Tôi kể câu chuyện này không phải để khơi lại lòng hận thù mà chỉ để cảnh báo rằng, cuộc chiến biên giới Việt -Trung đã trải qua 35 năm, nhưng đến nay thái độ hành xử của Chính phủ Bắc Kinh vẫn giữ nguyên chiêu cũ: "Vừa ăn cướp lại vừa la làng". Bởi vậy chúng ta không nên ngơi cảnh giác!.
Bắt đầu từ khoảng cuối năm 1977 sang đầu năm 1978, quan hệ giữa Ta và Trung quốc đã có những rạn nứt khá rõ nét. Một chiến dịch di tản người Hoa do phía Trung Quốc phát động được diễn ra trên khắp cả nước, từ Đồng Đăng cho đến Mũi Cà Mau. Hằng ngày, những chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai đều chật cứng người Hoa, có nhiều người ở tận Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh cực Nam của Tổ Quốc cũng lũ lượt kéo lên Lào Cai, tập kết bên bờ sông Nậm Thi để tìm lối lội bộ hoặc đóng bè, mảng để vượt sông sang bên kia biên giới.
Phải thừa nhận phía Trung Quốc tuyên truyền, nhồi nhét khá hiệu quả nên mới có không ít người Hoa đã từng gắn bó nhiều đời trên đất Việt Nam, thậm chí còn không nói được cả tiếng Hoa vẫn lũ lượt ra đi. Nhiều người mới hôm trước kiên quyết sẽ ở lại, vì đã coi Việt Nam như quê gốc của mình, nhưng sau một đêm là cả gia đình đã lặng lẽ biến mất. Tôi nhớ nhất kỷ niệm về chị C. Chị là người Nùng (Việt Nam), làm cấp dưỡng trong cơ quan UBND huyện. Một hôm thấy chị rất buồn, tôi hỏi:
- Hình như hôm nay chị không khỏe phải không ạ?
Chị nhìn tôi rấn rấn nước mắt, rồi như sợ có ai nhìn thấy, chị quay đi nói nhỏ:
- Có thể vài hôm nữa chị phải xa các em rồi…chị về quê anh ấy ở bên Trung Quốc.
Chiều hôm sau là chủ nhật, lấy cớ đi bắn chim, tôi đã cùng anh Lê Quang Sức, cán bộ Thuế của huyện lên thôn Phú Long, thôn mà gia đình chị C đang cư trú – là một thôn ngoại vi của Thị trấn. Ngày ấy thôn Phú Long chưa đông dân cư như bây giờ, các gia đình còn ở cách nhau đến hàng trăm mét. Chúng tôi tìm đến nhà chị C, đó là một ngôi nhà tranh, làm theo kiểu nhà đồng bào dân tộc miền núi, bếp được bố trí chung ngay ở một gian phía đầu nhà. Lúc ấy đã vào khoảng 5 giờ chiều, chị C đang nấu cơm, còn chồng chị, anh L. thì đi làm nương vẫn chưa về. Nói chuyện cùng Chị, chúng tôi được biết thêm, quê Chị ở xã Xuân Quang, cha mẹ và các em Chị hiện vẫn đang ở đó. Vì vậy Chị rất sợ phải theo anh L. về Trung Quốc.
- Nhưng biết làm sao. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, nếu anh ấy vẫn quyết về Trung Quốc thì chị cũng phải theo thôi. May có các em lên đây, chờ anh về chị nhờ các em nói giúp, vận động anh ấy đừng đi giúp chị - chị C đã khẩn khoản với chúng tôi như vậy.
![]() |
Các chiến sĩ trẻ lên đường bảo vệ biên cương-1979 |
Một lát sau anh L. đi làm về. Tuy ở cùng cơ quan với chị, nhưng đây là lần đầu chúng tôi tiếp xúc với anh. Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông khỏe mạnh, rắn rỏi, hiền lành và chất phác. Thấy chúng tôi, anh L. tỏ vẻ vui lắm, anh bảo:
- Chẳng mấy khi có các chú đến chơi, hôm nay nhất định phải ở lại ăn cơm với anh chị và các cháu đấy.
Anh Sức ra hiệu nháy tôi đồng ý, và chúng tôi đã ở lại ăn cơm cùng gia đình. Trong lúc ăn cơm, hai chúng tôi cùng khéo léo nhắc đến chuyện người Hoa đang bỏ đi Trung Quốc để thăm dò. Nhưng rất lạ. Anh L. nói ngay:
- Đúng vậy đấy các em ạ, nhưng với anh, gia đình đã mấy đời sống ở Việt Nam. Anh thấy ở đây đã là quê hương của mình rồi, sao phải đi đâu cho khổ. Anh sẽ không đi. Với lại, còn ông bà ngoại cũng đang ở bên này, các cháu thì còn nhỏ…
Chúng tôi thở phào, hóa ra việc mình lo là thừa. Chị C cũng tỏ vẻ phấn khởi. Chị bảo:
- Mấy ngày qua thấy anh các chú thở ngắn, thở dài về việc sẽ phải trở về Trung Quốc, chị buồn lắm. Vậy là anh chị sẽ ở lại, cảm ơn các chú đã có lời tham gia, khuyên bảo.
Sáng thứ hai, vừa đến cơ quan đã thấy bác Mại, cán bộ văn phòng bảo không thấy chị C đi làm. Chúng tôi đem chuyện đến nhà chị tối hôm trước kể lại với cơ quan, mọi người đều cho rằng, chắc bận việc gì đó nên chị ấy đi làm muộn. Nhưng mấy ngày sau vẫn không thấy Chị đi làm, nghĩ là chị ấy ốm đau gì đó nên cơ quan đã cử người lên thăm. Đến trưa thì được biết, gia đình chị C đã chuyển đi hết, chỉ còn lại căn nhà bỏ không. Ngay những người hàng xóm cũng ngỡ ngàng, vì đúng cái đêm sau ngày chúng tôi đến, cũng là đêm gia đình Chị lặng lẽ ra đi. Mọi sự được diễn ra kín đáo, bí mật đến hàng xóm cũng không ai biết được.
Thời gian ấy, trên sóng phát thanh của đài Bắc Kinh liên tục loan đi nội dung tuyên truyền là Việt Nam “bài xích, xua đuổi người Hoa”. Không biết những bà con người Hoa ra đi ấy họ đã nghe được thêm những gì ở luồng thông tin tuyên truyền theo kiểu rỉ tai. Nhưng hầu hết họ vẫn tỏ ra rất quyến luyến với mảnh đất mà họ từng sinh sống. Nhiều người còn quả quyết coi Việt Nam mới chính là quê hương của họ.
Sau này chúng tôi được biết, sự kiện những gia đình người Hoa di tản về Trung Quốc ngày ấy không phải ai cũng tự nguyện muốn đi. Cùng với chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Việt Nam “bài xích, xua đuổi” người Hoa, thì đêm đêm còn có một lực lượng dấu mặt, đến tận từng gia đình người Hoa thúc ép, thậm chí đe dọa, nếu không về nước là coi như phản bội, sẽ phải gánh hậu quả khi đại quân sang trừng trị Việt Nam!.
Thì ra, đó chính là hành động dọn đường để Bắc Kinh ồ ạt đưa quân sang tàn phá vùng biên giới Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979.
Thì ra, đó chính là hành động dọn đường để Bắc Kinh ồ ạt đưa quân sang tàn phá vùng biên giới Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét