Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

21 tháng 9 2017

CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI PHÍA TÂY NAM – SAU HƠN 30 NĂM NHÌN LẠI


Từ khi quân Pol Pot gây hấn ở biên giới Tây Nam Việt Nam cho đến ngày sự thật được phơi bày (những kẻ cầm đầu Khmer đỏ bị xét xử) là hơn 30 năm (1975 – 2006).

Sau sự kiện 30/4/1975, quân Pol Pot đã tiến hành xâm lấn biên giới Việt Nam mà đầu tiên là đảo Phú Quốc (4/5/1975) rồi tới đảo Thổ Chu, giết chết 500 thường dân. Chúng gây ra hàng loạt cuộc thảm sát nhân dân biên giới Việt Nam-CamPuChia.
Tháng 4/1977, quân Pol Pot tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường.
Ngày 25/9/1977, 4 sư đoàn quân Pol Pot đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), đốt phá 471 ngôi nhà, giết, làm mất tích và bị thương gần 800 người dân.
Quân đội Việt Nam phối hợp với quân Cách mạng Căm-Pu-Chia tấn công Khmer Đỏ 
Tính từ tháng 5-1975 đến ngày 23-12-1978, Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Chủ trương của quân Pol Pot là “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.
Bảo vệ biên giới Tổ quốc
Ngày 31/12/1977 Việt Nam đưa 6 sư đoàn bộ binh đánh sâu vào đất Campuchia, giải thoát cho một số cán bộ quan trọng của Campuchia, trong đó có Thủ tướng tương lai Hun-Sen.Cuộc tấn công này được xem là lời “cảnh cáo” cho chính quyền Khmer Đỏ.
Với thiện chí của mình, Việt Nam đề nghị đàm phán nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot nhiều lần từ chối, và giao tranh lại tiếp diễn. Từ tháng 12/1977 đến tháng 6/1978, hơn 30 vạn thường dân Việt Nam phải di tản vào sâu trong nội địa.
Ngày 13/12/1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, chính quyền Khmer Đỏ đã huy động 19 trong số 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Trước tình hình đó Việt Nam buộc phải huy động lực lượng lớn, với nhiều binh đoàn phối hợp cùng lực lượng của chính phủ Cách mạng Căm-Phu-Chia để đánh trả, đồng thời giúp cho chính phủ non trẻ của Căm-Pu- Chia giải phóng đất nước.
Từ tháng 6/1977 đến tháng 12/1978, quân tình nguyện Việt Nam đã tiêu diệt 38.563 quân Khmer đỏ, bắt sống 5.800 tên. Kết thúc cuộc chiến, quân tình nguyện Việt Nam đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến hơn 10 vạn quân Pol Pot.
Công an Vũ trang tỉnh An Giang Bảo vệ biên giới
Đến 7-1-1979, Phnom Penh được giải phóng. Nhưng phải đến 10 năm sau cuộc chiến mới thực sự kết thúc. Dưới chế độ Khmer đỏ, hơn 3 triệu người dân Campuchia đã chết thảm vì nạn diệt chủng của Pol Pot. Cuộc chiến kết thúc, nhưng Việt Nam cũng có hàng chục ngàn quân nhân hy sinh hoặc mất tích và hàng trăm ngàn người bị thương; ngoài ra còn tới hơn 55 ngàn dân thường chết hoặc bị thương và mất tích.

Cái nhìn của quốc tế và khó khăn của Việt Nam

Để chống lại sự tấn công xâm lược lãnh thổ của quân Pol Pot – Cuộc chiến biên giới Tây Nam Việt Nam thực chất là một cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng theo điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Cuộc chiến này còn mang tính nhân đạo, giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và giúp họ xây dựng chính quyền Cách mạng mới.
Nhân dân Căm Pu Chia tiễn quân Tình nguyện Việt Nam về nước.

Mặc dù vậy, về quan điểm của quốc tế khi đó - ngoài Liên Xô và Cu Ba (trong phe XHCN) thì phần lớn đều ủng hộ chính quyền Khmer đỏ và cho rằng, Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Campuchia.

Phương Tây và Trung Quốc đều viện trợ cho chính quyền Khmer đỏ - trong đó Trung Quốc là nước viện trợ tích cực nhất cho chính quyền Khmer đỏ (nếu không muốn nói chính Trung Quốc đã hậu thuẫn cho chính quyền Khmer đỏ tấn công Việt Nam).
Cũng trong thời gian này, phương Tây mà đứng đầu là Mỹ đã tuyên truyền là: Việt Nam đang “Thuộc địa hóa” Campuchia theo thuyết “Chủ nghĩa bành trướng của cộng sản”. Họ gọi Việt Nam là Đế chế Cộng sản ở Đông Dương, rằng “Hà Nội muốn thành lập 1 Liên Bang Đông Dương và lãnh đạo 3 nước Đông Dương”.
Thái Lan cũng không công nhận cuộc chiến của Việt Nam, chính phủ Thái để Khmer đỏ đóng quân trên lãnh thổ giáp biên để nhận viện trợ từ Phương Tây và Trung Quốc cho đến năm 1988 mới chấm dứt. 
Cùng với việc hậu thuẫn cho chính quyền Khmer đỏ xâm lược Việt Nam, từ năm 1976 Trung Quốc ngừng gói viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam hằng năm, đồng thời cắt việc cung cấp hàng tiêu dùng. Khó khăn càng nhiều, khi các nước khác cũng viện trợ nhỏ giọt, tiếp đó là lũ lụt năm 1978 – trận lụt lớn nhất trong 60 năm làm cho kinh tế Việt Nam kiệt quệ.
Các nước phương Tây, sau đó chỉ còn Pháp viện trợ với số lượng ít cho Việt Nam, trong khi Mỹ lại siết chặt cấm vận. Khó khăn đã khiến khẩu phần ăn trong nước bị giảm xuống 1kg gạo/tháng, kể cả quân tình nguyện trên đất Campuchia cũng bị cắt giảm như vậy. Tuy nhiên, năm 1979 Việt Nam vẫn viện trợ cho Cộng hòa Nhân dân Campuchia 120.000 tấn lương thực.
Cũng từ thời điểm này, Trung Quốc bắt đầu gây hấn ở Biển Đông và các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đỉnh điểm là cuộc chiến xâm lược toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam vào đầu năm 1979. Tiếp sau nữa là “Sự kiện Gạc Ma” - năm 1988.
Tháng 4/1981 Việt Nam đã thể hiện sẵn sàng rút tất cả quân tình nguyện khỏi Campuchia, nếu Trung Quốc ký một hiệp ước không xâm lược Việt Nam, Lào và Cộng hoà nhân dân Campuchia. Nhưng Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận đề nghị trên.
Tháng 9/1989 – sau khi không còn sự đe dọa bởi tàn quân Pol-Pot, quân Tình nguyện Việt Nam đã rút hoàn toàn về nước. 
Tháng 12/1999, Ta Mok và các thủ lĩnh còn lại của Khmer đỏ ra đầu hàng - trên thực tế đến đây Khmer Đỏ mới thực sự chấm dứt sự tồn tại. 
Năm 2006 phiên tòa xét xử tội ác Khmer đỏ được thành lập, ngày 26/7/2011 bắt đầu phiên xét xử đầu tiên đối với các thủ lĩnh của tổ chức này. 
Như vậy, cuộc chiến 10 năm bảo vệ đất nước của Việt Nam, đồng thời giúp đỡ nhân dân Căm-Pu-Chia thoát khỏi nạn diệt chủng đã hoàn toàn có kết quả. Nhưng trên hết, thế giới vẫn còn nợ Việt Nam một lời xin lỗi.
                                                                C.M Sưu tầm &biên tập

09 tháng 9 2017

TIẾP RƯỢU CÙNG BỐ VỢ


Anh chàng nọ vốn tính nho nhã, một hôm đến chơi nhà bố vợ. Nhân có mấy ông khách nên anh được bố mời ngồi cùng mâm để tiếp khách. Lúc đầu anh chàng cũng ý tứ lắm. Nhưng ngặt nỗi, vớ phải mấy ông khách cũng thuộc hạng “Chân dày” trong "làng" uống rượu, nên họ cứ tìm cớ chúc tụng theo kiểu “trăm phần trăm” liên tục. Thậm chí mỗi lần dốc cạn chén, một trong mấy khách bợm còn xoi mói kiểm tra xem đã uống hết chưa.
Chàng rể vì nể bề trên, phần vì muốn thể hiện sức trẻ nên có đôi lần còn ra tay đỡ cho bố vợ nữa. Uống được một hồi, xem ra đã ngấm men nên phần ý tứ của chàng rể cũng giảm dần.
Nhận thấy điều đó, khi mấy ông khách lại kiếm cớ để “trăm phần trăm”, ông bố vợ liền gàn khách:
       - Các bác thông cảm cho, sức rượu của cháu nó cũng có hạn...

Ảnh minh họa (từ Internet)
          Nhưng không đợi bố vợ nói hết, chàng rể đã xua tay, trợn mắt mà rằng:
         - Bố yên...yên tri..í. Đứng về mặt rượu mà nói nhá, con chấp, bố đứa nào làm được thằng nay say!.

        Suy cho cùng, âu cũng là chuyện “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”!.

                                                                                                                                                                                             C.M

08 tháng 9 2017

Từ bỏ giàu sang về khám bệnh ở quê nhà

TTO - Bác sĩ Trần Hoàng Minh, 29 tuổi, quốc tịch Mỹ, học Trường ĐH Houston (Mỹ) và tốt nghiệp ĐH Queensland (Úc) đã chọn Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM làm việc. Vị bác sĩ này làm chuyện rất "lạ": gọi điện hỏi thăm sau khi bệnh nhân xuất viện...


Hiện bác sĩ Trần Hoàng Minh đang làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp. Đã cấp cứu cho hàng trăm bệnh nhân trong bảy tháng làm việc, nhưng chưa bệnh nhân nào biết bác sĩ Minh từng sống ở Mỹ bởi anh nói tiếng Việt rất chuẩn.
“Tại sao em lại về đây?”
8 tuổi, Minh sang Mỹ ở cùng gia đình. Gần 20 năm sống ở Mỹ nhưng hằng ngày ba mẹ Minh đều nói chuyện với con bằng tiếng Việt.
Ba mẹ Minh quan niệm “Là người Việt Nam, một ngày nào đó có cơ hội quay về Việt Nam thì con phải nói được bằng tiếng Việt”.
Gần như mùa hè nào Minh cũng được ba mẹ cho về TP.HCM thăm bà nội, họ hàng nên Minh quen với cách sống, môi trường ở Việt Nam. Sau bốn năm học tại Trường đại học Houston (Mỹ), Minh lấy bằng cử nhân, dự thi và học tiếp tại Trường đại học Queensland (Úc).
Ngày đó Minh quyết định sang Úc học ngành y vì tốt nghiệp Trường đại học Queensland Minh có quyền hành nghề bác sĩ tại cả Mỹ và Úc. Thế nhưng, trước ngày tốt nghiệp Minh quyết định sẽ về TP.HCM để chăm sóc bà nội và góp sức mình phục vụ những người bệnh tại quê hương.
“Ba mẹ và em trai Minh vẫn đang ở bên Mỹ, Minh quyết định về Việt Nam làm việc có nhận được sự ủng hộ từ gia đình?” - chúng tôi hỏi.
Chàng trai trẻ mỉm cười và nhắc lại lời của ba mẹ mình thay cho câu trả lời: “Con thích làm việc ở đâu thì con ở đó, miễn là nơi đó con cảm thấy vui. Ba mẹ luôn ủng hộ con”.
Tháng 7-2015, Minh từ Mỹ về Việt Nam. Trước khi quyết định chọn bệnh viện nào để nộp hồ sơ xin việc, Minh tự chạy xe máy đến nhiều bệnh viện trong TP.HCM, “đóng vai” người bệnh để quan sát cách tiếp nhận, phục vụ của từng bệnh viện. Nhận thấy Bệnh viện Q.Gò Vấp coi trọng bệnh nhân, lại gần nhà bà nội nên Minh nộp đơn xin việc.
Buổi sáng hôm ấy, nộp xong hồ sơ Minh chạy xe về ngay vì nghĩ phải chờ một thời gian nữa mới được gọi. Ai dè đang trên đường chạy xe về nhà thì giám đốc bệnh viện gọi điện bảo quay lại phỏng vấn.
Gặp Minh, TS.BS Phạm Hữu Quốc, giám đốc bệnh viện, tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi đi hỏi lại: “Tại sao em lại xin về đây?”. TS Quốc chia sẻ về thu nhập tại các bệnh viện công không bằng các bệnh viện tư và càng chênh lệch rất nhiều so với bác sĩ làm việc tại Mỹ. Lúc đó Minh trả lời: “Em đi làm chỉ vì yêu thích công việc. Em không đặt nặng về lương. Em nghĩ đủ sống là được rồi”.
