Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

08 tháng 8 2014

RẰM THÁNG 7 VÀ THÁNG MƯA NGÂU

Lễ cầu phúc trước hôn nhân tại chùa Hà Tiên-Vĩnh Yên
Người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý và đáng trọng. Ngày rằm tháng 7 cũng là ngày xá tội vong nhân, dân gian còn gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Tháng 7 - mưa Ngâu lại gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích chuyện tình Ngưu Lang-Chức Nữ.
Nhân sắp đến rằm tháng 7, chúng ta cùng tìm hiểu về những sự tích và tập tục đầy tính nhân văn này.

Sự tích Lễ Vu Lan.
Theo kinh Vu Lan thì, ngày xưa Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Và ông đã thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Nhưng mỗi khi thức ăn đưa lên miệng thì đã hóa thành lửa đỏ, không thể nuốt được.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.


Gắn với lễ Vu Lan còn có ý nghĩa về Bông hồng cài áo.
Tục xưa đến rằm tháng 7, nếu ái đó còn cha mẹ thì sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, người đó sẽ tự hào là được còn mẹ, còn cha. Nếu mất mẹ, mất cha thì sẽ phải cài trên áo một bông hoa trắng. Người được cài hoa trắng cảm thấy xót xa, nhớ thương cha, mẹ khôn nguôi. Ngược lại, người được cài hoa hồng thì sẽ thấy sung sướng vì mình còn mẹ, còn cha và sẽ cố gắng làm vui lòng cha, mẹ. Kẻo một mai song thân khuất núi đi rồi, dù  có than khóc cũng không còn kịp nữa.

Sự tích ngày xá tội vong nhân.
Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sinh về cõi trên".
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa. Nhưng tín ngưỡng dân gian của ta thì hiểu rộng ra thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa; không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay có nơi vẫn gọi cúng cô hồn là “Phóng diệm khẩu”. Có khi còn nói tắt thành “Diệm khẩu” nữa. Như vậy, Diệm khẩu là từ nghĩa gốc (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Lễ cúng cô hồn hoàn toàn khác với lễ Vu Lan, mặc dù cùng được cử hành trong ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch). Nhưng một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ, ông bà nhiều đời được siêu thoát; một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng viếng.
Cổng Trúc Lâm thiền viện (Vĩnh Phúc)

 
Sự tích tháng mưa ngâu.
Thuở xưa, có vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của
Cây đa cổ thụ mọc trùm lên mộ sư tổ chùa Hà Tiên (Vĩnh Yên)
Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng thượng đế giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông Ngân.
Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên gia ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hoá thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu (thông thường vào tháng Bảy âm lịch) và gọi họ là ông Ngâu bà Ngâu.
Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả, nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Các phường này mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai; kẻ muốn làm kiểu này, người muốn làm kiểu kia, cãi nhau chí chóe. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng tức giận bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ, lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Bị hoá làm quạ, các phường thợ mộc lại càng giận nhau hơn. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh.
Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.
Tuy nhiên còn có  dị bản khác cho rằng, tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước bắt nguồn từ chim Ô (tức là quạ đen) và chim Thước (chim Khách) kết cánh mà  tạo ra.

Như vậy là cùng trong không gian tháng 7 và ngày rằm tháng 7 (âm lịch) thì đồng thời có các tích về một số Lễ. Tuy nhiên nó hoàn toàn không liên quan đến nhau. Việc kiêng kỵ tháng 7 không nên làm một số việc như cưới hỏi, đồng thổ…cũng bắt nguồn từ các tích này. Nhưng lại không có ý nghĩa giống nhau. Ví dụ như cưới hỏi thì kiêng tháng “ngâu” vì sợ rằng cuộc tình sẽ ảnh hưởng như Ngưu Lang-Chức Nữ thì thật là bất hạnh. Còn kiêng các việc khác là vì coi tháng 7 là tháng cô hồn, có nhiều xui xẻo…
Tuy nhiên, xét về thời tiết thì đây là tháng mưa nhiều, thời tiết không thuận để làm những việc quan trọng. Việc liên quan đến sự tích của các Lễ nêu trên có lẽ chỉ là cái cớ mà thôi.
                                                                       Mạnh Nguyên
                                                                          Sưu tầm và biên tập



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét