Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 2 2020

XỨNG ĐÁNG VỚI DANH HIỆU NGƯỜI THẦY CAO QUÝ

(Bài viết nhân kỷ niệm 65 năm, ngày thầy thuốc Việt Nam)

          Từ cổ chí kim trong xã hội không thiếu các loại thầy. Nhưng chỉ có 2 người thầy là ở thời nào được cũng tôn vinh và trọng vọng. Đó là thầy giáo - người truyền thụ kiến thức và thầy thuốc - người chữa bệnh, đem lại cuộc sống và giảm bớt nỗi đau cho nhân loại.

        Nhân kỷ niệm ngày 65 năm, ngày “Thầy thuốc việt Nam” xin được có đôi điều về những người thầy khả kính này. Từ hàng ngàn năm về trước, những vị thầy được coi là mẫu mực nghề như Hypocrate (460-370 TrCN) – người hành nghề y ở phương Tây. Ông đã tự đặt ra cho mình 8 lời thề, được tóm tắt lại như sau: Thứ nhất, là phải coi trọng thầy dạy mình như cha, như mẹ; dạy cho các môn đệ của mình cam kết thực hiện hành nghề đúng Y luật. Hai là, mọi hoạt động của người thầy thuốc chỉ trên hết vì mục đich có lợi cho người bệnh; không bao giờ làm điều xấu với họ. Ba là, không bao giờ dùng y thuật để làm hại sinh mạng người khác, dù đó là yêu cầu của chính họ. Bốn là, luôn giữ thái độ vô tư, ân cần, thương yêu với người bệnh. Năm là, không bao giờ làm những thủ thuật quá với khả năng của mình, nếu cần thiết phải làm thì nên nhờ người có chuyên môn sâu trợ giúp. Sáu là, không phân biệt đối tượng người bệnh, với bất kỳ ai cũng chỉ vì lợi ích cho họ mà làm; tránh hành vi xấu xa, đồi bại - nhất là với phụ nữ và trẻ em. Bảy là, tuyệt đối giữ bí mật cho bệnh nhân, coi sự im lặng, kín đáo cho những riêng tư của người bệnh là một nghĩa vụ. Điều thứ tám, Ông dành riêng cho mình, là thề trung thành tuyệt đối với những điều trên, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt với cả luật đời và luật trời!.  

Hải Thượng Lãn Ông -Lê Hữu Trác

Ở Việt Nam, chúng ta tự hào có Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (1720 – 1791) – là một trong những điển hình danh y của phương Đông. Ông là một danh y nổi tiếng về y thuật, mẫu mực về đức độ - lòng nhân. Ngoài vốn kiến thức siêu phàm và đồ sộ, ông cũng còn để lại cho hậu thế 10 điều căn dặn. Mười điều ấy được tóm gọn lại cũng là những điều răn về đạọ đức hành nghề. Đó là, người làm nghề chữa bệnh cần phải có kiến thức sâu rộng để tiếp thu y thuật; phải ưu tiên người bệnh nặng chứ không vì giàu sang hay nghèo hèn. Giữ thái độ đứng đắn khi xem bệnh cho người khác giới. Không thờ ơ, mảng vui mà quên trách nhiệm chăm sóc người bệnh – nhất là người bệnh nặng. Gặp ca bệnh hiểm nghèo phải hết sức mình cứu chữa, nhưng cũng cần thông báo tiên lượng cho gia đình người bệnh trước khi quyết định chữa trị. Dùng thuốc phải lựa chọn để chi phí không cao nhưng bảo đảm hiệu quả; tuyệt đối không vì ham rẻ mà dùng thuốc kém chất lượng. Với đồng nghiệp, tuyệt đối không kiêu ngạo, cần khiêm tốn học tập người giỏi hơn và sẵn sàng chia sẻ  kiến thức cho người có chuyên môn thấp hơn mình. Đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn càng nên quan tâm chăm sóc, thậm chí còn tùy khả năng mà chu cấp thêm tài chính, vật chất cho họ để việc chữa trị được hiệu quả. Chữa bệnh cho người tuyệt đối không mưu cầu quà cáp, ban ơn; phải trung thực, không vì vụ lợi mà bệnh nhẹ nói là bệnh nặng để vòi tiền.

Người còn nói: “Đem nhân thuật làm chước lừa dối, đem lòng nhân đổi lấy lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không dễ tha thứ được!”.

Ngày nay, đội ngũ thầy thuốc của chúng ta hầu hết đều được đào tạo rất chu đáo. Người vào học ngành y được xác định mục tiêu là phải “Vừa hồng, vừa chuyên”. Hồng ở đây là đạo đức cách mạng – là lòng nhân của người thầy thuốc; chuyên là giỏi về nghiệp vụ chuyên môn. Những năm gần đây bộ Y tế cũng đã ban hành chuẩn mực đạo đức của người hành nghề y, bằng “12 điều y đức”. Đó cũng là sự kế thừa và phát huy các chuẩn mực y đức của người xưa. Trong giới thầy thuốc đã có biết bao nhiêu người xứng với danh hiệu cao quý, như: Anh hùng lao động GS Tôn Thất Tùng; Anh hùng lao động: GS Trần Hứu Tước; Anh hùng lao động: Bác sĩ - bộ trưửng bộ Y tế: Phạm Ngọc Thạch…Và có hàng trăm người được phong các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú.

Thành tựu về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân liên tục được nâng lên. Nếu như sau Cách mạng tháng Tám tuổi thọ bình quân của nước ta mới chỉ là trên 30 thì đến nay đã nâng lên 73,6 tuổi. Thành quả đó có phần đóng góp rất căn bản của ngành Y tế.

Các loại dịch cổ điển được coi là hiểm họa với loài người như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả, dịch thương hàn và những căn bệnh “Tứ chứng nan y” như Phong (hủi), Lao, Cổ (Cổ trướng do xơ gan), Lại (Ung thư), thì ngày nay 2 bệnh phong và lao đã cơ bản được loại trừ, không còn trong danh sách nan y nữa.

Gần đây, những vụ dịch do các chủng siêu vi mới phát sinh, cả thế giới phải bàng hoàng như dịch Sars năm 2003, trong đó nước ta cũng đã có tới 5 cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh và chống dịch. Nhưng chỉ sau 45 ngày chiến đấu với đại dịch nguy hiểm này, chúng ta đã là nước đầu tiên chiến thắng dịch Sars. Giờ đây giữa cuộc chiến với dịch Covid-19, ở Việt Nam cũng đang có những chuyển biến rất tích cực. Tính đến sáng ngày 25/2/2020, sau 11 ngày liên tục trên đất nước ta đã không có ca nhiễm mới, 16/16 ca bệnh dương tính với vi rút corona đã hoàn toàn được xuất viện.

Đó là những thành tựu, những hy sinh to lớn trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe nhân dân không thể phủ nhận, mà những người thầy thuốc, những cán bộ y tế là những chiến binh hàng đầu trên mặt trận này.

Tuy nhiên, hiện nay do tác động của cơ chế thị trường, ở nơi này, nơi kia cũng còn có tình trạng tiêu cực trong công tác khám, chữa bệnh. Biểu hiện suy thoái đạo đức ở một bộ phận người làm trong ngành y như: Thái độ vô cảm, cửa quyền, vòi vĩnh… Tuy không là phổ biến, nhưng thực sự đã diễn ra. Biểu hiện căn bản là có trường hợp bỏ mặc không cấp cứu người bị nạn, chỉ vì họ chưa có người nhà đến đóng tiền; phân biệt đối xử giữa người đến khám chữa bệnh bằng thanh toán trực tiếp với người có thẻ bảo hiểm y tế; đối xử tận tình, chu đáo với người quen thân, người giàu có, còn với người nghèo khó, rách bẩn thì đại khái, qua loa. Thậm chí không chẩn đoán được rõ bệnh nhưng vẫn giữ bệnh nhân nặng để tăng thu nhập; đòi hỏi các thủ tục phi lý, không đúng quy định gây phiền nhiễu cho người bệnh. Tình trạng quá tải ở cơ sở điều trị, tạo nên nỗi khổ cho bệnh nhân; quảng cáo quá khả năng chữa bệnh v.v. Đang là những hạt sạn, làm xói mòn lòng tin của công chúng, làm xấu đi hình ảnh người thầy thuốc.

Hy vọng rằng, cùng với sự phát triển của văn minh xã hội, đội ngũ thầy thuốc của chúng ta sẽ không còn những hạt sạn kể trên, xứng đáng với danh hiệu “người thầy cao quý” mà xã hội đã tôn vinh.


                                                               Mạnh Nguyên      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét