Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 1 2024

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TẾT CỔ TRUYỀN NGUYÊN ĐÁN CỦA VIỆT NAM

                
    Tết Nguyên Đán là một trong những cái tết cổ truyền lớn nhất trong năm (Âm lịch) ở một số nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước tiên ta cần hiểu thêm về ngữ nghĩa của cụm từ này.
         Theo một số học giả thì từ tết được bắt nguồn bởi từ “tiết” trong từ vựng Hán-Việt - tức là theo các tiết trong năm. Từ “tiết” này dần dần được đọc trệch đi thành từ tết. Còn Nguyên Đán, đó là từ ghép giữa 2 từ Hán-Việt: Nguyên là khởi đầu, Đán là buổi sáng sớm - Tức là khởi đầu của buổi sáng sớm đầu tiên, ngày đầu tiên của năm nông lịch. Tuy nhiên, cho đến nay trong chúng ta cũng còn nhiều người chưa hiểu được tết Nguyên Đán của Việt Nam có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Vì vậy không ít người cho rằng, đây là cái tết cổ truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bởi vì, lịch sử của Trung Hoa có viết là từ thế kỷ thứ nhất (sau Công Nguyên), Nhâm Diên và Tích Quang - quan của nư­ớc Trung Hoa sang Việt Nam, truyền cho dân Việt biết làm ruộng và một số sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền. Nhưng thực tế lại chứng minh, trước khi người Trung Hoa sang đô hộ, dân tộc Việt đã có văn hóa nền nếp của vùng nông nghiệp lúa nước và đã có việc tổ chức ăn tết Nguyên Đán theo phong tục đặc sắc của mình. Dựa vào lịch sử dựng nước của người Việt thì họ Hồng Bàng (Kinh Dương Vương) dựng nước từ năm Nhâm Tuất (2.879 trước Công nguyên). Vua Hùng là con trai của Lạc Long Quân và là cháu nội của Kinh Dương Vương. Đến đời vua Hùng thứ 6, nhà vua đã truyền ngôi cho con trai thứ 18 là Lang Liêu, vì Lang Liêu được vua cho là người con hiền đức, có tài trị vì đất nước và đặc biệt là đã làm ra sính lễ tết cổ truyền dâng lên vua cha từ sản vật nông nghiệp, mang biểu trưng của cha (Trời là bánh dày tròn) và mẹ (Đất là bánh chưng vuông). Đất ở đây không có nghĩa là trái đất, mà là những mảnh ruộng vuông vắn - nơi người dân trồng cây lúa nư­ớc để nuôi sống chính mình. Bánh giày tượng trưng cho trời tròn cũng không có nghĩa là bầu trời hình tròn, mà là hệ vòng quay 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông liên tiếp. Còn ngư­ời Hoa lại giải thích vạn vật qua những hệ số, bói toán trừu t­ượng, đôi khi như­ ma thuật rất xa xôi, khó hình dung. Như vậy có thể nói Tết cổ truyền của Việt Nam đã hình thành từ rất lâu, trư­ớc thế kỷ thứ nhất (sau Công Nguyên) - nghĩa là trước khi người Trung hoa sang truyền bá văn hóa và hoàn toàn chứng tỏ không phải do ngư­ời Hoa khai hoá hay đồng hoá. Tuy nhiên, do cùng nằm chung vùng lục địa, lại nằm kề nhau nên không thể không mang những ảnh hư­ởng văn hóa của nhau. Sau này, khi Trung Hoa đô hộ nư­ớc ta nhiều năm liền, những ảnh h­ưởng đó càng có phần nhiều hơn. Song về cơ bản thì bánh chư­ng, bánh dày là hoàn toàn đặc tr­ưng của dân tộc Việt. Trong ngày Tết cổ truyền có thể thiếu câu đối đỏ nhưng không thể không có bánh ch­ưng xanh để cúng tế tổ tiên.
          Tuy nhiên, trong các sách viết về văn hóa Việt Nam đều cho rằng vào thời cổ, năm mới ở phương Nam bắt đầu từ tháng Tí, tức tháng Một (tháng 11 âm lịch), về sau do ảnh hưởng của Trung Hoa ta mới lấy tháng Dần (tháng Giêng năm âm lịch) làm tháng đầu năm. Đến nay cũng vẫn còn một vài dân tộc thiểu số và một số vùng ở Việt Nam duy trì tục đón năm mới vào tháng Tí. Đây cũng là điều bình thường, vì một số cộng đồng quốc gia ở gần nhau thường có sự giao thoa về văn hóa. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Trung Hoa trong việc xác định mốc đầu năm, song Tết cổ truyền Việt Nam vẫn mang trọn vẹn đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
          Về đặc trưng đối với tết Nguyên Đán cổ truyền của Việt Nam, đó là nếp sống cộng đồng. Trước và sau ngày tết chính (ngày mùng 1) đã diễn ra những hoạt động như 23 tháng chạp – lễ tiễn ông Táo lên chầu trời, người dân bắt đầu nô nức đi chợ tết. Sau đấy là chung tay mổ lợn, gói bánh chưng, dọn dẹp, trang trí nhà cửa; sửa sang quét dọn mộ phần của tổ tiên, ông bà…và khấn mời hương hồn người thân đã khuất quy tụ về linh sàng, để con cháu được tri ân công đức.
Đây cũng là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ mọi thành viên trong gia đình; con cháu dù đi làm ăn xa bao nhiêu cũng cố gắng có mặt sum họp vào dịp này.
Tục chúc Tết cũng có nhiều sắc thái, đó là sự bày tỏ tình thương yêu thắm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý qua lời chúc. Từ quan niệm “có thờ có thiêng - có kiêng có lành”, người Việt còn rất coi trọng tục xông đất ngày Tết, đây là việc làm có ý nghĩa và trang nghiêm. Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả đem sự may mắn đến nhà. Do đó, mọi người cũng cân nhắc kĩ về nhân phẩm, chức phận, cũng như tính tình, vận hạn khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm. Người đến xông nhà thường chỉ đến thăm, chúc mừng khoảng chừng năm đến mười phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của gia chủ được hanh thông, trôi chảy.
 Trước đây tết Nguyên Đán cũng chỉ gói gọn trong 3 ngày là mùng một, mùng hai, mùng ba. Trong ba ngày tết, việc chúc tết với đấng sinh thành, dưỡng dục cũng được quy định tuần tự như sau: “Mồng một là Tết nhà cha”, sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi, chúc Tết. Với bề trên, để mừng tuổi con cháu cũng là những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt con trẻ. “Mồng hai nhà mẹ”, vợ chồng, con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm gia đình. “Mồng ba Tết thầy”, sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục đẹp, nói lên tư cách đạo đức và truyền thống “tôn sư trong đạo” của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, phát huy từ truyền thống tri ân các thế hệ tiền bối, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh ngiệp và các tổ chức xã hội cũng nhân dịp này tổ chức gặp mặt, giao lưu, tặng quà thể hiện sự tôn kính đối với những người thuộc thế hệ thế hệ đi trước đã được nghỉ theo chế độ.
Từ quan niệm, tết Nguyên Đán là một mốc thời gian chuyển giao của 1 năm; giao thừa được coi như phút giao hòa trời - đất, nó thiêng liêng và ảnh hưởng đến cả một năm mới tiếp theo. Từ quan niệm “vạn sự khởi đầu nan” mà mọi người đều muốn làm tất cả những gì tốt đẹp trong thời khắc thiêng liêng, trang trọng này. Ngoài các tục lệ như đã nói trên đây thì cũng còn những việc làm chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, như chọn hướng xuất hành, hái lộc đầu năm… đều được mọi người chọn và thực hành với niềm tin tâm linh, cẩn trọng. Ví như việc xuất hành, là sau giây phút giao thừa, mỗi gia đình thường cử một người xuất hành (bước ra khỏi nhà) trong giây phút mới mẻ ngày đầu năm. Xuất hành phải xem lịch để chọn hướng tốt, hợp với tuổi của mình, ngụ ý để mang đến điều may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà trong năm mới. Sau khi xuất hành xong, người ta có thể quay về tự xông nhà. Việc hái lộc cũng vậy, nhân trong lúc xuất hành, người xuất hành có thể bứng một chút lộc non từ một cây trên đường đi, mà đó là cây khỏe mạnh, xanh tốt để coi đó như nguồn công lực đưa về đặt lên bàn thờ. Hy vọng sẽ là nguồn bồi bổ sức khỏe cho cả gia đình trong năm mới. Hành động này hoàn toàn khác biệt với cách bẻ cành, chặt tán thô bạo của một số người cũng gọi là “hái lộc” ngày nay.
Tết Nguyên đán là một phong tục cổ truyền thấm đậm bản sắc dân tộc; là lễ hội cổ truyền lớn nhất, thiêng liêng nhất đối với người Việt Nam. Điều ấy ai cũng biết. Nhưng từ trong sâu thẳm của người Việt ngày nay dường như ai cũng thấy còn gợn lên sự trăn trở, vì Tết nay còn có những điều không giữ được sự trong sáng như xưa. Có những phong tục giờ đây đã bị biến tướng dẫn đến hành vi tiêu cực.
Thiết nghĩ, cuộc sống hôm nay tuy có khác nhiều so với ngày xưa cả về vật chất và tinh thần, nhưng người Việt Nam ta thì mãi mãi vẫn thế, vẫn mang trong mình những tâm hồn, cốt cách, phong tục, tập quán rất đặc trưng. Đó là chỉ có thể phát huy những gì thuộc về giá trị văn hóa, giá trị đạo đức truyền thống do gạn đục khơi trong mà có. Hy vọng rằng trong các phong tục đẹp của tết cổ truyền dân tộc sẽ mãi mãi được gìn giữ, phát huy trong mỗi gia đình và cộng đồng. Tết cứ đến và qua đi cùng quy luật tuần hoàn của đất trời, nhưng hương vị tết Việt Nam thì không bao giờ có thể thiếu trong tâm linh và cuộc sống của mỗi gia định Việt Nam./.

                                                                         Mạnh Nguyên

           

 



CHIM MỒI

 


Hôm nay không phải lão Ngưu sang nhà lão Mõ như mọi khi, mà lão Mõ lại đến với lão Ngưu. Ngồi vắt vẻo trên cái chõng tre dưới gốc cây vải đầu hè, đón ngọn gió nồm nam mát dịu và nhâm nhi chén trà nóng, nheo con mắt ngắm cậu chim ngói đang rỉa cánh trong lồng, lão Mõ buột miệng:

- Cái giống chim thế mà tệ, đã bị bắt nhốt vào lồng rồi mà mỗi lần được chủ đưa ra bãi làm mồi bẫy đồng loại, nó vẫn nghển cổ, xòe cánh dụ gọi, làm cho nhiều đồng loại khác sa lưới.

Lão Ngưu tán thưởng:

- Ừ, có lẽ cái lũ này thân to mà cái đầu nhỏ tí, ít não nên mới thế, nhưng nhờ vậy mà mình mới tóm được lũ chim khác. Chứ nó mà khôn thì nghề bẫy chim của mình có mà thất nghiệp.

Chợt như nảy ra điều gì, lão Mõ cười khẩy:

- Đâu có phải loài chim đầu nhỏ, óc bé mới thế, người cũng đầy bọn “làm mồi”, dẫn dụ đồng loại lao vào những cuộc đỏ đen đến phá sản. Chỉ có khác là lũ chim thì chúng chỉ vô tình bị con người lợi dụng. Chứ con người thì mang tiếng khôn ngoan nhất hành tinh, nhưng chỉ vì hám lợi mà họ bất chấp lừa lọc, dẫn dụ đồng loại đến khuynh gia, bại sản.

Thấy lão Ngưu ngơ ngác vẻ chưa hiểu, lão Mõ giải thích:

- Ông thấy bọn bán hàng đa cấp không, cứ thằng trước bị lừa thì lại cố tìm cách gỡ bằng cách “hót” thật khéo để dẫn dụ thằng sau lao vào. Kết cục là một lũ lừa nhau, mà cái lợi thì chỉ bọn đứng đầu cầm chịch là được hưởng. Tệ hơn nữa là mấy cha, mấy mẹ  “người nổi tiếng”, họ có thiếu thốn gì đâu, nhưng vẫn tận dụng cái sự “nổi tiếng” của mình để đóng vai quản cáo cho các nhãn hàng. Mà buồn thay, phần lớn các nhãn hàng do họ quảng cáo đều không đúng với sự thật; đại đa số quảng cáo về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… chủ yếu là thổi phổng sự thật, thậm chí lừa đảo, đối trá để móc tiền  người bệnh - trong đó có không ít người là đối tượng nghèo khó bần cùng.

Gần đây trên mạng xã hội còn tỉ tỉ cái gọi là hỗ trợ làm kinh tế, dạy cách làm giàu như bán số lô đề, cho vay tài chính ưu đãi hay tổ chức mạng “ma trận làm giàu”…Những tuyên truyền viên, cộn tác viên của các tổ chức này có trình độ “hót” đến siêu đẳng. Biến cái vô lý thành có lý nên không ít khổ chủ đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 Lũ “chim mồi” này mới thực sự là táng tận lương tâm!.

Đã hiểu ra thâm ý của lão Mõ, lão Ngưu bực bõ tán thưởng:

- Ừ phải, hóa ra con người được tiếng là thông minh - biểu tượng của chữ “nhân”, nhưng đâu đó vẫn có kẻ hám lợi mà tiếp tay, lừa đảo đến mức phi nhân tính!.  

* Ảnh minh họa từ mạng Internet.

                                                                                                       C.M