Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

27 tháng 11 2013

Phú: VĨNH BIỆT NÀNG ĐIẾU



                      Ô hô, ô hô!
                      ...Em Điếu ơi! Kể từ khi đôi ta "hương lửa" nấu nung,  
                     Tơ duyên say đắm, tưởng có lúc lăn đùng vào giữa bếp tro.
                      Quá say em, anh kheo khẳng cái cặp dò…
                      Heo may chớm thổi đã ho từng tràng.
                      Nhớ chăng em, lần đôi ta dấm dúi ở cạnh kho hàng
                      Mải say hương khói mà xuýt nữa để tàn tía, tàn vàng nó bốc lên cao.
                      Lại có hôm tập trận ở bên miệng chiến hào
                      Vì quăng “đầu mẩu” nên thần hỏa nó mới ào ào thiêu rụi cả đồi xanh.
                      Em Điếu ơi! Kể từ khi đôi ta duyên kết yến – oanh
                      Ngày dăm bữa anh phải ngồi “canh” toa lét.
                      Dù chẳng phải Tào hỏi thăm hay bệnh tình gì đặc biệt,
                      Chỉ bởi nội quy không được hút thuốc ở trong phòng.
                      Và mỗi khi đến những nơi hội họp - người đông,
                      Muốn có tí cùng em cũng không thể ngoài nơi ấy.
                      Ngẫm lại cuộc tình đôi ta, ngọt ngào đâu chẳng thấy,
                      Mà chỉ toàn nỗi bật hạnh triền miên.                                
                      Buồn cho cuộc tình nghiêng ngả, đảo điên…
                      Dìm hạnh phúc nơi “không tiền, khoáng hậu”.     
                 
                                                        *
                                                     *    *
Thuốc lào chồng hút, vợ say,
Chó con ngửi khói (cũng) nga quay ra nhà.

                       Cho nên:
                       Kể từ hôm nay anh quyết đưa em ra chôn chặt nơi xó hè,
                       Tám giờ vàn ngọc ta chẳng kè kè hút-hít tào lao.
                       Xin tấu cùng ông Tơ-bà Nguyệt ở tận chốn xanh cao:

                       Mối tình cùng Điếu, thôi, vái chào vĩnh biệt!.
                         
                                                                                             Cả Ngố

                       

16 tháng 11 2013

ĐỆ TỬ NHÀ ĐỀ LUẬN THƠ & "SẤM TRẠNG"


            Câu nói cửa miệng: “Chơi đề ra đê mà ở” nay như đã trở thành châm ngôn, vậy mà đội ngũ người chơi số đề vẫn không hề thuyên giảm. Có điều rất lạ là, ở đời không ai muốn bị gọi là ngu – nếu ai đó vì bực nhau mà trót rủa nhau một tiếng “ngu”, coi chừng, không bị đối phương thụi cho gãy răng thì cũng phải nhận những phản ứng không lấy gì làm tích cực.
            Duy chỉ có những người chơi số đề thì ai cũng không dưới một lần tự rủa mình là ngu!. Vì họ rất tin vào thơ đề, trạng đề. Mà thơ đề thì ai chẳng biết, đấy là một thứ thơ hổ lốn viết tay, chẳng ra khổ khiếu gì cả. Nó đã không có hồn đã đành, thậm chí còn bất chấp cả vần lẫn luật. Có lần đọc thử mấy khổ thơ đề, anh bạn tôi bảo:

            - Tớ là thằng đại dốt về thơ, nhưng phen này quyết về “sáng tác” thơ đề để bán. Vì thơ loại này mình có thể viết ra được cả tập chỉ trong vài giờ.
            Hôm ấy, trên đường đi công tác, ngồi ở quán nước, tôi được mục sở thị về chuyện dịch thơ đề. Một ông khách nọ trông bề ngoài có vẻ “công chức” lắm. Vỗ đùi đánh đét, ông khách ta nói với chủ quán:
            - Mình ngu quá, hôm qua “thơ nó” chỉ ra rồi mà không luận được!
            - “Nó” chỉ thế nào?- chị chủ quán hỏi.
            Ông ta đọc luôn:
            “ Trâu về thành phố trâu cười,
            Để cho ngàn kẻ, vạn người hỏi mua”
            Thế mà nó về đúng “con hai chín” có thánh không?. Vậy mà mình quá ngu, luận mãi không tính đến “nước” này!.
            Đến đây thì tôi phải chen vào một câu hỏi:
            - Hai câu thơ vừa rồi tôi thấy có liên quan gì đến con số 29 đâu?
            - Cậu này đúng là người “ngoại đạo”, chẳng hiểu gì cả - anh ta nói, rồi giải thích: Đây nhé, “hai chín” có phải biển số xe Hà Nội không?. Câu trên có từ “thành phố”, thế chẳng phải ám quẻ con số “hai chín” là gì?.
            Thấy anh ta đang say sưa với cái lí của thơ đề, tôi đành ngồi im, vì sợ tranh luận, không khéo lại bị gọi là “ngu”, hoặc rủi hơn không chừng còn ăn quả “liệu hồn”. Sau này tôi mới biết, hóa ra ông bạn đệ tử đề hôm ấy là một lái xe, mới được nghỉ “hưu non”.
            Còn Trạng đề, phần lớn người phát “trạng” thì không được là người bình thường. Có thể đó là một cậu bé mắc bệnh bại não hoặc một người đồng bóng, dở hơi, chứ tinh khôn thì đừng hòng mà thành được Trạng. Lần ấy ở xã T. tự nhiên đồn rầm lên là mới “nổi” Trạng đề. Người ta kéo đến xin “sấm” trạng đông lắm. Ở mãi trên thành phố tỉnh lỵ và thị trấn huyện, các bà, các cô “mắt xanh, mỏ đỏ” cứ lũ lượt kéo về xin lời “trạng” phán để đánh đề. Có dịp đi qua xã ấy, tôi đã ghé quán nước gần nhà “trạng”, lân la hỏi chuyện, được bà cụ chủ quán xởi lởi kể:
            -  Chú muốn biết à, thật may cho cái nhà L. ấy (L. là mẹ của Trạng), nó nghèo kiêt xác, may nhờ thằng cu dại “nổi trạng” mà lâu nay cũng được hưởng ít lộc.
            Tôi sốt ruột hỏi:
            - Nhưng có đúng thằng bé ấy phát trạng thật không hả cụ?
            Bà lão kín đáo nhổ miếng quyết trầu rồi chậm rãi trả lời:
            - Cũng chẳng biết, nó sinh ra đã ngẩn ngơ, đầu thì to, người thì nhỏ, cái mặt đần thối, đâu có giống người bình thường. Năm nay đã hơn mười tuổi rồi nhưng chẳng nói được câu nào rõ lời. Cái quần, cái áo còn chẳng tự mặc được. Cách đây hơn một năm, tự dưng bảo là nó “phán” thiêng lắm, cứ theo lời nó mà “đánh”, ối người “trúng” to. Thế là người khắp nơi cứ đổ về ùn ùn xin “sấm trạng”. Mỗi người đến xin “sấm” đều tự giác đặt “lễ” tùy tâm, rồi vái trạng để xin lời phán. Còn Trạng thì lèo bèo nói chẳng rõ câu cú gì cả. Có hôm bức xúc vì đông người đến quấy rầy, nó cùn lên chửi tục lung tung. Thì đấy, mọi người cứ bám vào mà “luận”, chứ Trạng đâu có phán rõ điều gì. Mà nói rõ ra rồi thì đâu còn là “sấm” trạng, phải không chú?.
            Hỏi vậy, nhưng chẳng đợi tôi trả lời, bà lão lại kể tiếp:
            - Ví dụ, nó bảo “về mà ăn cứt” thì luận ra: nhóm phân do, cứt đái ứng với số “không sáu” (06) chẳng hạn, thế là “đánh” không sáu. Nhưng cũng có hôm Trạng vừa ngủ dậy, mọi người đã bâu vào xin “sấm”, nó chẳng nói, chẳng rằng, bỏ ra đầu nhà vạch chim ra mà tè. Vậy là họ liền chạy theo, dòm vào đường vẽ loằng ngoằng trên mặt đất từ tia nước tiểu của thằng bé, mỗi người luận một kiểu, ai luận ra cái gì thì “đánh” theo cái đó.
            - Nhưng không không “trúng” thì sao?- tôi hỏi cắt ngang lời kể của bà cụ. Cụ cười, đáp:
            - Làm gì mà ai cũng trúng, trúng thế thì chủ đề có mà “bán xới” à?. Nhưng không sao, đánh không trúng là tại không biết luận”, chứ đâu phải tại Trạng. Thế mới ngu, phải không chú?.

            Đến đây thì tôi hiểu. Chỉ có điều tất cả những người đánh đề vẫn cứ tin vào thơ đề, trạng đề một cách cuồng tín, mà trong số họ không ít người là cán bộ, công chức, viên chức, nhà kinh doanh có trình độ cao ngất ngưởng hẳn hoi. Thế mới lạ!. 
                                                                                   Cả Mõ

13 tháng 11 2013

Vụ án tù oan 10 năm của ông Chấn: Họ "cắp ô" hay cắp "lưỡi hái"?

 TÁC GIẢ: DƯƠNG XUÂN THÀNH
Thứ tư 13/11/2013 07:36
(GDVN) - Hy vọng sau vụ xét xử hủy hai bản án của ông Chấn sẽ còn nhiều phiên tòa nữa liên quan đến những kẻ đang phủi tay chối tội, đang cố đùn đẩy sự vô lương tâm của mình cho người khác. Những con rùa rụt cổ, dù chết hay sống cũng phải được mang ra trước ánh sáng công lý.

Kiểu trưng biển cấm chẳng giống ai của TAND tỉnh Nghệ An

Ngày 6/11/2013, rất nhiều tờ báo đăng trang nhất các bài viết thể hiện nội dung: “Người bị tù oan 10 năm kể về đòn hiểm ép cung”. Trong nội dung bài báo có đoạn: “Theo như lời kể của ông Chấn, trong quá trình lấy lời khai, các điều tra viên này đã cầm dao, búa bắt ông Chấn nhận tội”. Báo Giáo dục Việt Nam ngày 7/11/2013 đăng bài của tác giả Viết Cường: “May mà ông trời có mắt”
Báo Pháp luật và Xã hội, cơ quan của Sở Tư pháp Hà Nội, ngày 28/3/2013 viết: “Điều mà người dân thấy khó hiểu là phía TAND tỉnh Nghệ An đã cho trưng biển hiệu cấm tất cả các đối tượng được tham dự phiên tòa mang điện thoại, máy ảnh, tư trang vào hội trường xét xử, kể cả…những nhà báo” [1].
Ba ví dụ nêu trên mới chỉ là cách nhìn nhận của một vài cá nhân và trang báo điện tử, Chắc chắn không thể thống kê hết những gì mà người dân và truyền thông đề cập tới hoạt động của các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật.
Khi mà chính rất nhiều người đang làm việc ở trong ngành Tư pháp phải than phiền: “Kiểu trưng biển cấm chẳng giống ai của TAND tỉnh Nghệ An” thì người dân còn gì để nói?
Với 10 năm tù của ông Nguyễn Thanh Chấn, rồi đây những người liên đới sẽ phải trả lời, điều mà dư luận có thể dự đoán là họ sẽ phủ nhận các hành vi tra tấn (mà sự thực là mới đây họ đã đồng loạt phủ nhận), bức cung mà ông Chấn tố cáo bời không có chứng cứ, trừ những đơn thư của chính ông Chấn.
Không có chứng cứ, không thể kết tội đó là nói về phía pháp luật, còn dân gian người ta nói “ác giả, ác báo”. Nghe nói hai trong số những người liên quan đã bị tai nạn, một chết, một chấn thương sọ não, âu cũng là “trời xanh có mắt”. Những người còn lại dù có thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, liệu có thoát sự trừng phạt của lương tâm, liệu có sống yên ổn đến lúc xế chiều?
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có 30% công chức thuộc diện “cắp ô”, nếu chỉ như vậy thì người dân vẫn còn quá may mắn bởi lẽ mỗi người dân, mỗi gia đình chỉ bị “mất cắp” lưng cơm, miếng cá. Khi mà những công chức ấy, thay vì “cắp ô” lại mang “lưỡi hái’ thì nguy cơ mất cắp mạng sống của người dân mới là điều đáng nói. Nếu không có tình tiết giảm nhẹ (gia đình liệt sĩ) thì án mà ông Chấn phải nhận sẽ là tử hình và đến nay chắc gì đã được mồ yên mả đẹp?
Ngày xưa quan là “phụ mẫu’ của dân, ngày nay họ là “đầy tớ” của dân. Cái chữ “phụ mẫu” một mặt thể hiện sự hống hách, trịch thượng, sự khẳng định uy quyền của kẻ làm quan thời phong kiến, nhưng mặt khác lại cũng  ngầm răn dạy người làm quan phải hiểu nghĩa vụ của mình đối với dân chúng.

Bản năng tự nhiên của “phụ mẫu” là chăm sóc cho con cái, dành những gì tốt nhất cho con cái, vì thế mới có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Còn đầy tớ, nét đặc trưng thứ nhất là ít được học hành đến nơi đến chốn, nét đặc trương thứ hai khi nhận lời làm thuê là kiếm được nhiều tiền.

Với đặc điểm “tự nhiên” như thế, bao nhiêu “đầy tớ” sẽ trung thành với những ông chủ nghèo mà không bỏ đi tìm kẻ giàu hơn để phụng sự? Bao nhiêu “đầy tớ” mà chủ có thể tin tường giao phó chìa khóa khi vắng nhà? Xã hội ngày xưa có những đầy tớ như Yết Kiêu, Dã Tượng, tuyệt đối trung thành với chủ, vì họ là những “đầy tớ thật”, xã hội ngày nay “đầy tớ” sẵn sàng phá két chủ nhà, thậm chí ngồi trên đầu chủ nhà vì đó là các “đầy tớ rởm”.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu ý kiến: “Có vẻ như đầy tớ nào cũng có quyền, nhưng mỗi khi xảy ra sự cố, ít đầy tớ nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Điều này đúng cho mọi chuyện - từ chuyện cây rừng bị chắt phá, đến chuyện thực phẩm bị nhiễm độc”[2].
Đầy tớ ăn cắp chỉ là chuyện nhỏ, một khi “đầy tớ” nhân danh công lý, dưới cái ô pháp luật, kề lười hái vào cổ chủ nhân thì xã hội sẽ là cái gì?
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền ngày 6/11/2013 phát biểu: “Tất cả các cấp đều phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Trách nhiệm liên quan đến hai yếu tố: quá tự tin và cẩu thả. Còn ở vụ này, năng lực yếu và trách nhiệm chưa cao” [3].
Được biết Văn phòng Chủ tịch nước đã có ý kiến, một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng, Bộ trưởng Công an cũng đã lên tiếng, mấy vị bên Kiểm sát thì đã họp báo, nhìn vào cầu vai của họ thấy ba sao (tức là tương đương thượng tướng đấy).

Chủ tọa phiên tòa ngày xưa cũng đã lên tiếng, Tuổitrẻ Online ngày 8/11/2013 dẫn lời ông Nguyễn Minh Năng: “Hồi xưa xét xử thì dựa trên chứng cứ, tài liệu vụ án, chứ giờ vụ án đã lâu không nhớ nổi. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được, tốt nhất là nhà báo đừng hỏi nữa”.

Vẫn trong bài báo trên ông Trần Văn Duyên nguyên thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm năm 2004, nói: “Cấp phúc thẩm tuyên y án thì có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì, giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”.
Theo ý ông Quyền thì phải “xem xét” đến cấp nào, cấp nào là cấp “cẩu thả” nhất, sơ thẩm, phúc thẩm hay… “trên thẩm”?
Chỉ số công lý (Justice Index) 2012 do Hội Luật gia Việt Nam (VLA), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp nghiên cứu. Kết quả công bố ngày 3/10/2013 cho thấy 42,4% số người dân được hỏi không biết hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp.

Dân không biết đến Hiến pháp, pháp luật nghĩa là không biết quyền và nghĩa vụ của mình, nghĩa là khi cần thì dân tự xử, kể cả việc đó trái pháp luật (như việc đánh chết kẻ trộm chó). Một số người hiểu biết pháp luật thì lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân (như ông Chấn) để dạy họ cách cầm dao đâm người, dạy họ tập bê xác chết để có chứng cứ kết tội chính họ.
Càng biết, càng nói thì càng đau lòng, mong sao sẽ sớm đến ngày trong tay một số “đầy tớ” không còn lưỡi hái của tử thần, hãy trả “đầy tớ” về đúng vị trí của “đầy tớ”, hãy để cho "ông chủ" có quyền thuê "đầy tớ" và cũng có quyền tống khứ loại "đầy tớ" bất tài mà thừa tàn nhẫn ra khỏi nhà.

Không làm được như vậy, sẽ còn tiếp có án oan, sẽ còn tiếp những người vô tội mà số phận không được may mắn như ông Chấn. Nhân ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11 hàng năm) hy vọng sau vụ xét xử hủy bản án của ông Chấn sẽ còn nhiều phiên tòa nữa liên quan đến những kẻ đang phủi tay chối tội, đang cố đùn đẩy sự vô lương tâm của mình cho người khác. Những con rùa rụt cổ, dù chết hay sống cũng phải được mang ra trước ánh sáng công lý.

                                                                           Nguồn: Giáo dục Việt nam
                                                                                  http://giaoduc.net.vn