(Bài viết nhân ngày gia đình Việt Nam - 28/6)
Theo triết lý của xã
hội học thì gia đình là tế bào của xã hội. Vì vậy, muốn có một xã hội tốt đẹp
thì trước hết phải có nhiều gia đình chuẩn mực văn hóa. Gia đình có thể chỉ là
một tập hợp nhỏ, gồm hai vợ chồng với một hai đứa con. Cũng có thể là một tập
hợp lớn gồm nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, các con, các cháu, các chắt…
Xưa
kia, “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” – nhiều thế hệ sống chung dưới
một mái nhà, thường là điển hình của những gia đình có phúc đức, có nền nếp gia
phong.
Ngày
nay, do quá trình phát triển, cấu trúc của gia đình có thể khác đi đôi chút.
Nhưng bất kể thế nào, con người sinh ra, ai cũng cần có một gia đình. Một gia đình
đúng nghĩa, thì đó chính là nơi để con người ta được thỏa mãn mọi nhu cầu.
Ngay
từ khi sinh ra, nơi tiếp xúc đầu tiên của mỗi cá thể con người chính là gia đình.
Bởi vậy, gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất, tiếp sau đó
mới đến xã hội. Rồi ngay khi con người hòa nhập vào cuộc sống xã hội để mưu
sinh, để khẳng định mình, để làm “ông nọ bà kia”, thì gia đình vẫn luôn là môi
trường không thể thiếu. Trước mọi sóng gió cuộc đời, gia đình phải luôn là nơi
bến đậu an bình nhất, là “tổ ấm” hạnh phúc, là nơi chia sẻ mọi nỗi buồn - vui;
sự thành đạt cũng như nỗi bất hạnh của mỗi con người.
Tuy
nhiên, nếu một gia đình mà “Nhà kia lỗi phép, con khinh bố; Mụ nọ chanh
chua, vợ chửi chồng”; một gia đình mà bề trên sống không mẫu mực, không hết
lòng vì con cháu; một gia đình mà đồng tiền ngự trị trên mọi giá trị tinh thần,
văn hóa, đạo đức… thì “gia đình” ấy đã tự đánh mất đi vai trò là tế bào xã hội
lành mạnh của chính nó.
Để
tạo dựng một gia đình, cha ông ta đã đưa ra rất nhiều quy chuẩn như: “Gia giáo”
- tức là cách thức giáo dục con cháu của mỗi gia đình theo một chuẩn mực nhất đinh.
Trong đó, nội dung chủ yếu là giáo dục về đạo đức, phẩm chất. Đa số “con nhà có
“gia giáo” đều trở thành những “người tử tế”. “Gia lễ” là những quy định chặt
chẽ về đường ăn nết ở của mỗi thành viên trong gia đình, nó đòi hỏi ngôn ngữ
trong nói năng, cử chỉ điệu bộ, cách ăn mặc phục sức với từng cấp bậc, thành
viên trong gia đình phải có phép tắc. Không thể “cá đối bằng đầu”, “cá mè một
lứa”!. Khổng Tử nói: “Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành”. Gia giáo và
gia lễ của từng gia đình có thể khác nhau, nhưng nhìn chung, người ta lấy
chữ “Nhân Từ” để dạy cho bậc làm cha mẹ; lấy chữ “Hiếu” dạy cho con cháu; lấy
chữ “Nghĩa” dạy cho kẻ làm chồng; lấy chữ “Đoan chính” dạy cho người làm vợ;
lấy chữ “Lương” (hiền lành) dạy cho người làm anh, chị; lấy chữ “Đễ” (nhún
nhường) dạy cho kẻ làm em.
Muốn
thực hiện được “gia giáo”. “gia lễ” thì phải có “gia pháp”.. Gia pháp nhằm bảo
vệ, đề cao uy thế của người chủ gia đình, đồng thời duy trì sự thống nhất chung
trong nếp sống gia đình.
“Gia
phong” (hay còn gọi là nếp nhà) là lề thói mà mỗi thành viên trong gia đình
phải noi theo - có thể coi đó là bản sắc của một gia đình. Theo Giáo sư Đào Duy
Anh, gia phong là sự tổng hòa về thành quả của gia giáo, gia lễ, gia pháp.
Gia phong giúp chuẩn bị một cách tốt nhất cho mỗi một con người, để họ trở
thành hữu ích, khi hòa nhập vào môi trường xã hội.
Đã
có một thời, cứ nói đến cái gì thuộc xã hội cũ, người ta đều cho là lạc hậu, là
phải xóa bỏ. Gia giáo, gia lễ,… cũng bị xếp chung số phận đó. Nhiều người lầm
tưởng có thể dùng “giáo dục xã hội” thay thế cho giáo dục gia đình. Vì
vậy mà vai trò gia đình bị hạ thấp. Từ đó dẫn đến coi nhẹ vai trò của cha, mẹ;
con cái chỉ tuân theo những gì “xã hội” giáo dục. Thậm chí có lúc con cái “phê
phán” cha, mẹ, ông, bà là “cổ hủ lạc hậu”, là “lỗi thời”!... Chữ
“hiếu” tuy vẫn còn được nhắc đến trong lớp người trẻ, nhưng “thực hiếu” ra sao
thì ít người hiểu được cặn kẽ. Do khuôn khổ của bài viết, xin được bàn
riêng về chứ “Hiếu” ở một dịp khác.
Ngày
nay, vấn đề giáo dục đã được coi là vấn đề của toàn xã hội. Trong đó việc giáo
dục một con người phải thực hiện đồng bộ ở cả 3 môi trường, đó là gia đình, nhà
trường và xã hội. Tuy nhiên vấn đề giáo dục gia đình luôn có một tầm quan trọng
đặc biệt. Vì, giáo dục gia đình được thực hiện ngay từ khi con người mới chào
đời. Giai đoạn vị thành niên - một giai đoạn quan trọng trong quá trình hình
thành nhân cách, con người lại có thời gian sống nhiều nhất với gia đình; sự
ảnh hưởng về nền nếp gia giáo của mỗi gia đình luôn tạo nên một dấu ấn cực kỳ
sâu sắc trong tiềm thức và tác động khá rõ vào quá trình phát triển nhân cách.
Tuy nhiên, xây dựng “văn hóa gia đình” phải bắt đầu từ bên trên,
chứ không phải từ bên dưới. Nghĩa là phải dạy cho người làm cha, làm mẹ cách thức và đạo lý làm cha, mẹ ngay
từ khi họ được đóng vai trò phụ huynh. Rồi phải dạy họ cách thức làm con, làm em – để họ biết nêu gương sáng cho chính con, em họ. Thậm chí còn phải làm ngược lại, dạy
cách làm tròn phận sự con - em trước, rồi mới đến cách làm cha, làm mẹ.
Phải làm cho gia đình thực sự trở thành nền tảng đạo đức của xã hội.
Phong
trào xây dựng “gia đình văn hóa” đang được Đảng ta phát động,
đây sẽ là động lực để phát huy vai trò tích cực của mỗi cá nhân trong xã hội,
giữ gìn được truyền thống nhân ái, đạo đức, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa
người với người. Nội dung chủ yếu ở đây là xây dựng nếp sống cá nhân, nếp sống
gia đình và nếp sống xã hội. Bác Hồ dạy: "Hạt nhân của xã hội là gia
đình". Xây dựng gia đình văn hóa mới chính là xây dựng con người mới - bởi
con người vừa là sản phẩm của xã hội, vừa là chủ thể có ý thức của xã hội.
Mạnh Nguyên