Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

16 tháng 2 2019

TỘ CON GIỜI


Trích từ truyện ngắn “Anh Cu Tộ”
(Trong loạt bài kỷ niệm 40 chiến tranh biên giới phía Bắc 
17/2/1979 – 17/2/2019)

                                       Mạnh Nguyên
Không ngờ là ở chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc, tôi lại gặp được anh Tộ trong một trường hợp khá kỳ ngộ. Đó là một đêm cuối tháng không có trăng sao, nhìn lên phía Bắc, cả một vùng trời vẫn đỏ rực màu khói lửa và vọng lại tiếng súng nổ ầm ì như tiếng sấm. Đơn vị được lệnh hành quân đến chân điểm cao 411, đang hí hoáy sửa lại cái ngách hầm thì tôi nghe có tiếng người nói ở trên:
- Tay nào có điếu cho tớ mượn làm một hơi.
Vội ngẩng lên, nhưng trời tối nên tôi không nhìn rõ là ai:
- Bọn này không hút thuốc lào, ông có dùng thuốc lá thì có đây - tôi trả lời.
- Ừ, lá cũng được, thèm quá!.
Nói rồi người ấy nhận điếu thuốc tôi đưa, cúi xuống một góc hầm chụm tay che ánh sáng để bật lửa. Qua đốm sáng từ đầu điếu thuốc, tôi nhìn thấy khuôn mặt người này có gì đó quen quen, cộng với giọng nói đặc miền quê đồng bằng Bắc Bộ. Tôi hỏi:
- Anh ở đơn vị nào?
- Mình mới được bổ sung về làm B trưởng ở C3 - người ấy trả lời.
- Thế à, nhưng từ đơn vị nào bổ sung về đây thế?
- Lính tái ngũ, Quân khu III.
Nghe nói Quân khu III, tôi nghĩ ngay có thể là đồng hương, nên mới hỏi tiếp:
- Anh tên gì, quê ở đâu?
- Tên Tộ, quê Hải Phòng! Hỏi gì mà như thẩm vấn thế?.
Tôi quên cả câu trả lời có vẻ dấm dẳng của anh, lại hỏi:
- Có phải “Tộ con giời” không?
Người ấy vồ lấy hai vai tôi, ghé sát mặt hỏi lại:
- Mày là đứa nào mà biết cả tên cúng cơm của tao thế hả?
Vừa lúc ấy có tiếng rít và tiếng xoành xoạch của một quả đạn pháo, anh vội kéo tôi ngồi thụp xuống ngách hầm. Sau tiếng nổ đinh tai, đất đá rơi rào rào quanh mình, Tộ nhổm lên càu nhàu:
- Mẹ cha nó, tưởng không oánh đêm, thế mà thỉnh thoảng lại choảng một quả vu vơ!.
Quay lại phía tôi, Tộ hỏi:
- Đằng ấy quê đâu mà biết tớ?
Đoán chắc là anh “Tộ con giời” rồi, tôi mừng quá nắm lấy tay anh, xưng cả tên lẫn họ, rồi xưng luôn cả quê gốc ra nữa. Vậy là chúng tôi nhận nhau khá chóng vánh.
Tộ tóm tắt kể tôi nghe, sau giải phóng miền Nam anh bị thương, vào trại an dưỡng mãi cho đến cuối 76 mới về quê. Đang định cuối năm cưới vợ thì tình hình biên giới phức tạp, thế là được gọi tái ngũ và điều thẳng lên đây. Tôi lại hỏi:
- Ngày ấy em nghe đồn là anh hy sinh rồi cơ mà?
Vẫn cái cười khùng khục và giọng nói tưng tửng như gần hai mươi năm về trước, Tộ bảo:
- Chết thế qué nào được, tớ cao số lắm. Nếu không đã tỏi từ trận Mĩ nó rải thảm B52 ở trường Sơn năm 68 rồi. Ừ mà chết cũng hay, người ta nói, đời người có hai lần sướng nhất mà đếch biết. Ấy là lần mới đẻ, cả làng đến chúc tụng, tranh nhau bế ẵm mà lúc ấy đã biết gì đâu. Rồi đến lúc chết, người ta lại bu vào, kèn trống, kể lể thành tích, khóc than om sòm, khiêng cáng trọng vọng, khi ấy cũng đếch biết gì cả, phí!.
Tôi chen vào:
- Nhưng mà chết ở chiến trường thì lấy đâu ra mà kèn với trống?
Tộ lại cười:
- Là nói vậy, chứ thằng đếch nào muốn chết!
Gặp mặt hội đồng ngũ  D4 tại Lùng Phình Bắc Hà
(Một địa danh nơi đơn vị đóng quân sau chiến dịch 79)
Hàn huyên một hồi rồi Anh nắm  lấy tay tôi giật thêm mấy cái, bảo:
- Tớ ở B2 của C3, đóng ngay phía trước kia kìa. Bây giờ phải về đôn đốc anh em khẩn trương chuẩn bị trận địa để sáng mai còn có công sự mà sẵn sàng đón mấy anh “Bành trướng”. Chúng tôi chia tay nhau, hẹn có dịp sẽ gặp lại.
Hôm sau địch pháo kích liên tục nên chúng tôi không gặp được nhau. Rồi một tuần nữa qua đi… Một hôm tiểu đoàn phó từ chốt hỏa lực về cho biết, đơn vị anh Tộ đã nhận lệnh tăng cường lên bảo vệ Trung đoàn bộ.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới năm ấy xảy ra không dài, nhưng ác liệt. Sau chiến dịch, chúng tôi hành quân về địa điểm tập kết. Khi ấy mới hay tin, đơn vị anh Tộ bị lọt vào vòng vây của đối phương. Tộ trực tiếp chỉ huy ở mũi chính của chốt bảo vệ Trung đoàn. Bộ binh của địch tấn công liên tục trong ba ngày liền, các chiến sĩ của ta chống trả rất quyết liệt. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên đến ngày thứ hai thì cả chốt chỉ còn lại ba người, trong đó một đồng chí đã bị thương nặng, không còn khả năng chiến đấu.
Để cản địch tràn lên chiếm chốt, anh Tộ nghĩ ra cách đánh lừa địch là lực lượng của ta vẫn còn đông. Tộ bảo cậu chiến sĩ còn lành lặn cùng với mình lấy các cành cây làm cọc, cắm dọc theo bờ giao thông hào. Mỗi cái cọc cho đội một mũ và đặt bên cạnh một loại vũ khí khác nhau. Những lúc địch tạm thời không tấn công thì Tộ tranh thủ chặt các ống nứa, mỗi ống dài hơn một mét, rút sẵn chốt lựu đạn, buộc dây nụ xòe vào nhau rồi tống đầy ống. Khi vào trận, mỗi lần địch ồ ạt xông lên đến cự li gần, Anh dùng cả hai tay vung mạnh ống nứa, lựu đạn trong ống kéo nhau sổ tung ra, nổ dàn hàng ngang, hất lùi bọn địch xuống chân chốt. Khi địch lùi xa vài chục mét thì Tộ di chuyển về vị trí thuận lợi, dùng AK vừa quét, vừa tỉa; xa hơn nữa thì dùng trung liên và súng cối. Cứ như vậy anh cùng chiến sĩ còn lại cầm cự không để địch lên chiếm được mục tiêu.
Ngày thứ ba, sức khỏe của chiến sĩ bị thương chuyển biến xấu, vết thương sưng tấy và sốt cao. Tộ quyết định, lệnh cho đồng chí chiến sĩ còn lại bằng mọi cách phải chuyển được thương binh về tuyến sau, còn mình thì tiếp tục ở lại để yểm hộ và cản địch.
Được biết, anh Tộ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi dùng quả lựu đạn “chia đôi”, anh dũng hy sinh chứ kiên quyết không để rơi vào tay quân địch.
                                                                                              M.N
                                                                          Tháng 7/2015 - 02/2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét