Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 10 2014

CÔ TẤM VỪA NGU ĐẦN LẠI VỪA ĐỘC ÁC?

         Chuyện phiếm (Phân tích phản biện)

            Xưa nay chuyện cô Tấm là mẫu người con gái xinh đẹp, hiền dịu, nết na thì ai cũng biết. Vậy mà lại có ý kiến cho rằng, cô Tấm không những vừa đần độn lại vừa độc ác thì thật khó tin. Lý giải vấn đề này chúng ta hãy cùng theo dõi phân tích dưới đây.
            Tấm Cám là câu chuyện cổ tích được xuất xứ từ bao giờ thì chưa ai biết rõ, chỉ biết đây là câu chuyện được hình thành dưới triều đại Phong Kiến Việt Nam, cách nay cũng hàng trăm năm rồi. Chuyện kể rằng, Tấm được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, mẹ mất sớm nên cha cô lấy vợ kế, sinh ra người em gái có tên là Cám. Sau này không rõ cha cô ta chết hay đi đâu, trong gia đình chỉ còn lại người mẹ kế và cô em gái cùng cha khác mẹ với Tấm.
Từ nhỏ đã ở chung cùng người mẹ kế nanh nọc độc ác và cô em gái ranh mãnh, lười nhác. Lẽ ra ở trong môi trường ấy Tấm phải cảnh giác mới phải. Nhưng ngược lại cô ta lại ngờ nghệch đến mức đáng thương. Bởi vậy từ bé đến lớn Tấm liên tục bị lừa và làm hại. Đi xúc tép cùng với Cám thì bị nó xui để giỏ lại nó trông cho, xuống mương gội đầu, rồi Cám đổ trộm hết tép bỏ về trước. Bụt thương, Bụt hiện lên bảo còn con bống hãy thả xuống giếng mà nuôi. Dẫu biết mẹ con nhà Cám rất gian ngoan, nhưng ngày nào Tấm cũng “Bống bông, bang bang” công khai. Thế là mẹ Cám biết được lại tiếp tục lừa, sai Tấm đi chăn trâu đồng xa để ở nhà bắt Bống lên ăn thịt. Mất Bống, Tấm chỉ biết khóc, Bụt lại phải hiện lên, bảo chôn xương bống xuống chân giường, sau này trở thành xiêm-hài cho Tấm đi trẩy hội. Đến Hội làng, may mắn Tấm gặp được Hoàng Tử và được tuyển vào cung làm vợ Hoàng Tử. Nhưng mẹ con Cám vẫn ghen ghét, tìm cách hãm hại. Nhân ngày về giỗ cha họ lại lừa Tấm cho trèo cau, rồi chặt cho cau đổ xuống ao làm Tấm chết đuối. Sau đó lập mưu đưa Cám vào cung thay thế, làm vợ Hoàng Tử…Tất cả hệ quả ấy đã chứng tỏ cô Tấm đúng là "lành quá hóa đần".
Theo nguyên mẫu của câu chuyện này, nhờ có Bụt che chở nên nhiều lần bị hại mà linh hồn Tấm  không thất tán. Cuối cùng vẫn được trở lại làm người, tái hợp duyên cùng Hoàng Tử. Điều ấy cũng đáng thôi, bởi “Ở hiền thì gặp lành”. Nhưng cái kết của chuyện lại không như vậy. Sau khi tái sinh trở lại, Tấm đã quyết tâm trả thù.
Lại nói, cho dù thủ mưu giết Tấm là mẹ Cám và hành vi giết Tấm được thực hiện nhiều lần, nhưng chưa có lần nào ra tay hành động có tính trực tiếp và man rợ. Lần đầu là chặt cau để Tấm rơi xuống ao mà chết đuối; những lần sau chỉ là giết gián tiếp thông qua các loại vật như cây xoan đào, cái khung cửi, con chim vàng anh... 
Xét về mối quan hệ thì giữa mẹ Cám - người thủ mưu và trực tiếp giết Tấm với Tấm chỉ là quan hệ của những người không cùng huyết thống (Mẹ ghẻ, con chồng). Sau này, khi Tấm trả thù thì chính tay đã trực tiếp giết  Cám – người em gái ruột khác mẹ, cùng cha – bằng cách lừa cho Cám xuống hố, đổ nước sôi trực tiếp cho chết.. Không những thế, sau khi giết em gái xong, Tấm còn cam tâm xả xác của Cám làm thành mắm cho mẹ Cám ăn. Một hành vi vô cùng man rợ!
Như vậy Tấm đâu còn có hiền lành, mà thực sự là vô cùng độc ác!.
Từ phân tích trên đây cho thấy, cô Tấm không hẳn còn là một cô gái dịu hiền, nết na nữa. Đúng hơn thì cô ta phải là một kẻ vừa ngu đần lại vừa độc ác.                              
                                                                           Cả Mõ    
                                                   Theo tiểu phẩm hài của Mạnh Nguyên  

24 tháng 10 2014

"Xấu người, xấu nết, lại dốt": Người đẹp Việt lấy gì đi thi hoa hậu?

Với nhận định người đẹp Việt Nam “kém toàn tập”, công chúng phân vân không biết trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế, thí sinh Việt Nam mang gì đi “đánh chuông” ở xứ người.




Chỉ kém về ngoại hình, ngoại ngữ và khả năng ứng xử - đó là phát biểu của ông Dương Xuân Nam – Nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong về người đẹp Việt Nam tại cuộc họp báo Vòng Chung khảo miền Bắc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014.
Phát biểu của ông Nam khiến không ít người cảm thấy nực cười. Vì thực tế, các thí sinh tranh tài tại các cuộc thi sắc đẹp chỉ dựa trên tiêu chí của những yếu tố cơ bản trên. Vậy nếu bỏ qua các yếu tố đã được ông “điểm mặt” thì người đẹp Việt còn lại những ưu điểm hay thế mạnh nào để có thể cạnh tranh tại các đấu trường sắc đẹp? Hay nói cách khác, các cô gái đại diện cho nhan sắc nước nhà chuẩn bị những hành trang nào để thử sức ở các cuộc thi một khi họ không có thế mạnh về cả ba yếu tố trên.
Hình ảnh Xấu người, xấu nết, lại dốt: Người đẹp Việt lấy gì đi thi hoa hậu? số 1
Ông Dương Xuân Nam phát biểu tại cuộc họp báo Vòng Chung khảo miền Bắc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 (Ảnh: Infonet)
Vẻ đẹp về ngoại hình, ngoại ngữ (trình độ) và khả năng ứng xử (giao tiếp xã hội) là những yếu tố cần phải hội đủ ở mỗi thí sinh hoa hậu. Vậy nếu các yếu tố này đều kém thì trước khi đưa người đẹp dự thi ngoài biên giới quốc gia, Ban tổ chức kỳ vọng thí sinh gặt hái được những thành công nào. Không lẽ giữa thời buổi công nghệ số phát triển với tốc độ như vũ bão hiện nay, thì việc “dự thi sắc đẹp quốc tế” sẽ là cơ hội để các thí sinh học hỏi và biết thêm về  văn hóa nước bạn? Và tạisao mỗi năm, nhiều thí sinh vẫn hăng hái tham gia các cuộc thi này mặc dù Ban tổ chức thấy họ yếu kém, không đủ năng lực và trình độ và liệu bản thân họ có ý thức được họ đã “thua đau” ngay từ sân nhà?
Một độc giả bình luận, theo phát biểu của ông Nam, người đẹp Việt kém về ngoại hình (xấu người), kém ngoại ngữ (dốt) và không biết ứng xử, giao tiếp (xấu nết) trong khi vẫn được vinh danh là hoa hậu, á hậu thì chắc chắn nhãn quan của Ban tổ chức cũng có vấn đề. Vậy mấy cô vừa xấu, vừa dốt, vừa kém nết này đi thi để giành giải thưởng gì?
Với nhận định người đẹp Việt “kém toàn tập” vừa qua, người ta đặt dấu hỏi tại sao ở vị trí 11 năm là Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và đã từng đi chấm điểm các cuộc thi hoa hậu quốc tế nhưng ông Nam vẫn “cầm được cân, nảy được mực” để lựa chọn ra những thí sinh là hoa hậu, á hậu trong các cuộc thi nhan sắc? Phải chăng ông đã và đang tôn vinh những đại diện không hề xứng đáng vì thực tế - theo như lời ông nói thì họ không hội tụ được các yếu tố cần thiết mang chuẩn đẹp mà một hoa hậu, á hậu cần phải có!
                                                                         Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

