Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

20 tháng 12 2013

CẢM NHẬN KHI ĐỌC BÀI THƠ “TIẾNG TRĂNG” CỦA LXH

              GPDD có gửi cho Mõ bài thơ này, nói là của tác giả LXH và có xin góp ý (sửa). Tiếc rằng Mõ này lại dốt về làm thơ nên không giám sửa. Mạn phép, xin được bình mấy lời như sau:


        “Tiếng trăng” của LXH là một bài thơ trữ tình, nói đúng hơn là một bài thơ tình khá hay và độc đáo. Tác giả đã mượn hình tượng “chị Hằng” làm đối tượng để dãi bày nỗi niềm riêng cho một kẻ đang say tình, mà lại là một mối tình “không xác định”. Phải chăng nhờ có cảm xúc từ một đêm trăng đẹp để tác giả “tâm trạng” mà tức cảnh sinh tình, nẩy ra ý tứ.

“Ta nghe có tiếng trăng rơi
phải chăng trăng cũng như người mộng du”

          Rõ ràng anh chàng trong bài thơ này vì đang say tình mà trở nên ngu ngơ, đờ đẫn. Ai chẳng biết trăng sáng là một hiện tượng tự nhiên, nhưng hiện tượng tự nhiên nào khi được nhuốm tình người với cái chất nhân văn, lãng mạn thì cũng sẽ được tô thêm màu sắc mới, thậm chí còn có khi nghe được cả âm thanh. Nói cách khác thì tự thân của một đêm trăng, dù trăng sáng hay trăng lu cũng chẳng nói lên điều gì - nếu nó không được gắn với tâm trạng, nỗi niềm của thi sĩ. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du cũng đưa tình cảm của nhân vật gắn vào cảnh sắc thiên nhiên như:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

          Ở “Tiếng Trăng”, LXH đã khéo mượn ánh trăng để bày tỏ tâm tình,  để bộc lộ cái khát vọng “đa đoan”. Song, ở đây dường như thông điệp vẫn còn đang vu vơ giữa thinh không, chưa xác định được địa chỉ của đối tượng. Đúng là vì có sự gợi cảm của ánh trăng nên mới tạo thành chất men tình, làm cho đối tượng của bài thơ nghe được cả “tiếng trăng rơi”. Trước đây trong một hoàn cảnh tương tự, cũng có kẻ đang say tình, trong một đêm trăng chập chờn tỉnh giấc đã bộc lộ nỗi lòng:

“ …Ta nằm nghe gió đêm thâu
Thì thầm bên gối những câu tâm tình
Trong mơ thấy bạn bên mình
Tỉnh mơ chỉ thấy trước mành trăng rơi!…”

Dẫu có khác với  LXH là chỉ nghe thấy tiếng trăng rơi - nghĩa là mới thông qua cảm giác tượng thanh, thì ở trường hợp này còn thấy  được cả “trăng rơi” qua cảm giác tượng hình... Nhưng xét cho cùng thì dù có nhìn thấy “trăng rơi” hay chỉ nghe thấy tiếng “trăng rơi” cũng đều là mơ mộng. Nói dại, nếu trăng mà rơi thật như hiện tượng thiên thạch rơi tự do vào trái đất thì có mà họa lớn!.

Xưa nay mọi cái được chiếu qua lăng kính của các thi nhân, cái gì cũng trở nên huyền ảo, có khi sự vô lý mới làm nên được chất trữ tình. Ví như câu ca dao sau đây:

“Đêm qua tát nước bên đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen…”
Có người bảo, biết đâu anh chàng kia bổ củi ở sau đình, rồi bỏ quên cái áo trên cành cây sung - như thế mới là thật. Vì cái áo dù có nhẹ đến cỡ nào cũng khó có thể vắt lên cành hoa sen được. Nhưng với thơ thì nó phải là tát nước, phải là cành hoa sen mới đượm chất lãng mạn, ai lại đưa động tác hùng hục của anh chàng bổ củi với cái cành sung sần sùi thô lỗ vào thơ ?.

Ở bài ca dao “Nụ tầm Xuân” cũng vậy, khi anh chàng si tình đã thốt ra thơ thì cũng phải có cái gì đó ngu ngơ, đờ đẫn. Anh ta trèo lên cây bưởi hái hoa, rồi từ cây bưởi tụt xuống vườn cà lúc nào cũng chẳng hay, lại tưởng chỉ một bước thôi mà đã xuống được vườn cà!. Nên mới nói:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…”.

 Sự đãng trí si tình đến như vậy vẫn chưa phải là cùng. Chỉ vì cô người yêu đi lấy chồng mà làm chàng ta rối trí thất tình, chân tay lóng ngóng, làm gì cũng chẳng nhớ, mắt cũng mơ hồ, nên mới “nhìn gà hóa cuốc”:
“…Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc;
Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay”.

Thực ra nụ tầm xuân thường chỉ có mầu trắng phớt hồng, chứ làm gì có nụ tầm xuân nào lại có mầu xanh biếc?. Thế mới biết cái men tình gớm thật, khi nó đã ngấm vào rồi, người bị ngấm men ấy lại thất tình nữa thì các giác quan đều trở nên đảo lộn.

Người đời xưa đã vậy thì người nay cũng vậy, trở lại với bài thơ “Tiếng trăng” của LXH ta mới thực sự cảm thông cùng tác giả. Không biết LXH nói về mình hay nói cho ai, nhưng trước một đêm trăng đẹp- ngắm trăng mà thiếu bóng tri nhân tri kỷ, thì “trăng rơi”, “trăng vỡ” cũng là lẽ thường tình.

Nhưng đến mấy khổ thơ sau, nỗi niềm của nhân vật trong Bài thơ không chỉ còn dừng lại ở nỗi buồn man mác của một kẻ si tình, mà hình như còn có chút thất tình. Giọng thơ trở nên có gì đó mỉa mai, hờn oán của một người bị tình phụ bạc. Cho nên Chữ tâm (mới) lỡ để héo khô; Ánh kim tiền dễ che mờ nhân gian”. Nói toạc ra thì cũng chỉ tại chữ “tham” mà nên tất cả. Lòng tham của con người là nguyên nhân cho mọi nguyên nhân sinh ra nỗi khổ ở đời. Tham đem đến bất hạnh cho mình, tham cũng đem đến nỗi buồn đau cho người khác. Chẳng thế mà trong triết lý “Diệt khổ” của Thích-Ca-Mâu-Ni là phải tận diệt “Tham, sân, si”- căn nguyên của “Bể khổ” ở đời. Từ cái triết lý này nên tác giả “Tiếng trăng” cũng đành dùng phép tự vấn an, phó mặc cho số trời. May mắn hơn là đã tìm đến lời Phật dậy, lấy “sắc sắc, không không” để an ủi nỗi lòng.

Người đời bảo, vì chưng dễ tính nên Trăng mới là kẻ vô tình bị lôi vào cuộc, luôn phải chứng kiến vô số những cuộc tình trái ngang, trắc trở. Nhưng xét cho cùng thì Trăng là vô can trước mọi nỗi buồn vui nhân thế. Phải vậy mà LXH đã để một cái kết có hậu cho “Tiếng Trăng” như sự phân bua đầy chính kiến:

Trăng soi bằng ánh ngời ngời
Vỡ ra thành tiếng khóc cười thế nhân...

Ta nghe có tiếng trăng ngân
Ánh vàng vụn giữa trầm luân đời người”.

Tựa như để thanh minh nỗi oan tình mà lâu nay “chị Hằng” phải gánh; âu cũng chỉ vì cái vẻ đẹp hững hờ mà Trăng luôn bị coi là tác nhân tạo nên nguyên cớ của người đời.
                                                                                                          

                                                                         Cả Mõ

                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét