Rút từ nội dung bài thi tìm hiểu Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh
việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh
Người viết bài: Mạnh Nguyên
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgFVMhUnVrBp7Mj9EIYBa3Mn2hpHFNL5rwNMc5N0C9grB0oRNwYl2sC3CRrJ54eKxtBT_7wFzO7G0MMZ7yzKUn508vZxkBKOHQT-IhOtUeD54at32ayCPcc366ryrVR3xKsReH8nQUkxlc/s1600/131016anh-bac-ho-moc-mac-thumb.jpg)
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt,
triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng (ngày 21/05/2012), Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra một trong những lý do Trung ương lại phải phải
tiếp tục ra Nghị quyết về xây dựng Đảng. Đ/c nói: … “Bây giờ trong Đảng cũng
có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách
xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?...Thực tế đã có bộ phận suy thoái
nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” ([2]).
Từ nhận định như vậy, Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ
Chính trị (Khóa XI) là một yêu cầu cấp bách và có tầm quan trọng rất lớn trong
công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Cuộc thi tìm hiểu Chỉ thị
03-CT/TW do Tỉnh ủy Lào cai phát động được coi như một đợt sinh hoạt chính trị
rộng lớn, vừa có ý nghĩa về lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Cuộc thi còn là
dịp để tất cả các cán bộ, đảng viên nghiên cứu kỹ hơn nữa về nội dung của Chỉ
thị và các văn bản liên quan. Cuộc thi được thực hiện đúng yêu cầu sẽ làm cho
mọi cán bộ, đảng viên và cả trong cả hệ thống chính trị quán triệt sâu sắc hơn các
chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức tư tưởng; xác định rõ trách nhiệm đưa
việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành hành động thực tiễn.
Đây cũng là dịp để mọi tổ chức, cá nhân nhìn nhận lại quá trình phấn đấu, rèn
luyện trong thời gian qua. Từ đó phát huy kết quả tích cực đã đạt được, đồng
thời nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém để khắc phục; đẩy mạnh hơn nữa tinh
thần học tập và nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nêu cao trách
nhiệm gương mẫu, hành động thực tiễn của người đứng đầu và của cán bộ, đảng
viên trước quần chúng. Tổ chức thực hiện tốt nội
dung của Chỉ thị sẽ tạo ra động lực mới, làm
chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao
đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham
nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Hội nghị ký cam
kết tự giác đi đầu giữa người lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu
của Huyện ủy Bảo
Thắng-tháng 11/2012
Từ ý nghĩa đó, ngày 07/11/2011 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban
hành Chỉ thị số 1973/CT-TTg “Về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nội dung tổng quát của Chỉ thị là: Tập trung chỉ
đạo, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương
theo đúng tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính
trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong việc tu dưỡng, rèn
luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chất lượng, hiệu quả công tác, tạo sự thống
nhất cao trong nhận thức và hành động, đưa việc học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên hằng ngày của mỗi cơ quan,
đơn vị, coi đó là trách nhiệm cụ thể, thiết thực của mỗi cá nhân, đơn vị thuộc
bộ, ngành, địa phương mình. Trong đó có quy định rõ việc lãnh đạo, chỉ đạo đồng
bộ, chặt chẽ, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đẩy mạnh
cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả mọi hoạt động, thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, tham ô, tham nhũng trong đơn vị
mình; tích cực đổi mới công tác quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm gương
mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu. Quy định rõ nhiệm vụ của
các bộ, các cấp chính quyền trong công tác tổ chức, vận động toàn xã hội học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm những
bức xúc nảy sinh ở ngành, địa phương mình, nhất là những vấn đề liên quan đến
đạo đức, trách nhiệm của công chức ở các đơn vị trực thuộc.
Thường trực Huyện ủy trao bản ký cam kết cho bí thư các chi, đảng bộ cơ sở |
Ở tỉnh Lào Cai, từ tỉnh, huyện
đến cơ sở và chi bộ đều đã được triển khai việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực
đạo đức theo yêu cầu của Chỉ thị 03-CT/TW. Cụ thể là, sau khi có các văn bản
hướng dẫn của cấp trên, các chi bộ đã triển khai việc học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh đến từng đảng viên và các đoàn thể chính trị xã hội. Trong
đó chủ yếu là việc thực hành làm theo, với việc làm cụ thể của từng cán bộ
đảng viên. Xây dựng tiêu chuẩn cho vị trí công tác của từng người - đặc biệt là
trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó có đăng ký phấn đấu cho mỗi đảng viên,
gắn với quá trình công tác, rèn luyện. Định kỳ đánh giá lồng vào việc kiểm điểm
đánh giá thường kỳ của chi bộ và đảng viên trên cơ sở của nội dung đã đăng ký
của từng người.
Việc đưa nội dung
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW cũng đã được cấp ủy quán triệt và áp dụng vào sinh hoạt của chi bộ. Từ đó đã cải tiến
và nâng cao được hiệu quả, chất lượng sinh hoạt của chi bộ, đảm bảo sinh hoạt
ngắn gọn, trọng tâm, trọng điểm; khắc phục được tính hình thức, tính chiếu lệ,
cũng như tình trạng dài dòng, tản mạn trong sinh hoạt.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm không dễ - nếu điều đó được gắn chặt với
hành động, việc làm của từng đảng viên, nhất là những cán bộ đảng viên có chức,
có quyền. Hiện nay trong dư luận vẫn còn ý kiến cho rằng, khẩu hiệu được trưng
lên về hành động như: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; “mỗi cán bộ
đảng viên phải nói lời nói của dân, thở hơi thở của dân” hoặc “chống thái độ vô
cảm...”.v.v và v.v. thì ở đâu cũng có. Đáng tiếc rằng, hiện tượng tiêu cực, cửa quyền, cơ
chế "xin cho", rồi hành vi tham nhũng thông qua các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai,
xây dựng, tuyển sinh, tuyển dụng, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, bổ
nhiệm cán bộ, thậm chí cả trong công tác thi đua khen thưởng… thì ngày càng
tinh vi, làm cho công tác chống tham nhũng càng trở nên phức tạp, kém hiệu quả. Đây là
những vấn đề vẫn đang là nỗi bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến niềm tin
của nhân dân vào đội ngũ được gọi là công bộc của họ.
Để làm tốt nội dung trên, ngoài sự nỗ lực củng cố
tổ chức Đảng cùng với việc chỉnh đốn tác
phong, lề lối làm việc, sinh hoạt, thì tổ chức Đảng cần chú ý hơn đến việc lắng nghe ý
kiến nhân dân thông qua nhiều kênh. Đối với chính quyền, nên cải tiến công tác
tiếp xúc cử tri để mọi người dân đều có thể phản ánh được với đại diện của họ, không nên tiếp xúc theo kiểu chỉ gặp “đại cử tri” như hiện nay. Cần tiếp tục cho
khôi phục lại hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp phường, vì đây là một trong
những thiết chế thực hiện quyền dân chủ của người dân trong xây dựng chính
quyền. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên va chạm với nhân dân thì người đứng đầu
nên có đường dây “nóng” hoặc địa chỉ Email công khai cho nhân dân phản ánh những
bức xúc của họ. Trong các cuộc họp nói chung, nên dành nhiều thời gian nghe
cấp dưới nói, tránh tình trạng người chủ trì thì nói quá nhiều, quá dài chiếm
hết cả dung lượng của hội nghị; việc thảo luận góp ý của cấp dưới, của cơ
sở lại chỉ là hình thức, bàn bạc xuôi chiều, không chấp nhận ý kiến phản biện...
Mặc dù nội dung các quy định về nêu gương của cán
bộ, đảng viên đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định cụ thể tại Quy định
số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Cũng với nội dung này, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy
định số 08-QĐ/TU, ngày 22/12/2011 về một số "Tự giác đi đầu, gương mẫu
của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cấp trong việc học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hướng dẫn thực hiện các Quy định trên, ngày 06/01/2012 bộ phận giúp việc của Tỉnh ủy còn ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BPGV,
nhằm giúp cho các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai thực
hiện. Từ những hướng dẫn của cấp trên, Huyện ủy Bảo Thắng đã ban hành Công văn
số 44-CV/HU, ngày 07/12/2011 “V/v bổ sung
và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức
Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”; Hướng dẫn số 10-HD/HU, ngày
21/10/2012 nhằm chi tiết hóa, cụ thể hóa giúp cho các cơ sở tổ chức thực
hiện. Từ Huyện đến cơ sở và các chi bộ đều đã tổ chức ký cam kết thực hiện
trách nhiệm của người đứng đầu; ký cam kết trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong
việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là cả một dãy quy trình để triển khai Chỉ thị của Trung ương, thiết nghĩ như vậy là quá đủ.
Song, để thực
hiện tốt các nội dung đã đăng ký, ngoài trách nhiệm kiểm điểm định kỳ đối với
từng cán bộ, đảng viên, cũng cần tham khảo góp ý của cấp dưới, của các đơn vị
phụ thuộc và đặc biệt là dư luận quần chúng – trong đó có ý kiến đóng góp của những cá nhân, tổ
chức có quyền lợi liên quan đến trách nhiệm mà cán bộ, đảng viên và người đứng
đầu, nhằm giúp cho cán bộ đảng viên này nhận rõ ưu, khuyết điểm mà rèn luyện, khắc
phục.
Thêm vào đó, Trung ương còn ban hành Quy
định về công tác kiểm tra của cấp ủy đối với cán bộ đảng viên trong thực hành tu dưỡng,
rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là
nằm trong thiết chế lãnh đạo, qua đó nhằm đánh giá thực chất được quá trình rèn
luyện của đảng viên, khắc phục tính hình thức, tính giáo điều. Có thể coi đây
là công cụ hữu hiệu để phát huy hiệu quả của việc học tập, làm theo tấm gương
đạo đức Bác Hồ, đồng thời khắc phục những khuyết điểm, yếu kém để xây dựng Đảng
ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với tổ
chức đảng và đảng viên.
Thực tế cho thấy việc kiểm tra vẫn phảng phất đâu đó tính hình thức, quá coi trọng kiến thức học thuộc về lý
thuyết theo kiểu “Tầm chương trích cú” mà chưa coi trọng thực tiễn hành vi,
việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là lắng nghe những phản ánh bức xúc của
quần chúng đối với mỗi đảng viên được kiểm tra. Có không ít
cán bộ, đảng viên nói thì hay, nhưng làm thì rất dở. Luôn miệng nói là học tập
tấm gương đạo đức của Bác, nhưng trong hành động thì gia trưởng, quan cách, cửa
quyền, coi thường cấp dưới, không thích nghe ý kiến trái chiều; thái độ ban ơn
cho quần chúng bằng cách “của người, phúc ta” cũng không phải là tác phong học
tập Bác. Lại cũng có tình trạng chỉ vẽ việc cho cấp dưới làm, còn cấp mình thì đủng đỉnh bỏ qua. Trong báo cáo, thường là vấn đề yếu kém, hạn chế luôn là thuộc về cấp dưới và ý thức của quần chúng nhân dân, còn với cấp viết báo cáo thì có chăng cũng chỉ tại "khách quan" đem lại. Để kiểm tra vấn đề này, nên chăng, người kiểm tra không chỉ nghe đối tượng kiểm tra trình bày mà cần nghe
ý kiến của cấp dưới và quần chúng phản ánh mới thực sự khách quan.
Dù sao cuộc
thi này cũng phần nào giúp cho mỗi đảng viên có điều kiện xem lại toàn bộ yêu cầu nhiệm vụ
học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thấy được những việc mình đã làm
được và những việc còn làm chưa tốt, chưa làm được để tiếp tục phấn đấu. Đây cũng là dịp để mọi người hệ thống lại nội dung,
phương pháp rèn luyện; là
dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức về ý nghĩa to lớn của học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh trong xây dựng Đảng; trong xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho mọi
thành viên của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng con người mới Xã hội Chủ nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét