn vào Soi Cờ, hòng dập tắt phong trào Cách Mạng, đồng thời tiêu diệt lực lượng bí mật của ta đang hoạt động trong thôn. Lực lượng của ta lúc ấy mới chỉ là một tổ công tác “không vũ trang”, đóng ở trên rừng, được nhân dân các thôn Soi Cờ, Soi Giá và Cánh Địa bí mật nuôi dấu.

Sau này có người kể lại, trước hôm địch càn vào làng, ông Ngôn và một số người trong thôn đã nhận được thông tin tiết lộ từ lực lượng ngụy quân, nhưng vì sáng hôn ấy trời mưa rất to nên mọi người chủ quan, cho rằng địch sẽ không đi càn như dự định. Tuy nhiên đúng như tin báo, khoảng 8-9 sáng thì địch ập đến bao vây, vào làng bắt bớ; chúng bắt tất cả những ai là đàn ông. Theo ông Nguyễn Tài Nhuận, một người chạy thoát được trong cuộc vây bắt hôm đó kể lại rằng, khi bắt được ông Ngôn, bọn địch đã dùng súng đánh đập Ông rất dã man, rồi sau đó mới dẫn Ông cùng 13 người đàn ông khác ra bãi bắn- trong số này, ngoài những người dân gốc Liễu Châu (Sơn Tây), còn có thêm 4 người quê Nam Định.

Bọn địch trói tất cả những người bị bắt ở rặng xoan cuối bãi, gần cây đa Soi Cờ, bắn chết, liền sau đó chúng quay lại đốt cháy hết cả thôn. Đây thực sự là một tổn thất đau lòng, vì phần lớn đàn ông, trai tráng đều bị giết hại trong vụ khủng bố này. Song, tất cả họ đều không hé răng khai báo vị trí hoạt động của tổ công tác. Vì vậy, toàn bộ lực lượng nòng cốt của ta vẫn giữ được bí mật và bảo đảm an toàn.
Thắp hương tại bia tưởng niệm
Nhân dịp đầu Xuân mới 1999, ông Nguyễn Đức Thắng có viết thư cho tôi, trong thư Nguyễn Đức Thắng còn xúc động nhắc lại tình cảm của bà con khu căn cứ Soi Cờ, Soi Giá và Cánh Địa như một sự tri ân. Ông nói: Tôi rất biết ơn bà con nhân dân các dân tộc huyện Nhà, đặc biệt là bà con Soi Cờ, Soi Giá, Cánh Địa đã tạo điều kiện cho chúng tôi làm tròn nhiệm vụ Đảng giao. Giúp chúng tôi có nơi ăn chốn ở; giúp làm giao liên, chở đò, mang công văn giấy tờ ra vùng tự do; giúp chúng tôi phát triển phong trào, gây cơ sở, tạo lòng tin cho đồng bào tham gia kháng chiến.

Sau vụ địch khủng bố, hầu hết anh em nam giới bị địch giết hại hoặc vào bộ đội. Chị em phụ nữ ở căn cứ địa “vùng đất thánh” này đã không hề nao núng. Họ tiếp tục thay chồng con, tăng gia sản xuất và không quên nhiệm vụ tuần tra, canh gác, làm giao liên phục vụ hoạt động của bộ đội.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đức Thắng thì chị em phụ nữ của Khu căn cứ Cách Mạng này đã là những người khởi xướng ra phòng trào “Ba sẵn sàng” ở Xuân Giao. Có lẽ đây mới là nơi nhem nhóm phong trào “Ba sẵn sàng” đầu tiên của cả nước, chứ không phải chờ đến cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Chỉ tiếc là khi ấy chưa có điều kiện để tổng kết và phát triển.

Việc làm và khí phách của quần chúng nhân dân trong Khu căn cứ Cách mạng Soi Cờ - Soi Giá - Cánh Địa đã giúp chúng tôi có được một bài học vô cùng quý báu cho những năm hoạt động Cách mạng sau này. Đó là lòng tin của quần chúng nhân dân. Khi quần chúng đã được giác ngộ, được hoạt động có tổ chức thì bất kỳ họ là ai, đàn ông hay đàn bà, người già hay thiếu niên đều có thể rở thành nguồn sức mạnh vô địch.
                                                                
                                                                            Mạnh Nguyên
                                                        Ghi theo lời kể của cụ Ngô Hữu Khôi




[1] Theo hồi ký của Đ/c Trần Long-nguyên bí thư Huyện ủy BảoThắng
[2]  Hồi ký của Đ/c Chí Nguyễn Đức Thắng, người phụ trách tổ công tác của Tỉnh ủy vào khu Địch hậu nắm địch.
[3] Đ/c Nguyễn Đức Thắng sau này kế nhiệm đ/c Trần Long làm bí thư huyện ủy Bảo Thắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét