Một kỷ niệm khó quên, xin được kể
lại nhân kỷ niệmngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt
Nam
Giữa thập kỷ
70 - vừa tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp thì tôi được điều về công tác ở một
huyện vùng thấp của tỉnh miền núi. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, chỉ sau một thười gian
đã được bầu giữ chức vụ phó bí thư chi đoàn Hành chính; Ủy viên BCH công đoàn
cơ sở, phụ trách văn-thể và được xếp vào đối tượng phát triển Đảng của chi bộ.
Do có một chút năng khiếu viết-vẽ nên còn được trực tiếp là “Tổng biên tập” tờ
báo tường của Công đoàn. Phương ngôn có câu “Sinh nghề tử nghệ” - tuy không
hoàn toàn đúng với tôi. Nhưng cũng vì tình yêu với nghề báo mà tôi đã gặp những
rắc rối để đời – phải chăng đấy lại là lý do để tôi có quyết tâm trở lại với nghề
báo sau này.
Ngày ấy dù chưa biết gì về báo-chí,
nhưng tôi đã học cách viết tin, viết bài và cách trình bày tờ báo tường do mình
phụ trách theo kiểu “mực hệt” từ mô típ của báo Tiền Phong, Báo Lao Động… Vì
thế nên cũng được các anh, chị và các bạn trong cơ quan trầm trồ tán thưởng.
Điều ấy càng tạo cho tôi cảm hứng, tập tọe viết tin, viết bài gửi cho đài
truyền thanh Huyện. Thỉnh thoảng còn gửi tin và được báo tỉnh, đài tỉnh sử
dụng. Mỗi lần nhận được tờ báo biếu có đăng hoặc được nghe giọng phát thanh
viên đọc tin của mình viết là tôi mừng như mừng mẹ về chợ.
![]() |
Ảnh minh họa (Từ Internet) |
Những năm đó đời sống của cán bộ, công
chức, viên chức còn hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ bao cấp. Mọi bảo đảm đều thể hiện qua các tờ tem, phiếu. Đời sống tuy kham khổ, nhưng vì
ai cũng như ai nên mọi người vẫn cảm thấy bình thường. Thậm chí còn có cảm giác
yên tâm, vì đã được nhà nước lo cho tất cả. Nói vậy, nhưng cũng không hẳn ở thời
kỳ này không có vấn đề, mà theo cách gọi ngày nay là tiêu cực. Bởi hàng hóa
thường khan hiếm, cho nên dù có tem phiếu nhưng các đối tượng thụ hưởng vẫn
không ít lần phải nhận hàng phân phối chậm, thậm chí tem phiếu thịt, đường bị
tồn ứ tới hàng quý mà vẫn không có hàng. Cầm chịch cho công việc phân
phối lúc này đều tập trung vào mấy ngành như thương nghiệp, lương thực, thực
phẩm...Vì vậy, đôi khi họ cũng tỏ thái độ quan liêu, cửa quyền gây nên những
bức xúc cho công chúng. Để chống lại hành vi tiêu cực trong một bộ phận cán bộ,
nhân viên nhà nước, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích báo chí vào
cuộc, phê phán những hiện tượng thiếu trách nhiệm, thiếu công bằng. Khẩu hiệu “Không sợ ít, chỉ sợ không công bằng; không
sợ thiếu, chỉ sợ lòng dân không yên” được trương lên ở nhiều nơi. Nhưng
không phải ở đâu và lúc nào cũng được người ta thực hiện như khẩu hiệu.
Năm
ấy, suốt từ đầu năm cho đến cuối tháng 6 trên địa bàn huyện không hề có đường
bán phân phối theo tem phiếu. Mãi tới đầu tháng 7, đúng vào dịp nghỉ hè thì cửa
hàng thực phẩm thông báo: “Đã có đường
bán theo chế độ cho cán bộ, CNVC”, nhưng hạn phân phối chỉ thực hiện trong
3 ngày. Quy định như vậy, với điều kiện thông tin như ngày nay đã là khó, vì
việc bán hàng cung cấp chỉ thực hiện ở cửa hàng thương nghiệp trung tâm huyện
lỵ. Trong khi phương tiện thông tin cũng chưa thuận tiện như bây giờ; giao
thông càng khó khăn - chưa kể các thôn bản vùng sâu thì còn có tới 30% trung
tâm xã lên huyện vẫn chỉ là đi bộ. Thông báo bán hàng lại rơi vào dịp nghỉ hè
nên nhiều giáo viên không nắm được thông tin, đành phải bỏ cả nửa năm tem
phiếu. Bức xúc thay cho những người phải chịu thiệt thòi, tôi đã viết một bài
phản ánh, nói lên sự bất công về cung cách phân phối hàng của cửa hàng thương
nghiệp huyện, gửi cho báo Lao Động. Vì nghĩ rằng việc viết báo là bình thường
trong quyền tự do báo chí của công dân, mặt khác những phản ánh của mình cũng
hoàn toàn là sự thật. Ngại ra bưu điện nên tôi gửi luôn bài viết qua hòm thư
công văn của cơ quan. Nhưng không ngờ bài báo không những không được gửi đi mà
bị một vị có chức sắc lấy nộp cho ông quyền chủ tịch huyện, với lý do: “xem cậu
này nó viết cái gì”.
Sau đó, giữa vị cán bộ văn phòng và
ông quyền chủ tịch (với vai vế là bí thư đảng đoàn chính quyền) đã bóc bài báo
ra đọc. Họ thống nhất với nhau rằng, bài báo viết về tiêu cực của địa phương mà
chưa thông qua lãnh đạo đã tự tiện gửi cho báo Trung ương. Như vậy không chỉ là
nói xấu ngành cung cấp mà còn bôi nhọ sự lãnh đạo của địa phương. Rồi cứ thuận
với cái lý “nâng quan điểm” như vậy, hai vị lãnh đạo này mang bài báo ra mổ xẻ,
gạch chân, đánh dấu chấm hỏi (?) bằng bút đỏ ở nhiều đoạn.
Là một cán bộ trẻ vừa mới ra trường,
công tác chưa bao lâu nên tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Sự việc không biết
sẽ bị đẩy lên đến mức nào, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Ban chấp hành
công đoàn.
Với tư cách quyền chủ tịch, kiêm bí
thư đảng đoàn chính quyền- ông Nguyễn Công D. đã chỉ thị cho Ban chấp hành công
đoàn đưa tôi ra để kiểm điểm về hành vi thiếu ý thức tổ chức, đưa những thông
tin tiêu cực lên báo mà chưa được phép của lãnh đạo. Ban chấp hành công đoàn cơ
sở được triệu tập - tuy nhiên, thay vì việc kiểm điểm thì đồng chí thư ký công
đoàn sau khi xem nội dung bài viết, đã khẳng định đây là một phản ánh hoàn toàn
đúng sự thật, không có gì là bêu xấu địa phương hay làm ảnh hưởng đến uy tín
lãnh đạo. Rồi tập thể BCH công đoàn cơ sở đã nhất trí chuyển nội dung bài báo
cho phòng thương nghiệp (Cơ quan quản lý
các hoạt động thương mại và các đơn vị cung cấp nhu yếu phẩm của địa phương lúc
bấy giờ).
Điều đáng mừng là, sau khi xem công
văn trao đổi của Công đoàn cơ sở UBND huyện có kèm theo bài báo, ông trưởng
phòng thương nghiệp không những không bao che cho hành vi cửa quyền của cấp
dưới mà còn hoan nghênh bài báo. Đồng thời xác nhận toàn bộ việc làm của cửa
hàng thực phẩm là quan liêu, cửa quyền và yêu cầu phải giải quyết ngay toàn bộ
những tem phiếu tồn đọng, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công nhân, viên chức.
Thế mới biết, không phải người lãnh
đạo nào cũng có con mắt khách quan và giám nhìn thẳng vào sự thật, biết tôn
trọng quyền tự do công luận như pháp luật đã quy định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét