Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

16 tháng 11 2013

ĐỆ TỬ NHÀ ĐỀ LUẬN THƠ & "SẤM TRẠNG"


            Câu nói cửa miệng: “Chơi đề ra đê mà ở” nay như đã trở thành châm ngôn, vậy mà đội ngũ người chơi số đề vẫn không hề thuyên giảm. Có điều rất lạ là, ở đời không ai muốn bị gọi là ngu – nếu ai đó vì bực nhau mà trót rủa nhau một tiếng “ngu”, coi chừng, không bị đối phương thụi cho gãy răng thì cũng phải nhận những phản ứng không lấy gì làm tích cực.
            Duy chỉ có những người chơi số đề thì ai cũng không dưới một lần tự rủa mình là ngu!. Vì họ rất tin vào thơ đề, trạng đề. Mà thơ đề thì ai chẳng biết, đấy là một thứ thơ hổ lốn viết tay, chẳng ra khổ khiếu gì cả. Nó đã không có hồn đã đành, thậm chí còn bất chấp cả vần lẫn luật. Có lần đọc thử mấy khổ thơ đề, anh bạn tôi bảo:

            - Tớ là thằng đại dốt về thơ, nhưng phen này quyết về “sáng tác” thơ đề để bán. Vì thơ loại này mình có thể viết ra được cả tập chỉ trong vài giờ.
            Hôm ấy, trên đường đi công tác, ngồi ở quán nước, tôi được mục sở thị về chuyện dịch thơ đề. Một ông khách nọ trông bề ngoài có vẻ “công chức” lắm. Vỗ đùi đánh đét, ông khách ta nói với chủ quán:
            - Mình ngu quá, hôm qua “thơ nó” chỉ ra rồi mà không luận được!
            - “Nó” chỉ thế nào?- chị chủ quán hỏi.
            Ông ta đọc luôn:
            “ Trâu về thành phố trâu cười,
            Để cho ngàn kẻ, vạn người hỏi mua”
            Thế mà nó về đúng “con hai chín” có thánh không?. Vậy mà mình quá ngu, luận mãi không tính đến “nước” này!.
            Đến đây thì tôi phải chen vào một câu hỏi:
            - Hai câu thơ vừa rồi tôi thấy có liên quan gì đến con số 29 đâu?
            - Cậu này đúng là người “ngoại đạo”, chẳng hiểu gì cả - anh ta nói, rồi giải thích: Đây nhé, “hai chín” có phải biển số xe Hà Nội không?. Câu trên có từ “thành phố”, thế chẳng phải ám quẻ con số “hai chín” là gì?.
            Thấy anh ta đang say sưa với cái lí của thơ đề, tôi đành ngồi im, vì sợ tranh luận, không khéo lại bị gọi là “ngu”, hoặc rủi hơn không chừng còn ăn quả “liệu hồn”. Sau này tôi mới biết, hóa ra ông bạn đệ tử đề hôm ấy là một lái xe, mới được nghỉ “hưu non”.
            Còn Trạng đề, phần lớn người phát “trạng” thì không được là người bình thường. Có thể đó là một cậu bé mắc bệnh bại não hoặc một người đồng bóng, dở hơi, chứ tinh khôn thì đừng hòng mà thành được Trạng. Lần ấy ở xã T. tự nhiên đồn rầm lên là mới “nổi” Trạng đề. Người ta kéo đến xin “sấm” trạng đông lắm. Ở mãi trên thành phố tỉnh lỵ và thị trấn huyện, các bà, các cô “mắt xanh, mỏ đỏ” cứ lũ lượt kéo về xin lời “trạng” phán để đánh đề. Có dịp đi qua xã ấy, tôi đã ghé quán nước gần nhà “trạng”, lân la hỏi chuyện, được bà cụ chủ quán xởi lởi kể:
            -  Chú muốn biết à, thật may cho cái nhà L. ấy (L. là mẹ của Trạng), nó nghèo kiêt xác, may nhờ thằng cu dại “nổi trạng” mà lâu nay cũng được hưởng ít lộc.
            Tôi sốt ruột hỏi:
            - Nhưng có đúng thằng bé ấy phát trạng thật không hả cụ?
            Bà lão kín đáo nhổ miếng quyết trầu rồi chậm rãi trả lời:
            - Cũng chẳng biết, nó sinh ra đã ngẩn ngơ, đầu thì to, người thì nhỏ, cái mặt đần thối, đâu có giống người bình thường. Năm nay đã hơn mười tuổi rồi nhưng chẳng nói được câu nào rõ lời. Cái quần, cái áo còn chẳng tự mặc được. Cách đây hơn một năm, tự dưng bảo là nó “phán” thiêng lắm, cứ theo lời nó mà “đánh”, ối người “trúng” to. Thế là người khắp nơi cứ đổ về ùn ùn xin “sấm trạng”. Mỗi người đến xin “sấm” đều tự giác đặt “lễ” tùy tâm, rồi vái trạng để xin lời phán. Còn Trạng thì lèo bèo nói chẳng rõ câu cú gì cả. Có hôm bức xúc vì đông người đến quấy rầy, nó cùn lên chửi tục lung tung. Thì đấy, mọi người cứ bám vào mà “luận”, chứ Trạng đâu có phán rõ điều gì. Mà nói rõ ra rồi thì đâu còn là “sấm” trạng, phải không chú?.
            Hỏi vậy, nhưng chẳng đợi tôi trả lời, bà lão lại kể tiếp:
            - Ví dụ, nó bảo “về mà ăn cứt” thì luận ra: nhóm phân do, cứt đái ứng với số “không sáu” (06) chẳng hạn, thế là “đánh” không sáu. Nhưng cũng có hôm Trạng vừa ngủ dậy, mọi người đã bâu vào xin “sấm”, nó chẳng nói, chẳng rằng, bỏ ra đầu nhà vạch chim ra mà tè. Vậy là họ liền chạy theo, dòm vào đường vẽ loằng ngoằng trên mặt đất từ tia nước tiểu của thằng bé, mỗi người luận một kiểu, ai luận ra cái gì thì “đánh” theo cái đó.
            - Nhưng không không “trúng” thì sao?- tôi hỏi cắt ngang lời kể của bà cụ. Cụ cười, đáp:
            - Làm gì mà ai cũng trúng, trúng thế thì chủ đề có mà “bán xới” à?. Nhưng không sao, đánh không trúng là tại không biết luận”, chứ đâu phải tại Trạng. Thế mới ngu, phải không chú?.

            Đến đây thì tôi hiểu. Chỉ có điều tất cả những người đánh đề vẫn cứ tin vào thơ đề, trạng đề một cách cuồng tín, mà trong số họ không ít người là cán bộ, công chức, viên chức, nhà kinh doanh có trình độ cao ngất ngưởng hẳn hoi. Thế mới lạ!. 
                                                                                   Cả Mõ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét