Chẳng phải đi xa ra thế giới, mà chỉ đến một số nơi trên đất nước ta đã có thể khai thác được nhiều sự khác biệt về cuộc sống và tập quán của mỗi vùng, miền.
Nếu như người
miền Bắc rất kỵ với việc để mộ phần ở gần nhà và còn cho rằng, có hài cốt trong
nhà là đất nghịch. Mỗi khi thầy địa lý phán dưới nền nhà có hài cốt là
người ta phải tốn kém không biết bao nhiêu công sức để khai quật. Có khi tìm
mãi chỉ thấy được đám đất đen, đất khác mầu thì cũng coi như đó là hài cốt của
người chết lâu năm đã phân hủy. Vậy là bốc di dời đi chôn cất nơi khác và thắp
hương, lễ tạ xong mới yên lòng.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh65KgIF1p_2AnQ_n0jgasKLFr00ITpux7Bq07mKMtJcdEfzKy_oJMTXk1oD8GrB6dbSqiHllpwvlJchC-3qVUn6bVFWa2rQlUAs_SCeBYxMmtOkJ53T2srxUtIXOuCpwCpz4ReRkB7nQg/s320/_dsc0151.jpg)
- Mấy nhà kia như ở giữa nghĩa địa hả anh?
Người lái xe gật đầu:
- Đúng đấy, nhà ngay trong nghĩa địa mà. Lát nữa anh sẽ thấy!
Không phải đợi lâu, chỉ vài phút sau xe chúng tôi đã tiếp cận với một
nghĩa địa nằm sát vệ đường. Hàng loạt
các ngôi nhà dân kề sát ngay bên lề nghĩa địa, nhà nào cũng có vài ngôi mộ xây
lừng lững ở xung quanh. Thậm chí một vài gia đình còn xây mộ phần xếp hàng ngay
trước cửa, chỉ chừa lại mỗi lối đi vào cửa chính, đủ dắt một chiếc xe máy. Ngồi trên xe, tôi đưa máy ảnh chụp vội mấy tấm hình, nay vô tình lại tìm
thấy trong máy tính.
Sau này có đọc được một bài viết tựa đề “Tục chôn người chết trong nhà ở Cà Mau” tôi mới hiểu
thêm, tục này đã được lưu truyền lâu đời ở khu vực rừng U Minh Hạ. Nó xuất phát bởi nỗi lo chôn người chết xa nhà thì thú rừng có thể moi mất xác. Mặt khác, chôn người
đã khuất ở gần nhà còn là “để được nhìn thấy người chết hằng ngày và ngược lại
các linh hồn cũng được chứng kiến sự thay đổi của con cháu, làng
bản”.
Ngày nay, với phong trào xây dựng nông thôn mới, có lẽ các địa phương cũng
cần vận động người dân từ bỏ tập quán sống chung với mộ phần, nhằm bảo đảm vệ
sinh, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu văn minh của xã hội.
C.M