Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 2 2020

XỨNG ĐÁNG VỚI DANH HIỆU NGƯỜI THẦY CAO QUÝ

(Bài viết nhân kỷ niệm 65 năm, ngày thầy thuốc Việt Nam)

          Từ cổ chí kim trong xã hội không thiếu các loại thầy. Nhưng chỉ có 2 người thầy là ở thời nào được cũng tôn vinh và trọng vọng. Đó là thầy giáo - người truyền thụ kiến thức và thầy thuốc - người chữa bệnh, đem lại cuộc sống và giảm bớt nỗi đau cho nhân loại.

        Nhân kỷ niệm ngày 65 năm, ngày “Thầy thuốc việt Nam” xin được có đôi điều về những người thầy khả kính này. Từ hàng ngàn năm về trước, những vị thầy được coi là mẫu mực nghề như Hypocrate (460-370 TrCN) – người hành nghề y ở phương Tây. Ông đã tự đặt ra cho mình 8 lời thề, được tóm tắt lại như sau: Thứ nhất, là phải coi trọng thầy dạy mình như cha, như mẹ; dạy cho các môn đệ của mình cam kết thực hiện hành nghề đúng Y luật. Hai là, mọi hoạt động của người thầy thuốc chỉ trên hết vì mục đich có lợi cho người bệnh; không bao giờ làm điều xấu với họ. Ba là, không bao giờ dùng y thuật để làm hại sinh mạng người khác, dù đó là yêu cầu của chính họ. Bốn là, luôn giữ thái độ vô tư, ân cần, thương yêu với người bệnh. Năm là, không bao giờ làm những thủ thuật quá với khả năng của mình, nếu cần thiết phải làm thì nên nhờ người có chuyên môn sâu trợ giúp. Sáu là, không phân biệt đối tượng người bệnh, với bất kỳ ai cũng chỉ vì lợi ích cho họ mà làm; tránh hành vi xấu xa, đồi bại - nhất là với phụ nữ và trẻ em. Bảy là, tuyệt đối giữ bí mật cho bệnh nhân, coi sự im lặng, kín đáo cho những riêng tư của người bệnh là một nghĩa vụ. Điều thứ tám, Ông dành riêng cho mình, là thề trung thành tuyệt đối với những điều trên, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt với cả luật đời và luật trời!.  

Hải Thượng Lãn Ông -Lê Hữu Trác

Ở Việt Nam, chúng ta tự hào có Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (1720 – 1791) – là một trong những điển hình danh y của phương Đông. Ông là một danh y nổi tiếng về y thuật, mẫu mực về đức độ - lòng nhân. Ngoài vốn kiến thức siêu phàm và đồ sộ, ông cũng còn để lại cho hậu thế 10 điều căn dặn. Mười điều ấy được tóm gọn lại cũng là những điều răn về đạọ đức hành nghề. Đó là, người làm nghề chữa bệnh cần phải có kiến thức sâu rộng để tiếp thu y thuật; phải ưu tiên người bệnh nặng chứ không vì giàu sang hay nghèo hèn. Giữ thái độ đứng đắn khi xem bệnh cho người khác giới. Không thờ ơ, mảng vui mà quên trách nhiệm chăm sóc người bệnh – nhất là người bệnh nặng. Gặp ca bệnh hiểm nghèo phải hết sức mình cứu chữa, nhưng cũng cần thông báo tiên lượng cho gia đình người bệnh trước khi quyết định chữa trị. Dùng thuốc phải lựa chọn để chi phí không cao nhưng bảo đảm hiệu quả; tuyệt đối không vì ham rẻ mà dùng thuốc kém chất lượng. Với đồng nghiệp, tuyệt đối không kiêu ngạo, cần khiêm tốn học tập người giỏi hơn và sẵn sàng chia sẻ  kiến thức cho người có chuyên môn thấp hơn mình. Đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn càng nên quan tâm chăm sóc, thậm chí còn tùy khả năng mà chu cấp thêm tài chính, vật chất cho họ để việc chữa trị được hiệu quả. Chữa bệnh cho người tuyệt đối không mưu cầu quà cáp, ban ơn; phải trung thực, không vì vụ lợi mà bệnh nhẹ nói là bệnh nặng để vòi tiền.

Người còn nói: “Đem nhân thuật làm chước lừa dối, đem lòng nhân đổi lấy lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không dễ tha thứ được!”.

Ngày nay, đội ngũ thầy thuốc của chúng ta hầu hết đều được đào tạo rất chu đáo. Người vào học ngành y được xác định mục tiêu là phải “Vừa hồng, vừa chuyên”. Hồng ở đây là đạo đức cách mạng – là lòng nhân của người thầy thuốc; chuyên là giỏi về nghiệp vụ chuyên môn. Những năm gần đây bộ Y tế cũng đã ban hành chuẩn mực đạo đức của người hành nghề y, bằng “12 điều y đức”. Đó cũng là sự kế thừa và phát huy các chuẩn mực y đức của người xưa. Trong giới thầy thuốc đã có biết bao nhiêu người xứng với danh hiệu cao quý, như: Anh hùng lao động GS Tôn Thất Tùng; Anh hùng lao động: GS Trần Hứu Tước; Anh hùng lao động: Bác sĩ - bộ trưửng bộ Y tế: Phạm Ngọc Thạch…Và có hàng trăm người được phong các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú.

Thành tựu về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân liên tục được nâng lên. Nếu như sau Cách mạng tháng Tám tuổi thọ bình quân của nước ta mới chỉ là trên 30 thì đến nay đã nâng lên 73,6 tuổi. Thành quả đó có phần đóng góp rất căn bản của ngành Y tế.

Các loại dịch cổ điển được coi là hiểm họa với loài người như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả, dịch thương hàn và những căn bệnh “Tứ chứng nan y” như Phong (hủi), Lao, Cổ (Cổ trướng do xơ gan), Lại (Ung thư), thì ngày nay 2 bệnh phong và lao đã cơ bản được loại trừ, không còn trong danh sách nan y nữa.

Gần đây, những vụ dịch do các chủng siêu vi mới phát sinh, cả thế giới phải bàng hoàng như dịch Sars năm 2003, trong đó nước ta cũng đã có tới 5 cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh và chống dịch. Nhưng chỉ sau 45 ngày chiến đấu với đại dịch nguy hiểm này, chúng ta đã là nước đầu tiên chiến thắng dịch Sars. Giờ đây giữa cuộc chiến với dịch Covid-19, ở Việt Nam cũng đang có những chuyển biến rất tích cực. Tính đến sáng ngày 25/2/2020, sau 11 ngày liên tục trên đất nước ta đã không có ca nhiễm mới, 16/16 ca bệnh dương tính với vi rút corona đã hoàn toàn được xuất viện.

Đó là những thành tựu, những hy sinh to lớn trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe nhân dân không thể phủ nhận, mà những người thầy thuốc, những cán bộ y tế là những chiến binh hàng đầu trên mặt trận này.

Tuy nhiên, hiện nay do tác động của cơ chế thị trường, ở nơi này, nơi kia cũng còn có tình trạng tiêu cực trong công tác khám, chữa bệnh. Biểu hiện suy thoái đạo đức ở một bộ phận người làm trong ngành y như: Thái độ vô cảm, cửa quyền, vòi vĩnh… Tuy không là phổ biến, nhưng thực sự đã diễn ra. Biểu hiện căn bản là có trường hợp bỏ mặc không cấp cứu người bị nạn, chỉ vì họ chưa có người nhà đến đóng tiền; phân biệt đối xử giữa người đến khám chữa bệnh bằng thanh toán trực tiếp với người có thẻ bảo hiểm y tế; đối xử tận tình, chu đáo với người quen thân, người giàu có, còn với người nghèo khó, rách bẩn thì đại khái, qua loa. Thậm chí không chẩn đoán được rõ bệnh nhưng vẫn giữ bệnh nhân nặng để tăng thu nhập; đòi hỏi các thủ tục phi lý, không đúng quy định gây phiền nhiễu cho người bệnh. Tình trạng quá tải ở cơ sở điều trị, tạo nên nỗi khổ cho bệnh nhân; quảng cáo quá khả năng chữa bệnh v.v. Đang là những hạt sạn, làm xói mòn lòng tin của công chúng, làm xấu đi hình ảnh người thầy thuốc.

Hy vọng rằng, cùng với sự phát triển của văn minh xã hội, đội ngũ thầy thuốc của chúng ta sẽ không còn những hạt sạn kể trên, xứng đáng với danh hiệu “người thầy cao quý” mà xã hội đã tôn vinh.


                                                               Mạnh Nguyên      

24 tháng 2 2020

Phiếm luận: CHỈ TẠI DO LUÂN CHUYỂN

         Theo lệ thường đúng 7 giờ tối là cu Bo ngồi vào bản tự học. Chiếc đồng hồ treo tường vẫn tích ta, tích tắc đều như nhỏ giọt. Vậy mà hôm nay cơm tối xong, nó xem hết mấy bộ phim thiếu nhi trên Youtube vẫn chưa đến 6 giờ. Buồn ngủ quá cụ cậu ngáp mấy cái rồi gục xuống bàn ngủ tít.
          Bỗng có tiếng gọi:
          - Sao lại ngủ, không học hả con!
          Nó giật bắn người, choàng mở mắt nhìn lên cái đồng hồ trên ô cửa số. May quá vẫn chưa đến 7 giờ. Nó vội chống chế:
          - Chưa đến 7 giờ mà mẹ!
          Mẹ nó gắt:
- Sắp chín giờ rồi ông tướng ạ!.
- Ôi, thế ra tại cái đồng hồ chạy đểu à! –bực quá nó bậm môi đấm cho đồng hồ một cái để bõ tức.
Bỗng có tiếng kêu: Ái!. Bo nhìn quanh chẳng thấy ai, nó liền hỏi:
- Đứa nào kêu đấy?
- Dạ, em em là Đồng hồ đây ạ!
- Còn oan hử! – Cu Bo làu bàu.
- Là oan thật ạ!
- Thế thì mày chậm là tại ai?
- Dạ, là tại cơ chế “luân chuyển”!
- Cái gì mà luân chuyển – cu Bo gắt.
Đồng hồ phân trần:
- Thưa cậu chủ, tức là thực hiện cơ chế luân chuyển các bộ phận trong cơ thể của em. Sáng nay thí điểm đổi vị trí giữa thằng Kim Ngắn với thằng Kim Dài nên nó mới ra thế. Nghe đâu mai kia còn luân chuyển tiếp anh Cót ra ngoài, chị Mặt số vào trong; rồi cả hệ thống bánh xe, chân kính, gioăng, trục điều chỉnh đều đổi chỗ theo niên hạn tất tật. Mà không chỉ luân chuyển đâu, có khi còn tích hợp mấy việc vào cho một anh để bộ máy gọn nhẹ...
Nghe còn chưa hết cu Bo đã lộn tiết, nó buột miệng:
- Luân với tích cái con củ khẹc, thế thì mày chết luôn đi cho rồi!.

                                                                                       C.M   

18 tháng 2 2020

Phiếm luận: NHÀ MÕ LÀM KINH TẾ

          Vừa được Cụ lý gọi lên giao nhiệm vụ, về đến cửa là Mõ cả đã vội gọi Mõ thứ vào phòng riêng để hội ý.
          Thấy lạ, Mõ thứ mới hỏi:
          - Cụ Lý nói gì mà đã phải hội ý gấp thế hả Sếp?
          - Có đây, tình hình nó là rất tình hình! Phải làm ngay để đáp ứng cơ chế thị trường …
          Mõ cả mới nói đến đấy, Mõ thứ đã trợn mắt chen vào:

Hình từ Internet
          - Sao vậy Sếp, cánh mình làm công tác tuyên truyền, suốt ngày chỉ vác mõ đi rao, có làm kinh tế như doanh nghiệp đâu mà đáp ứng cơ chế thị trường với thị đoản?
          - Thì hượm đã, để im cho người ta nói, chửa gì đã nhảy vào mồm – rồi Mõ cả chém tay giải thích – cụ Lý bảo, từ nay khoản phụ cấp cho nhà Mõ phải cắt đi một nửa, một nửa các cậu tự xoay xở, bây giờ làng cũng phải chống bao cấp. Chứ cái gì cũng cứ nhòm vào ngân sách của Làng thì chết!. Đấy! Cụ bảo thế, nhà Mõ không tự xoay thì lấy cám ăn để mà có hơi rao việc cho Làng à.
          - Vậy thì “xoay” kiểu gì hả Sếp? – Mõ thứ ngu ngơ hỏi.
          - Là thế này, từ nay cậu cho cắt bớt chương trình thông tin thời sự, chương trình văn hóa-xã hội đi. Bảo với bọn thằng Thắng (Ếch), thằng Bớp (Bê tông), thằng Cột (Vịt quay),…À mà cả con mẹ Tũn bán mắm tôn nữa. Chúng nó muốn bán được hàng, muốn tìm được việc thì ngoài đăng ký quảng cáo, còn phải nộp thêm khoản kinh phí giới thiệu sản phẩm hàng tháng, phát vào giờ “vàng”. Mấy cái anh Trương tuần; Trưởng xóm, lão đồ Gàn, với lão lang Rận cũng phải nộp một khoản thì mới được đưa tin lên loa Làng, hiểu chửa. Đấy, nguồn thu là từ đấy chứ đâu.
          Mõ cả xổ ra cả một hồi, nghe cứ như luận chứng kinh tế đã được định sẵn ở trong đầu. Mõ thứ há hốc mồm nghe, bụng bái phục sếp. Đúng là sếp mình xuất thân từ anh kế toán, nó khác hẳn mấy lão sếp cũ học chuyên về viết lách, chỉ toàn nói phét là giỏi, chẳng kiếm được đồng tiền!.
          Chỉ khổ cho dân làng, từ bữa ấy cái loa treo đầu xóm không còn thấy tin tức thời sự phát vào buổi sáng nữa; chương trình văn nghệ, ca nhạc cũng đi ngủ mới được nghe. Bản tin được chuyển vào lúc cả làng đã ra đồng, chẳng ai nghe thấy. Lúc  nghe được thì toàn là quảng cáo bán ếch nhái, mắm tôm, vịt quay, thuốc trị hắc lào, nấm kẽ…nghe mà muốn ủng cả cái lỗ nhĩ.

                                                                                                             C.M 

12 tháng 2 2020

NƯỚC - NHỮNG ĐẶC TINH ĐẶC BIỆT

Hướng tới ngày nước của thế giới (22/3) Cả Mõ xin được giới thiệu 10 đặc tính đặc biệt của nước để mọi người cùng tham khảo.

1/ Nước được cấu tạo bởi hai nguyên tố hóa học rất dễ cháy, là Hydro (H2) và Oxy (O2). Nhưng nước cũng là nguyên liệu quan trọng nhất trong dập lửa, chữa cháy (Cứu hỏa).
Nước biển Hạ Long (Ảnh MN)
2/ Nước tinh khiết ở 4oC là có thể tích nhỏ nhất và có trọng lượng riêng = 1 (tức là 1 m3  nước = 1000 kg, 1 dm3 nước = 1 lít); dưới hoạc trên 4oC nước đều nở ra nên cho trọng lượng riêng nhỏ hơn 1 và đương nhiên khối lượng riêng cũng thay đổi.
3/ Người ta dựa vào sự tác động của nhiệt với tính chất đặc biệt của nước để xác định phân độ từ 0oC đến 100oC. Nước bắt đầu đông là 0oC; nước sôi ở áp suất không khí bình thường là 100oC.
4/ Nước rất cần cho cuộc sống, nhưng khi quá nhiều nước sẽ trở thành thảm họa. Người ta có thể nhịn ăn đến 10 ngày hoặc hơn, nhưng không thể nhịn uống quá 3 ngày. Tuy nhiên, nước được coi là hiểm họa số 1- người xưa có câu ví về mức độ của thảm họa là “Thủy-hỏa-đạo-tặc”. Nghĩa là trong 4 loại thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra là: Nước, lửa, cướp và giặc thì nước được đặt lên hàng đầu.
5/Một giọt nước bẩn có thể làm ô nhiễm cả bể nước, nhưng một thanh nước đá vùi vào nơi ô nhiễm, khi bỏ ra chỉ cần để phần nước phía ngoài chảy hết là thanh đá lại tinh khiết như thường.
6/ Nước bẩn chính là nguồn gây ô nhiễm, làm lây lan bệnh tật, nhưng ngược lại nước sạch lại  được dùng để làm vệ sinh, tiệt trùng.
7/Nước là phụ gia để tạo nên chất kết dính, song nước cũng là nguyên liệu để làm bong, tháo gỡ chất kết dính khi cần thiết.
8/ Khi ở thể sương thì nước bám vào kính xe làm mờ, giảm khả năng quan sát. Để khắc phục, người ta lại phun nước lên kính và dùng thanh quét để tăng độ trong cho kính.
9/ Nước là một vật liệu mềm mại nhất, chỉ đứng sau không khí; nhưng khi bị đẩy ra bằng một áp lực lớn, hoặc với dòng chảy lâu ngày thì nước có thể làm xói mòn cả đá và sắt thép.
10/ Nước trong tự nhiên có đặc tính tuần hoàn, chúng chỉ có thể chuyển đổi từ thể này sang thể khác (thể rắn-thể lỏng-thể hơi) chứ không tự nhiên mất đi vĩnh viễn. Và cũng chính sự tuần hoàn cơ học của nước dưới tác động từ nhiệt lượng mặt trời đã là nguồn năng lượng sống cho muôn loài trên trái đất.
Từ những đặc tính đặc biệt trên đây mà con người đã tận dụng nước để phục vụ một cách tối ưu nhất cho cuộc sống. Tuy nhiên ngày này với áp lực dân số thế giới, nguồn nước phục vụ trực tiếp cho cuộc sống cũng đã và đang trở nên khan hiếm, rất cần được cả nhân loại cùng chung tay bảo vệ. 
                                                                                   C.M

                                                                      Sưu tầm và phát hiện