Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

06 tháng 6 2021

LẠI BÀN VỀ HỌC THUYẾT “CHÍNH DANH”

 
    Chuyện xưa lại kể rằng, bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) là một phụ nữ con nhà gia giáo, văn chương nổi danh và cũng đã có nhiều áng văn thơ để đời cho hậu thế. Ở dưới thời phong kiến thì đó thực là chuyện hiếm.
 
    Chồng bà - ông Huyện Thanh Quan (tên thật là Lưu Nghị, làm quan dưới thời vua Minh Mạng) cũng là một ông quan nổi tiếng thanh liêm. Dịp đó ở biên thùy có nạn giặc ngoại bang quấy nhiễu. Lệnh vua ban, quan Huyện phải cầm quân lên biên thùy dẹp giặc.
Quan quân thời Nhà Nguyễn (Ảnh T.L từ Internet)
 Vì tin vợ là người học cao, hiểu rộng nên ông Huyện đã giao luôn cho vợ giữ việc “nhiếp chính” thay mình. 
     Một hôm bà Huyện nhận được tờ đơn của một thiếu phụ, xưng là vợ lính. Chị ta trình bày rằng, chồng đi lính đã nhiều năm nay bặt vô âm tín, chẳng biết sống chết ra sao. Phận con gái “hoa nở có thì”, chị ta muốn xin quan được miễn tình thủ tiết để đi lấy chồng khác. Vì cũng là phận nữ nhi, lại không chuyên làm chính trị, nên bà Huyện động lòng trắc ẩn, mà hạ bút phê rằng: “Cho phép đi lấy chồng…”. 
    Ai ngờ vài năm sau, khi chiến sự vãn hồi, anh lính nọ không chết mà được thoái lính về quê. Về đến nhà anh ta mới ngã ngửa là vợ đã đi lấy chồng khác, mà việc đó lại do chính huyện quan cho phép. Bực tức trước sự bất công của nhà quan, anh lính liền đâm đơn kiện lên quan phủ. 
    Nhận đơn, quan phủ cho thanh tra và kết quả là đúng như đơn kiện. Vì vậy, ngài đã xuống lệnh cách chức ông huyện Thanh Quan, vì đã giao cho người nhiếp chính không hiểu việc nước mà làm sai!(1). 
    Ấy là chuyện của thời xưa, nay ngẫm lại thấy cũng không hiếm chuyện đời na ná. Đơn cử như việc làm từ thiện trong thời gian qua, mỗi khi đất nước gặp biến cố thảm họa, mặc dù đã có không biết bao nhiêu cơ quan, đoàn thể được giao làm công việc cứu trợ nhân đạo. Vậy mà vẫn có không ít người dựa vào uy tín cá nhân, cũng đứng ra huy động quyên góp, với danh nghĩa làm từ thiện. Tuy nhiên, do không chuyên nghiệp nên kết quả là có nhiều trường hợp cứu trợ chẳng kịp thời hoặc đưa vật chất cứu trợ đến không đúng địa chỉ, dẫn đến lãng phí và phản cảm. Hậu quả để lại biết bao nhiêu “tiếng bấc, tiếng chì”. 
    Ngẫm ra, thuyết Chính danh của Khổng Tử dù đã trải qua mấy ngàn năm mà vẫn còn nguyên giá trị. Theo Không Tử, “chính danh” có nghĩa là “danh nào, thì phận ấy”; “danh có chính thì ngôn mới thuận”. 
    Ở đời có khi cố làm việc tốt, nhưng làm không đúng lúc, đúng nơi; không đúng với phận sự của mình thì lại trở thành kẻ “bao đầu”. Mất công sức mà không đem lại tiếng thơm, thậm chí còn là những thị phi, tai tiếng. 

                                                                                                    C.M
         * (1) Câu chuyện có thể là hư cấu, theo dân gian truyền miệng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét