(Khoảnh khắc đáng nhớ của 40 năm về trước)
Chiều cuối tháng 2, tuy trời quang mây nhưng mới hơn 6 giờ mà đã nhọ mặt người, nơi đặt hậu cứ tiền phương của tiểu Tiểu đoàn tại Làng Chung (Bản Phiệt) vẫn còn vương mùi
khét và bừa bộn bởi một trận mưa đạn pháo của đối phương. Đội nữ vận tải Trung
đoàn 254 lên tiếp tế cho đơn vị cũng vừa chuyển nốt người thương binh cuối cùng
ra khỏi trạm cấp cứu dã chiến. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho đơn vị di chuyển sang
địa điểm mới để củng cố trận địa.
Vì phải dọn dẹp bông băng, y cụ nên tôi là người ra sau
cùng. Lúng túng giữa lõng đường mòn của cánh rừng tái sinh, tôi không còn nhận
được hướng hành quân của đơn vị. Thế là lạc!
Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn cố rảo bước, cứ nhắm thẳng phía
trước để đuổi theo hướng di chuyển của đơn vị. Đến khúc ngoặt thì gặp một người
đi ngược chiều, người ấy hỏi:
- Đi đâu thế ông
bạn?
- Tìm đơn vị! -
tôi trả lời - nhưng nhận ra đúng giọng của anh Chương, tôi hỏi:
- Anh Chương
phải không?
Anh vồ lấy vai
tôi, nói như lạc giọng:
- Ôi, thằng em... anh
cũng đang tìm đơn vị đây, Cường nó hy sinh rồi em ạ!
Như không tin vào tai mình, tôi hỏi lại:
- Anh nói sao, sao… Cường lại hy sinh?
Trong bóng đêm, không thấy rõ mặt, nhưng tôi cũng cảm
nhận được Anh đang cố nén xúc động để nhắc lại:
- Cường hy sinh rồi, Tuấn Anh cũng bị thương vào chân sáng
hôm qua, khi bọn anh đụng độ với quân “Sơn Cước” tại khu B của Trại Hai.
Trong bộ phận hậu cần Tiểu đoàn, chúng tôi tuy không cùng
nhập ngũ, nhưng ngay từ đầu đã thân thiết tựa anh em ruột thịt. Anh Nguyễn Văn Chương
(phụ trách Quân nhu) được coi là anh cả, vì anh lớn tuổi nhất; Ngô Mạnh Cường cùng tuổi vứi tôi, là trưởng
bộ phận Quân khí - hai người đều là bộ
đội từ thời chống Mỹ. Sau 1975 họ giải ngũ về địa phương, đến khi thành
lập tiểu Đoàn 4 thì lại được gọi ra tái ngũ. Cao Tuấn Anh trước đó là tài vụ của cơ
quan Huyện Đội, khi thành lập Tiểu đoàn Tuấn Anh cũng được điều ra phụ trách tài
vụ của đơn vị. Còn tôi, tuy là lính tò te, nhưng có vinh dự là vào cùng với đội ngũ “cán
bộ khung”, vì có chuyên môn ngành y và được giao nhiệm vụ phụ trách Quân y của Tiểu
đoàn.
Cùng anh Chương quay lại, chúng tôi đi thêm được khoảng hơn cây số
nữa thì gặp đơn vị. Đêm ấy - sau khi hoàn tất công sự, dù rất mệt nhưng
tôi cứ trằn trọc, vừa chợp mắt là lại thấy Cường hiện về, với nước da ngăm đen,
cái cười hồn nhiên lạc quan. Có lần Cường kể, ngày còn ở Hoàng Liên Sơn 2 ([1]),
trên đường hành quân đi Nam, bị máy bay Mỹ rải thảm ở Trường Sơn, rồi thằng
OV10 đuổi bắn, chạy vòng quanh gốc cây tránh đạn mà chẳng hề sây sát.
Vậy mà lần này…Thật khó có thể tin rằng Cường đã hy sinh!
Cho đến hết chiến dịch anh Chương mới có dịp kể lại đầu
đuôi câu chuyện về sự hy sinh của Ngô Mạnh Cường. Đó là chiều ngày 22/2/ 1979 -
khi được tin địch tấn công ồ ạt vào hướng của Tiểu đoàn. Anh Chương cùng với
Cường và một số chiến sĩ thông tin, vận tải ở hậu cứ Km 21 (Phong Hải) sắp xếp
lại hàng trong kho, chia nhau vận chuyển những thứ cần thiết lên để tiếp tế cho
đơn vị. Xẩm tối cả đoàn mới đến được khu B của trại Cải tạo Số 2, anh em quyết
định tạm nghỉ lại qua đêm tại đó.
Hôm sau vừa ăn sáng xong, chuẩn bị lên đường thì nghe
thấy hàng loạt AK nổ ở phía trước, có 2 chiến sĩ trinh sát thuộc sư 356
chạy ngược trở lại thông báo, phía trước có địch. Anh em hội ý chớp nhoáng và quyết
định bố trí chốt lại đó để chặn địch. Là người mang quân hàm thượng sĩ – cấp
hàm cao nhất trong toán nên Ngô Mạnh Cường nhận nhiệm vụ chỉ huy chung.
Ít phút sau pháo
của địch bắt đầu dập như mưa, anh em phải tạm thời lui xuống giao thông hào để
cố thủ. Sau mấy loạt pháo, bộ binh địch bắt đầu ồ ạt tấn công theo chiến thuật
“biển người”. Từ các vạt đồi phía trước, chúng hò nhau xông lên như đàn kiến,
vừa bắn xối xả vừa đánh trống, thổi kèn. Bộ đội ta tuy quân số ít, nhưng nhờ có
hệ thống giao thông hào làm điểm tựa, lại có thêm bộ phận của tiểu đoàn Một đến
phối hợp và một khẩu đội hỏa lực RPD thuộc E124 yểm trợ nên đã cố thủ,
chặn bước tiến của địch. Cuộc chiến diễn ra mỗi lúc một ác liệt vì quân địch
quá đông, lại có hỏa lực mạnh yểm trợ. Cường nói với anh Chương:
- Anh ở đây cùng
anh em chống địch tấn công từ phía trực diện, em vòng sang bên, vận động để cản
địch thọc sườn!.
Nói rồi, không
kịp để anh Chương phản ứng, Cường đã nhanh như con sóc nhảy vọt khỏi công sự,
lao về phía sườn trái, đánh thẳng vào mũi vu hồi của địch. Cùng lúc, Cao Tuấn
Anh bị thương vào chân, anh Chương ra lệnh cho Tuấn Anh lùi về sau để rút ra khu
vực an toàn.
Chiến đấu trên điểm tựa (Ảnh minh họa) |
Ít phút sau không còn nghe được tiếng điểm xạ chắc và đanh gọn từ phía Cường nữa, trên điểm cao,
bộ phận hỏa lực RPD phát hiện địch bố trí lực lượng lớn, tạo mũi vu hồi vòng ra
sau nhằm diệt gọn quân ta nên đã hô lớn:
- Địch đang đánh
tập hậu với lực lượng rất đông, chúng tôi bắn yểm trợ, các đồng chí bộ binh phải
khẩn trương rút ngay khỏi vòng vây!.
Thấy tình thế
quá chênh lệch và bất lợi, anh Chương đành tổ chức cho anh em lựa theo khe suối,
vòng về sau thung lũng để bảo toàn lực lượng. Đến điểm tập kết, kiểm vội lại
quân số thì thấy thiếu một người, còn chưa xác định được là ai thì
các chiến sĩ D1 đưa lại cho anh Chương một khẩu AK và nói:
- Bên các anh hy
sinh một, bên chúng em cũng hy sinh một. Hiện đã được tạm thời chôn cất tại
chỗ, đây là khẩu súng của đồng chí hy sinh bên đơn vị các anh.
Cầm khẩu AK còn
khét mùi thuốc đạn, anh Chương nhận ra ngay là khẩu súng của Ngô Mạnh Cường.
Theo mô tả của các chiến sĩ D1 thì Cường đã lao lên khỏi giao thông hào, vận
động về phía mũi vu hồi để chặn địch. Với từng loạt điểm xạ chính xác, Cường và
Đại (chiến sĩ tiểu đoàn 1) đã làm cho toán quân vu hồi của địch phải khựng lại
trước khoảng trống ở bìa rừng. Nhưng vì trên địa hình trống trải, Cường và Đại
đều bị hy sinh vì các tay súng bắn tỉa, có kính ngắm từ xa của đội quân Sơn
Cước.
Đó là những gì
chúng tôi biết được về Ngô Mạnh Cường, người đồng đội ở bộ phận hậu cần, Tiểu
đoàn 4 Bảo Thắng trong những ngày chiến đấu bảo vệ mảnh đất biên cương thiêng
liêng của Tổ Quốc cách nay đã tròn 40 năm!
C.M
Tháng 2/ 2019