Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

12 tháng 4 2012

RƯỢU VỚI GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM


          Uống rượu và chúc rượu từ lâu đã được coi là một nét văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia-dân tộc. Song, nếu hiểu truyền thống nói chung là sự kết tinh, chung đúc, tồn đọng suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của nhân loại, thì sự chung đúc đó được ví như lặng đọng của “dòng sông” lịch sử. Như vậy, truyền thống sẽ được mang theo cả 2 nghĩa tích cực và tiêu cực – rượu, với nghĩa văn hóa truyền thống cũng không nằm ngoài quy luật chọn lọc này.

          Ở nước ta, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, những năm gần đây mức sống trong nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực do kinh tế-xã hội phát triển mang lại thì các loại bệnh do ăn uống quá ngưỡng gây nên ngộ độc rượu mãn tính, rối loạn chuyển hóa như những bệnh về gan, thận, tim mạch. Cụ thể là béo phì, máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp, gút, tiểu đường tuýp II ...cũng xuất hiện khá đa dạng. Cho nên văn hóa ẩm thực không chỉ là sự phong phú của các món ăn, đồ uống mà còn là không khí thoải mái trong các bữa ăn và việc ăn uống thế nào để thực sự hữu ích cho cuộc sống.

          Điểm lại ứng xử trong uống rượu, chúc rượu ngày nay đang gợn lên những “hạt sạn”, làm vẩn đục giá trị truyền thống về nét văn hóa đáng ra cần được tôn trọng và nâng niu. Có thể nói, chúc rượu nhau thực sự là một nét sinh hoạt văn hóa rất đời thường, nhưng không vì thế mà không cần có chuẩn mực nhất định. Nếu việc chúc rượu là để thể hiện tình thân hữu, để tăng thêm sự hiểu biết về nhau, tỏ bày tình cảm hoặc xóa đi những ngăn cách ban đầu thì thật là đáng quý. Nhưng, trong không ít những cuộc vui, việc chúc rượu đã không thể hiện được nét đẹp này. Bời vì, người chúc rượu đã biến cái sự thanh tao, thân thiện trong hành động chúc, thành những cử chỉ thô thiển và kệch cỡm. Có người còn lấy ly rượu làm thước đo tình cảm, chén rượu chúc phải được rót đầy tràn, rồi cứ chạm là phải uống hết “trăm phần trăm”, không cần biết người được chúc có khả năng tỉu lượng đến mức nào. Nếu ai đó vì sức khỏe hoặc khả năng uống rượu hạn chế, không uống hết thì được coi như “không hết lòng, hết dạ”. Buồn hơn nữa, vẫn có người coi uống được nhiều rượu như một biểu hiện của “sức mạnh”, mượn hình thức chúc rượu để ép nhau cho đến khi gục hẳn mới buông tha. Kiểu chúc rượu ấy đã không ít trường hợp gây nên tai họa cho sức khỏe, là nguyên nhân làm tăng tai, tệ nạn và nhỡn tiền là gây nên những đảo lộn của cuộc vui.

Khi vui chén chú, chén anh
Đến khi quá chén chuyển thành chén...ông!
          Có những “con sâu rượu” còn lý sự rằng, rượu đưa người ta đến cảm hứng nghệ thuật. Chẳng vậy mà các bậc tiền nhân cũng đã từng lấy rượu làm chất men xúc tác cho thi hứng “bầu rượu, túi thơ” đó sao (?). Nhưng họ không biết rằng, từ rượu để tìm ra cảm hứng cho thơ ca - nghệ thuật, các trí thức thời xưa chỉ nhâm nhi ly rượu, thưởng ngoạn ánh trăng mà “tức cảnh sinh tình”. Có khi cũng từ bầu rượu nồng mà dốc bầu tâm sự: “ Rượu ngon không có bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua”... Điều ấy hoàn toàn khác với cách uống cạn cả ly tống, tu cả cốc vại, uống cả ca, uống ứng ực cho đến say mềm, đánh rơi  mất nhân cách cũng chẳng hay. Uống như vậy thì làm sao còn cảm hứng lành mạnh được. Có chăng đấy chỉ là cung cách của những kẻ phàm phu tục tử mà thôi!.

          Ở cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tục uống rượu và chúc rượu đã là một sinh hoạt văn hóa ẩm thức khá đậm nét. Tìm hiểu về phong tục uống rượu và chúc rượu  truyền thống của một số dân tộc ít người cũng không thấy có kiểu gò ép, khiên cưỡng như bây giờ. Trong đồng bào Dao trước đây, dù cả khách và chủ có thể ngồi thâu đêm bên mâm rượu, nhưng việc chúc nhau cũng chỉ là chạm chén cho rôm cuộc vui, còn khả năng uống được bao nhiêu là tùy ở từng người. Khi khách đã cảm thấy đủ thì xin phép không uống nữa và tự lấy cơm ăn.

            Có lần đến công tác ở một vùng đòng bào Dáy, tôi được một già làng cho biết, tục uống rượu của người Dáy cũng có những quy định thật thoải mái. Mặc dù chén rượu của khách luôn được rót thật đầy, nhưng chạm chén chúc nhau thì mọi người tùy khả năng mà uống, cứ vơi chén thì chủ nhà lại tiếp thêm, nhưng không bao giờ ép phải uống cạn. Nếu khách cảm thấy không muốn uống nữa thì xin phép được ăn cơm, chén rượu dù còn đầy cứ việc đẻ nguyên lại đó. Tôi đem chuyện này nói với anh Sần Quáng (Nguyên trửng ban dân tộc tỉnh Lào Cai) và được Anh xác nhận đúng như vậy. Anh Sần Quáng có giải thích thêm: Phong tục này của đồng bào Dáy là muốn nói lên rằng, chủ nhà tỏ lòng mến khách thì mời mọc nhiệt tình. Chén rượu luôn đầy thể hiện gia chủ không thiếu rượu. Nhưng tôn trọng sở thích của thực khách, không gò ép gây cho khách mất tự do.

          Như vậy, uống rượu và chúc rượu của cha ông chúng ta từ ngàn đời-cho dù ở mỗi tộc người có khác nhau đôi chút, nhưng đều có nét chung là rất Văn hóa. Không hề có sự ép uống hay sự thi thố trong uống rượu, uống theo kiểu “tỉ thí” như ngày nay. Tiếc thay, truyền thống ất lại chưa được phát huy, ngược lại còn bị bóp méo thành kiểu "chúc" ép nhau, vượt ra ngoại chuẩn mực văn hóa dân tộc. Phải chăng, những gì vốn nó là văn hóa mà khi bị vượt ngưỡng thì đều trở thành phi văn hóa. Câu tục ngữ “Thái quá thành bất cập” là như vậy.    

          Để rượu tiếp tục được tồn tại trong đời sống xã hội với đầy đủ giá trị nhân văn của nó, uống rượu và chúc rượu cần phải giữ được nét văn hóa lành mạnh-bởi giá trị truyền thống chính là sự “gạn đục, khơi trong” trong truyền thống nói chung. Sự chọn lọc ấy là tim ra cái tiến bộ, cái vẻ đẹp vĩnh hằng và giá trị phổ biến, được đại đa số công chúng chấp nhận để tiếp tục bổ sung cho kho tàng di sản Văn hóa Việt Nam.

                                                                                                                             M.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét