Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

18 tháng 2 2014

ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN HÓA MẠNG


Có thể nói máy tính nối mạng Internet là một thành tựu rất đáng tự hào của loài người. Nhờ có mạng Internet mà thế giới như được thu nhỏ lại, con người thân thiện với nhau hơn. Vì vậy, nếu việc sử dụng mạng Internet để phục vụ cho đời sống đúng với tính nhân văn của nó thì hạnh phúc biết nhường nào. Tuy nhiên, mọi thứ đều khó hạn chế được mặt trái, nếu bản thân đối tượng sử dụng nó còn chưa đạt được một chuẩn mực văn hóa nhất định.
         
Ảnh chỉ có mục đích minh họa
Cùng với việc nối mạng Internet toàn cầu, tiện ích từ những chiếc máy tính đã đem lại biết bao nhiêu thành quả hết sức là vĩ đại. Máy tính kết nối mạng Internet đã đưa khả năng truyền thông tiếp cận được với một lượng lớn khán giả, thính giả, đọc giả. Ngày nay trên thế giới có đến hàng tỷ người sử dụng Internet mỗi ngày. Tài liệu truyền thông từ Internet có thể được tải về rồi tiếp tục truyền đi và chia sẻ thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau. Đó không chỉ là các phương tiện truyền thông chính thống mà còn được phát tán trên cả các trang mạng xã hội… Cho nên sức ảnh hưởng của nó vừa nhanh, vừa rộng rãi, nhưng cũng không có được một quy chuẩn nhất định nào. Có thể tón tắt về thành tựu truyền thông trên Internet như sau:
Thứ nhất là, có thể trao đổi, chia sẻ cho nhau từ văn bản đến âm thanh và hình ảnh.
Thứ hai là, việc tìm kiếm trên mạng toàn cầu đã đạt đến mức cực nhanh. Trong nhiều trường hợp, tìm một tài liệu trên mạng còn nhanh hơn tìm một địa chỉ trong cuốn niên giám điện thoại.
          Song, mặt trái - mặt tiêu cực từ những chiếc máy tính nối mạng Internet cũng tạo nên nhiều bất lợi rất nghiêm trọng cho cuộc sống. Ở đây chỉ xin được đề cập đến  hai mặt tiêu cực trong phạm vi nhất định, đó là máy tính-games và mạng xã hội từ các dịch vụ Internet.
Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin thì trong các nhóm game trên mạng máy tính, thực tế chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ là mang tính giáo dục, còn lại là những trò chơi ăn thua, mạo hiểm và những hành động tàn bạo “ảo”. Đối với những hành vi nguy hiểm, bạo lực trên game, nếu là với người lớn thì có thể phân biệt được thật, giả, nhưng với trẻ em thì dễ dàng bị chi phối giữa “xã hội ảo” với đời sống thực. Bởi vậy đã có không ít những vụ án mạng do trẻ vị thành niên gây nên cũng chỉ bởi ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực trên mạng. Về sức khỏe đối với trẻ em, các nhà y khoa cũng đã cảnh báo, ngồi trước máy tính hàng giờ rất có hại cho mắt của trẻ, nhịp tim sẽ bị thay đổi nhanh hơn bình thường - đặc biệt là khi tiếp xúc với các trò chơi game nguy hiểm, bạo lực thì còn gây nên những xáo trộn về hệ thần kinh của các em.
Mặc dù Internet là nơi cung cấp một nguồn tài nguyên vô tận về tri thức. Nhưng các nhà giáo dục cũng không khuyến khích dùng Internet cho học sinh bậc học phổ thông, vì kiến thức phổ thông không mang tính kinh điển, không cần phải cập nhật hóa từng ngày, từng tháng, từng năm, mà học sinh có thể tra cứu bằng các phương tiện rẻ tiền hơn. Mặt khác, việc lang thang trên mạng, các em có thể nhìn thấy những hình ảnh xấu, những tuyên truyền bạo lực, thù hận chủng tộc, tôn giáo, sự cổ vũ cho lối sống thiếu lành mạnh và những hệ tư tưởng lệch chuẩn. Rất nhiều học sinh thức thâu đêm không phải để học mà là  để (chat), tán dóc, nói chuyện gẫu, đấu láo với những em khác trên thế giới. Thực tế đã có không ít trường hợp bị lừa tình, bị lừa đưa đi bán…Riêng về phương diện giáo dục ta nên biết, Internet là không có ai làm chủ cả. Các mạng thông tin (network) trên thế giới tự nối với nhau mà hình thành Internet. Vì vậy khi kết nối mạng, các hình ảnh, bài viết thiếu lành mạnh cho dù không tự nhiên xuất hiện, nhưng nếu muốn thì việc tìm kiếm cũng không khó, các em vẫn có thể biết cách vào được những chỗ này.
Lại nói về các trang mạng xã hội, trong đó có các Blog cá nhân và facebook… được phát triển tự do, miễn phí trên dịch vụ mạng. Không thể phủ nhận mặt tích cực của nhiều mạng xã hội là đưa thông tin rộng, nhanh và tham gia tích cực vào các diễn đàn khoa học, diễn đàn văn hóa, kinh tế, xã hội. Nhưng cũng vì tính tự do, không có sự quản lý và người chịu trách nhiệm cho nên ở đây bộc lộ rất nhiều những hạt sạn, thậm chí là những sản phẩm văn hóa cặn bã, rác rưởi được coi như những liều thuốc kịch độc cho hệ tư tưởng và tâm - sinh lý. Chỉ nói đến văn hóa giao tiếp thôi ta đã có thể tìm ra khá nhiều những “lỗi hệ thống”, làm méo mó và mất đi tính trong sáng của ngôn ngữ. dưới đây xin được trích một đoạn ngôn ngữ của cư dân mạng tuổi “tin”, nay có nhiều người đã trên độ tuổi này cũng vẫn bị tiêm nhiễm. Một cư dân mạng kể rằng, “Sáng nay mình ngủ dậy và quyết định học kiểu chát của thanh niên Việt Nam. Mình đã thay chữ Ô bằng chữ U, nhưng chỉ trong một số trường hợp đặc biệt “thui”. Như vậy lối viết của mình xem ra sẽ “nhẹ” hơn, “dễ chịu” hơn…Chắc các bạn hiểu ý của mình “rùi”!. Trong một số trường hợp khác, mình lại bỏ hẳn chữ Ô ra, nếu viết quá chuẩn thì văn của mình như có vẻ nặng nề…Vì vậy mình không “mún” làm cho mọi người “bùn”. Không chỉ riêng nguyên âm, đôi khi phụ âm cũng bị bỏ ra, ví dụ như chư N là “mụt” trong “nhữg” “Nghi phạm” nổi bật nhất. “Nhưg” chưa “xog” đâu vì còn nhiều chữ khác nữa như trường hợp chữ H ở cuối và chữ K ở đầu đối với phụ âm kép. Thật “kin khủg” đúng “hông”?. Phải nói là còn rất nhiều kiểu bỏ chữ và thêm chữ mới. Sau đây là mấy dòng chát khá điển hình:
“Mìn sẽ bắt đầu tập trung vào việc viết tắt (vt). Bh~ n`ng noi” gr vt wá n` k tốt lém. Nhưg thui-vđề khôg fai là vt co” tốt h k, vđề la fai vt ntn!!!.” Hoặc “Xe khô jau  hÔg co ja tRi j đÂu!! Hu hu!! nhÌn mụt đoạn tHì hoA hít cả Mắt…”
Lại có chỗ (chat) bằng chữ không có dấu thanh, người đọc luận ra thế nào mặc kệ. Ví như đoạn tin nhắn sau đây: "Em hoi cho ah rui, o day chi ban long lon chu khog ban long chim!"
Không những thế, trên mấy trang facebook, các cư dân mạng của chúng ta còn choảng nhau bằng vô số ngôn từ thô thiển, tục tĩu, đến người đọc còn phải phát ngượng. Có thể ở ngoài đời họ không giám tung ra những ngôn từ này, vì dù sao cũng phải trưng cái mặt ra cho thiên hạ nhìn thấy. Nhưng sự giao tiếp trên mạng căn bản đều là ảo cả cho nên mặc đời!. Có không ít nickname với những cái tên ảo, ảnh ảo, thế là người ta cứ thoải mái tung “chưởng” vô văn hóa lên vô tư mà chẳng sợ ai nhìn thẳng vào cái mặt của mình.
Thế mới biết sự dấu mặt ở đây cũng là điều kiện để tạo nên những chí phèo hiện đại!.
Hy vọng rằng, với những thang giá trị về văn hóa, việc sử dụng một công cụ được coi là thành quả vĩ đại của loài người thì tuổi trẻ cần biết tránh xa những hạt sạn, những sản phẩm văn hóa độc hại để gìn giữ được bản sắc và giá trị vĩnh hằng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Góp phần làm đẹp thêm cho tương của dân tộc Việt Nam./.

                                                                                       Mạnh Nguyên   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét