Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

22 tháng 10 2014

SÔNG HỒNG VẪN ĐANG BỊ ĐỐI XỬ THIẾU THÂN THIỆN

Cá chép sông Hồng

Xin thay cho lời tự sự của dòng sông Hồng-con sông đã đem lại biết bao nhiêu nguồn lợi, nhưng lại đang đêm ngày phải gánh chịu những đối xử ngược đãi của con người.

          Tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Thắng nói riêng được tự hào là mảnh đất của “Nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt”. Và, chính con sông quanh năm nước đỏ này đã bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới, tiêu úng thoát lũ, tạo nguồn thủy sản, cung cấp vật liệu xây dựng và còn là một tuyến giao thông quan trọng, tạo nên cảnh quan thơ mộng cho nhiều miền quê dọc đôi bờ. Ở hạ lưu, hiện nay người ta đang có không ít dự định về khai thác sông Hồng trên các bình diện kinh tế Nông nghiệp, cảnh quan đô thị và du  lịch trên sông.
Cận cảnh tầu khai thác vàng
Cận cảnh tầu khai thác cát, sỏi
          Vậy mà, giờ đây có dịp đi trên dọc sông Hồng, ta dễ dàng bắt gặp cảnh đối xử với dòng sông thật là bất nhẫn. Đôi bờ sông ổn định hiền hòa xưa kia, nay đã nham nhở vì xói lở, tạo nên sự biến dòng thật vô cùng đáng ngại. Trên mặt sông những tàu khai thác cát, sỏi và thậm chí cả việc khai thác khoáng sản không phép vẫn bất chấp lệnh cấm của chính quyền, lẩn lút núp dưới hình thức hút cát để đãi vàng, thoắt ẩn, thoắt hiện. Trên nhiều khúc sông, tình trạng khai thác cát sỏi được hoạt động công khai, không có sự hướng dẫn và giám sát của cơ quan quản lý môi trường. Vì vậy, những đống cát sỏi phế thải cứ vô tư đùn đẩy ra đến giữa dòng, tạo nên nhiều cồn, đụn làm biến đổi dòng chảy. Đây là những nguyên nhân căn bản gây nên các điểm xoáy lở nguy hiểm ở đôi bờ. Cây cầu (chung) Phố Lu bắc qua sông Hồng - một điểm nối giao thông huyết mạch trên trục Quốc lộ 4E - mấy năm nay cũng liên tục bị đe dọa. Những xoáy nước đã và đang đêm ngày khoét sâu vào mố cầu. Mặc dù đã được ngành giao thông đường sắt ra sức gia cố, nhưng mỗi năm, khi mùa lũ về thì mối đe dọa lại có phần tăng thêm, bởi ngọn nước của dòng chảy biến đổi ngày càng thêm hung hãn, cứ hướng vào mố cầu mà xoáy.

          Để đáp lại sự ngược đãi của con người, không ít lần dòng sông đã nổi cơn thịnh nộ, gây thảm họa trở lại cho con người. Đó phải chăng, một phần cũng là hiệu ứng của hệ quả mà dòng sông đang bị đối xử. Phần nào nói lên những cảnh báo của thuyết nhân quả mà chính con người đang phải trả giá cho những việc mình làm.
Rác trên sông Hồng
          Nguồn lợi mà dòng sông mang lại cho con người thì đã rõ. Song, nếu như trên sông chỉ có các phương tiện đánh bắt cá, tôm truyền thống, thì thủy sản tự nhiên do sông Hồng đem lại sẽ là một nguồn lợi khá dồi dào cho cư dân chài lưới ven bờ. Việc đánh bắt thủy sản truyền thống còn giữ được vệ sinh môi trường và đảm bảo cho cân bằng sinh thái. Nhưng cách ứng xử của con người với dòng sông thì ngày càng trở nên tồi tệ. Những năm gần đây, người ta chế ra nhiều loại phương tiện đánh bắt cá, tôm “hiện đại” bằng điện, mà điển hình là kích điện. Theo nguồn tin của người dân ven sông cho biết, cá biệt có trường hợp còn dùng cả lưới có sợi kim loại chăng ngang sông, phóng điện vào lưới thông qua máy phát công suất lớn để bắt cá. Kiểu đánh cá hủy diệt này đã góp phần làm cho nguồn thủy sản nhanh chóng cạn kiệt và là tác nhân rất đáng kể tham gia vào phá hủy hệ sinh thái của dòng sông.

          Sự thiếu hiểu biết về vệ sinh môi trường cùng với thói quen tắc trách của người dân sống ven sông, điều đó đã tạo ra không ít tác nhân ô nhiễm rất nguy hiểm, như xả thẳng chất thải xuống sông, nhiều trường hợp còn quăng xác súc vật chết vì dịch bệnh xuống dòng chảy. Không biết những người làm như vậy có hiểu rằng, hành vi của họ đã làm cho dòng sông hiền lành trở nên phương tiện chuyên chở nguồn dịch bệnh nguy hiểm cho con người và gia súc, gia cầm ở phía sau dòng chảy hay không?. Về mùa cạn, đi trên cầu hoặc ven sông, các đầu bãi bồi và trên các các con suối chảy ra sông Hồng, ta dễ dàng nhìn thấy khá nhiều những bao tải xác rắn được dắt lại trên gềnh, bãi, và ven bờ. Có lẽ chưa có ai giám mở ra xem trong đó có những thứ gì, nhưng chắc chắn đấy không thể không phải là rác phế thải thông thường.

          Lâu nay ở nhiều nơi, người dân đã ý thức được sự nguy hại của ô nhiễm môi trường, nên đã có đơn, thư kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền; các cơ quan chức năng để phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm vì chất thải của một số công ty, nhà máy. Việc phản ánh và kiến nghị của người dân về vấn đề đó là chính đáng. Nhưng, cũng chính người dân lại đã và đang tự hủy hoại môi trường tại chỗ hoặc đùn đẩy chất ô nhiễm, mầm bệnh xuống sông, suối - mà nơi gánh chịu cuối cùng là Sông Hồng thì chưa biết quy trách nhiệm về ai.

          Phải chăng, đã đến lúc Sông Hồng lên tiếng, kêu gọi các cấp chính quyền và người dân ở ven Sông có trách nhiệm với nó. Sớm ngăn chặn những hành vi ngược đãi với dòng sông, để sông Hồng được trở lại là môi trường thân thiện, phục vụ cho cuộc sống bình yên của cư ven bờ và bồi đắp phù sa cho các miền châu thổ.

                                                                                                          Cả Mõ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét