Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

29 tháng 4 2014

DU LỊCH XẢ STRESS LẠI CÀNG THÊM STRESS



        Mới chớm vào mùa Du lịch, nhưng thật buồn vì nhiều khu du lịch tâm linh, du lịch văn hóa đã bị chi phối bởi thương mại. Đến với cố đô Huế thì người ta lùa khách vào Đại nội rồi chặn đường ra. Trong cái nắng thiêu nắng đốt, nếu không chấp nhận cho xe điện chặt chém thì cứ việc đày nắng mà cuốc bộ theo lộ trình định sẵn để ra khỏi thành. 
Nhếch nhác ở Đại nội Cố đo Huế
Hàng rong đeo bám khách (ninh Bình)

        Đến chùa Bái Đính - Ninh Bình nỗi thất vọng về Du lịch của ta càng trầm trọng hơn. Ở đây tuy có được xây dựng mở mang hơn, kiến trúc khang trang thêm nhiều công trình mới. Nhưng việc quản lý thì đã được địa phương cho doanh nghiệp đấu thầu nên  mọi hoạt động đều mang nặng tính kinh doanh, hòm công đức đặt loạn xạ khắp nơi, chỉ riêng khu "Chính điện tam tòa" cũng có đến 5 hòm công đức. Đi tiểu cũng phải nộp tiền, nhưng lại không hề có bảng giá quy định, mà do mấy người ngồi ất ơ ở cửa nhà vệ sinh, đợi khách tiểu xong là tùy tiện đòi nộp tiền. Khách hỏi ai quy định thì họ trợn mắt bảo, không giả tiền thì ai phục vụ!. Cách chùa vài cây số là xe của khách bị  chặn lại, khách phải xuống đi bộ, nếu không muốn đi bộ thì mua vé xe điện, giá 30 ngàn một lượt (2 km). Đáng buồn nhất là đội ngũ bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách như lũ đỉa, khó có du khách nào mà không nổi cáu.

       Các vị bồ tát la hán ngồi dọc hai bên hành lang, vị nào cũng bị các du khách sờ mó làm làm vấy bẩn, đen xỉn cả 2 bàn tay và 2 đầu gối, nhìn đến là tội. Giá các vị ấy nói được, thì dù có là bụt chắc cũng phải buông lời quở trách: 

Tượng các vị la hán bị vấy bẩn vì khách sờ mó
Khốn nạn làm sao lũ chúng mày

Chùa chiền đâu phải chốn buôn - vay

Vuốt ve sờ mó làm chi vậy
Vấy bẩn bao giờ đổi được may?
Này này ta bảo cho mà biết
Đến chốn linh thiêng chớ ngứa tay.

       Trên đường về Lào Cai, các tuyến đường đều liên tục bị ách tắc do xe quá tải sa lầy, tai nạn lật đổ...Chỗ nào hở ra là người dân ở gần đó lại tìm cách vặt tiền của khách. Do đường tắc, xe đành phải ngoi lên đường cao tốc đang thi công, nhưng người dân gần lối lên cũng lập Palie thu tiền, với lý do đi qua đất nhà họ. Lên được đoạn cao tốc đang thi công rồi, tưởng đã yên thân, nhưng mới chạy được vài cây số thì công nhân buộc dây chăng ngang đuổi xuống, muốn đi tiếp lại  phải nộp tiền!.
       Ôi, ngỡ là đi du lịch cho xả stress , ai ngờ đi du lịch lại luôn phải bực mình vì những ứng xử thiếu văn hóa thì nỗi bức xúc càng thêm trầm trọng.



Cảnh tắc đường ở địa phận Văn Yên-Yên Bái








      Cả Mõ

22 tháng 4 2014

GẶP MẶT NHÂN KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY TỐT NGHIỆP CỦA LỚP Y SỸ KHÓA 21-TỈNH LÀO CAI


Lần gặp mặt thứ 2 này là dịp kỷ niệm trò 40 năm, ngày nhận quyết định tốt nghiệp của các cựu y sinh khóa 21 (Lớp y sỹ đa khoa chính quy thứ 3 của tỉnh Lào Cai). Không khí oi nồng của những ngày giữa hè và tiếng ve râm ran trên hàng cây bên hè phố gợi lên trong  mỗi người chúng tôi nỗi nhớ da giết về những kỷ niệm xưa – kỷ niệm về mùa hè cuối cùng của một thời “áo trắng”. Ngày ấy phần lớn trong số những người về đây hôm nay mới ở tuổi 20 - độ tuổi được coi là đẹp nhất của một đời người, tất cả đều vô tư và tràn đầy nhiệt huyết.
Nhà Thờ Đức Mẹ Mâm Côi
Bốn mươi năm qua đi, đó là chặng thời gian vừa đủ để cho mỗi người chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ cống hiến cho đời; cũng là dấu chấm “tròn” cho việc chuyển giao thế hệ. Người cuối cùng trong chúng tôi đã nhận được sổ hưu cách đây mới vài ba tháng.
Buổi gặp mặt này, khách sạn Hoàn Liên vẫn là nơi được lựa chọn để chứng kiến niềm vui hội ngộ. Trong số về gặp mặt hôm nay tuy có vắng đi mấy người vì những lý do riêng, nhưng lại có thêm một số gương mặt mới. Không phải ngẫu nhiên, nơi thành phố biên cương này lại thường được chúng tôi lựa chọn làm nơi gặp mặt, vì chính nơi đây đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên của những năm đèn sách; một thời gian nan, vấ vả nhưng rất đỗi thiêng liêng – mỗi cuộc hội ngộ tại đây đã được coi như một chuyến hành hương trở về nguồn cội. Bởi từ đây, chúng tôi đã bước vào đời như những cánh chim, đem sức trẻ góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Quá trình cống hiến và thành công trong cuộc sống tuy có khác nhau; trong đó đã có người anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần máu xương cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc,  có người được nhà nước phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú. Song, điều đáng trân trọng và tự hào nhất, đó là hơn 60 anh chị em của khóa y 21 này – nay trở về với đời thường, hầu như đều hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, không một ai mắc phải sai  lầm trên bước đường rèn luyện, phấn đấu và cống hiến. 
Mỗi lần gặp mặt là một dịp để cho chúng tôi được biết thêm thông tin về nhau, được thỏa lòng mong nhớ và sẻ chia niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống; động viên nhau “sống vui, sống khỏe”, giữ vững phẩm cách, luôn là tấm gương trong cho con cháu noi theo.
Tuy nhiên, mỗi lần gặp nhau như thế nay, trong cái vui sum họp chúng tôi lại chạnh lòng tưởng nhớ đến những người bạn đồng môn không bao giờ còn trở về họp mặt, vì đã sớm ra đi đến cõi vĩnh hằng.
Số hội viên của lớp hiện chỉ còn lại gần 50 người, nhưng do đặc thù của quá trình công tác, chúng tôi đã tản đi, sống rải rác ở trên khắp mọi miền đất nước. Việc thông tin cho nhau, thăm viếng nhau những khi vui, khi buồn còn khá nhiều hạn chế. Nhưng dẫu sao, với tình cảm thiêng liêng của những người bạn đồng môn, phần lớn chúng tôi vẫn tìm cách gắn kết với nhau thông qua tổ chức Hội. 
Mục đích của gặp nhau là dịp để hàn huyên tâm sự, ôn cố tri tân, tay bắt mặt mừng mà không quên nhắc nhau giữ tròn đạo nghĩa. Mặc dù cho đến nay, ở đâu đó còn có người vì mê mải làm ăn, mê mải với những lo toan cho cuộc sống riêng tư mà chưa quan tâm tìm về ký ức, tìm về với những tháng năm hàn vi, nhưng tràn đầy kỷ niệm không thể nào quên. Điều ấy cũng cần được cảm thông, mà xét kỹ thì đáng thương hơn là đáng giận.  
Trong giờ phút thăng hoa này, mọi người ở đây như quên đi hiện tại để trở về với ký ức tuổi hoa. Nhiều anh, chị đã cất cao lời ca tiếng hát, bằng giai điệu của một thời, cùng lắng nghe nhau tâm tình về những kỷ niệm xưa. Phải chăng, tuổi càng cao người ta càng trân trọng hơn về quá khứ, tình bạn càng trở nên thắm thiết hơn nhiều:

Thác Bạc
Năm tháng cứ đầy lên. 
Tình bạn cũng đầy lên những kỷ niệm thân yêu... 
 ...Đứng xa ra mà nhìn nhau thôi  nhé 
Để không còn quá lộ rõ nếp nhăn 
Ánh nhìn ấy như  hãy còn rất trẻ 
Chưa hề in dấu ấn của  nhọc nhằn

Cầm tay bạn xin vội  đừng lo lắng 
Nếu chẳng còn mềm được như xưa 
Mà vẫn đọng  một nỗi niềm đằm thắm 

Của vết chai xưa còn vương mực khó mờ.

          Những phút giây xúc động, bỡ ngỡ ban đầu thoáng hiện, bởi những đổi thay do dấu ấn của thời gian. Rồi tất cả lại vỡ òa trong niềm vui sum họp, vô tư kể cho nhau nghe những gì đã trải qua, truyền cho nhau thông tin về những người bạn chưa có dịp về với ngày vui họp mặt hôm nay. Bữa liên hoan đầu tiên, trong hương vị đặc trưng của ly rượu “Sán nùng” còn vương mùi lúa mới, càng làm cho mọi người phấn chấn nhớ về các địa danh Vĩ Kim, Lùng Thàng, Pặc Tà... Cùng với những tháng ngày gian nan, nhưng sôi động và chất đầy mơ ước.
Hàm rồng
          Tạm biệt Thành phố, tạm biệt với cái nắng hè oi ả, chúng tôi vượt đường đèo để lên với Sa Pa. Bầu không khí mát dịu dưới chân thác Bạc, nay đã không còn tĩnh lặng như xưa mà khá ồn ào vì sự phát triển của một khu du lịch mới. Tuy vậy, nơi đây cũng vẫn còn vương vấn những nét hoang sơ. Trong tiếng ào ào của thác reo ta có thể cảm được ở đâu đây còn vọng lại tiếng thơ tình của  Anh Thơ - nữ sĩ:

          “Anh ơi lên với em anh nhé!
          Thác Bạc ngày đên dội sáng bản Mèo.
          Cầu Mây vắt suối chiều sương phủ nhẹ
          Nắng trốn rồi núi tựa trong veo..."
         
          Sa Pa nay đã đẹp lên nhiều lắm, các nhà hàng, biệt thự san sát, kề nhau nhưng không trên một bình độ như nhiều đô thị khác. Kiến trúc nơi đây được xây cất trên toàn bộ địa hình nguyên sơ, thiên hình vạn trạng của đồi núi tự nhiên, có khá nhiều công trình được kiến  trúc theo modem kiểu Pháp. Đến với Sapa, người ta như quên đi mọi cảm giác ưu phiền, những lo toan bộn bề, những bụi bặm phố phường... chỉ còn mây, trời, cảnh sắc lãng mạn, hùng vĩ của nơi "nóc nhà Đông Dương"... Con người ở đây sống với mây, hoà trong mây và đặc biệt, những cư dân là người đồng bào dân tộc thiếu số vẫn giữ được nét chân chất, nhiệt tình và thân thiện. Nơi đây còn có thứ tài nguyên vô giá là khí hậu trong lành, mát mẻ ngay trong những ngày oi nực của mùa hè. Vì vậy mà Sa Pa luôn được các du khách phương Tây chọn làm điểm đến.
 Đến Sa Pa là tìm đến với những đặc sản như cơm lam cùng các loại trái cây miền ôn đới, những trang sức mang đậm nét hoa văn thổ cẩm và những thang thuốc bổ, với nhiều dược liệu quý ...đó là những món quà cho du khách thỏa sức lựa chọn để làm quà.
           Trung tâm thị trấn là nhà thờ đức mẹ Mâm Côi do người Pháp xây cất từ những năm đầu thế kỷ Hai Mươi. Nhà thờ được coi như một trong những biểu tượng đặc sắc của khu du lịch này. Nếu có dịp thưởng thức du ngoạn Hàm Rồng thì cảnh sắc nơi đây sẽ còn nhiều hấp dẫn.
          Hai ngày họp mặt trôi đi thật nhanh chóng. Đúng hẹn, hai chiếc xe du lịch lại đưa đoàn chúng tôi xuôi trở về với khách sạn Hoàn Liên. Ở đây không khí chia tay đã diễn ra đầy xúc động. Đúng như một ai đó đã viết rằng:
Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình say nghĩa bấy lau nay
Say thơ say nhạc say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Vẫn biết rằng cuộc vui nào cũng đến hồi vãn hội, nhưng trong mỗi chúng tôi vẫn lưu luyến như chưa muốn chia ly. Cùng với những cái bắt tay, lời chào, lời chúc là nỗi bồi hồi cho những lời hò hẹn lần sau...


                                                                                          Cả Mõ

07 tháng 4 2014

NHỮNG CHUYỆN KHÔNG VUI VỀ NGƯỜI VIỆT NAM TẠI NHẬT

VOV.VN - Hình ảnh của con người Việt Nam đẹp hay xấu
 được thể hiện từ mỗi một cá nhân chúng ta.

Hôm 2/4/2014, tôi nhận được email từ con một anh bạn đang du học tại Nhật Bản hỏi về cách xử lý khi mất hộ chiếu. Từng là phóng viên VOV thường trú tại Tokyo nên tôi nắm rõ thủ tục và tư vấn cho cháu đầy đủ. Nhưng ngay sau đó tôi nhận được email trả lời của cháu và nội dung làm tôi giật mình, nguyên văn như sau: “Dạ, cháu thì không mất bác ạ. Bạn cháu bị mất, đã báo với cả cảnh sát nhưng bây giờ bên này phát sinh vấn đề người Việt mình bán hộ chiếu nên họ bảo phải điều tra thủ tục này khác. Có khi nửa năm vẫn chưa được cấp lại bác ạ. Cháu không biết bác biết vấn đề này không. Nhưng hiện tại tình hình người Việt bên này đang loạn lắm bác ạ”.
“Loạn lắm” ? Liệu cháu có quá lời không?! Tôi mới về nước được vài năm, mà hồi còn ở bên đó, lưu học sinh và người lao động Việt Nam vẫn được đánh giá cao lắm cơ mà! Đến mức bán cả hộ chiếu của mình thì thật không tưởng tượng nổi!
Cảnh báo: ăn cắp vặt là phạm tội…
Đang băn khoăn xem có nên nhờ phóng viên VOV tại Tokyo và bạn bè tại Đại sứ quán tìm hiểu thêm hay không thì chị chuyên gia hiệu đính người Nhật đến. Trái với thường lệ, chị không ngồi ngay vào bàn làm việc mà đến bàn tôi nhờ giải nghĩa cho từ “cảnh cáo” trong tiếng Việt. 
Tôi đang say sưa giải thích nào là việc cảnh báo về một vấn đề gì hay là một hình thức kỷ luật với những người có sai phạm tại một cơ quan, đoàn thể… thì chị ngắt lời: “Thế, trong ảnh này thì nghĩa là gì?” và chìa cho tôi xem bức ảnh trên đây, trong đó có những hàng chữ cả tiếng Việt và tiếng Nhật với nội dung: “Cảnh cáo: ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt sẽ bị phạt tù dưới 10 năm….”. 

Chị nói thêm: “
Gần đây tại nhiều siêu thị, cửa hàng Nhật Bản nơi có người Việt Nam sinh sống người ta niêm yết những bản này đấy. Chả là người Việt…” rồi chị ngắt ngang câu, chắc là do nhìn thấy nét mặt sững sờ của tôi lúc đó hoặc cảm thấy ngại ngùng. Còn tôi, không cần chị nói nốt tôi cũng biết phần cuối của câu nói là gì.
Tôi lặng người… Các niêm yết chỉ dẫn (tạm gọi là chính thống và lành mạnh, không phân biệt đối xử) chủ yếu là bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, vài năm trở lại đây để thu hút thêm khách du lịch Hàn Quốc ở một vài nơi mới sử dụng cả tiếng Hàn. Còn niêm yết (tạm gọi là cực đoan) bằng tiếng Việt như thế này là ngoại lệ đầu tiên. Nó cho thấy mối bức xúc thực sự của người Nhật - những người vốn tính biết nhẫn nhịn, thông cảm và rất ít khi tỏ thái độ kỳ thị.
Tìm hiểu thêm qua báo chí và các trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhật Bản tôi mới biết là gần đây xảy ra hàng loạt các vụ bắt giữ người Việt Nam tại Nhật Bản do ăn cắp tại các siêu thị. Nổi cộm nhất là vụ cảnh sát Tokyo tạm giữ một nữ tiếp viên Vietnam Airlines vì tình nghi cô này buôn lậu đồ ăn cắp, đồng thời khám xét văn phòng của Hãng hàng không Vietnam Airlines tại Tokyo. Chỉ cần có khả năng tư duy ở mức “nhị đoạn luận” cũng có thể suy ra chắc chắn cảnh sát Nhật Bản sẽ đặt giả thuyết là có một tổ chức tội phạm khép kín, liên hoàn của người Việt Nam tại Nhật Bản trong việc ăn cắp, tiêu thụ hàng hóa từ các siêu thị và mở rộng điều tra theo hướng này.
Chuyện nghiêm trọng hơn
Thật ra trước lúc đặt bút viết bài này tôi cũng băn khoăn rằng có nên viết hay không. Nhưng cũng ngay trong chiều 2/4 tôi lại được nghe một câu chuyện mà sau khi nghe xong tôi tự đặt cho mình trách nhiệm phải viết bài này như một hồi còi báo động.
Chuyện là, chị bạn tôi có 2 con đang du học tại Nhật. Lâu lâu chị em không gặp nhau, chiều qua chị gọi đi uống cà phê. Vừa trông thấy chị, tôi đã có dự cảm không lành. Bình thường vốn vui vẻ là thế, mà bây giờ mặt ủ mày chau. Tôi vừa ngồi xuống, không đợi tôi gọi đồ uống chị nói luôn: “Chị đang có vấn đề, chú tư vấn cho chị xem nên làm thế nào”.
Theo lời chị kể, con trai cả của chị đã tốt nghiệp đại học tại Nhật và hết hạn visa. Đáng lẽ phải về nước nhưng cháu trốn ở lại với mục đích làm việc kiếm thêm tiền rồi mới về. Sau đó em gái cháu cũng sang du học. Tại Nhật, cháu gái gặp và yêu một nam sinh viên Việt Nam. Qua một thời gian, thấy tính cách và nhiều thứ không hợp nhau, cháu muốn chia tay thì anh chàng kia quay ra đe dọa: “Nếu mày không yêu tao, không cho tao nữa, tao sẽ báo cảnh sát bắt anh trai mày…”v.v và v.v.
Tôi không biết nói gì chỉ đành khuyên chị gọi con trai về nước càng sớm càng tốt, có chăng thì chỉ bị phạt tiền là cùng. Với tấm bằng đỏ của Đại học Nhật Bản lo gì không kiếm được một công việc tươm tất ở nhà.
Lẽ ra chuyện chỉ dừng ở đó nếu như tôi không bị ám ảnh bởi cái bảng niêm yết chống ăn cắp đã bắt đầu nhuốm màu kỳ thị nêu trên. Từ câu chuyện của chị tôi rút ra hai dữ kiện (mong chị đừng giận nếu có đọc bài viết này). Một là, ở Nhật Bản đã xuất hiện người Việt Nam cư trú bất hợp pháp và coi chuyện đó là thường tình. Hai là, ngay trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản cũng có lối hành xử như anh chàng người yêu cũ của con chị bạn tôi - đi tìm bạn đời bằng cách… cưỡng bức yêu.
Từ dữ kiện thứ nhất tôi móc nối với việc có người bán cả hộ chiếu của mình như lời kể của con trai anh bạn tôi ở đầu bài viết và thấy chúng thật logic. Người cư trú bất hợp pháp thì hộ chiếu làm gì còn hạn. Vả lại, có muốn gia hạn cũng không được. Có cầu thì ắt có cung. Đó là quy luật.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến thời điểm cuối tháng 3 năm 2013 có tới 1.110 người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại nước này và còn chưa rõ tung tích. Từ con số đó, chỉ cần cộng trừ một cách đơn giản cũng có thể thấy không phải chỉ có một người bán hộ chiếu của mình. Tuy nhiên, cả kẻ bán và người mua phải biết rằng họ đang vi phạm pháp luật cả trong và ngoài nước một cách nghiêm trọng. Bởi, hộ chiếu không chỉ là giấy tờ tùy thân của một cá nhân mà còn là tài sản quốc gia. Điều này được ghi rất rõ trong các loại hộ chiếu mà nước ta phát hành hiện nay. Những hành vi nêu trên sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. Còn với dữ kiện thứ hai, tôi hy vọng rằng đó chỉ là hiện tượng hiếm gặp.

Như chúng ta đều biết, mối quan hệ Việt – Nhật đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Người dân hai nước dành những tình cảm thân thiện cho nhau. Sự hợp tác giúp đỡ của Nhật Bản đối với Việt Nam đã lan rộng đến cả cấp xã, phường. Hai nước cũng vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao một cách thành công rực rỡ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các bạn Nhật. Thế nhưng chỉ sau chưa đầy 3 tháng đã xảy ra hàng loạt sự kiện nhức nhối. Chẳng lẽ những người vi phạm không lường trước hậu quả ư?
Tấm biển Cảnh báo (Nguồn Vietjo)
Thiệt hại đầu tiên và trực tiếp là: nếu bị phát hiện, người vi phạm sẽ chịu những hình phạt thích đáng của pháp luật hai nước. Tiếp theo là những thiệt hại về kinh tế cho cả cộng đồng. “Cái ổ mà đổ thì trứng làm gì còn”. Từ thiệt hại chung sẽ quay ngược lại thiệt hại cho cá nhân. Vì cái lợi nhỏ bất chính trước mắt mà quên cái lợi lớn lâu dài thì quả là bất trí, nếu không nói là ngu dốt. 
Và, trên hết là những ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp đẽ của người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Chắc nhiều người trong số chúng ta còn nhớ những câu chuyện tiếu lâm, hò vè về những lao động xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu cách đây hai ba mươi năm. Những câu đại loại như: “Ăn nhanh đi chậm hay cười, chuyên mua đồ cũ là người Việt Nam”… Nhưng đó là cái thời bao cấp đói kém, ra nước ngoài chỉ chăm chăm mua hàng gửi về giúp đỡ gia đình trong nước. Mà cũng chỉ mua đồ cũ thôi chứ ăn cắp thì ít lắm.
Những tưởng đây đã là quá khứ, là những hồi ức buồn vui lẫn lộn về một thời kỳ lam lũ ngắn ngủi, ấy vậy mà ngày nay khi đất nước ngày một lớn mạnh, kinh tế đang khá dần lên, vị thế của Việt Nam đang lớn dần lên, nó lại xuất hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn, lan rộng hơn. Cho dù các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa cũng không có tác dụng nếu những hành vi nêu trên cứ tiếp diễn.
Thay cho lời kết
Khi viết bài viết này, tôi quyết định sẽ đăng báo điện tử với mục đích là để các bạn trẻ dù có ở Nhật Bản hay sắp đi nước ngoài đọc được và rút ra những điều bổ ích cho mình.
Từ “quốc sỉ” không hề xa xôi, viển vông hay giáo điều đâu, mà nó nằm ngay trong tay các bạn, trong những hành vi nhỏ nhất của bạn, đặc biệt là khi ở nước ngoài. Hình ảnh của con người Việt Nam đẹp hay xấu được thể hiện từ mỗi một cá nhân chúng ta. Mong các bạn hãy ý thức rằng chính mình là những “Đại sứ nhân dân” của Việt Nam.
Cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tuyền truyền giáo dục, những quy định cụ thể đối với công dân Việt Nam khi ra nước ngoài bao gồm cả khách du lich ngắn ngày để giúp mọi người ý thức được đầy đủ hơn hai từ “QUỐC SỈ”./.

                                                                     Nguồn VOV
                                                                                         Tuấn Nhật/VOV5