BS Minh thăm khám người bệnh
Bệnh nhân cảm động
Sau khi con gái tôi, bé P.T.M.A. 3 tuổi, được xuất viện, hai ngày sau bác sĩ Minh gọi điện cho tôi hỏi thăm cháu có ăn uống được không, có đi tiêu chảy hay không...
Vợ chồng tôi rất ngạc nhiên vì từ trước đến nay đưa con đi khám bệnh nhiều lần nhưng chẳng thấy bác sĩ nào như thế. Chúng tôi tự hỏi ông bác sĩ này ở đâu ra mà tốt thế nhỉ? Nếu sau này con tôi có bệnh, chắc chắn vợ chồng tôi sẽ quay lại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp để nhờ bác sĩ Minh điều trị.
                                                               Phạm Văn Chính-người nhà bệnh nhân
Từ ngày đi làm, Minh dành nhiều thời gian ở trong bệnh viện. Những ngày không phải trực nhưng nếu thấy “nhớ” bệnh viện, Minh lại đến khoa cấp cứu tự nguyện phục vụ bệnh nhân.
7g sáng mới bắt đầu giao ca nhưng nếu đến ca trực, Minh luôn có mặt từ lúc 6g30. Minh bảo bác sĩ trực ca đêm rất mệt, nếu có bệnh nhân nhập viện lúc 6g55 sẽ phải ở lại thêm để tiếp nhận bệnh nhân, chưa kể bệnh nhân mới được bác sĩ này tiếp nhận đã thay ngay một bác sĩ khác.
Các bệnh nhân đến khoa cấp cứu Bệnh viện Q.Gò Vấp đều cảm nhận được ở Minh một bác sĩ rất ân cần, nhẹ nhàng và tận tụy với bệnh nhân. Khi hỏi bệnh những bệnh nhân lớn tuổi hơn, bác sĩ Minh luôn bắt đầu bằng từ “Thưa...” rất lễ phép.
Hôm đó có một nam bệnh nhân bị chấn thương được đưa vào cấp cứu. Sau khi được bác sĩ kê toa thuốc, bệnh nhân phải đi đóng viện phí nhưng không có thân nhân đi cùng. Lúc đó công việc không quá bận, các điều dưỡng lại đang làm những việc khác nên bác sĩ Minh đã đẩy xe lăn đưa bệnh nhân đi đóng tiền.
Gặp những bệnh nhân già yếu khác, dù đã được chỉ đường nhưng vẫn không biết cách đi, bác sĩ Minh đã dẫn họ tới tận các khoa phòng. Những bệnh nhân này rất ngạc nhiên và khi hiểu ra họ đã rất cảm động.
Về quê hương làm việc, bác sĩ Minh cũng nhận ra một vấn đề đang còn thiếu sót tại Việt Nam. Đó là khoảng cách rất xa giữa bác sĩ và bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân yếu kém về tài chính, trình độ.
Minh quan niệm dù bệnh nhân là người như thế nào thì bác sĩ cũng phải luôn coi bệnh nhân là trên hết. Theo Minh, mỗi bệnh nhân đều để lại cho bác sĩ một ký ức, một kinh nghiệm trong nghề nghiệp và chính bệnh nhân đã giúp bác sĩ nâng cao được tay nghề.
Càng tiếp xúc với bệnh nhân ở quê hương, bác sĩ Minh càng cảm thấy thương nên làm được việc gì giúp bệnh nhân là anh làm ngay.
Trong những đêm cấp cứu, gặp những bệnh nhân già yếu không có người thân đi cùng, cần ly nước để uống thuốc nhưng không có ai chạy đi mua nước, Minh liền xin ý kiến bệnh viện, tự bỏ tiền mua bình nước để ngay trong khoa cho bệnh nhân uống.
Minh còn tự mua đồ cặp nhiệt điện tử (đo nhiệt độ trong khoảng 5 giây là có kết quả) cho khoa dùng vì bệnh viện chỉ có cặp nhiệt bằng thủy ngân. Theo anh, cặp nhiệt bằng thủy ngân chính xác nhưng phải mất vài phút mới lên được nhiệt độ, trong khi cấp cứu cần có kết quả nhanh hơn. Anh còn tự mua thêm cả máy đo SPO2 (đo lượng oxy trong máu) xem bệnh nhân thật sự có khó thở hay không.
Hiện anh đang cùng một người bạn am hiểu về tin học viết một phần mềm phục vụ bệnh nhân. Phần mềm này gần giống với phần mềm ở Mỹ. Từ triệu chứng của người bệnh, phần mềm này sẽ đặt câu hỏi để người bệnh trả lời, sau đó hướng dẫn họ đến chuyên khoa nào khám bệnh...
Đến tận nhà thăm bệnh nhân
Đôi khi Minh còn tìm đến tận nhà bệnh nhân vì không liên lạc được với họ qua số điện thoại. Một bệnh nhân nữ bị bệnh Zona đã đến Bệnh viện Q.Gò Vấp cấp cứu vì quá đau.
Khi điều trị, bệnh nhân ổn định và được xuất viện. Minh kê toa thuốc và dặn bệnh nhân nếu lái xe ban ngày thì không nên uống vì thuốc sẽ gây chóng mặt. Dù đã dặn bệnh nhân nhưng anh vẫn thắc mắc không biết bệnh nhân có bị chóng mặt hay không.
Xem lại hồ sơ bệnh án thì không có số điện thoại, chỉ có địa chỉ bệnh nhân, nên lúc đi làm về anh chạy qua nhà bệnh nhân chỉ để hỏi bệnh nhân có bị chóng mặt không rồi về ngay.
Minh kể bên Mỹ bác sĩ không trực tiếp theo dõi bệnh nhân như vậy, nhưng sau ba ngày bệnh nhân khám bệnh hoặc xuất viện sẽ có nhân viên bệnh viện gọi điện hỏi thăm sức khỏe người bệnh có tốt hơn không.
Minh rất thích cách làm việc như vậy vì sau khi điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ cũng cần biết kết quả điều trị của mình thế nào để rút kinh nghiệm cho những lần điều trị tiếp theo.
Thấy việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân sau điều trị là cần thiết, Minh đã xin ý kiến giám đốc bệnh viện lập ra một cuốn sổ riêng để tự theo dõi sức khỏe bệnh nhân và mức độ hài lòng của họ khi được anh điều trị.
Anh sẽ ở Việt Nam luôn hay chỉ phục vụ bệnh nhân một thời gian rồi lại quay về Mỹ? Minh trả lời ngay với chúng tôi rằng anh “đã định cư ở đây”. Anh còn khoe đã được nhập hộ khẩu, được cấp chứng minh nhân dân và là người Việt Nam 100%.
(Ý kiến của Bs Phạm hữu Quốc, giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp, TP.HCM): Mong cách làm việc bài bản này được nhân rộng 
Lúc nhận được đơn xin việc của bác sĩ Trần Hoàng Minh tốt nghiệp y khoa nước ngoài, tôi rất bất ngờ vì để tốt nghiệp bác sĩ ở nước ngoài rất tốn phí và cực kỳ khó khăn, nhất là tại Mỹ.
Nếu làm việc tại Mỹ, bác sĩ sẽ có thu nhập hàng chục ngàn đôla mỗi tháng. Vậy mà Minh đã về VN làm việc và không quan tâm đến mức thu nhập của mình cao hay thấp.
Trong thời gian làm việc hơn bảy tháng qua tại bệnh viện, tôi thấy Minh là một bác sĩ được đào tạo bài bản, làm việc rất có trách nhiệm.
Minh khiêm nhường, thân thiện với đồng nghiệp và đặc biệt rất yêu thương, tận tình phục vụ bệnh nhân. Minh luôn trăn trở để làm sao có thể điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất để họ cảm thấy hài lòng nhất...
Minh có xin ý kiến tôi về một số quy trình thực hiện thí điểm tại khoa cấp cứu bệnh viện và việc nào cũng tốt cho bệnh nhân cả nên tôi đều đồng ý. Tôi mong cách làm việc của bác sĩ Minh sẽ được nhân rộng, lan tỏa tại Bệnh viện Q. Gò Vấp để bệnh viện luôn là một địa chỉ tin cậy, đáng tìm đến của bệnh nhân.
                                                                                                        THÙY DƯƠNG
                                                                                                 Nguồn: Tuổi trẻ Online