LTS: Tiếp
tục cuộc trò chuyện với phóng viên xoay quanh âm mưu bành trướng của
Trung Quốc, Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, người dân Trung Quốc đang
bị bưng bít thông tin. Người dân Trung Quốc cũng rất khổ. Hãy giúp họ
nhìn thấy sự thật, để họ tự đánh giá âm mưu của một số lãnh
đạo đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước Trung Quốc vĩ đại
Đến
nay, Trung Quốc vẫn chưa chịu rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển
Việt Nam .
Ở trong nước, nhân dân ta đã tiến hành nhiều cuộc diễu hành, nhiều
phát biểu phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Sự bày tỏ ấy
rất cần thiết. Tuy nhiên, cá biệt lại có cả hiện tượng tẩy chay
người Trung Quốc tại Việt Nam. Ông có nghĩ đấy là một sự dại dột?
Nhà
thơ Trần Đăng Khoa: Dân mình rất yêu nước và sẵn sàng xả
thân cứu nước khi đất nước lâm nguy. Có nhà thơ đã ca tụng: “Có bao nhiêu lớp
người – Lao vào lửa đạn – Cho Tổ Quốc sáng bừng tên tuổi – Rồi để lại những nấm
mồ vô danh – Trắng đến tận chân trời”. Lòng yêu nước và sự hy sinh của dân
trong mấy cuộc chiến tranh là vô cùng vĩ đại. Tuy nhiên, trong tình hình Biển
Đông đang rất nóng hiện nay, thế nên yêu nước lại cần phải điềm tĩnh, tỉnh
táo, đặc biệt là không được mắc bẫy Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ
mong chúng ta thiếu kiềm chế, để rồi mượn cớ đó, thổi bùng ngọn lửa chiến
tranh, lấy việc tấn công Việt Nam
để răn đe các nước khác trong khu vực, đẩy sự leo thang lên mức cao hơn, nguy
hiểm hơn.
![]() |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không thể yêu nước một cách mù quáng và dại dột. |
Khắp nơi trên cả nước
đã có những cuộc tuần hành, biểu tình ôn hòa của nhân dân nhằm phản đối hành vi
ngang ngược của Trung Quốc. Đấy là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, tẩy chay
người Trung Quốc, không phục vụ khách Trung Quốc trong một cửa hàng dịch vụ ăn
uống nào đó, hay công kích công nhân Trung Quốc trong những công ty kinh tế của
nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không phải là hành động yêu nước, mà là sự điên
khùng, giận cá chém thớt, là lối ứng xử nông cạn và dại dột, chỉ làm
cho tình hình thêm căng thẳng, mà rồi không khéo lại tạo cớ cho nhà cầm quyền
Trung Quốc gây hấn ở mức nguy hiểm hơn. Hãy nhớ vụ nạn kiều năm 1979. Yêu nước
cũng cần phải điềm tĩnh và tỉnh táo. Đừng để cho kẻ xấu kích động.
Hiện nay, số lượng
khách du lịch Trung Quốc sang ta rất đông. Có yêu đất nước chúng ta, họ mới
đến. Khách du lịch Trung Quốc, hay người dân Trung Quốc lao động ở ta cũng
giống như người Việt ta đi du lịch hay đi lao động ở nước ngoài. Họ có lỗi gì
đâu? Vậy tại sao lại tẩy chay họ? Lẽ ra ta cần làm ngược lại là sát cánh
với họ, giúp họ hiểu đúng thực chất của mọi vấn đề.
Chính người dân Trung
Quốc cũng đang bị chính quyền Trung Quốc bưng bít, lừa phỉnh và kích động. Hãy
để người dân Trung Quốc nhìn thấy sự thật, để họ tự đánh giá âm mưu
của một số lãnh đạo Trung Quốc đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước Trung
Quốc vĩ đại. Cách đây không lâu, Trung Quốc cũng đã từng hô hào bài xích
người Nhật sau mâu thuẫn giữa hai nước. Nhiều công ty kinh tế của Nhật ở
đất nước Trung Quốc cũng bị đập phá, thiêu hủy. Tất cả thành tan hoang. Đó
là một sai lầm, một vết hoen ố của lịch sử hiện đại Trung Quốc. Người
Việt Nam chúng ta không nên, và không bao giờ lại đi theo vết bùn nhơ của
Trung Quốc. Đừng để lỗi lầm ấy xảy ra.
Ông
vừa nói chính người dân Trung Quốc cũng bị bưng bít lừa phỉnh, cũng có thông
tin cho biết dân Trung Quốc bị “đầu độc tư tưởng” rằng quần đảo Hoàng Sa
là của họ. Và trên một số trang mạng Trung Quốc đã tung ra thông tin
có hơn 90% ý kiến ở nước này cho rằng cần sử dụng vũ lực với Việt
Nam. Ông có bình luận gì về những thông tin này?
Nhà
thơ Trần Đăng Khoa: Sở dĩ có chuyện đó vì người dân Trung Quốc bị chính quyền
Trung Quốc bưng bít, lừa phỉnh và kích động. Dân Trung Quốc dường như
không biết gì ngoài ốc đảo của mình. Tôi cũng đã nhiều lần sang thăm Trung
Quốc. Ở nước ta, trong mỗi căn nhà hay ở khách sạn, bật các kênh truyền hình,
chỉ có chừng chục kênh trong nước, còn đều là kênh nước ngoài. Hàng trăm kênh
nước ngoài. Ở các nước khác cũng vậy. Nhưng riêng Trung Quốc thì không. Khách
sạn nào cũng trang bị truyền hình. Có đến 70 kênh truyền hình, nhưng toàn
truyền hình nội địa. Tuyệt không có một kênh nào của nước ngoài.
Tiếp xúc với các phóng
viên Đài Phát thanh truyền hình Thâm Quyến, tôi còn kinh ngạc hơn khi thấy họ
không biết gì về chúng ta, thậm chí họ còn không biết cả tên các đồng chí lãnh
đạo của chúng ta. Nếu là những người dân bình thường, ta chẳng bàn làm gì,
nhưng phóng viên báo đài mà như thế thì thật đáng sợ. Trong khi chúng ta biết
rất cặn kẽ về đất nước Trung Quốc, có người còn biết cả ông Tập Cận Bình sắp
tới sẽ làm Tổng Bí thư (khi đó, ông Tập vẫn còn ở cơ sở). Vậy mà họ thì lại rất
âm u về chúng ta.
Tuy nhiên, cũng phải
ghi nhận là họ rất hiếu khách, rất tài làm đẹp lòng khách. Khi biết tôi là nhà
thơ, có ông còn ôm lấy tôi, rất vồn vã: “Tôi đã đọc anh rồi. Thơ anh hay lắm.
Hay như thơ Lý Bạch!”. Chủ nhà không biết tiếng Việt. Tôi không biết ông đọc ở
đâu. Thơ tôi cũng đã in ở nhiều nước, nhưng chưa có một chữ nào dịch sang tiếng
Trung Quốc.
Nhà văn Nguyễn Khắc
Trường sang thăm Trung Quốc, cũng rất kinh ngạc khi giới trí thức Trung Quốc
hầu như không biết gì về văn hóa Việt Nam . Bởi vậy khi họ sống trên đất
nước chúng ta, đi du lịch qua ta, ta cần giúp họ hiểu đúng mọi vấn đề, nhất là
về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là mới đây, chính quyền Trung Quốc đặt giàn
khoan trái phép trong khu đặc quyền kinh tế của ta. Khi hiểu được thực chất vấn
đề, đã từng có một học giả Trung Quốc lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc
rút giàn khoan về nước.
![]() |
Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt nam |
Người dân Trung Quốc
cũng vậy thôi. Nhiều người rất khổ, trẻ em cũng phải lao động nặng. Nếu có
chiến tranh thì chính những người dân ấy phải hứng chịu mọi đau khổ,
do chính quyền của họ gây ra. Đừng thù hằn người dân Trung Quốc vô tội. Đừng
để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây chia rẽ, làm rối loạn tình hình
trong nước ta.
Nhưng
vẫn có một sự thật, Trung Quốc chưa rút giàn khoan phi pháp đặt trong khu đặc
quyền kinh tế của ta, dù bị thế giới lên án rất mạnh mẽ. Chúng ta sẽ ứng xử
ra sao trước sự trơ tráo ấy?
Nhà
thơ Trần Đăng Khoa: Việc đặt giàn khoan của Trung Quốc là
có chủ định và tính toán rất kỹ lưỡng. Không dễ họ rút ngay nếu chúng ta không
tiếp tục đấu tranh quyết liệt và kiên trì, cùng với sức ép của dư luận quốc
tế và của chính nhân dân Trung quốc ở trong nước. Chúng ta cần tiếp tục đấu
tranh. Làm sao để thế giới và đông đảo người dân Trung Quốc hiểu được thực chất
mọi vấn đề.
Chúng ta có nhiều
bằng chứng lịch sử, có thể đưa ra bằng chứng từ chính tấm bản đồ thời
nhà Thanh in vào năm 1904 đã thể hiện rất rõ quốc gia này không có
Trường Sa, và Hoàng Sa. Và cách đây ba ngày, chúng ta cũng đã đón
nhận bộ Atlas Thế giới, Bruxelles – 1827 khẳng định chủ quyền của
Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều thú vị là bộ
Atlas này được vẽ bởi nhà địa lý nổi tiếng Philippe Va
(người Pháp) và được xuất bản từ năm 1827.
Chúng ta có trong tay
rất nhiều chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường
Sa. Nhưng Trung Quốc thì chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng xác thực
nào. Và, họ vĩnh viễn không có bằng chứng nào cả, vì sự thật là hai quần
đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cách tốt nhất trong cuộc đấu tranh
này là tuyên truyền để thế giới và cả người dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật
lịch sử. Thêm nữa, chúng ta cần liên minh chặt chẽ với các nước trong khu vực
có chung quyền lợi ở biển đông, đặc biệt là Nhật Bản và Philippin, hai nước ủng
hộ chúng ta mạnh mẽ nhất.
Nếu trong một thời hạn
nhất định, Trung Quốc không rút giàn khoan, chúng ta kiện Trung Quốc ra tòa án
quốc tế.
Theo Nguyentandung.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét