Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

05 tháng 4 2012

KHAI THÁC VÀNG TRÁI PHÉP TRÊN SÔNG HỒNG VẪN NGOÀI TẦM QUẢN LÝ




          Tỉnh Lào Cai là một địa phương giàu tiềm năng khoáng sản. Ngoài những mỏ lớn như APATITE Cam Đường, sắt Văn Bàn, đồng Bát Xát... và một số mỏ vật liệu xây dựng đã được khai thác với quy mô và công nghệ hiện đại, thì cũng còn không ít các mỏ á kim, kim loại và khoáng sản vật liệu có giá trị chưa có kế hoạch khai thác. Mặc dù việc quản lý tài nguyên, khoáng sản đã được luật hóa, được chính quyền và các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, đi đôi với các biện pháp quản lý hành chính khá tích cực. Nhưng đây đó, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản lậu vẫn diễn ra, ngoài tầm kiểm soát.
          Trước tết Nguyên đán Nhâm Thìn, theo phản ánh của nhân dân, phóng viên đài Truyền thanh- Truyền hình (TT-TH) huyện Bảo Thắng đã nhờ một thuyền đánh cá, tiếp cận 2 tầu làm vàng trên sông Hồng. Đây là 2 con tàu được trang bị khá hiện đại, nằm ngay sát phía bờ tả ngạn, thuộc địa phận xã Phố Lu. Do tiếp cận vào ngày giáp Tết, nên hoạt động khai thác của chủ tầu đã tạm nghỉ. Nhưng quan sát ngay trước mũi tàu (Về phía thượng lưu) vẫn còn đó những cồn cát, sỏi từ hoạt động đào đãi thải ra, những cồn cát, sỏi này nhô cao như một bãi bồi và chạy dài đến hàng trăm mét. Ai giám khẳng định những đống cát, sỏi lớn này không là nguyên nhân tạo nên sự biến đổi căn bản của dòng chảy. Đây còn là nguyên nhân tiềm ẩn của nguy cơ sạt lở không theo quy luật vào mùa lũ ở 2 bờ Sông. Chưa biết quá trình đãi vàng, những con tàu này sẽ còn xả thải thêm những hóa chất nguy hiểm gì xuống dòng sông?.
          Theo phản ảnh của người dân thôn Tả Hà, xã Sơn Hà - bên bờ phía hữu ngạn thì hoạt động của 2 tầu làm vàng này đã tồn tại nhiều tháng, thậm chí hàng năm nay trên đoạn sông Hồng giáp giới giữa 2 huyện Bảo Thắng và Bảo Yên. Nếu có động từ phía chính quyền địa phương huyện này thì tầu lại nhổ neo chuyển sang địa phận huyện kia.
Sau tết, nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục thị sát trên bờ và quan sát nơi  các tầu vàng neo đậu, được trực tiếp chứng kiến hoạt động khai thác của 2 con tầu lớn này khá sôi động, công khai, tiếng máy nổ, tiếng guồng cát vang xa đến hàng cây số. Mấy nông dân đang chăm bón rau màu trên bãi sông còn cho biết, hoạt động khai thác của các con tàu này chỉ nghỉ mấy ngày tết và đã hoạt động trở lại gần một tuần nay. Hoạt động đào đãi được diễn ra suốt ngày đêm. Về đêm, ngòai tiếng máy nổ vang rền, tiếng ầm ầm của guồng cát, sỏi thì ánh điện của tàu còn chiếu sáng cả một đoạn sông. Hoạt động ồn ã của các tầu này không chỉ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân gần đó, mà nỗi lo hơn của người dân là tình trạng xói lở đã lấn sâu vào phía bờ đối điện. Bà con cũng cho biết, khi bị phản đối và yêu cầu tầu dừng hoạt động, chủ tầu còn ngang nhiên tuyên bố, họ đã được được cơ quan chức năng cấp giấy phép cho khai thác rồi(!).
          Trả lời câu hỏi của Đài Truyền thanh-TH huyện Bảo Thắng, ông Chủ tịch UBND xã Phố Lu - địa bàn có 2 tầu khai thác vàng đang hoạt động cho biết, xã cũng đã yêu cầu chủ tàu phải có giấy phép mới được hoạt động, gần đây phòng Tài nguyên - Mổi tường của huyện Bảo Thắng cũng có nhắc nhở chủ tầu về vấn đề này. Nhưng lạ thay, 2 con tầu vẫn hoạt động một cách ngang nhiên, hình như họ không hề bận tâm gì đến sự nhắc nhở của chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng Huyện.
          Để làm rõ việc khai thác của các tầu này có hợp pháp hay không, Đài Truyền thanh - Truyền hình Bảo Thắng đã gọi điện cho phòng quản lý Tài nguyên khoáng sản, thuộc sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Lào Cai. Sau khi nghe nói là chủ tầu tuyên bố có giấy phép khai thác, ông Lê Ngọc Dương, trưởng phòng đã rất ngỡ ngàng và khẳng định, Sở chưa bao giờ cấp phép cho việc khai thác vàng trên sông Hồng. Ông trưởng phòng cũng hứa, sẽ báo cáo với lãnh đạo Sở để sớm cử thanh tra về làm việc.
           Chúng ta đều biết, việc khai thác khoáng sản vô tổ chức không chỉ làm thất thoát tài nguyên quốc gia, mà quan trọng hơn là gây ô nhiễm môi trường, gây biến đổi dòng chảy của sông, ngòi; biến đổi kết cấu hạ tầng, tạo nên những xói lở không theo quy luật, làm ảnh hưởng trực tiếp trở lại với các công trình ven sông, suối và đời sống của nhân dân. Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý, chấm dứt ngay tình trạng khai thác vàng trái phép, nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế nguy cơ xói lở đang hiện hữu từng ngày trên Sông Hồng.


                                                                                                                                      M.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét