Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

21 tháng 7 2018

SỬA BÀI NÂNG ĐIỂM THI KHÔNG CÙNG MỘT CHỮ TÀI


Chân dung cụ Cao bá Quát
          Nhìn lại lịch sử Việt Nam, việc sửa bài nâng điểm thi cho thí sinh cũng không phải lần đầu tiên mới có.

Sử Việt có chép, dưới thời vua Thiệu Trị (Nhà Nguyễn), cụ Cao Bá Quát được cử làm quan sơ khảo tại trường thi Thừa Thiên đã bị khép án tử hình vì tội này.
Chuyện kể rằng, trong khi chấm thi thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy, không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người tài, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ đã ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài. Trong 24 người này có 5 thí sinh đỗ cử nhân…
Sau này, khi bị Bộ Lễ và Viện Đô sát điều tra, Cao Bá Quát nhận tất cả và nói: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”.
Án được dâng lên vua, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị khép tội tử hình.
Về sau vua cho rằng, do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, nên đã khoan tha cho tội xử tử, đổi sang tống ngục.
Xét về động cơ, việc sửa bài thi cho thí sinh của Cao Bá Quát cũng chỉ là quý, tiếc người tài mà mang tội. Vì thế Luật thi cử thời đó dù rất nghiêm, nhưng nhà vua vẫn giảm án cho ông và được đoái công chuộc tội.
Nay, việc sửa bài thi cho thí sinh của Vũ Trọng Lương (Hà Giang), về động cơ chắc không phải là trọng tài theo đúng nghĩa chữ “tài” (良好), bởi hầu hết các thí sinh được sửa bài đều có số điểm quá cao so với thực lực, nghĩa là họ không có thực tài. 
Phải chăng, động cơ sửa bài của Lương cũng vì một chữ tài, nhưng lại mang nghĩa khác (錢) là tiền!?.
                                                                      Cả Mõ

18 tháng 7 2018

LÀM SAO ĐỂ KHỎI MẤT TÀI KHOẢN TRÊN CÁC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN


          Chúng ta đang tiếp cận với nền văn minh công nghệ thông tin, mặc dù nó đem lại cho không biết bao nhiêu là tiện ích, nhưng cũng có không ít những phiền hà. Chưa nói đến các vấn đề to tát mà chỉ là với những ứng dụng cá nhân, như: Email, Facebook, zalo, blog cá nhân hoặc một số tài khoản khác trên máy tính, điện thoại thông minh thì đã làm cho người sử dụng đau đầu, vì luôn có nguy cơ bị mất tài khoản.
          Việc mất tài khoản đương nhiên là nỗi khổ của chủ tài khoản rồi, riêng với Facebook nó còn liên lụy, phiền hà cho các chủ tài khoản khác có kết bạn với tài khoản bị mất. Vì mỗi lần mất tài khoản là mỗi lần khổ chủ bị mất đi hàng loạt các dữ liệu lưu trữ; mất đi tất cả danh sách địa chỉ của bạn bè đã được kết bạn trước đó…Rồi lại phải lập lại tài khoản, gây nhiễu loạn thông tin với các tài khoản đã từng kết bạn với mình. Từ đó, làm cho người không mất tài khoản cũng phải nhận thêm những tài khoản “ảo”- vô chủ, vì khổ chủ của nó đã không thể đăng nhập lại. 
Thực tế cho thấy, không phải ai bị mất tài khoản cũng là do hacker đánh cắp, mà một số lượng lớn người mất tài khoản chính là do tự mình quên mất mật khẩu. Anh K. ở thnhf phố Lào Cai phàn nàn rằng, chỉ trong vòng một tuần mà đã nhận được đến 4 lần kết bạn với một chủ tài khoản Facebook có tên nick khác nhau. Hỏi ra mới biết, người này vì không biết lập tài khoản, nhờ lập hộ nên không nhớ mật khẩu, mỗi lần đăng xuất xong là mỗi lần bị mất tài khoản!.
Điều dễ hiểu, với những người mới sử dụng các tài khoản của công nghệ thông tin thường là đặt mật khẩu theo thói quen cho dễ nhớ. Ví dụ như, đặt theo số điện thoại; đặt theo ngày tháng năm sinh; đặt bằng tên họ của mình hoặc của người thân…Mà những thông tin đó lại được ghi ngay trong phần giới thiệu lịch sử bản thân. Cách đặt mật khẩu như vậy có khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này”, rất dễ bị kẻ xấu thâm nhập, tìm hiểu và “bẻ khóa” để ăn cắp tài khoản. Nhưng nếu đặt tài khoản phức tạp, trong khi lại sử dụng nhiều tài khoản khác nhau thì dễ quên, dễ lẫn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến mất tài khoản.
Vậy làm sao để tài khoản dễ nhớ lại không thể bị mất. Đây là một câu hỏi tưởng khó, nhưng lại vô cùng đơn giản. Theo kinh nghiệm của người viết bài này, đó là đặt mật khẩu không nhất thiết phải phức tạp, có thể chỉ là một dãy số hoặc một tên đồ vật gì đó mà nó gắn với kỷ niệm sâu sắc của mình. Có thể đặt cho nhiều tài khoản khác nhau cùng những ký tự đó. Tuy nhiên, ở mỗi tài khoản khác nhau nên chèn thêm vài ký tự đặc biệt (Đây mới là cái “khóa”) cho mật khẩu tài khoản của mình. Nhưng, để tránh nhầm lẫn, vẫn nên ghi các mật khẩu của từng tài khoản khác nhau vào một quyển sổ hoặc trong một file riêng, được lưu trên thiết bị ngoài. Khi cần thiết có thể mở ra để tra lại cho chính xác.
Với kinh nghiệm nhỏ như vậy, tôi hy vọng chia sẻ để các bạn dùng Email; Facbook; zalo hay blog… có thể bảo vệ tốt tài khoản của mình không bao giờ bị mất.

                                                                                                     M.N