Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

31 tháng 3 2014

HỌC TẬP BÁC HỒ - TỪ LỜI NÓI ĐẾN VIỆC LÀM

Rút từ nội dung bài thi tìm hiểu Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh
 việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
                                                 Người viết bài: Mạnh Nguyên


   Sau hơn 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2011- theo đánh giá của Bộ Chính trị Khóa XI: “Cuộc vận động đã đạt được một số thành tựu bước đầu, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Kết quả triển khai cuộc vận động đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.” ([1])

Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng (ngày 21/05/2012), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra một trong những lý do Trung ương lại phải phải tiếp tục ra Nghị quyết về xây dựng Đảng. Đ/c nói: … “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?...Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” ([2]). Từ nhận định như vậy, Chỉ thị 03-CT/TW,  ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (Khóa XI) là một yêu cầu cấp bách và có tầm quan trọng rất lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Cuộc thi tìm hiểu Chỉ thị 03-CT/TW do Tỉnh ủy Lào cai phát động được coi như một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, vừa có ý nghĩa về lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Cuộc thi còn là dịp để tất cả các cán bộ, đảng viên nghiên cứu kỹ hơn nữa về nội dung của Chỉ thị và các văn bản liên quan. Cuộc thi được thực hiện đúng yêu cầu sẽ làm cho mọi cán bộ, đảng viên và cả trong cả hệ thống chính trị quán triệt sâu sắc hơn các chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức tư tưởng; xác định rõ trách nhiệm đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành hành động thực tiễn. Đây cũng là dịp để mọi tổ chức, cá nhân nhìn nhận lại quá trình phấn đấu, rèn luyện trong thời gian qua. Từ đó phát huy kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém để khắc phục; đẩy mạnh hơn nữa tinh thần học tập và nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nêu cao trách nhiệm gương mẫu, hành động thực tiễn của người đứng đầu và của cán bộ, đảng viên trước quần chúng. Tổ chức thực hiện tốt nội dung của Chỉ thị sẽ tạo ra động lực mới, làm chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Hội nghị ký cam kết tự giác đi đầu giữa người lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu
của Huyện ủy Bảo Thắng-tháng 11/2012

Từ ý nghĩa đó, ngày 07/11/2011 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 1973/CT-TTg “Về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nội dung tổng quát của Chỉ thị là: Tập trung chỉ đạo, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương theo đúng tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chất lượng, hiệu quả công tác, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên hằng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị, coi đó là trách nhiệm cụ thể, thiết thực của mỗi cá nhân, đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương mình. Trong đó có quy định rõ việc lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả mọi hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, tham ô, tham nhũng trong đơn vị mình; tích cực đổi mới công tác quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu. Quy định rõ nhiệm vụ của các bộ, các cấp chính quyền trong công tác tổ chức, vận động toàn xã hội học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm những bức xúc nảy sinh ở ngành, địa phương mình, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, trách nhiệm của công chức ở các đơn vị trực thuộc.

Thường trực Huyện ủy trao bản ký cam kết cho bí thư các chi, đảng bộ cơ sở

Ở tỉnh Lào Cai, từ tỉnh, huyện đến cơ sở và chi bộ đều đã được triển khai việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo yêu cầu của Chỉ thị 03-CT/TW. Cụ thể là, sau khi có các văn bản hướng dẫn của cấp trên, các chi bộ đã triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến từng đảng viên và các đoàn thể chính trị xã hội. Trong đó chủ yếu là việc thực hành làm theo, với việc làm cụ thể của từng cán bộ đảng viên. Xây dựng tiêu chuẩn cho vị trí công tác của từng người - đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó có đăng ký phấn đấu cho mỗi đảng viên, gắn với quá trình công tác, rèn luyện. Định kỳ đánh giá lồng vào việc kiểm điểm đánh giá thường kỳ của chi bộ và đảng viên trên cơ sở của nội dung đã đăng ký của từng người.

Việc đưa  nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW cũng đã được cấp ủy quán triệt và áp dụng vào sinh hoạt của chi bộ. Từ đó đã cải tiến và nâng cao được hiệu quả, chất lượng sinh hoạt của chi bộ, đảm bảo sinh hoạt ngắn gọn, trọng tâm, trọng điểm; khắc phục được tính hình thức, tính chiếu lệ, cũng như tình trạng dài dòng, tản mạn trong sinh hoạt.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm không dễ - nếu điều đó được gắn chặt với hành động, việc làm của từng đảng viên, nhất là những cán bộ đảng viên có chức, có quyền. Hiện nay trong dư luận vẫn còn ý kiến cho rằng, khẩu hiệu được trưng lên về hành động như: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; “mỗi cán bộ đảng viên phải nói lời nói của dân, thở hơi thở của dân” hoặc “chống thái độ vô cảm...”.v.v và v.v. thì ở đâu cũng có. Đáng tiếc rằng, hiện tượng tiêu cực, cửa quyền, cơ chế "xin cho", rồi hành vi tham nhũng thông qua các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, xây dựng, tuyển sinh, tuyển dụng, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, bổ nhiệm cán bộ, thậm chí cả trong công tác thi đua khen thưởng… thì ngày càng tinh vi, làm cho công tác chống tham nhũng càng trở nên phức tạp, kém hiệu quả. Đây là những vấn đề vẫn đang là nỗi bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đội ngũ được gọi là công bộc của họ.

Để làm tốt nội dung trên, ngoài sự nỗ lực củng cố tổ chức Đảng cùng với  việc chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc, sinh hoạt, thì tổ chức Đảng cần chú ý hơn đến việc lắng nghe ý kiến nhân dân thông qua nhiều kênh. Đối với chính quyền, nên cải tiến công tác tiếp xúc cử tri để mọi người dân đều có thể phản ánh được với đại diện của họ, không nên tiếp xúc theo kiểu chỉ gặp “đại cử tri” như hiện nay. Cần tiếp tục cho khôi phục lại hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp phường, vì đây là một trong những thiết chế thực hiện quyền dân chủ của người dân trong xây dựng chính quyền. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên va chạm với nhân dân thì người đứng đầu nên có đường dây “nóng” hoặc địa chỉ Email công khai cho nhân dân phản ánh những bức xúc của họ. Trong các cuộc họp nói chung, nên dành nhiều thời gian nghe cấp dưới nói, tránh tình trạng người chủ trì thì nói quá nhiều, quá dài chiếm hết cả dung lượng của hội nghị; việc thảo luận góp ý của cấp dưới, của cơ sở lại chỉ là hình thức, bàn bạc xuôi chiều, không chấp nhận ý kiến phản biện...  

 Mặc dù nội dung các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định cụ thể tại Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Cũng với nội dung này, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 22/12/2011 về một số "Tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hướng dẫn thực hiện các Quy định trên, ngày 06/01/2012 bộ phận giúp việc của Tỉnh ủy còn ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BPGV, nhằm giúp cho các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai thực hiện. Từ những hướng dẫn của cấp trên, Huyện ủy Bảo Thắng đã ban hành Công văn số 44-CV/HU, ngày 07/12/2011 “V/v bổ sung và tổ chức thực hiện  chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”; Hướng dẫn số 10-HD/HU, ngày 21/10/2012 nhằm chi tiết hóa, cụ thể hóa giúp cho các cơ sở tổ chức thực hiện. Từ Huyện đến cơ sở và các chi bộ đều đã tổ chức ký cam kết thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu; ký cam kết trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là cả một dãy quy trình để triển khai Chỉ thị của Trung ương, thiết nghĩ như vậy là quá đủ.

Song, để thực hiện tốt các nội dung đã đăng ký, ngoài trách nhiệm kiểm điểm định kỳ đối với từng cán bộ, đảng viên, cũng cần tham khảo góp ý của cấp dưới, của các đơn vị phụ thuộc và đặc biệt là dư luận quần chúng – trong đó có ý kiến đóng góp của những cá nhân, tổ chức có quyền lợi liên quan đến trách nhiệm mà cán bộ, đảng viên và người đứng đầu, nhằm giúp cho cán bộ đảng viên này nhận rõ ưu, khuyết điểm mà rèn luyện, khắc phục.

Thêm vào đó, Trung ương còn ban hành Quy định về công tác kiểm tra của cấp ủy đối với cán bộ đảng viên trong thực hành tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nằm trong thiết chế lãnh đạo, qua đó nhằm đánh giá thực chất được quá trình rèn luyện của đảng viên, khắc phục tính hình thức, tính giáo điều. Có thể coi đây là công cụ hữu hiệu để phát huy hiệu quả của việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, đồng thời khắc phục những khuyết điểm, yếu kém để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Thực tế cho thấy việc kiểm tra vẫn phảng phất đâu đó tính hình thức, quá coi trọng kiến thức học thuộc về lý thuyết theo kiểu “Tầm chương trích cú” mà chưa coi trọng thực tiễn hành vi, việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là lắng nghe những phản ánh bức xúc của quần chúng đối với mỗi đảng viên được kiểm tra. Có không ít cán bộ, đảng viên nói thì hay, nhưng làm thì rất dở. Luôn miệng nói là học tập tấm gương đạo đức của Bác, nhưng trong hành động thì gia trưởng, quan cách, cửa quyền, coi thường cấp dưới, không thích nghe ý kiến trái chiều; thái độ ban ơn cho quần chúng bằng cách “của người, phúc ta” cũng không phải là tác phong học tập Bác. Lại cũng có tình trạng chỉ vẽ việc cho cấp dưới làm, còn cấp mình thì đủng đỉnh bỏ qua. Trong báo cáo, thường là vấn đề yếu kém, hạn chế luôn là thuộc về cấp dưới và ý thức của quần chúng nhân dân, còn với cấp viết báo cáo thì có chăng cũng chỉ tại "khách quan" đem lại. Để kiểm tra vấn đề này, nên chăng, người kiểm tra không chỉ nghe đối tượng kiểm tra trình bày mà cần nghe ý kiến của cấp dưới và quần chúng phản ánh mới thực sự khách quan.

Dù sao cuộc thi này cũng phần nào giúp cho mỗi đảng viên có điều kiện xem lại toàn bộ yêu cầu nhiệm vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thấy được những việc mình đã làm được và những việc còn làm chưa tốt, chưa làm được để tiếp tục phấn đấu. Đây cũng là dịp để mọi người hệ thống lại nội dung, phương pháp rèn luyện; dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý nghĩa to lớn của học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng; trong xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho mọi thành viên của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng con người mới Xã hội Chủ nghĩa./.

                                                                                     Phố Lu, ngày 28/3/2014

                                                                             


[1] . Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ chính trị TW Đảng CSVN khóa XI.
[2] . Phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết TW 4

05 tháng 3 2014

NGÀY XUÂN NGỒI NHỚ TÓC DÀI



Trong bài thơ "Chân quê" của Nguyễn Bính, nhân vật của bài thơ đã từng hờn giận bạn tình, chỉ vì đi ra tỉnh, nhiễm cái "tân tiến" mà "bay" đi mất ít nhiều "hương đồng gió nội". Sự luyến tiếc ấy có người cho là đáng trân trọng, vì thể hiện được tinh thần gìn giữ bản sắc truyền thống. Nhưng lại có ý kiến ngược lại, cho rằng như vậy là bảo thủ.
Tương tự với quan điểm này, Chử Văn Long cũng tỏ ra luyến tiếc mái tóc dài truyền thống của chị em. Cho nên "Ngày Xuân ngồi nhớ tóc dài" và "Chân quê" dù là 2 bài thơ của 2 tác giả (phái nam)  ở 2 thế hệ khác nhau, nhưng đều có chung một quan điểm là không chấp nhận những cải cách quá cực đoan của phái đẹp.
Ngạn ngữ có câu: "Cái răng cái tóc là vóc con người", bởi vậy sự thay đổi mái tóc của chị em ngày nay, theo tác giả bài thơ đã là sự quá đà, vượt ngưỡng.
Không biết có ai phản biện nữa không, để Chử Văn Long cũng lại bị xếp vào tư tưởng bảo thủ về thẩm mỹ?. 

HỊCH NỮ GIỚI

Bài hịch cấm đàn ông đọc ngày 8/3
Một bài hịch “hiệu triệu” vui giúp chị em đứng lên giành vị thế, nhưng lại do một đấng “mày râu đích thực” chấp bút nên, đủ biết tinh thần ưu ái của anh em cho “phe địch” trong dịp 8/3 này dâng cao đến chừng nào!

(Vô cùng cáo lỗi cùng nguyên tác)
Cùng các bạn nữ của Đài, nhân ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam-21/6/2012

1. Ta thường nghe:  Trưng Nữ Vương phất cờ khởi nghĩa để trả nợ nước thù chồng, Triệu Trinh Nương muốn cưỡi sóng chém cá kình ở biển Đông. Bùi Thị Xuân, một bề tôi của Quang Trung, dẫu cho tứ mã phanh thây quyết không khuất phục. Từ xưa những bậc trung thần liệt nữ hy sinh vì nghĩa đời nào không có. Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng đến chết già nơi xó… bếp, sao có thể lưu danh sử sách, khiến cho bao nhiêu đấng nam nhi phải thẹn với trời đất được.
 
Các ngươi chỉ chăm phim Hàn, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi những chuyện xưa ta không kể, chỉ kể những chuyện trong thế kỷ XX: Marie Curie đã phải sống trong trong phòng thí nghiệm mấy chục năm trời để giành giải Nobel đầu tiên cho phái nữ. Võ Thị Sáu đứng trước họng súng kẻ thù còn ngắt một bông hoa cài lên mái tóc. Ngô Thị Tuyển đã lấy sức mạnh từ đâu để vác hai hòm đạn nặng gần một tạ trên đất lửa Hàm Rồng những năm đánh Mỹ. Thật là: “Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.

2. Huống chi: Ta cùng các ngươi, sinh ra gặp thời bình đẳng, lớn lên giữa buổi tự do. Ngó thấy đàn ông ngồi uống bia mỗi chiều để trốn việc nhà, cậy nam nhi đại trượng phu chỉ lo việc lớn để phó thác việc tề gia. Thác mệnh Khổng Tử mà đòi “tam tòng tứ đức”, giả hiệu Adam mà đòi xương sườn thứ bảy. Thật chẳng khác nào “sư tử Hà Đông” mà phải ngồi nhìn giang sơn chìm đắm!

Ta thường tới bữa quên… soi gương, nửa đêm quên đánh phấn, mặt nhăn da cóc, mái tóc rối mù. Chỉ căm tức rằng chưa được thoả chí tang bồng, dọc ngang trời đất. Làm được những việc ấy thì dẫu cho trăm thân ta bọc trong da lợn, ngàn xác ta phơi ngoài bãi biển ta cũng nguyện xin làm.

Các ngươi được ta “dụ dỗ” đã lâu ngày: không có áo mặc thì ta cho… ở vậy, không có eo thon thì ta cho đi thẩm mĩ, tóc mì tôm thì ta cho ép thành mì ống, da dẻ xù xì thì đã có spa… Cách đối đãi ấy so với người xưa cũng chẳng kém gì.

Nay các ngươi nhìn thấy ngày suy tàn của hơn 3 tỉ người mà không biết lo, thấy giới mình bị lừa gạt mà không biết thẹn. Phận má thắm môi đào mà không biết giữ, nghe nhạc nước ngoài rồi mê mấy gã tóc vàng, râu rậm, mắt xếch ở tận trời Tây mà không thấy quê. Hoặc lấy việc yêu đương làm trò đùa, hoặc lấy việc hẹn hò chát chít trên mạng làm tiêu khiển. Hoặc vui thú nơi vũ trường, hoặc quyến luyến đàn ông, hoặc tham phú quý giàu sang mà quên lễ nghĩa, hoặc mê tán gẫu buôn dưa lê mà sao nhãng việc công, hoặc thích bọn đẹp trai, hoặc mê xe đẹp.

Nếu có Đông Gioăng, Sở Khanh mò sang thì má thắm môi hồng không ru ngủ được chúng, kinh nghiệm trong tình trường không thể làm mưu lược để lừa trai. Dẫu rằng sắc nước hương trời, tấm thân quý ngàn vàng khôn chuộc. Lúc bấy giờ ta và các ngươi sẽ bị chúng nó lừa, đau xót biết chừng nào? Chẳng những nhan sắc của ta bị vùi dập, bị xuống dốc như xe không phanh mà mắt phượng mày ngài của các ngươi cũng bị lồi ra như mắt phù thủy. Chẳng những đức hạnh của ta không còn mà thương hiệu của các ngươi cũng bị mất giá như chơi. Chẳng những thân xác thịt da của ta xù xì như da cóc mà sự đằm thắm dịu dàng của các ngươi cũng chẳng vẹn nguyên.

4. Nay ta bảo thật các ngươi nên lấy câu “người phụ nữ là kiệt tác của hóa công” làm nguy cơ, nên lấy điều “thân em như hạt mưa sa” làm răn sợ. Tích lũy tri thức vượt mặt nam nhi khiến cho người nào cũng giỏi như Marie Curie, chị em nào cũng đẹp như nàng Kiều tái thế, để có thể bêu đầu gã Đông Joăng John Terry ở London, làm bẽ mặt Ashley Cole ở Stamford Bridge…

Như vậy chẳng những cái quý giá nhất của đời ta vẫn vững bền mà cả “kho vàng” của các ngươi cũng không bị đánh cắp. Chẳng những nhan sắc của ta được đại tu hoàn chỉnh mà thương hiệu đàn bà của giới chúng ta cũng được nâng lên. Chẳng những người yêu thương của chúng ta hết lời ca tụng mà đàn ông trên thế gian này đều muốn quỳ gối làm nô lệ đến suốt trăm năm. Đến lúc đó các ngươi muốn vui vẻ nhảy múa, phỏng có ngại gì!

5. Nay ta chọn trong kho tàng kinh điển của nữ gia hợp thành một quyển gọi là “Thời đại nữ nhân”. Nếu các ngươi nghe ta chịu đọc sách này thì mới xứng là “kiệt tác của hóa công”, nhược bằng khinh bỏ sách này, làm trái lời ta thì cũng chỉ là phường… đàn bà từ nhà xuống bếp.

Vì sao vậy? Đàn ông với đàn bà là hai thái cực của hóa công. Thói đời âm thịnh thì dương suy và ngược lại. Vì thế nếu các ngươi không chuyên tâm dùi mài kinh sử, đại tu nhan sắc thì chẳng khác nào đang vô tình biến những con thiên nga xinh đẹp trở thành những mụ vịt trời ngờ nghệch xấu xí, thành những con nai vàng ngơ ngác, sớm muộn rồi cũng sập bẫy thợ săn. Vậy rồi nếu mai đây “kiệt tác của hóa công” chẳng may sứt mẻ, lúc đó ta và các ngươi còn mặt mũi nào mà son với phấn, mà hờn với dỗi nữa.

Ta viết bài hịch này để… mua vui trong dịp tháng Ba ngày Tám, nhưng ta phải nói nhỏ rằng: Đọc xong hịch, các ngươi không được "tiết lộ thiên cơ" với cánh mày râu. Họ mà biết, thì mưu lược khổng lồ của ta và các ngươi sẽ bị chết yểu ngay từ ngày... 7.3 đó.


03 tháng 3 2014

HỊCH ĐÀN ÔNG


Viết cho dịp đón ngày 8/3 

Ta thường nghe: Ở xứ Bắc khi xưa có ông vua chi ra nghìn vàng chỉ vì nụ cười của người đẹp.
Ở xứ Tây có anh chàng thuê cả phi đội bay, lượn trên bầu trời nhà cô gái mà anh ta thầm nhớ, trộm yêu.
Với đội hình xếp thành chữ Love;
Còn ở xứ ta, lại có kẻ vơ vét của công đem cống cho gái bao, mặc dù biết vành móng ngựa đang chờ phía trước. Từ xưa đến nay, đàn ông chúng ta phải chi "tình phí" giá cao thì đời nào chẳng có?

Lại nghe: Có anh ca sĩ lợi dụng fan hâm mộ để lừa cả tình lẫn tiền của người ta; có kẻ mê rượu chè, cờ bạc đến nỗi bỏ vợ con nheo nhóc, nhà cửa tan hoang như điếm canh đê; và cũng không ít người quá ham mê công việc đến nỗi sao nhãng việc nhà, quên trách nhiệm với vợ, với con. Chuyện phụ nữ bị "phụ" nay vẫn còn đâu có hiếm?
Đáng giận hơn hơn, vẫn còn kẻ cậy thế “Tòng quyền”, cứ rượu vào là mạt sát người thân toàn những lời cay độc; mượn hơi men để “dạy”  vợ bằng cùi chỏ, nắm tay!. Những kẻ ấy há chẳng được cái đức của Chí Phèo, bởi anh Chí có mượn rượu cũng là để đấu với phường ác bá. Còn với tình yêu, dù là Thị Nở, Chí vẫn cọi như đẹp nhất trần đời.
Chúng ta, đến bữa được ăn, nửa đêm ôm gối 37 độ, được chăm chút từ tóc đến chân, vậy mà vẫn có người tự cho mình là thiệt thòi này nọ, so bì vợ với người ta ngoài đường. Anh em đâu có biết, phụ nữ ngoài đường khi về nhà cũng tất tả nào khác vợ mình, chứ đâu còn gọn gàng, nhẹ nhàng thong dong như khi họ đi dạo phố?
Lũ chúng ta, không có áo thì vợ mua áo; không có tiền thì vợ cho... tiền lẻ tiêu vặt; lúc say xỉn thì vợ dìu vào phòng thay quần áo, cạo gió và khuyến mãi một ít... cằn nhằn; nhà có việc thì vợ chia sẻ; lúc nhàn hạ thì cùng nhau nô đùa... So với Thiên Đàng nào có khác?
Thế nhưng có người suốt đời không tặng quà cho vợ, dù uống  dăm vại bia cũng có giá bằng chục bông hoa mà không thấy nghẹn; nhìn thấy vợ đẹp không khen, chỉ khen diễn viên Hàn mà chẳng ngượng mồm; đi làm về, vợ ngập đầu với công việc bếp núc, chồng lại khoắc vợt dài đi nhảy sếch với cầu lông mà chẳng thẹn lòng. Hãy thử nghĩ xem, nếu bất chợt vợ ta biến mất thì bia liệu có thay được cơm ngon, canh ngọt; diễn viên Hàn có ôm ta mỗi tối và cầu lông có cùng tay ta đi dạo phố được chăng?
Nay, xin bảo thật anh em: nên lấy việc "Vợ giận bỏ về ngoại" mà làm nguy; nhớ lấy câu "Kính vợ đắc thọ" làm tôn chỉ; tích cực hơn trong giúp vợ việc nhà và đừng tiếc lời khen. Lúc bấy giờ anh em ta có muốn vui chơi, bia bọt một tí chắc cũng không đên nỗi?
Khi tôi viết bài này, anh em nào nhạy cảm chắc sẽ rõ bụng tôi... đang đói. Mà hễ bụng đói thì anh em mình lại nghĩ đến vợ yêu!.

                                                                                                                      Không rõ tác giả            
                                                                                                                      (Có biên tập lại)