Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

25 tháng 9 2019

BÀN VỀ VĂN HÓA THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI VIỆT

                                               (Chuyên luận)
         Xét về văn hóa tâm linh, thờ cúng của người Việt (Bao gồm cả các dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam) thì bản chất ban đầu chỉ là những hoạt động tín ngưỡng dân gian. Còn nói về các tôn giáo như đạo Phật, đạo thờ Thiên chúa (Bao gồm cả Công giáo, Tin lành…) và đạo Hồi, đạo Lão… đều không có xuất xứ ở Việt Nam.
          Theo nghiên cứu về lịch sử tâm linh - tín ngưỡng và tôn giáo thì văn hóa thờ cúng ở Việt Nam ban đầu chỉ là những hoạt động tâm linh - tín ngưỡng. Trong đó bao gồm thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những người có công sinh thành, dưỡng dục mình và những người thân đã khuất. Ngoài ra, tín ngưỡng dân gian Việt Nam còn thờ cúng cả những vị là anh hùng dân tộc, có công khai quốc công thần và các các thần linh khác như thần đất (thổ công), thần biển (Long Vương), thần sông (Hà Bá), thần rừng, thần núi (chúa Sơn lâm); thần tổ nghề; thần cai quản xóm làng, thôn ấp (Thành Hoàng). Thậm chí là thần “cây đa, cây đề”; cũng có khi là các linh vật như hổ, báo (thần hổ), trăn, rắn (thần xà), chó - một con vật nuôi rất gần gũi với con người cũng được thờ (gọi là thần khuyển)…
Bàn thờ theo tín ngưỡng dân gian
          Từ ý nghĩa đó, văn hóa thờ cúng của người Việt (nói chung) là tuân theo đức tin tâm linh, tín ngưỡng mang mầu sắc dân gian. Các vật phẩm thờ cúng cũng vì thế mà “có gì cúng nấy” theo quan niệm “trần sao âm vậy”.
          Tuy nhiên, do đạo Phật được du nhập vào nước ta đã khá lâu (khoảng trên 2 ngàn năm), có thể coi là tôn giáo có mặt sớm nhất trong số các tôn giáo du nhập vào nước ta. Cho nên giữa đạo Phật và tín ngưỡng dân gian dần có sự giao thoa, pha trộn. Thiết chế Phật giáo thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ thần trong đình, trong miếu và thờ Mẫu trong phủ. Bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây - Mưa - Sấm - Chớp. Song, bốn vị thần này đã được "Phật giáo hóa". Các pho tượng được gọi là tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, trên thực tế các tượng này hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn của pho tượng Phật. Các hệ thống thờ phụ này tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa "tiền Phật, hậu Thần" hay "tiền Phật, hậu Mẫu". Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất.
Ví dụ, đối với chùa - một thiết chế thờ Phật được xây dựng ở phần lớn các thôn (làng) thuộc trung du và đồng bằng (Sau này phát triển lên cả các địa phương miền núi). Tại nhiều chùa ở Bắc Bộ, ngoài thờ tượng Phật được bố trí trong hậu cung thì phía ngoài, hai bên cánh gà lại có thêm bàn thờ Đức Thánh “cha” là tượng Đức thánh Trần (Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương-vị tướng đánh quân Nguyên ở triều đại nhà Trần); đức thánh “mẫu” là công chúa Liễu Hạnh. Sự giao thoa pha trộn này không biết có từ bao giờ, nhưng đã được nằm trong thiết chế thờ tự của đạo Phật thì việc thờ cúng ở đây cũng phải tuân thủ theo giáo lý và giáo luật của nhà Phật - nghĩa là các vật phẩm thờ cúng hoàn toàn chỉ là đồ chay chứ không có cỗ mặn.
Bàn thờ Phật

Như đã nói ở trên, sự giao thoa văn hóa thờ cúng giữa tín ngưỡng dân gian với đạo Phật một phần do đạo Phật có thời gian du nhập vào Việt Nam sớm nhất. Nhưng, mỗi tôn giáo đều có giáo lý, giáo luật riêng (trong đó, giáo lý là hệ thống kinh sách thể hiện quan điểm; còn giáo luật là những luật lệ chặt chẽ được quy định, mà mỗi thành viên phải tuyệt đối tuân thủ). Với Đạo Phật, giáo luật có quy định rất nghiêm ngặt là không được sát sinh. Vì vậy, vật phẩm thờ cúng ở bàn thờ Phật cũng hoàn toàn không có đồ ăn “mặn” (thức ăn được chế biến từ sản phẩm động vật).

Từ phân tích trên đây cho thấy, bàn thờ ở mỗi gia đình chỉ là bàn thờ theo tín ngưỡng dân gian. Trừ một số gia đình được coi là tín đồ chính thức của Phật giáo thì có thể lập thêm bàn thờ Phật, nhưng đặt riêng ra một phía. Việc thờ cúng vì thế cũng không thể chung lễ vật, chung bài khấn lẫn lộn giữa thờ cúng tín ngưỡng dân gian với thờ Phật được.

Cũng thuận theo lý ấy, bài khấn trước bàn thờ gia đình - bao gồm thờ các vị thần linh thổ địa, táo phủ thần quân; gia tiên, cha mẹ… thường là dùng bài khấn “nôm”. Gần đây ở các hiệu sách đã có bán sách “Văn khấn nôm truyền thống”, do Nhà xuất bản văn hóa Dân tộc phát hành. Nội dung sách giúp cho mọi người hiểu về ý nghĩa của thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian, có soạn sẵn có các bài khấn mẫu. Việc này cũng giúp cho người thờ cúng khỏi lăn tăn là việc cúng bái của mình đã đúng chưa; thể hiện được lòng thành, sự cung kính với bề trên, khỏi phải nhờ đến các thầy mo, thầy pháp…

Tuy nhiên ở đây cũng lại có một chút về nội dung chưa thật phù hợp – nếu không nói là mâu thuẫn trong văn hóa thờ cúng. Đó là mỗi bài khấn đều được niệm trước cụm từ “Na mô A Di Đà phật” 3 lần!.

Việc thờ cúng tại gia của người Việt Nam chủ yếu là theo tín ngưỡng dân gian, không phải là thờ Phật. Ngoại trừ những người đã là tín đồ của các tôn giáo thờ Thiên Chúa như (Công giáo; Tin lành), thờ thánh Ala như (Đạo Hồi)… Thì không phải ai cũng là tín đồ của Phật giáo. Hoặc giả như có là tín đồ của đạo Phật cũng không thể thờ lẫn bàn thờ Phật với thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian. Bởi vì giáo luật của nhà Phật là chỉ dùng đồ chay làm vật phẩm thờ cúng. Trước bàn thờ Phật là đọc giáo lý (Kinh Phật). Trên thực tế kinh Phật có nhiều như “rừng”, cho nên ở tại gia chỉ có thể tụng bằng “Kinh tụng hằng ngày” hoặc tùy theo lễ mà mời chức sắc (sư thầy) về tụng niệm.

Vì vậy, các bài khấn nôm trong sách “Văn khấn nôm” đã vô hình trung mời cả đức Phật về thụ hưởng đồ lễ của tín ngưỡng dân gian. Nghĩa là mời cả Phật về thụ hưởng lễ vật cấm kỵ.

Nên chăng, việc thờ cúng tuy chỉ là hình thức của mỗi loại hình. Nhưng rất cần có rạch ròi về sính lễ, cũng như văn khấn để không phạm vào giáo luật của mỗi tôn giáo.

                                                                                Mạnh Nguyên