Mạnh Nguyên
Tôi mới được biết đến
Trang Hạ (Nữ nhà văn) qua “lá thư ngỏ” và “Tiểu luận” của anh Nguyễn Vũ
Cường (Hà Giang). Tuy nhiên vẫn chưa rõ ngô khoai cho lắm nên đành “xớt” lên
ông “Gu-gồ” để tìm hiểu thêm. Và rất may, đã gặp ngay được một bài phỏng vấn
mới toanh, với tựa đề “Muốn chửi khi bị Trang Hạ túm cổ áo nhấc lên” được đăng
trên VTC news. Đọc rồi, ngẫm nghĩ rồi, nhưng tôi cứ thấy có cái gì đó sàn sạn.
Điều rất lạ là Trang Hạ -
với cách tự giới thiệu thì cũng là người từng trải, đã biên tập ở những tờ báo
khá nổi tiếng. Nhưng hình như cách nhìn nhận chủ đề bàn về đàn ông lại có gì đó
rất cực đoan. Vì vậy tôi cũng đồng cảm khi Nguyễn Vũ Cường phải nổi nóng, đưa
ra quan điểm gay gắt với Trang Hạ.
Chúng ta đều biết, đấu tranh
bình quyền cho phụ nữ đã là một chủ đề được cả thế giới quan tâm. Ở đâu sự bình
đẳng nam nữ càng nhiều thì ở đó cũng đồng thời là “tỉ lệ thuận” với trình độ văn minh của xã
hội, đó là điều không thể chối cãi.
Tuy nhiên, nên hiểu bình
đẳng như thế nào giữa hai giới nam và nữ thì đâu đó còn có quan điểm chưa hoàn
toàn thống nhất. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, rạch ròi đến mức căng
dây, kẻ chỉ. Có người cho rằng, bình đẳng là nam và nữ phải hoàn toàn sòng
phẳng, bằng nhau mọi thứ, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến công việc lao động!.
Để bàn sâu về quan điểm
này, trước hết tôi xin nêu ra mấy vấn đề, đương nhiên là có dựa trên cơ sở khoa
học. Tạo hóa sinh ra muôn loài – chỉ trừ phần lớn thực vật và số rất ít động
vật tiến hóa chưa hoàn chỉnh mới mang hệ zen lưỡng tính. Nghĩa là trong một cá
thể có cả giống cái và giống đực, còn lại thì đều được chia ra hai giới khác
nhau. Sự phân chia của Tạo hóa là rất tuyệt vời; giữa hai giới luôn có sự bù trừ
cho nhau. Bởi thế, thuyết “Âm Dương Ngũ Hành” từ hàng ngàn năm trước đây cũng
đã chỉ ra sự bù trừ tuyệt diệu này. Điều ấy đã tạo nên bản nhạc và bức tranh vô
cùng tuyệt tác, sinh động cho sự sống.
Biểu tượng của học thuyết Âm
– Dương là một hình tròn, ngăn cách giữa Âm với Dương là một đường hình chữ S
lộn ngược. Theo đó thì trong Âm có nhân Dương, trong Dương có nhân Âm. Đây là
hai thái cực khác nhau, nhưng lại hòa hợp với nhau trong sự bù trừ. Tuy có sự
khác biệt đấy, nhưng phần tiếp giáp của hai thái cực này lại không thẳng căng
như hai viên gạch xếp kề nhau mà lại là một đường cong thật là uyển chuyển.
Quy định về mang tính Âm,
tính Dương thì có thể hiểu là hai mặt đối lập như sau:
Dương là trên, Âm là dưới;
Dương là trước, Âm là sau; Dương là Trắng, Âm là đen; Dương là nóng, Âm là
lạnh; Dương là sáng, Âm là tối; Dương là thực, Âm là hư; Dương là động, Âm là
tĩnh; Dương là nam, Âm là nữ .v.v và .v.v.
Đối với vũ trụ thì Âm-Dương mà bất hòa ắt sinh ra biến cố tiêu
cực về thời tiết như thiên tai mưa đá, bão, lụt, hạn hán… Còn đối với cơ thể
con người mà Âm-Dương không cân bằng cũng sinh ra bệnh tật, thậm chí là triệt
tiêu sự sống.
Xin nói gọn vào chủ đề nam
- nữ, hay khác đi là hai phái Âm-Dương của con người cũng vậy. Thượng Đế sinh
ra họ đã có sự khác nhau cả về cấu trúc sinh học cũng như tâm lý tình cảm,
nhưng lại có sự thu hút nhau để hòa hợp, bù trừ cho nhau. Anh thiếu mặt này thì
tôi thiếu mặt kia và ngược lại cứ như hai nửa lõm lồi mà chắp vào nhau thì rất
khít để tạo nên sự hoàn hảo.
Bởi vậy, hai giới nam nữ
chính là hai nửa âm - dương của loài người. Họ sinh ra là để cho nhau, giới này
phải có giới kia mới thực sự là hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh ấy sẽ giúp cho muôn
loài nói chung và loài người nói riêng duy trì được sự sống trên thế gian này.
Tôi sinh được hai người
con, một trai, một gái. Năm học lên đến phổ thông trung học thì nhà trường có
cho học thêm môn học nghề, với mục đích là định hướng nghề nghiệp. Nhưng nhà
trường lại chỉ có giáo viên dạy hai nghề nghề may và nghề điện. Khi bố trí học thì
được sắp xếp ngẫu nhiên theo lớp chứ không theo giới. Thế là đứa con gái thì
được học nghề điện. Trong khi học cháu rất chăm chỉ, cũng đủ cả bút điện, đồng
hồ đo điện…Và tất nhiên là đánh giá hết môn được thầy cho điểm khá. Ngược lại,
cậu con trai được xếp vào lớp học may, khi đang học thấy nó cùng các bạn kiếm
giấy, kéo, thước…để tập cắt may khá là tích cực. Rồi kết quả cũng được nhận về
điểm khá.
Có điều rất khôi hài là,
giờ đây chúng đã tốt nghiệp đại học cả rồi, một hôm cái cái cầu chì điện bị đứt,
cô con gái phải gọi bố sửa cho. Còn cậu con trai thì sao, chỉ đứt cái khuy áo
cũng phải nhờ đến mẹ. Thực ra không phải chúng ỉ lại hay lười nhác gì cả, mà
cái nghề chúng được học định hướng ở trường phổ thông là không phù hợp với đặc
điểm của giới tính. Trong thực tế chúng ta cũng dễ nhận thấy, ngành điện lực rất
ít công nhân là nữ, ngược lại ngành dệt may cũng rất hiếm có công nhân là nam
giới.
Công việc trong gia đình
cũng vậy thôi. Tôi nhớ ngày còn học ở đại học, thầy giáo tôi có đọc một bài thơ
vui với tựa đề là: “Bố đi học”, ngay mở đầu bài thơ đã thể hiện khá rõ về vai
trò người đàn ông:
“Bố
đi học vắng buồn sao
Cái
đinh cũng dỉ, con dao cũng cùn…”
Rồi bạn tôi
làm bài họa lại, với tựa đề “Mẹ vắng nhà”, cũng mở đầu với hai câu:
“Mẹ
đi công tác vắng nhà
Thiếu
bàn tay mẹ bếp ga nguội hoài…”
Chắc chắn
không ngẫu nhiên mà hai bài thơ xướng-họa này lại có hai câu mở đầu như vậy.
Trong tục ngữ của đồng bào Tày cũng có câu thế này:
“ Đàn
bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác;
Đàn
ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”
Việc “nuôi
heo” ở đây nên hiểu không chỉ là việc nuôi lợn đơn thuần, mà ý muốn nói lên
công việc của người phụ nữ là “Tề gia nội trợ”. Cũng như vậy, việc “buộc lạt”
không hẳn chỉ là buộc mối lạt đơn thuần, mà là việc dựng nhà dựng cửa.
Trong tiêu
chuẩn về đức hạnh người phụ nữ của Khổng Tử, Người cho rằng: Phụ nữ cần phải có
đủ 4 đức là “Công, dung, ngôn, hạnh”. Ngày nay quan điểm này vẫn được xã hội
hiện đại chấp nhận. Trong đó chữ “công” là ý nói người phụ nữ phải biết về nữ
công gia chánh. Vậy nữ công gia chánh đương nhiên là những việc mang đặc thù
giới tính rồi.
Từ những
phân tích trên đây tôi cho rằng, kiểu phân chia quá rách ròi dẫn đến “vơ đũa cả
nắm” của Trang Hạ là một cái nhìn rất cực đoan, thiếu tính biện chứng. Tôi
không phản đối sự chia sẻ công việc gia đình giữa vợ và chồng, nhưng trong công
việc cũng luôn có đặc thù cho giới tính. Chẳng lẽ những việc mang đặc thù giới
tính đàn ông như sửa chữa nhà cửa, điện, nước… Người chồng cũng phải dành cho
vợ 50% mới là bình đẳng. Tạo hóa chỉ cho phụ nữ được mang bầu và cho con bú,
nếu việc này cũng phải chia đôi thì dù có muốn, đàn ông cũng buộc phải chào
thua.
Trên đời này
không thiếu gì những kẻ nam nhân vô tích sự như chây lười, cờ bạc, rượu chè và
thậm chí là nghiện ngập và bạo hành vợ con. Đó là những kẻ đáng lên án và cũng
đáng được gọi là “con lợn”. Nhưng những người này đâu phải là đa số?. Ngược lại cũng không hiếm những phụ nữ đã vụng đường nuôi con lại thích ngồi
lê mách lẻo, ưa buôn chuyện nói xấu người khác; thậm chí cũng đề đóm, cờ bạc,
lừa gạt tiền, tình…Đối với những người như thế liệu có xứng với hai chữ “sắt
son” dành cho phái đẹp?.
Bởi thế, làm
gì có cả trăm người tốt hoặc cả trăn người đều xấu tập trung vào một giới. Vậy
mà Trang Hạ với tư cách một học giả lại đánh giá con người xấu tốt theo cả một
giới mới là điều không bình thường.
Trong bài
trả lời phỏng vấn VTC news, Trang Hạ có thanh minh rằng, nói “đàn ông là con
lợn” chỉ là dẫn lại lời nhân vật trong một câu chuyện cách đây đã mấy năm. Ở
câu chuyện ấy, anh chồng bị vợ mắng rằng: “…ông khác con lợn ở chỗ nào?” trong
một trận khẩu chiến giữa hai vợ chồng, mà mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ chuyện tị
nạnh nhau trong công việc gia đình và thái độ thiếu chia sẻ của anh chồng nọ.
Đấy chỉ là
hiện tượng cá biệt sao lại đem ra làm dẫn chứng cho tính phổ biến. Mà nếu tất
cả đàn ông đều vô tích sự, đều như những con lợn cả thì chẳng lẽ phụ nữ lại chỉ
còn cách tự kết hôn với nhau để thành được gia đình?.
Việc trích lời
mắng nhiếc của đôi vợ chồng đang cơn thịnh nộ với nhau, thậm chí là “Oán tắng
hội khổ” với nhau ra để dẫn chứng cho một vấn đề xã hội nói chung là không
logic. Vả lại việc dẫn một lời nói, một câu văn từ một hoàn cảnh cá biệt vào
bài viết mà “trích cú” lại chẳng rõ ràng thì tất yếu là làm cho ý tứ của nó méo
mó, không thể còn nguyên nghĩa như ở văn bản gốc.
Cũng may, khi trả lời phỏng vấn phóng viên
VTC news, Trang Hạ đã thừa nhận rằng có người chồng rất tuyệt, biết chia sẻ
cùng vợ những việc vặt trong gia đình. Phải chăng đây là lời thanh minh rằng chồng
của Chị ấy không phải một trong những người đàn ông bị liệt vào danh sách là
“con lợn”?. Rồi còn có bao nhiêu người trên thế gian này được Trang Hạ loại
khỏi danh sách là “con lợn”?.
Nói tóm lại,
việc phê phán, đấu tranh với cái lạc hậu, cái tiêu cực và bất công là công việc
của cả xã hội. Đừng vì một cái nhìn chủ quan, góc nhìn hẹp hòi, nặng định kiến
mà đưa ra nhận định đánh giá thiếu logic, để rồi phải chịu trận “ném đá” của dư
luận, âu cũng là “nhân quả” mà thôi.
M.N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét