Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

29 tháng 8 2014

NỖI BUỒN VU VƠ


                                                                         Lê  Xuân Hùng
 
Ảnh  chỉ có mục đích minh họa


Nhìn em má đỏ, môi hồng
Mắt xanh, váy ngắn... mà lòng nao nao!
Con Miu cái Bống ngày nào
Bây giờ! Thôi biết làm sao bây giờ.
Đồng quê ngô vẫn trổ cờ
Lúa cong lưng mẹ mướt bờ mồ hôi.

Bỏ trầu cau giữ chi vôi
Để cho rau héo, cá ôi chợ chiều
Nhớp nhơ trong chốn mỹ miều
Trôi sông lời mẹ dặn điều đoan trang
Rạ rơm, bùn đất, mùa màng
Còn đâu  hương nội gió... làng ngày xưa.
 
Giở giời muối hỏng vại dưa
Rời quê sớm nắng chiều mưa bẽ bàng
Mười hai con nước nhỡ nhàng
Heo may cau rụng, trầu vàng vườn ai
Mẹ già tựa cửa hôm mai
Gió chiều xao xác, bóng ai thẫn thờ’

“Hoa trôi con nước lững lờ”
Đục trong có biết bến bờ là đâu
Lẽ đời “bãi bể nương dâu”
Hương vay sắc mượn che màu bùn tanh
Sang hèn núp bóng đỏ xanh
Xế chiều, vãn chợ ...thế tình mỉa mai

Mình ta vô cớ thở dài
Bâng khuâng xuân lỡ lạc loài bấy xuân
Lẳng lơ vấy nẻo phong trần
Mỗi lần khơi mạch một lần trào tuôn
Dẫu không “chớp bể, mưa nguồn”
Vu vơ, nặng một nỗi buồn... vu vơ...

                                                                 Trì Quang 20/2/2014


ĐOM ĐÓM NÓI CHUYỆN VỚI CON VỜ


            Đom đóm được sinh ra và cư trú ở một góc ao làng đã qua nửa đời rồi. Tối nào Đóm cũng mang cái đèn nhấp nháy ở đít để đi kiếm ăn. Một hôm Đóm gặp Vờ ­[1]­­­­ ­­, Vờ gọi Đom Đóm lại và hỏi:
            - Đóm ơi, mày mang cái đếch gì ở đít mà trắng phếch ra thế?
            Đóm ôn tồn trả lời:
            - Tớ có cái đèn để đi đêm ấy mà!
            - Đèn là cái quái gì, đeo chi cho nó nặng đít- Vờ cong cớn nói vậy.
            Đóm lại giải thích:
            - Đèn là để soi cho sáng, chỉ dùng khi trời tối thôi bạn ạ!
            Ngẩn tò te ra một hồi, rồi Vờ lạu bạu:
            - Ông này hâm, tự nhiên lại đeo theo cái tổ bố ấy làm gì cho nhọc xác, cứ như mỗ đây, chẳng cần mang vác cái qué gì mà vẫn sống nhăn răng ra đấy.
            Đến đây thì Đom hiểu, đúng là Vờ nó không biết đèn là cái gì cũng phải. Nó được sinh ra buổi sáng sớm, chết vào lúc xế chiều thì đâu có dùng đến đèn mà mình cứ giải thích. Quả là mình cũng “hâm” thật.
                                          
                                                                                                                         Cả Mõ





[1] Một loài thủy sinh được sinh ra vào buổi sáng và qua đời vào buổi chiều, không sống qua đêm.

21 tháng 8 2014

10 thùng sữa đổi lấy 5 phút vào thăm bé "có giòi" chùa Bồ Đề

thứ 4, 20/08/2014 19:40:40- chuyên mục
                        
Ngày 20/8, đến chùa Bồ Đề thăm bé Bông, nhóm thiện nguyện vẫn bị xua đuổi. Sau khi có 10 thùng sữa, bảo vệ cho họ vào với điều kiện không điện thoại, máy ảnh, ghi âm trong 5 phút.

Sau 2 ngày cầu cứu các cơ quan chức năng và chùa Bồ Đề trên địa phận quận Long Biên để được đưa bé Tâm Anh (tên thường gọi là bé Bông) đang sống trong chùa Bồ Đề bị bệnh ly thượng bì bóng nước đi chữa trị không được, sáng nay (20/8), nhóm thiện nguyện (hoạt động với mục đích phi lợi nhuận, lập ra để giúp đỡ các bé bị bệnh EB) lại tiếp tục qua chùa Bồ Đề xin được “nhìn mặt” bé.

Theo trưởng nhóm thiện nguyện Bùi Thùy Linh, khi họ ngỏ ý muốn vào thăm Tâm Anh, bảo vệ khu nhà Mở - tự nhận là “người đại diện chính quyền địa phương” từ chối không cho vào gặp. Tuy nhiên, sau khi 10 thùng sữa của nhóm được chở đến cho các cháu bé tại chùa, nhóm này đã được người đàn ông tự xưng là “người chính quyền địa phương” đồng ý cho vào gặp bé Bông.


Sau khi có 10 thùng sữa như thế này, nhóm thiện nguyên
mới được vào nhìn mặt và ôm ấp bé Bông
Điều kiện mà người đàn ông này tự đặt ra với khách nếu muốn vào “nhìn mặt” bé là: chỉ nữ được vào; điện thoại, máy ghi âm, máy ảnh, túi ví không được mang theo; thời gian thăm là 5 phút…

“Chúng tôi đi đến đâu, bảo vệ theo sau kè kè như giám sát tù nhân”, chị Linh cho biết.

Khi nhóm thiện nguyện vào được với Tâm Anh, cháu bé ôm chầm lấy chị Lan – người trước đó đã có thời gian chăm sóc cháu.

 “Tâm Anh quắp chặt lấy chị ấy. Chân con bị ngã dập trước đó chảy đầy máu, dính hết cả vào người chị Lan. Đau vậy mà nó quặp chặt không buông rời người chị. Cho con uống sữa thì con mút chùn chụt hết 2 hộp sữa to”, chị Linh xót xa.

Quá xót xa với tình trạng của con, chị Linh lấy điện thoại ra chụp “trộm” thì bị “bắt quả tang” và bị tịch thu điện thoại. Sau khi vào tận mắt được nhìn thấy bé Bông chừng 5 phút, chị cùng một vài người trong nhóm thiện nguyện bị “đuổi” ra với lý do “hết giờ thăm”. Tuy nhiên, lúc này bé Tâm Anh quắp chặt, không chịu buông chị Lan ra. Bảo vệ khu nhà Mở ra dỗ “ra bố bế” thì Tâm Anh đánh vào mặt người này. Tiếp theo, bảo mẫu tên Xuân ra đón Tâm Anh nhưng con cũng không theo.
Tâm Anh ôm chặt chị Lan không rời cho dù vết thương trên chân con
 cọ sát vào quần áo chị này, rớm máu.

Với quyết tâm phải gặp bằng được trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan để xin được đưa Tâm Anh đi chữa bệnh và để thông báo tình hình của con, nhóm thiện nguyện đã nán lại chùa cho đến 14h chiều để được đón tiếp.

Khác với những xô bồ mà buổi sáng nhóm thiện nguyện vấp phải, chị Linh cho biết, trụ trì Thích Đàm Lan đón tiếp nhóm bằng thái độ nhã nhặn.

Khi nhóm đề cập đến mong muốn của cặp vợ chồng Đăng Nguyên – Bích Hằng (Bích Hằng vốn là thành viên nhóm EB, quan tâm chăm sóc Tâm Anh từ khi con mới 20 ngày tuổi) xin Tâm Anh làm con nuôi, đồng thời cũng nộp đơn xin con nuôi lên nhà chùa, sư thầy nhận lời báo cáo lên UBND quận vì hiện theo bà Đàm Lan, “UBND quận cũng đã tiếp quản các cháu”.

Trong cuộc nói chuyện, nhóm thiện nguyện cũng đề cập đến bệnh tình của Tâm Anh và thể hiện mong muốn được hàng ngày vào thay băng chăm sóc và muốn đưa con sang bệnh viện Nhi thăm khám, trụ trì chùa Bồ Đề cũng bảo “làm đơn”. Ngoài ra, sư thầy Thích Đàm Lan còn gợi ý nhóm ra “xin bảo vệ nếu được thì vào”.
                                                                                                                                                         Nguồn : Zing

18 tháng 8 2014

THỜI...SINH LÝ YẾU

Chả biết có phải như các cụ bảo “no cơm, ấm cật, dậm dật tứ chi” không mà bây giờ nhiều chuyên mục trên báo đài, tạp chí, đến bờ tường, cột điện cũng quảng cáo cường dương bổ thận.

Cuộc ăn nhậu đến lúc cao trào nào cũng ỏm tỏi con nọ thứ kia tăng cường sinh lực! Địa chỉ làm ra các loại thuốc tù mù công dụng thăng hoa cứ thế mọc ra tưng bừng như nấm sau mưa…
Rượu rắn
Con gì, thứ gì cũng… ngâm!
Nói ra dễ bị quát: "So gì với cái thời bao cấp!" Nhưng quả thật suốt những năm toàn dân xanh mặt ngô sắn thay cơm, ăn khoai trừ bữa, chả mấy ai quan tâm tới chuyện “yếu sinh lý”! Còn thời nay, đề tài này thành món chả thiếu được nhiều diễn đàn khi trà dư, tửu hậu.
Mới đây, một nhóm khách Tây tình cờ được mời vào hầm rượu vô số tĩn hũ ngâm hàng trăm loại động thực vật từ bò sát da trơn tới hai chân bốn cẳng; từ tắc kè bìm bịp, bổ củi sâu chít, cá ngựa hải sâm, trứng rùa ổ rắn, sâm nhung đại bổ, dị thảo kỳ hoa, ngẩu pín ngọc dương nhỏ to đủ cỡ.
Nghe đại ca ngành gỗ tự hào giới thiệu tất tần tật các bảo vật này đều thỏa mãn nhu cầu bổ thận cường dương của gia chủ, khách đã nhìn nhau sững sờ, tỏ ý… thán phục.
Chỉ riêng cô tiến sĩ sinh vật học trẻ nhất kinh hãi: "Trời ơi, bao nhiêu bào thai các loài có tên trong Sách Đỏ đều bị sưu tầm ngâm rượu uống, thế thì bảo tồn thiên nhiên hoang dã sao được?" Chủ hầm rượu nghe dịch qua, khoái chí tự nhận: "Tớ đây mới là loài hoang dã số một, tự mình phải lo bảo tồn giống cho mình trước đã!".

Chuyến công tác tuần rồi lên huyện giáp biên, tôi gặp một vụ trẻ em bị ong bò vẽ thui suýt chết. Sau 3 ngày cấp cứu tích cực, em hồi tỉnh, mặt và đầu còn lộm cộm mấy cục sưng to như trái ổi, thì thào kể: Chú T. ở quán nhậu S. dặn cháu nếu lấy được trọn ổ ong bò vẽ, bán cho chú ngâm rượu chú trả cho ba trăm nghìn. Cháu đề phòng kỹ lắm rồi mà bọn ong dữ quá…
Tôi ngắm kỹ tổ ong bò vẽ trên cành me sau Vườn Quốc gia Yok Đôn. Cái tổ tinh xảo như một công trình nghệ thuật được bầy ong tự xây lủng lẳng đã lâu lắm, chả ai dám lại gần.
Tôi hỏi chú T. sao lại đành lòng dụ dỗ trẻ em lao mình vào nguy hiểm? Chú T. nồng nặc hơi rượu thật thà khai: "Mấy anh Hai bảo sách thuốc gọi tổ ong là “động phòng” gì đó, đoán là thứ ngâm rượu uống vô sung dữ lắm nên mới đặt mua!"
Thầy thuốc đứng bên ôm bụng cười ngặt nghẽo, giải thích: "Đông y gọi tổ ong bò vẽ là “Lộ phòng phong”, dùng đốt cháy thành than, tán bột, rắc chữa vết thương lở loét, chả liên quan gì tới chuyện phòng the cả!"
Giá nào cũng nhậu
Chốn dân dã đồng quê, loại mồi được cỡ tráng niên khen cường dương thường là thứ dễ kiếm, không tốn nhiều tiền. Hợp cảnh, tụ tập nhau xếp bằng trên chiếu như mối rang, dế nướng, nhộng xào, cháo sao biển, nhện đất chiên, đuông giầm mắm v.v… uống kèm rượu ngâm cặp cắc kè bắt được trong vườn, hay hũ Ama Kông một thang năm trăm nghìn ngâm hơn chục lít Bình Tây, chắt cốt mấy lần vị vẫn chưa hết đậm! Cường gì chả rõ, cứ hết mồi cạn chai là ông nào ông nấy… lăn quay, ngáy ran như máy nổ!
Tỉnh nhỏ, lớp Luật tại chức cậu L. theo học đa số là cán bộ ghi danh, lấy thêm mảnh bằng bổ sung cho hợp lệ hồ sơ tiến chức. Thời gian lên lớp phần lớn học viên ngủ gật, giảng viên nói gì cũng gật gù như vịt nghe sấm, chỉ cần cuối tuần không quên nộp tiền thay nhau đưa thầy kèm cô đi thư giãn.  
Trước kia, ốc vòi voi - còn gọi là con tu hài, ngư dân cho là loại thường thôi chả trân quý gì. Nhưng bây giờ nó đắt gấp bốn- năm lần sò huyết, bốn trăm nghìn một ký, đặt trước cũng thi thoảng mới có, chỉ vì- cậu L. kể: "Thầy X. bảo khoái hình dạng của nó, ngó y như “thằng nhỏ”, nhậu vô chắc sung vì “ăn gì bổ nấy”!"  
Cậu T. không biết tại thầy ở tỉnh lẻ mới chịu dùng ốc vòi voi nội địa, quá rẻ so với loại tu hài nhập khẩu từ Canada to dài, độ khủng vượt trội, đồn thổi “tráng dương thần kỳ”. Loại này giá tùy loại, trên dưới 2 triệu đồng/ ký, có con giá tới 4-5 triệu mà có trò thành phố không tiếc tiền mời thầy “ngự thiện” trước khi phết điểm.
Tất nhiên, ít thầy quen nhậu đặc sản cường dương so với đại gia mới phất, cò chạy dự án, cò chuyên “vận động hành lang” đủ thứ từ tỉnh lên bộ. Một cò cỡ khủng cho biết những món thường khiến sếp hài lòng về tăng cường sinh lực là vi cá mập, súp yến huyết, gỏi tôm hùm, sốt bào ngư.
Khi cần chốt hạ vấn đề hay liên hoan trúng quả, nếu vinh dự được đón vài ba sếp lớn, chỉ cần mỗi sếp xơi một em rùa vàng đại bổ “hấp thụ linh khí chốn đại ngàn” giá 50 triệu đồng mỗi con bày vừa lòng đĩa, thì vèo bay tức thì cả cục tiền vài ba trăm triệu.
Phét lác kinh hồn
Quảng cáo thứ gì tất nhiên cũng nhằm mục đích lôi cuốn khách hàng, khiến người ta thích thú hưởng ứng, chi xài không tiếc! Quảng cáo thuốc cường lực cho đối tượng “sinh lý yếu”, bất kể yếu tưởng tượng hay liệt dương luôn rồi, xưa nay vốn lắm chiêu trò thêm mắm dặm muối cho vạn phần hấp dẫn.
Bác sĩ H. thâm niên khá dày về nam khoa, chuyên tư vấn chuyện “khó nói” cho quý ông, kể tuần nào ông cũng nhận rất nhiều lượt câu hỏi: có nên mua thuốc X như báo Q, thuốc Y như tạp chí Z giới thiệu là “đệ nhất tăng cường sinh lực”, “kéo dài thời gian thăng hoa tột đỉnh” hay không?
Để đỡ mất công lặp đi lặp lại mãi một câu trả lời y hệt, ông ghi âm luôn mẫu câu này, khi cần chỉ việc bấm mở: "Có chắc là bạn yếu tới mức cần dùng thuốc hay không, nếu bạn chưa gặp bác sĩ nam khoa hãy đến bệnh viện trình bày, khám chữa?"  
Thị trường thời nay, chả ai thống kê nổi có bao nhiêu loại thần dược trị chứng bất lực từ Tây sang Đông. Thứ nào cũng tự nhận là “hiệu quả nhất”, “uy tín nhất”, “được tin dùng nhất”, “đã thử nghiệm thành công trên diện rộng”.
Tuy nhiên chính giới dược sĩ khẳng định: Ngoại trừ một số rất ít sản phẩm được đầu tư nghiên cứu, bào chế nghiêm túc, quảng bá chừng mực, chỉ định rõ ràng, còn tuyệt đại đa số ngày càng gia tăng độ phét lác tít mù.
Không chỉ những cây bút chuyên viết PR thuê trong bóng tối phóng bút viết bừa, những bác sĩ giỏi khi đã chịu để kẹp chặt vào tỉ lệ hoa hồng cao ngất của các hãng dược chả ngại kê toa bừa bãi, mà cả các cơ quan chức năng có đủ uy quyền cũng lờ như không biết những kiểu quảng cáo giật gân lừa dối khách hàng, gây nhiễu thông tin.
Nhóm phóng viên điều tra làm việc cho một tạp chí Y Dược Mỹ từng thực hiện những bài viết phanh phui chiêu trò “hù dọa để bán hàng” của không ít sự kiện quảng bá dược phẩm.
Ví dụ năm 1997 Hội bệnh tiết niệu Mỹ tổ chức chiến dịch nhận thức về chứng bất lực ở quy mô quốc gia, dự báo đến cuối năm 2005 có khoảng 47 triệu đàn ông trên 40 tuổi ở Mỹ bị bất lực.
Ít người biết nhà tài trợ cho chiến dịch là Công ty Vivus chuyên sản xuất thuốc cương dương hiệu Muse giá 10 USD/viên. Người bị bất lực phải dùng trung bình 2 viên mỗi tuần, nếu tin theo Hội này thì doanh số Vivus riêng tại Mỹ mỗi năm đã đạt tới vài tỷ đô la.
Ảnh minh họa


Ở ta gần đây nhiều báo đăng quảng cáo thuốc Z tăng cường độ cương cứng, phát triển cả về độ to và dài, câu chữ hoành tráng bạo liệt hết cỡ! Theo đó, đàn ông kém cỏi cỡ nào xài loại thuốc bào chế từ đông trùng hạ thảo và con hàu biển này vô ngay tuần đầu cũng “Lập tức bổ sung năng lượng đàn ông, giống như cục pin đã được nạp đầy điện”. Xài tới tuần thứ tư thì “tái tạo tế bào, kích cỡ thay đổi theo chiều hướng tăng, nâng cao chất lượng chăn gối, khiến khoái cảm của cả nam và nữ đều đạt đỉnh điểm”.
Bạn tôi thuộc loại “máu” vừa đọc xong trang quảng cáo lập tức nhấc máy điện thoại đặt hàng mua cho cả đôi, nhắc nhau uống tới hết tuần thứ tư vẫn chưa thấy cái gì “ rất dài và rất to” ra cả! Gọi số máy tư vấn, được an ủi: Chắc ông bà đô cao, phải xài thêm một vài liệu trình nữa!
Mẹ vợ là chuyên gia dinh dưỡng, nghe con gái thở than, ngán ngẩm quát: "Mỗi liệu trình 4 tuần mất gần chục triệu mua thuốc. Tiền đó tụi bay mua đồ ăn tẩm bổ, tăng giải trí, bớt làm việc, có phải khỏe hơn không?"
                                                                                                                                                                                     Nguồn : Tiền Phong

14 tháng 8 2014

GẶP MẶT HỘI ĐỒNG ĐỘI D4-BẢO THẮNG


Bài viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hội
 36 năm ngày thành lập Tiểu đoàn và 35 năm chiến tranh biên giới

Cách đây vừa tròn 36 năm (ngày 10/8/1978) những cựu binh về gặp mặt hôm nay hầu hết vẫn còn là những thanh niên trẻ ở độ tổi 18 đôi mươi; đáp lại tiếng gọi của non sông, chúng tôi đã hăng hái lên đường nhập ngũ để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ Quốc.
Cuộc hội ngộ năm ấy của chúng tôi được đánh dấu  bằng sự kiện thành lập tiểu đoàn 4 - tiểu đoàn bộ binh trực thuộc huyện Bảo Thắng tỉnh Hoàn Liên Sơn. Đây là tiểu đoàn quân thường trực duy nhất, mang phiên hiệu ban đầu là tiểu đoàn 4 Bảo Thắng. Khung của Tiểu đoàn được hình thành trước đó 3 ngày, gồm các sỹ quan, hạ sỹ quan tái ngũ và những cán bộ đã hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có nhiều người đã phục viên, xuất ngũ cũng được gọi trở lại để tiếp tục xây dựng quân đội.
Biên chế ban đầu của Tiểu đoàn có trên 400 cán bộ, chiến sỹ. Ngay sau khi thành lập, Tiểu đoàn 4 được lệnh hành quân lên tập kết tại thôn Đo (Trong) thuộc xã Thái Niên. Đó là những ngày mà tình hình biên giới phía Bắc đã khá căng thẳng.  Phía Trung Quốc bắt đầu điều động một lực lượng lớn quân chủ lực ra áp sát bờ biên, chĩa mũi súng sang ta. Đâu đó lác đác đã có đồng bào, chiến sỹ của chúng ta bị bắt cóc, bị bắn tỉa gây thương vong, tạo nên không khí nóng bỏng trên suốt giải biên cương.
Sau khi tập kết, ổn định biên chế tổ chức, tháng 1/1979 Tiểu Đoàn được lệnh hành quân lên km 21 (quốc lộ 70) thuộc thị trấn Phong Hải, sáp nhập vào đội hình chiến đấu của Trung đoàn 254 (Quân chủ lực Hoàng Liên Sơn). Cùng thời gian này, Tiểu Đoàn được bổ sung thêm các cán bộ B trưởng vừa tốt nghiệp trường quân - chính Quân Khu II, cán bộ A trưởng, y tá đại đội vừa được đào tạo và  một số tân binh từ  (Hà Tây) thuộc quân khu III bổ sung lên. Tại đây Tiểu đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ củng cố, nhận thêm vũ khí, khí tài và tổ chức huấn luyện.
Đêm 14/2, Tiểu đoàn bộ được lệnh hành quân lên Làng Ói, cách Ngã ba Bản Phiệt 2 Km về phía Tây Nam. Các phân đội bộ binh C1, C2 làm nhiệm vụ thê đội 1 đã được đưa ra xây dựng chốt tại các điểm cao, trên bờ sông Nậm Thi và phía Nam suối Bản Quẩn từ nhiều ngày trước đó, sát cánh với các đơn vị thuộc D1 của Trung đoàn nối liền lên cánh cung phía Mường Khương. Ngay sau các đơn vị bộ binh là C4 hỏa lực cối 82 và 12 ly7 được bố trí phía trước mặt D bộ. Riêng C3 vẫn ở lại, làm nhiệm vụ thê đội 2.
Đêm 16, rạng ngày 17/2/1979 cuộc chiến tranh Biên giới đã chính thức nổ ra trên tất cả 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Riêng mặt trận Hoàng Liên Sơn, Trung Quốc đã huy động đến quy mô cấp Quân đoàn để tấn công sang. Cuộc chiến nổ ra rất ác liệt ngay từ những giờ đầu. Đến khoảng 19/2 thì C3 (đơn vị thê đội 2 của Tiểu Đoàn) cũng được lệnh điều lên km 13, phối thuộc với các đơn vị trực thuộc của Trung đoàn để bảo vệ E bộ.
Từ đêm 16 đến 20 tháng 2, địch dùng lực lượng lớn áp đảo. Theo thông báo từ cấp trên thì chỉ riêng hướng biên giới Hoàng Liên Sơn, địch đã huy động đến 2 quân đoàn đánh sang. Thê đội 1 của địch là quân đoàn Sơn Cước - đây là một binh đoàn chuyên đánh vận động rừng núi. Nhưng để phá được phòng tuyến bờ biên của ta, địch còn dùng chiến thuật “biển người”, thậm chí cả các loại động vật như trâu, bò, ngựa, chó… cùng với lực lượng dân binh ồ ạt tràn sang trước, càn qua các trận địa vật cản. Không biết chính thức phía Trung Quốc phải bỏ mạng bao nhiêu người vì chông, mìn cùng với những làn mưa đạn từ trận địa phòng ngự bờ biên của Việt Nam. Nhưng như vậy đủ biết rằng, để đạt được mục đích khoa trương sức mạnh, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất chấp tính mạng của không biết bao nhiêu người dân và binh lính!.
Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, sau ngày 18 tháng 2, tiểu đoàn bộ đã phải lui vào làng Chung để lập hậu cứ tiền phương và chốt giữ điểm cao 428.
Mặc dù mới được thành lập, bộ đội còn đang trong giai đoạn huấn luyện, nhưng với tinh thần quả cảm, ngoan cường, Tiểu đoàn 4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch 20 ngày đêm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Góp phần cùng các đơn vị trên toàn mặt trận Hoàng Liên Sơn loại khỏi vòng chiến 11.500 tên địch, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự. Tuy nhiên, khi đã buộc phải chiến tranh thì sự mất mát đau lòng là không thể tránh khỏi, Tiểu đoàn 4 cũng đã hy sinh mất gần 60 cán bộ, chiến sỹ và trên 80  người bị thương.
13/3/1979 - sau khi địch rút quân, tiểu Đoàn 4 lại được trở về huyện Bảo Thắng để củng cố đội hình, tiếp nhận thêm hơn một trăm tân binh huyện Chấn Yên bổ sung lên. Tháng 9/1979, Tiểu đoàn được lệnh chuyển lên Lùng Phình, huyện Bắc Hà để thành lập Trung đoàn 819 - Trung đoàn bộ binh thứ 2 thuộc bộ CHQS tỉnh Hoàng Liên Sơn. Lúc này đơn vị được đổi phiên hiệu là Tiểu đoàn 2. Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ án ngữ  phía trên ngã ba sông Xanh – từ Linh Chiu Thàng, Lùng Chín, Cửa Cải, Tả Củ Tỉ,  giáp với mặt trận Xín Mần, Hà Tuyên. Đó là những năm tháng đầy gian nan vất vả. Cán bộ chiến sỹ của Tiểu đoàn thường xuyên phải đương đầu với những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là cái rét khắc nghiệt của mùa Đông, nhiều khi nhiệt độ xuống đến dưới không độ nhưng các chiến sỹ vẫn ngày đêm vững vàng tay súng trên các chốt tiền tiêu.

Đầu năm 1983, tình hình biên giới phía Mường Khương diễn biến hết sức phức tạp, địch thường xuyên câu pháo sang khiêu khích. Trung Đoàn 819 lại được lệnh chuyển sang Mường Khương để đáp ứng yêu cầu phòng thủ của Tỉnh - trong đội hình chung của Trung đoàn, Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ chốt phòng ngự từ dốc Chín Quai lên cửa khẩu Pha Long.
Cùng với những tháng-năm gian nan nhưng rất đỗi tự hào ấy của Đơn vị, cán bộ chiến sỹ “Tiểu đoàn Bảo Thắng” đã không ngừng được trưởng thành, không ít người đã trở thành cán bộ chỉ huy các cấp trong quân đội; một số sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, chuyển ra các ngành dân sự, được bổ nhiệm vào các vị trí công tác quan trọng, đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt của cơ quan, đơn vị, địa phương. Một phần lớn cựu binh của Tiểu đoàn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, được phục viên, xuất ngũ đã tiếp tục nêu cao truyền thống bộ đội cụ Hồ, gương mẫu trên mọi lĩnh vực công tác, lao động sản xuất, là nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.
Tự hào với truyền thống của đơn vị, đồng thời để tiếp tục gìn giữ và phát huy phẩm chất người chiến sỹ quân đội nhân dân. Đúng vào ngày kỷ niệm 26 năm thành lập Tiểu đoàn; 25 năm chiến tranh bảo vệ biên giới (10/8/2004), các cựu binh Tiểu đoàn 4 Bảo Thắng đã có buổi gặp mặt và thành lập nên hội Đồng đội của Tiểu đoàn. Từ đó tới nay, 10 năm đã đi qua, Hội của chúng tôi vẫn duy trì gặp mặt thường xuyên mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Tiểu đoàn. Hội cũng đã xây dựng được quy chế nội bộ, đã có những hoạt động tình nghĩa, thăm viếng, động viên, giúp đỡ nhau mỗi khi có thành viên gặp hoạn nạn khó khăn; cùng sẻ chia mỗi khi hội viên  có niềm vui hạnh ngộ. 
Đến nay, do điều kiện sống phân tán nên Hội mới chỉ tập hợp được 76 hội viên, chủ yếu là những người cư trú trên địa bàn huyện Bảo Thắng và thành Phố Lào Cai. Nhưng hoạt động của Hội đã tạo nên được sự gắn kết nghĩa tình; khơi dậy niềm tự hào là chiến sỹ Tiểu đoàn quân thường trực đầu tiên của huyện Bảo Thắng, xứng đáng với truyền thống của một huyện vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Buổi gặp mặt lần thứ 10 này, trên mái đầu của mỗi hội viên đều đã điểm màu sương, nét mặt và làn da đã in sâu dấu ấn của thời gian và những gian nan thử thách. Nhưng tất cả cùng rất vui, như trẻ lại với cái tuổi hai mươi hồi nào. Họ đã chia sẻ cùng nhau bao kỷ niệm vui buồn, động viên nhau tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp của người chiến sỹ quân đội nhân dân; sống vui, sống khỏe, góp trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương và nêu gương sáng cho các con, các cháu. 
Nhân dịp này, hội Đồng đội đội Tiểu đoàn 4 Bảo Thắng cũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đến những người bạn, người đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc; nhắn gửi đến các anh em đồng đội ở xa, chưa có dịp về hội ngộ lời chúc sức khỏe, an khang và hạnh phúc!. 

                                                                                 Mạnh Nguyên 

08 tháng 8 2014

RẰM THÁNG 7 VÀ THÁNG MƯA NGÂU

Lễ cầu phúc trước hôn nhân tại chùa Hà Tiên-Vĩnh Yên
Người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý và đáng trọng. Ngày rằm tháng 7 cũng là ngày xá tội vong nhân, dân gian còn gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Tháng 7 - mưa Ngâu lại gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích chuyện tình Ngưu Lang-Chức Nữ.
Nhân sắp đến rằm tháng 7, chúng ta cùng tìm hiểu về những sự tích và tập tục đầy tính nhân văn này.

Sự tích Lễ Vu Lan.
Theo kinh Vu Lan thì, ngày xưa Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Và ông đã thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Nhưng mỗi khi thức ăn đưa lên miệng thì đã hóa thành lửa đỏ, không thể nuốt được.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.


Gắn với lễ Vu Lan còn có ý nghĩa về Bông hồng cài áo.
Tục xưa đến rằm tháng 7, nếu ái đó còn cha mẹ thì sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, người đó sẽ tự hào là được còn mẹ, còn cha. Nếu mất mẹ, mất cha thì sẽ phải cài trên áo một bông hoa trắng. Người được cài hoa trắng cảm thấy xót xa, nhớ thương cha, mẹ khôn nguôi. Ngược lại, người được cài hoa hồng thì sẽ thấy sung sướng vì mình còn mẹ, còn cha và sẽ cố gắng làm vui lòng cha, mẹ. Kẻo một mai song thân khuất núi đi rồi, dù  có than khóc cũng không còn kịp nữa.

Sự tích ngày xá tội vong nhân.
Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sinh về cõi trên".
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa. Nhưng tín ngưỡng dân gian của ta thì hiểu rộng ra thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa; không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay có nơi vẫn gọi cúng cô hồn là “Phóng diệm khẩu”. Có khi còn nói tắt thành “Diệm khẩu” nữa. Như vậy, Diệm khẩu là từ nghĩa gốc (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Lễ cúng cô hồn hoàn toàn khác với lễ Vu Lan, mặc dù cùng được cử hành trong ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch). Nhưng một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ, ông bà nhiều đời được siêu thoát; một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng viếng.
Cổng Trúc Lâm thiền viện (Vĩnh Phúc)

 
Sự tích tháng mưa ngâu.
Thuở xưa, có vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của
Cây đa cổ thụ mọc trùm lên mộ sư tổ chùa Hà Tiên (Vĩnh Yên)
Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng thượng đế giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông Ngân.
Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên gia ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hoá thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu (thông thường vào tháng Bảy âm lịch) và gọi họ là ông Ngâu bà Ngâu.
Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả, nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Các phường này mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai; kẻ muốn làm kiểu này, người muốn làm kiểu kia, cãi nhau chí chóe. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng tức giận bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ, lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Bị hoá làm quạ, các phường thợ mộc lại càng giận nhau hơn. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh.
Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.
Tuy nhiên còn có  dị bản khác cho rằng, tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước bắt nguồn từ chim Ô (tức là quạ đen) và chim Thước (chim Khách) kết cánh mà  tạo ra.

Như vậy là cùng trong không gian tháng 7 và ngày rằm tháng 7 (âm lịch) thì đồng thời có các tích về một số Lễ. Tuy nhiên nó hoàn toàn không liên quan đến nhau. Việc kiêng kỵ tháng 7 không nên làm một số việc như cưới hỏi, đồng thổ…cũng bắt nguồn từ các tích này. Nhưng lại không có ý nghĩa giống nhau. Ví dụ như cưới hỏi thì kiêng tháng “ngâu” vì sợ rằng cuộc tình sẽ ảnh hưởng như Ngưu Lang-Chức Nữ thì thật là bất hạnh. Còn kiêng các việc khác là vì coi tháng 7 là tháng cô hồn, có nhiều xui xẻo…
Tuy nhiên, xét về thời tiết thì đây là tháng mưa nhiều, thời tiết không thuận để làm những việc quan trọng. Việc liên quan đến sự tích của các Lễ nêu trên có lẽ chỉ là cái cớ mà thôi.
                                                                       Mạnh Nguyên
                                                                          Sưu tầm và biên tập