22 tháng 10 2014

SÔNG HỒNG VẪN ĐANG BỊ ĐỐI XỬ THIẾU THÂN THIỆN

Cá chép sông Hồng

Xin thay cho lời tự sự của dòng sông Hồng-con sông đã đem lại biết bao nhiêu nguồn lợi, nhưng lại đang đêm ngày phải gánh chịu những đối xử ngược đãi của con người.

          Tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Thắng nói riêng được tự hào là mảnh đất của “Nơi con Sông Hồng chảy vào đất Việt”. Và, chính con sông quanh năm nước đỏ này đã bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới, tiêu úng thoát lũ, tạo nguồn thủy sản, cung cấp vật liệu xây dựng và còn là một tuyến giao thông quan trọng, tạo nên cảnh quan thơ mộng cho nhiều miền quê dọc đôi bờ. Ở hạ lưu, hiện nay người ta đang có không ít dự định về khai thác sông Hồng trên các bình diện kinh tế Nông nghiệp, cảnh quan đô thị và du  lịch trên sông.
Cận cảnh tầu khai thác vàng
Cận cảnh tầu khai thác cát, sỏi
          Vậy mà, giờ đây có dịp đi trên dọc sông Hồng, ta dễ dàng bắt gặp cảnh đối xử với dòng sông thật là bất nhẫn. Đôi bờ sông ổn định hiền hòa xưa kia, nay đã nham nhở vì xói lở, tạo nên sự biến dòng thật vô cùng đáng ngại. Trên mặt sông những tàu khai thác cát, sỏi và thậm chí cả việc khai thác khoáng sản không phép vẫn bất chấp lệnh cấm của chính quyền, lẩn lút núp dưới hình thức hút cát để đãi vàng, thoắt ẩn, thoắt hiện. Trên nhiều khúc sông, tình trạng khai thác cát sỏi được hoạt động công khai, không có sự hướng dẫn và giám sát của cơ quan quản lý môi trường. Vì vậy, những đống cát sỏi phế thải cứ vô tư đùn đẩy ra đến giữa dòng, tạo nên nhiều cồn, đụn làm biến đổi dòng chảy. Đây là những nguyên nhân căn bản gây nên các điểm xoáy lở nguy hiểm ở đôi bờ. Cây cầu (chung) Phố Lu bắc qua sông Hồng - một điểm nối giao thông huyết mạch trên trục Quốc lộ 4E - mấy năm nay cũng liên tục bị đe dọa. Những xoáy nước đã và đang đêm ngày khoét sâu vào mố cầu. Mặc dù đã được ngành giao thông đường sắt ra sức gia cố, nhưng mỗi năm, khi mùa lũ về thì mối đe dọa lại có phần tăng thêm, bởi ngọn nước của dòng chảy biến đổi ngày càng thêm hung hãn, cứ hướng vào mố cầu mà xoáy.

          Để đáp lại sự ngược đãi của con người, không ít lần dòng sông đã nổi cơn thịnh nộ, gây thảm họa trở lại cho con người. Đó phải chăng, một phần cũng là hiệu ứng của hệ quả mà dòng sông đang bị đối xử. Phần nào nói lên những cảnh báo của thuyết nhân quả mà chính con người đang phải trả giá cho những việc mình làm.
Rác trên sông Hồng
          Nguồn lợi mà dòng sông mang lại cho con người thì đã rõ. Song, nếu như trên sông chỉ có các phương tiện đánh bắt cá, tôm truyền thống, thì thủy sản tự nhiên do sông Hồng đem lại sẽ là một nguồn lợi khá dồi dào cho cư dân chài lưới ven bờ. Việc đánh bắt thủy sản truyền thống còn giữ được vệ sinh môi trường và đảm bảo cho cân bằng sinh thái. Nhưng cách ứng xử của con người với dòng sông thì ngày càng trở nên tồi tệ. Những năm gần đây, người ta chế ra nhiều loại phương tiện đánh bắt cá, tôm “hiện đại” bằng điện, mà điển hình là kích điện. Theo nguồn tin của người dân ven sông cho biết, cá biệt có trường hợp còn dùng cả lưới có sợi kim loại chăng ngang sông, phóng điện vào lưới thông qua máy phát công suất lớn để bắt cá. Kiểu đánh cá hủy diệt này đã góp phần làm cho nguồn thủy sản nhanh chóng cạn kiệt và là tác nhân rất đáng kể tham gia vào phá hủy hệ sinh thái của dòng sông.

          Sự thiếu hiểu biết về vệ sinh môi trường cùng với thói quen tắc trách của người dân sống ven sông, điều đó đã tạo ra không ít tác nhân ô nhiễm rất nguy hiểm, như xả thẳng chất thải xuống sông, nhiều trường hợp còn quăng xác súc vật chết vì dịch bệnh xuống dòng chảy. Không biết những người làm như vậy có hiểu rằng, hành vi của họ đã làm cho dòng sông hiền lành trở nên phương tiện chuyên chở nguồn dịch bệnh nguy hiểm cho con người và gia súc, gia cầm ở phía sau dòng chảy hay không?. Về mùa cạn, đi trên cầu hoặc ven sông, các đầu bãi bồi và trên các các con suối chảy ra sông Hồng, ta dễ dàng nhìn thấy khá nhiều những bao tải xác rắn được dắt lại trên gềnh, bãi, và ven bờ. Có lẽ chưa có ai giám mở ra xem trong đó có những thứ gì, nhưng chắc chắn đấy không thể không phải là rác phế thải thông thường.

          Lâu nay ở nhiều nơi, người dân đã ý thức được sự nguy hại của ô nhiễm môi trường, nên đã có đơn, thư kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền; các cơ quan chức năng để phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm vì chất thải của một số công ty, nhà máy. Việc phản ánh và kiến nghị của người dân về vấn đề đó là chính đáng. Nhưng, cũng chính người dân lại đã và đang tự hủy hoại môi trường tại chỗ hoặc đùn đẩy chất ô nhiễm, mầm bệnh xuống sông, suối - mà nơi gánh chịu cuối cùng là Sông Hồng thì chưa biết quy trách nhiệm về ai.

          Phải chăng, đã đến lúc Sông Hồng lên tiếng, kêu gọi các cấp chính quyền và người dân ở ven Sông có trách nhiệm với nó. Sớm ngăn chặn những hành vi ngược đãi với dòng sông, để sông Hồng được trở lại là môi trường thân thiện, phục vụ cho cuộc sống bình yên của cư ven bờ và bồi đắp phù sa cho các miền châu thổ.

                                                                                                          Cả Mõ

09 tháng 10 2014

TÀU SUNRISE 689 BI CƯƠP BIỂN TẤN CÔNG


 
 
 
(CAO) Trao đổi với báo chí vào sáng nay (9-10), ông Đào Văn Quảng, Giám đốc Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng cho biết, tàu Sunrise 689 đã bị cướp biển khống chế, hút hết 5.000 tấn dầu, đánh trọng thương hai thủy thủ, phá hủy bánh lái tàu rồi thả trôi tự do, hiện lực lượng chức năng đang tiếp cận tàu gặp nạn, lai dắt về.
Hình ảnh tàu Sunrise 689được lưu giữ tại Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng
Cũng theo ông Quảng, thông tin trên được thuyền trưởng tàu Sunrise 689 Nguyễn Quyết Thắng vừa điện thoại về báo. Theo đó, khi đang trên hải trình về Việt Nam, tàu bị nhóm cướp biển có vũ trang trèo lên tàu, đánh trọng thương 2 thủy thủ và khống chế 16 người còn lại trên tàu.

Sau đó chúng đưa tàu lớn áp mạn tàu Sunrise 689 rồi hút toàn bộ hơn 5.000 tấn dầu, phá hủy bánh lái và nhiều thiết bị thông tin liên lạc, trước khi bỏ đi.

Thuyền trưởng Thắng lái tàu theo kinh nghiệm về hướng Việt Nam. May mắn gặp được tàu cá và nhờ liên lạc về đất liền báo tin.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã điều 2 tàu cảnh sát biển tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đi cứu nạn, lai dắt tàu Sunrise 689 về. Dự kiến trưa nay (9-10) tàu Sunrise về vùng biển Phú Quốc để cấp cứu 2 thuyền viên bị đánh trọng thương. Tiếp đó các đơn vị liên quan sẽ vào cuộc giải quyết vụ việc.

Trước đó, ngày 2-10, tàu Sunrise 689 của Công ty Cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng chở 5.226 tấn dầu cùng 18 thủy thủ đoàn, hành trình từ cảng Horizon (Singapore), về Quảng Trị (Việt Nam) thì mất liên lạc. 


  
 Mai Uyên
Nguồn: Báo Công an TPHCM

03 tháng 10 2014

Chủ tọa tòa tối cao vừa bị bắt trong ký ức vợ chồng ông Chấn


    • Người tù oan sai Nguyễn Thanh Chấn vẫn không thể nào quên được phiên xét xử của tòa phúc thẩm TAND Tối cao, khi vị chủ tọa phiên tòa hùng hồn tuyên bản án “giết người” mà không xem xét các bằng chứng gỡ tội."Giọng nói dứt khoát của ông chủ tọa khiến cả nhà tôi đau đớn"






Đã gần 10 năm trôi qua, kể từ ngày ông Nguyễn Thanh Chấn (trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án ngồi tù oan sai do cựu thẩm phán TAND tối cao Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa.
Hình ảnh Chủ tọa tòa tối cao vừa bị bắt trong ký ức vợ chồng ông Chấn số 1
 Ông Nguyễn Thanh Chấn trao đổi với phóng viên.
Nhớ lại ký ức của 10 năm về trước, ông Chấn không kìm nén được nước mắt: “Tôi nhớ như in, thời điểm tòa tuyên án tôi về tội giết người là ngày 27/7, nếu không nhờ tình tiết giảm nhẹ do bố tôi là liệt sĩ, có lẽ tôi có đã không thể thể thoát khỏi án tử hình trong gang tấc”.
Nói đến đây, ông Chấn như mắc nghẹn ở cổ họng, toàn thân người tù oan sai này cứng đơ, tựa lưng vào bức tường đã cũ kỹ mà không nói thêm được điều gì
Tiếp lời chồng, bà Chiến cho biết: “Lúc chồng tôi tranh luận với Viện kiểm sát để chứng minh bản thân không phạm tội, tuy nhiên, HĐXX chỉ lặng im và cuối cùng tuyên án tù chung thân, giọng nói dứt khoát của ông chủ tọa khiến cả nhà tôi đau đớn, con gái lớn không giữ nổi bình tĩnh đã ngất luôn tại tòa”.
Mặc dù rất căm phẫn với những người trực tiếp thực thi pháp luật dạo đó, cố tình dồn nén gia đình mình đến bước đường cùng, song bà Chiến dường như cũng nhận ra điều gì đó: “Trong lúc xét xử, nhiều cán bộ thỉnh thoảng cũng quay đi, đôi mắt họ đỏ hoe, tôi nghĩ họ biết chồng tôi oan sai nhưng không làm gì được vì quyền tuyên án vẫn là chủ tọa phiên tòa. Sau khi nghe HĐXX đọc bản án, ông Chấn một mực kêu oan trước tòa, ông cho rằng những tình tiết trong vụ án là “hoang đường, phi lý”.
Hình ảnh Chủ tọa tòa tối cao vừa bị bắt trong ký ức vợ chồng ông Chấn số 2
Bà Nguyễn Thị Chiến khóc òa khi kể về những tháng ngày gian khổ kêu oan cho chồng.
Tại phiên tòa ngày hôm đó, ông Chấn cũng đưa ra bằng chứng gỡ tội cho mình: "Gia đình tôi có mắc một chiếc điện thoại cố định phục vụ bà con trong làng. Trước thời điểm nghi ngờ tôi giết chị H. chỉ vài phút, tôi đang bấm máy cho anh Nguyễn Văn Thực (người cùng làng) gọi điện thoại đi và việc đó có bà Phạm Thị Nhâm (người cùng làng) đến mua kẹo làm chứng. Bảng kê chi tiết điện thoại gia đình tôi sau đó cũng đưa ra làm bằng chứng trước tòa nhưng cũng bị bác bỏ. Họ bác bỏ toàn bộ những chứng cứ có lợi cho tôi và chỉ công nhận những gì bất lợi. Tôi có làm gì nên tội mà sao họ cứ phải làm thế với tôi?”.
Bà Thân Thị Hải – Người sát cánh cùng vợ ông Chấn đi kêu oan nhấn mạnh: “Có lẽ do những ngày bị tạm giam chờ xét xử, ông Chấn bị bức cung nhục hình dẫn đến sức khỏe suy kiệt, người tù oan sai này vẫn cứ cố bảo vệ lẽ phải cho mình nhưng tất cả đều vô vọng”.
Bản án "dàn dựng" 
Theo bản án số 1241/PTHS, ông Chấn bị kết tội "giết người" sau khi hiếp dâm không thành chị Nguyễn Thị H.. Nội dung bản án cho rằng, trên đường đi lấy nước, ông Chấn đi ngang qua nhà nạn nhân Nguyễn Thị H., thấy chị này đang trong nhà liền nảy ý định vào "trộm tình". Nghĩ là làm, Chấn lẻn vào nhà, tay chộp vào ngực người phụ nữ và đề nghị sỗ sàng: "Cho anh một cái" nhưng bị cự tuyệt. Giận dữ, Chấn rút con dao thủ sẵn trong người ra đâm liên tiếp vào người, vào bụng chị H. khiến chị này tử vong.
Hình ảnh Chủ tọa tòa tối cao vừa bị bắt trong ký ức vợ chồng ông Chấn số 3
 Ông Nguyễn Thanh Chấn bên vòng tay bà con lối xóm.
Điều đáng nói, bản án còn nêu rất rõ chứng cứ cho thấy chính ông Chấn là thủ phạm: "Cơ quan điều tra xác định kích thước vết chân của Nguyễn Thanh Chấn cho thấy bàn chân trái của Chấn gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường".
Tại trang 10 của bản án phúc thẩm, "tội ác" của ông Chấn được kết luận hết sức đanh thép: "Hành vi giết người của Chấn thể hiện sự hung hãn, tàn bạo và hết sức độc ác và y cố tình thực hiện tội phạm đến cùng". Và để củng cố cho kết luận của mình, phiên tòa phúc thẩm cũng nêu rõ quan điểm: "Tòa án cấp sơ thẩm quy kết Nguyễn Thanh Chấn theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan như lời nại ra của y".
Án phúc thẩm còn nêu nhận định: "Thực ra Nguyễn Thanh Chấn cố tình chối tội bởi sự mặc cảm về tội ác mà y đã gây ra cho người khác cùng với sự gieo rắc đau thương tang tóc cho gia đình nạn nhân, mặt khác hòng lẩn tránh sự lên án của dư luận xã hội và sự trừng phạt nghiêm minh của luật pháp...".
Nhận định về bản án này, ông Chấn khẳng định, tất cả chỉ là dàn dựng, bản thân bị ép cung, nhục hình, bị đánh đập nên phải nhận tội.
Như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đưa, theo tài liệu điều tra, trong quá trình nghiên cứu xem xét phúc thẩm hồ sơ vụ án đối với bị can Nguyễn Thanh Chấn, Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội)  khi đó là Thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa đã không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn sát hại chị Nguyễn Thị H., người cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang. Gia đình nạn nhân đã đề nghị xem xét tình tiết chị H. bị mất 2 chiếc nhẫn trước khi bị sát hại, nhưng ông Chiêm đã không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót về tố tụng hình sự.
Trong quá trình xét xử phúc thẩm, Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại CQĐT và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định là gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường làm chứng cứ buộc tội ông Chấn đã phạm tội giết người. CQĐT Viện KSND Tối cao nhận định, việc làm của Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tuyên bản án oan sai.
 
Liên quan đến vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, ngày 29/9 vừa qua, Lý Nguyễn Chung (người gây ra cái chết cho chị Hoan) hung thủ thật sự trong vụ án mạng tại thôn Me năm 2004 đã bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Giang với hai tội Giết người và Cướp tài sản. Tuy nhiên, phiên toà đã hoãn do đề nghị của đại diện bị hại, luật sư và cơ quan công tố.
Ngày 30/9,  Cơ quan điều tra cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo tài liệu điều tra, trong quá trình nghiên cứu xem xét phúc thẩm hồ sơ vụ án đối với bị can Nguyễn Thanh Chấn, ông Chiêm khi đó là Thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa đã không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
  
                                                                        Theo Đời Sống & Pháp Luật

01 tháng 10 2014

NGƯỜI CAO TUỔI VỚI TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

(Bài viết nhân dịp ngày Quốc tế Người cao tuổi-01/10/2014.)

Thế kỷ 20 thế giới bắt đầu xuất hiện xu thế già hóa dân số do tuổi thọ trung bình tăng lên, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trong dân số ngày càng cao. Hiện tượng già hoá dân số này có tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống của mỗi người, mỗi gia đình, của cộng đồng mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế. Ðây là vấn đề quan trọng của thế giới.
Ý thức được tầm quan trọng của sự già hóa dân số, từ cuối năm 1982 Liên hợp quốc đã tổ chức Đại hội thế giới lần đầu tiên về vấn đề NCT tại viên (Thủ đô nước Áo), với hơn 3000 đại biểu của các nước và các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới tham dự. Sau khi phân tích sâu sắc mọi mặt về tình hình NCT, Đại hộ đã chỉ ra những tiềm năng quý giá của NCT và khẳng định tuổi thọ tăng là mọt nhân tố quan trọng của sự phát triển. Đại hội đã trịnh trọng tuyên bố: “Cần bảo đảm không một hạn chế nào, mọi quyền lợi của NCT theo đúng Tuyên ngôn về Quyền con người của Liên hợp quốc”. Đại hội cũng đã thông qua Chương trình hành động quốc tế dài hạn về NCT; phát động năm quốc tế NCT và thông qua biểu tượng “Cây đa” - biểu trưng cho người cao tuổi.
Tọa đàm giữa các tác giả thơ NCT tại đêm Thơ Nguyên Tiêu
Huyện Bảo Thắng - Xuân 2011 
Năm 1991- sau 10 năm thực hiện chương trình hành động quốc tế dài hạn về người cao tuổi, Liên hợp quốc thấy cần thiết phải rà soát về hiệu lực và tính khả thi của Chương trình để điều chỉnh, bổ sung xây dựng Chương trình cho 10 năm tiếp theo. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc cũng đã có Nghị quyết về “Những nguyên tắc thuộc đạo lí đối với người cao tuổi” làm cơ sở để xây dựng mọi Chương trình hành động quốc tế và của từng quốc gia. Đồng thời ra Nghị quyết lấy ngày 1/10 hằng năm là ngày quốc tế Người cao tuổi từ năm 1991.
Điều đó đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của toàn thể cộng đồng loài người đến một hiện tượng mới, đó là sự gia tăng nhanh chóng của dân số người cao tuổi, cần thống nhất hành động vì quyền lợi của NCT và sự tiến bộ chung của nhân loại. Thông báo của Liên hiệp quốc về quyết định này ghi rõ: “Bằng việc đề ra quốc tế NCT, Liên hợp quốc mong muốn mọi người nhận thức rõ hơn thực tế về NCT, thấy rõ khả năng to lớn của họ đóng góp vào sự phát triển cộng đồng xã hội. Đồng thời cũng lưu ý mọi người trên thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ, đó là già hóa dân số và trong tương lai không xa về một kỉ ngyên của người cao tuổi”.
Tháng 4 năm 2002 Hội nghị quốc tế NCT họp tại Tây ban Nha với 5.000 đại biểu đại diện cho các nước và các tổ chức quốc tế đã ra tuyên bố chính trị, nhấn mạnh:
“Đánh giá cao sự tăng thêm tuổi thọ ở nhiều vùng trên thế giới như là một thành tựu quan trọng của loài người…Cam kết loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử vì lí do tuổi già. Thừa nhận người cao tuổi cũng phải được hưởng cuộc sống đầy đủ, có sức khỏe, được an toàn và tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị…
“Khảng định tiềm năng của người cao tuổi là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của tương lai. Điều đó làm cho xã hội có thể tin cậy vào các kĩ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng tăng của NCT …”
Theo kết luận của một số nhà nghiên cứu lão khoa thì, đặc điểm của tế bào thần kinh có sức sống lâu bền hơn các tế bào khác,  cho nên có không ít NCT vẫn có thể học tập, nghiên cứu khoa học, làm công việc của người lãnh đạo, quản lý, tư vấn… giải quyết những vấn đề chính trị cho xã hội và gia đình một cách sáng suốt. Ở mỗi NCT, ít - nhiều đều có những triết lý sống, kinh nghiệm sống quý báu mà các thế hệ sau cần học hỏi.
Sở dĩ có được tiềm năng đó là vì những tri thức đã được học tập, nghiên cứu và qua trải nghiệm  đã tạo nên bề dầy trong cuộc sống của NCT lớn hơn những người trẻ tuổi. Trong khi lớp trẻ phải tập trung vào những vấn đề của cuộc sống thường nhật thì NCT lại có điều kiện tập trung hơn tới việc giúp đỡ cho con cháu và tham gia hoạt động xã hội.
Câu lạc bộ hát dân ca thuộc hội NCT thị trấn Phố Lu biểu diễn
phục vụl ễ ra mắt chùa Liên Hoa-xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng
Ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, NCT thường được Nhà nước và xã hội đề cao là vì truyền thống văn hoá được hình thành từ đời sống cộng đồng ở khu vực sinh thái nhiệt đới, nhiều thiên tai và do ảnh hưởng lâu dài của Nho giáo. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà cho đến ngày nay vai trò của “già làng” “trưởng bản”, thường là những người cao tuổi vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống, xã hội ở cơ sở. Theo quan niệm của Nho giáo, một xã hội hài hoà cần phải có các quy phạm đạo đức, để điều chỉnh các quan hệ xã hội và gia đình, đó là “Đạo”, “Tam cương”, “Ngũ thường”. Trong các chuẩn mực trên có quan hệ cha - con: “cha hiền, con hiếu”. Cha có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, con cái có nghĩa vụ hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Hiếm có một dân tộc nào như Việt Nam, trong huyền thoại và lịch sử, người cao tuổi và người trẻ tuổi đều được nhà nước và xã hội đề cao. Sự kiện Hội nghị Diên Hồng năm 1.285 do Trần Quốc Tuấn triệu tập bao gồm các phụ lão, những đại biểu có uy tín của nhân dân cả nước để bàn kế sách chống quân Nguyên-Mông là một minh chứng.
          Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò NCT luôn luôn được đánh giá cao và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp, phụ lão phù trì”. Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập “Phụ lão cứu quốc hội”.
Hiện nay NCT thường giữ vai trò trọng trách trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở: như tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận. NCT còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xã hội như phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, tổ chức hoà giải, tổ chức khuyến học, khuyến tài… của địa phương và dòng họ. Vì vậy, theo một học giả chuyên nghiên cứu về NCT của liên bang Nga đã từng nhận xét: Nếu một người cao tuổi đã cống hiến sức lao động cho xã hội 40 năm thì xã hội không bao giờ trả được hết nợ cho họ.
          Kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi năm nay chúng ta hãy đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" từ đó nâng chất lượng phong trào thi đua: “Tuổi cao, gương sáng, hiến công hiến kế vì quê hương đất nước”, nâng cao chất lượng chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cán bộ, hội viên và người cao tuổi;  phát huy tiềm năng, kinh nghiệm sống của cán bộ, hội viên và người cao tuổi, góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở khu dân cư, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban chấp hành Trung ương Ðảng tặng cho Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.


                                                                  Mạnh Nguyên
                                                        Dựa theo tài liêu Tuyền truyền của 
                                                                                   TW  hội NCT Việt nam