Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

29 tháng 11 2017

BÀN THÊM VỀ NHỮNG PHÁT KIẾN VÔ BỔ

             Nhân sự kiện đề nghị thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền. Tôi nhớ lại, cách đây hơn 20 năm (Vào khoảng năm 1994) cũng có một cuộc bàn luận khá sôi nổi trên báo Khoa học& Đời sống về vấn đề này.
           Ngày đó, một người có tên Trần Ngọc Sánh (Việt kiều ở Pháp) viết thư về nước đề nghị sửa lại chữ Quốc ngữ. Theo ông ta thì chữ Quốc ngữ có nhiều điểm bất hợp lý như, dùng nhiều phụ âm ghép; phụ âm trùng như: tr, ch, ph; k, c... Nguyên âm trùng như y, i và nhiều dấu (thanh) rắc rối. Nội dung đề xuất của ông này là thay đổi bảng chữ cái theo cách thay thế một số phụ âm ghép bằng phụ âm đơn, bỏ chữ đ thay bằng chữ d, còn chữ d lại thay bằng chữ z...; các dấu thanh thì thay bằng chữ, gần giống như đánh máy chữ trên bàn phím máy tính bây giờ. Kết cục là văn bản viết theo đề xuất của tác giả này tòi ra vô số cái vô lý, đáng kể nhất là con chữ càng rối hơn, viết thành văn bản thì khó mà dịch nổi. Việc đề xuất này sau một hồi thảo luận kéo dài đến 6 tháng trên Báo thì kết thúc. Trong đó có tới trên 95% bài thảo luận là phản đối việc cải cách chữ viết. Các ý kiến tập trung cho rằng, chúng ta cần tự hào vì có một loại chữ viết tiến bộ, hình thức đẹp, kí âm cơ bản được tiếng nói của dân tộc. Còn một vài nhược điểm nho nhỏ như cùng một phụ âm mà dùng đến 2 loại chữ cái như phụ âm K, phụ âm C thì các nước dùng chữ cái La tinh trước chúng ta như Pháp, Anh cũng không tránh khỏi. Thậm chí chữ Pháp còn có trường hợp một phụ âm, nhưng trong các điều kiện khác nhau có thể đọc biến âm, ví dụ: Chữ S đứng giữa 2 nguyên âm thì đọc như âm (Z); chữ C khi đứng sau nó là nguyên (i) thì đọc như âm (S) chẳng hạn. Chữ Quốc ngữ của ta cũng vậy, chữ K đọc như âm (C) chỉ trong trường hợp đứng sau nó là các nguyên âm (i), (e). Ngoài ra nó có vai trò kết hợp với phụ âm (h) để biến đổi thành phụ âm khác. Đó là nguyên tắc chính tả của mỗi nước. Khi nguyên tắc đó đã ổn định thì tốt nhất là không nên thay đổi.
            Cuối cùng Tòa soạn đã đưa ra kết luận, cần giữ nguyên bảng chữ cái và cách viết như hiện tại.
            Đến nay, sau hơn 20 năm chúng ta lại được chứng kiến dư luận xã hội rộ lên vì một đề xuất về cải cách chữ viết. Đề xuất lần này là của một nhà khoa học về ngôn ngữ hẳn hoi, nhưng xem ra cũng chẳng hợp lý - nếu không nói là hết sức vô lý và lợi bất cập hại. Bởi vậy việc đề xuất cải cách chữ viết lần này cũng vừa mới manh nha đã bị  dư luận "ném đá" không thương tiếc.

            Thiển nghĩ, chữ viết trước hết là một tài sản văn hóa phi vật thể của một quốc gia dân tộc. Chữ Quốc ngữ của ta đang dùng là loại chữ ký tự, để kí âm âm tiết của tiếng Việt. Bảng chữ cái La tinh từ khi được các giáo sĩ phương Tây sử dụng làm phương tiện phiên âm cho mục đích truyền giáo tại các nước châu Á. Nhưng chỉ có Việt Nam là được tiếp nhận, chuyển hóa thành Quốc ngữ. Người được nhắc đến nhiều nhất trong quá trình sử dụng chữ cái La tinh để phiên âm tiếng Việt là giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Thực chất là ông đã dùng nó để truyền Đạo vào Việt Nam. Sau này với quá trình đóng góp điều chỉnh của công chúng, dần đã hình thành bảng chữ cái Quốc ngữ để thay thế cho chữ Nôm, chữ Hán vì nó thuận tiện cho phiên âm quốc tê. Từ khi chính thức vào nước ta, các chữ cái La tinh cũng đã trải qua hàng thế kỷ điều chỉnh mới trở thành bảng chữ cái Quốc ngữ Việt Nam để hoàn thiện cách ghép vần và nguyên tắc viết chính tả ổn định như ngày nay. Với bảng chữ cái hiện tại, chúng ta có thể tự hào là đã được xếp ngang hàng với chữ của các nước tiến bộ trên thế giới. Bản thân nó cũng đã làm tròn bổn phận ký âm cho toàn bộ âm tiết của tiếng Việt và thể hiện được đầy đủ các cung bậc tình cảm. Như vậy, liệu có cần thiết phải cải cách?.

            Đánh giá vai trò của chữ Quốc ngữ tại "Hội thảo khoa học: Chữ Quốc ngữ-sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam" tại Tuy Hòa, Phú Yên (tháng 10-2015) đã thống nhất nhận định "...sự phát triển của chữ quốc ngữ một phần là do nó phù hợp với lịch sử, nhưng phần khác lớn hơn là do tính ưu việt so với các hình thức chữ có trước đó tại Việt Nam. Nếu trước đó với loại chữ Hán, chữ Nôm - một loại chữ rất khó học - dân Việt Nam có đến 98% người mù chữ, thì nay với chữ quốc ngữ tình thế đã hoàn toàn đảo ngược lại, tức số người biết chữ là 98% và số người mù chữ chỉ bằng số người biết chữ thời bấy giờ".

            Những năm gân đây, không riêng chữ Quốc ngữ, chúng ta đã quá mệt mỏi về những đề xuất cải cách mà cuối cùng không những không đem lại hiệu quả tiến bộ, thậm chí còn để lại những hệ lụy tai hại. Ví dụ, vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, người ta định thay đổi Quốc ca. Cuộc vận động sáng tác Quốc ca được phát động khá rầm rộ, Nhà nước thành lập cả một hội đồng xét chọn. Nhưng cuối cùng, rất may là nhân dân không chấp nhận. Tưởng điều ấy đã làm nên bài học, vậy mà vài năm sau người ta lại nghĩ ra cải tiến chữ viết, bắt tất cả học sinh lớp một viết một loại chữ "cắt móc" (tương tự như chữ in). Loại chữ này vừa vụn, vừa khó coi, khi viết còn liên tục phải nhấc bút làm cho tộc độ ghi chậm lại. Tiếp nữa là cho học sinh lớp một học chữ e trước tiên, thay vì chữ a trong bảng chữ cái như truyền thống. Các cuộc cải cách này cũng tự nhiên chết yểu mà không cần khai tử.

            Gần đây ngành giáo dục vẫn được xếp vào đội ngũ tiên phong của các cải tiến và cải cách, gây nên không biết bao nhiêu tranh luận, thậm chí có lúc đại biểu Quốc hội cũng phải than trước nghị trường rằng, "Xin các ngài đừng lấy con em chúng tôi ra làm chuột bạch nữa!". Vậy mà phong trào cải tiến, cải cách vẫn tiếp tục nở rộ như hoa cúc dại giữa mùa thu!.

         Vẫn biết đổi mới là nhu cầu không thể thiếu, nhằm đáp ứng cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cải cách, cải tiến thì cái sau phải tiến bộ hơn cái trước; cái mới phải văn minh hơn cái cũ. Muốn vậy, sáng kiến cải tiến phải thực sự khoa học; phải được thận trọng thẩm định trước khi áp dụng vào thực tiễn đời sống. Tuyệt đối không thể cứ nghĩ ra cái mới, rồi chủ quan cho là hay, cưỡng ép thực hiện đại trà, hỏng thì lại sửa. Cung cách làm ăn như vậy chẳng những không làm cho xã hội phát triển mà ngược lại còn phá hoại cả tiến trình phát triển của xã hội.

            Hiện nay đất nước còn biết bao công việc phải làm để tránh mắc vào cái "bẫy thu nhập trung bình". Tổ quốc và nhân dân đang kỳ vọng vào các nhà khoa học, nhưng nhân dân cũng không thiếu minh mẫn để vội vã hùa theo ý kiến của một số người mượn danh khoa học, bày ra những phát kiến vô bổ, không giúp ích cho sự phát triển của đất nước mà còn báo hại cho quốc gia - dân tộc.

                                                                                          Mạnh Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét