Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

13 tháng 4 2012

RỘN RÀNG LỄ HỘI ĐẦU NĂM




Tết Nguyên đán cổ truyền không chỉ là tết chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ngoài ý nghĩa đón mừng năm mới, thờ cúng tưởng nhớ gia tiên, tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian và cộng đồng. Sau Tết còn có các nét đẹp văn hóa truyền thống phong phú và hấp dẫn, thông qua các Lễ hội đầu năm phản ánh bản sắc đa dạng và ý nghĩa tâm linh trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.

Từ truyền thống của nền nông nghiệp lúa nước, Lễ hội tịch Điền của Người Kinh là lễ hội mang ý nghĩa “khuyến nông” và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Lần đầu tiên nghi thức lễ hội này được diễn ra vào thế kỷ thứ X ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành. Trong Lễ hội có tái hiện hình ảnh Hoàng đế cùng xuống rộng để cày đường cày đầu năm với nông dân. Sau nhiều năm thất truyền, nay Lễ hội đã được khôi phục lại. Năm 2010, lần đầu tiên chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã mặc áo nông dân, cầm cày thực hiện nghi lễ “Tịch điền” ở Đọi Sơn.

Tại các địa phương Trung du và miền núi phí Bắc, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng có các loại hình lễ hội tương tự, như lễ Hội “Xuống đồng” - người Giáy gọi là “Roóng Poọc”. Đây là hội xuân được tổ chức vào ngày Thìn tháng giêng. Đặc thù của lễ hội là cầu mùa, cúng thần làng, ném còn, kéo co, hát giao duyên, đánh én... Theo suy nghĩ của người Giáy, lễ hội cúng thần cai quản địa bàn cầu phù hộ cho ngô, lúa tốt tươi, mùa màng phong đăng, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khoẻ mạnh. Vì vậy, nếu vì một lý do nào đó mà không tổ chức được thì năm đó mọi nhà, mọi người làm ăn thấp thỏm. Chẳng may một sự cố nào đó xảy ra như lũ lụt, sạt lở ruộng nương, bệnh dịch thì người ta sẽ cho là do không Roóng Poọc.

Với người Tày,  “Xuống đồng” còn gọi là lễ hội “Lồng Tồng” nhằm mục đích cầu mùa. Cả phần lễ và phần hội đều tập trung phản ánh ước nguyện của dân làng, mong cho được mùa; người người khoẻ mạnh. Vì vậy trải qua rất nhiều năm, kể cả khi đời sống còn nhiều khó khăn nhưng lễ hội Lồng tồng ở Lào Cai vẫn được giữ gìn và khơi dậy nét đẹp truyền thống, ca ngợi tinh thần cần cù lao động và hướng tới những điểu tốt đẹp cho cuộc sống.

Cùng ý nghĩa như vậy, người Dao có lễ hội Trầu sun. Đây cũng là một trong những nghi lễ cầu mùa rất đặc trưng của đồng bào Dao Đỏ, được tổ chức hằng năm ở các làng bản, hoặc vài ba năm một lần vào các dịp đầu xuân. Cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối phát triển, mùa màng tốt tươi, không xảy ra dịch bệnh, nàh nhà ấm no, hạnh phúc.

 Lễ hội Trầu Sun được diễn ra trên một khu đất bằng phẳng, nơi có không gian thoáng đãng. Ngày lễ chính, các gia đình trong làng đóng góp, mua sắm lễ vật, như: Xôi, lợn, gà, giấy tiền, vàng hương để cầu các vị thần linh trên trời, dưới đất phù hộ cho dân làng có cuộc sống bình an, thịnh vượng.

          Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, thầy cúng thay mặt dân làng thắp hương khấn báo thần làng, trời đất phù hộ để dân làng mở hội cầu mùa, cầu phúc, cầu tài cầu cho con trai làng trên, con gái làng dưới thuận duyên, bén lứa, nên vợ, nên chồng, nhà nhà hạnh phúc, ấm no…

Sau phần lễ là phần hội, với các cuộc thi văn hoá – văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống. Đội văn nghệ các nơi tổ chức thi múa, hát, trích đoạn nghi lễ  cấp sắc của người Dao… Các trò chơi, trò diễn càng sôi nổi hấp dẫn bởi sự góp mặt của cộng đồng các dân tộc anh em từ khắp các địa phương lân cận đến xem và cổ vũ.

Từ đặc trưng của núi rừng Tây bắc, lễ hội “Hát qua làng”  cũng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Tuyển, thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

Tại thôn Nậm Sưu, xã Bản Phiệt, cứ mỗi dịp đầu xuân mới lại tưng bừng mở lễ hội “Hát qua làng” đón bà con gần xa tới thăm và thi hát giao duyên truyền thống. Theo nghệ nhân văn hoá dân gian Triệu Văn Quẩy, người Dao Tuyển ở xã Bản Phiệt: Từ xa xưa vùng đất sinh sống của người Dao Tuyển là ở trên núi cao, không có chợ nên Tết đến, bà con thường mở lễ hội hát đối đáp giữa khách với chủ nhà. Sau này gọi là lễ hội “Hát qua làng” để mời các làng bản quanh vùng tới thi hát, cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, mọi nhà đều bình an, hạnh phúc.

Đây cũng là dịp gặp gỡ của những người bạn tâm giao ở xa, thân thiết với nhau qua các dịp lễ hội năm trước. Từ những đêm ngày thi hát giao duyên đầu xuân, đã có những cặp trai gái nên duyên chồng - vợ.

          Lễ hội “Hát qua làng” của người Dao Tuyển thôn Nậm Sưu tổ chức đầu năm Tân Mão- 2011 được khá đông bà con các dân tộc phía Bắc huyện Bảo Thắng cùng các chiến sỹ trạm biên phòng Bản Phiệt đến cổ vũ nhiệt tình, tham gia thi hát giao duyên và trực tiếp thi đấu các môn thể thao, góp vui cho ngày hội.

Lễ hội Gầu Tào tại xã Phong Niên-h. Bảo Thắng
Một lễ hội nữa, đó là lễ hội “cúng rừng”- Lễ hội này thường được tổ chức ở khu rừng cấm của làng. Lễ cúng được đặt nơi có hai cây cổ thụ gọi là "Cây bố và cây mẹ". Đồ dâng cúng còn có "mâm Đất - Nước", tiếng Nùng là "Pặt chiêng" - cúng những người hy sinh bảo vệ Tổ Quốc và mâm cúng người bảo vệ làng bản. Người hành lễ đọc bài cầu chúc cho mưa thuận, gió hòa, rừng cây luôn xanh tốt, mùa màng sinh sôi. Nhân dịp này già làng, trưởng bản nhắc mọi người không được phá rừng, không được thả rông gia súc, đồng thời phân khu đất cho từng nhà tăng gia, làm vườn và bảo vệ … Sau phần lễ, mọi người cùng ký cam kết bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh trên những mảnh vườn, triền đồi. Cùng thưởng thức men rượu thơm nồng, vui với các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc như: bịt mắt bắt dê, ném còn, đu quay, đẩy gậy, múa gậy, bắn nỏ…

Việc phục dựng các lễ hội truyền thống trong những năm gần đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Các lễ hội đầu Xuân không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tạo sân chơi bổ ích cho người dân lao động sau một năm vất vả mưu sinh mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, giáo dục ý thức cộng đồng; động viên người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường và đoàn kết xây dựng chuẩn mực văn hóa ở các khu dân cư.

                                     
                                                                                                                Mạnh Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét