Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

24 tháng 9 2016

THÓI BA HOA

                                           Bàn về chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

          Trong chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tháng 7 năm 2016, Bản tin nội bộ do ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lào Cai phát hành có bài viết về "Chống thói ba hoa".
          Giải thích biểu hiện này Bác Hồ đã chỉ ra rằng, thói ba hoa là cách nói, cách viết dài dòng mà rỗng tuếch, khó hiểu..."Báo cáo lông bông. Báo cáo giả dối. Thành công ít thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì dấu đi...Hoặc là báo cáo chậm trễ. Không nêu rõ nội dung, vấn đề một cách rõ ràng, có hệ thống".
           Đây là những điều được dẫn từ  tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" mà Bác đã viết ra từ năm 1947. Đến nay gần 70 năm đã qua đi, với thời gian như thế, lẽ ra những điều Bác nói, Bác dạy không còn là quá mới. Nhưng giờ đây, khi đọc lại những dòng này, chúng ta lại giật mình vì ở đâu đó hiện tượng Bác nêu, Bác nhắc lại vẫn còn hiện hữu.
          Trước tiên là bàn về cách nói, có không ít cán bộ và nhân dân than phiền rằng,  nỗi khổ nhất là đã họp quá nhiều, mà ở mỗi cuộc họp lại gặp phải những vị nói dài, nói dai, nói toàn là những điều khó hiểu. Đó là cách nói, cách diễn đạt dài dòng, nhưng lại quá ít về thông tin. Khi phát biểu, chỉ một thủ tục kính thưa, kính gửi rồi rào trước, đón sau đã chiếm mất khá nhiều thời gian. Tiếp đó là mỗi ý đưa ra lại kèm theo cả một dàn phân tích, giải thích, bình luận cứ như đang đứng trên bục giảng. Thậm chí có khi chủ tọa buộc phải nhắc nhở, nhưng những người này vẫn phớt lờ để tiếp tục ào ào "chém gió".
Ở miền núi không có biển à?. Rồi sẽ có!
          Ngược lại, về phía chủ tọa, lẽ ra với tư cách điều hành là phải dẫn dắt hội nghị, là lắng nghe ý kiến cấp dưới, tổng hợp, xử lý và kết luận vấn đề. Nhưng cũng vì mắc phải tật ham nói và nói dài, cho nên có vị chỉ khai mạc thôi đã độc chiếm tới hàng giờ. Tiếp sau đó là những bản báo cáo tràng giang đại hải thì còn đâu thời gian cho cấp dưới tham gia phát biểu. Thế là việc xin ý kiến bổ sung của hội nghị có khi chỉ còn là, "Thứ nhất ngồi ỳ, thứ nhì nhất trí" thông qua.
          Về báo cáo, hiện vẫn tồn tại không ít kiểu báo cáo mang tính hình thức, dập khuôn và "sáo cũ". Có khi chỉ là những bản báo cáo định kỳ (tháng, quý), nhưng mở đầu có đến hàng trang kể lể về đặc điểm tình hình, về bối chính trị, xã hội. Đến phần nội dung thì nặng về kể thành tích, cố gắng tìm cách chứng minh cho số liệu báo cáo sau cao hơn số liệu của báo cáo trước. Không ít số liệu được "bốc thuốc" để đưa vào cho đẹp.
          Ở mục khuyết điểm, hạn chế thì phần lớn là đổ cho yếu tố "khách quan", hoặc có chăng cũng là do nơi này, chỗ kia cấp dưới chưa thực sự nhiệt tình, trình độ cấp dưới còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao...vân vân và vân vân!.
          Thói ba hoa, dài dòng tưởng chừng như vô hại, nhưng xét về nhiều khía cạnh thì không phải là như vậy. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, quỹ thời gian càng trở nên quý giá; vì thời gian cũng chính là vật chất, là "chất xám", là sức khỏe và tiền bạc. Thói ba hoa, nói dài, nói dai chỉ xét về chiếm dụng thời gian thôi đã trực tiếp gây ra những tổn hại về kinh tế nói chung rồi. Nhưng, nếu cái sự nói dài, nói dai đó lại vô bổ, gây khó chịu, phản cảm thì còn làm hại thêm cả về tinh thần, sức khỏe cho người khác nữa.
          Đối với thói ba hoa, dài dòng, "lông bông, sáo cũ" và khó hiểu trong hành tự văn bản, báo cáo cũng vậy. Nó không chỉ làm tốn kém giấy mực, thời gian mà còn tạo nên những thông tin sai lệch, ảnh hưởng xấu đến quá trình tổng hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức lãnh đạo, điều hành  của cấp trên.
          Mắc thói ba hoa trong cách nói, cách viết là những người không biết tôn trọng người khác, họ đã tự lòi ra cái đuôi kém cỏi của mình. Cho nên xét cho cùng, đấy cũng là biểu hiện của phẩm chất, trình độ và năng lực. Nhưng tiếc thay, phần lớn họ lại không hề tự biết được điều này.

                                                                                           Cả Mõ
         



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét