Do được giá, trong mấy năm qua người
dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã tự phát trồng khá nhiều cây sắn. Việc bán sắn
củ tươi trong mùa thu hoạch năm 2010-2011 đã giúp cho nhiều hộ nông dân ở các xã
Phố Lu, Trì Quang, Xuân Quang, Bản Cầm...có được món tiền kha khá. Vì vậy diện
tích trồng sắn của năm 2011 tiếp tục được mở rộng. Song, giá sắn lên xuống thường
bấp bênh đến khó lường, cho nên người trồng sắn cũng chấp nhận rủi ro không khác
gì đánh bạc.
Đầu năm 2012,
việc thu mua sắn từ các đầu nậu, tư thương có phần chững lại, giá thu mua bình
quân tụt xuống tới gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như cuối đầu năm 2011
giá mỗi kg sắn tươi bán được từ 1.600 đến 1.800 đồng, thì hiện nay chỉ còn bán được
từ 900 đến 1000 đồng. Vì vậy, nhiều hộ dân
đã ngao ngán, bởi sản lượng thì tăng lên mà thực tế thì lại thất thu nặng!.
Vừa qua chúng
tôi đã đến với thôn Làng Đào, xã Trì Quang - địa chỉ được coi như một trong những
thôn có diện tích trồng sắn cao nhất xã. Tại đây, trước mắt chúng tôi hiển hiện
mênh mông là đồi sắn. Mặc dù người dân đã thu hoạch từ cuối năm 2011, nhưng số đồi
sắn chưa thu vẫn còn khá lớn. Càng vào sâu thì càng thấy nhiều nương sắn điệp trùng,
xen lẫn với những cánh rừng phòng hộ. Phải thừa nhận, giống sắn cao sản đã
nhanh chóng được người dân nơi đây chấp nhận, vì chúng cho năng suất vượt trội.
Trên thực tế đã có thời gian cây sắn sắn cao sản này đem lại giá trị kinh tế đáng
kể, trung bình một Ha đất trồng sắn có thể cho thu nhập đến trên dưới 40 triệu
đồng. Năm nay, tuy sắn mất giá, nhưng theo như một người dân cho biết, dù “lấy
công làm lãi” vẫn có thể thu được 17 triệu đồng/ 1 ha.
Tuy nhiên, từ nguồn lợi trước mắt, cũng có
không ít người bất chấp hậu quả, đầu tư cho trồng sắn bằng mọi giá. Vụ sắn năm 2011,
có hộ dân đã trồng tới trên 5 ha, góp phần nâng tổng diện tích sắn của xã Trì
Quang lên tới 450 Ha. Được biết, sự gia tăng diện tích cây sắn ở các xã khác của
Bảo Thắng cũng tương tự. Đó là lý do để các tư thương, đầu nậu hạ giá thu mua,
làm cho niềm hy vọng tràn trề của người trồng sắn gần một năm chăm sóc, bỗng trở
nên thất vọng. Hiện tại không ít người dân đã phải đã tạm dừng thu hoạch, hy vọng
rồi giá sắn sẽ lại lên!?.
Thu hoạch sắn |
Diện tích sắn xen với những cánh rừng phòng hộ |
Theo ông Nguyễn Hữu Lý, trưởng
phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng, tuy không nằm trong kế hoạch phát triển, nhưng
hiện tại toàn huyện cũng có đến 3000 ha sắn, tập trung nhiều ở các xã như Phú
Nhuận, Xuân Quang, Trì Quang... Và cũng do hiệu quả kinh tế trước mắt, cho nên
dù đã có cảnh báo từ phía chính quyền và cơ quan chức năng, nhưng người dân vẫn
ồ ạt trồng một cách tự phát. Đáng ngại hơn, về lâu dài thì hệ lụy của nó là bào
mòn đất rất lớn, nếu người dân trồng sắn liên tục sau 3 năm thì sau đó phải mất
4 năm cải tạo đất, nhưng để trồng được cây
khác cũng hết sức khó khăn.
Câu chuyện sắn rớt giá năm nay lại thêm một
dịp suy ngẫm về vấn đề lúng túng trong phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu
sản phẩm nông nghiệp. Mặc dù tình trạng trồng ít thì lãi, trồng đại trà thì lỗ
đã là điều không mới đối với nhiều cây trồng từ những năm trước. Vì vậy, bài
học cần được rút ra phải được nhìn từ góc độ chỉ đạo, không thể để mặc cho
người nông dân cứ đuổi theo lợi nhuận theo kiểu: “Thấy người ăn khoai cũng vác
mai xới vườn” thì hậu quả này sẽ còn tiếp tục lặp lại, không chỉ với cây sắn mà
còn với nhiều loại cây trồng khác.
Mạnh
Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét