Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

29 tháng 5 2014

KỶ NIỆM TỪ MỘT CHUYẾN ĐI XUYÊN VIỆT


Bài viết này được rút ra từ chuyển thể lời bình
của phóng sự truyền hình cùng tên

 Đoàn du lịch Xuyên Việt của chúng tôi bắt đầu xuất phát lúc 6 giờ 5 phút, ngày 04/4/2014, xuôi theo hướng hướng Nam, phía Hữu ngạn Sông Hồng - đây là một chuyến đi đáng ghi nhớ và cũng là sự mong đợi của hầu hết thành viên trong Đoàn.
          Đến địa phận tỉnh Hòa Bình thì xe rẽ sang đường Hồ Chí Minh - con đường “mòn” lịch sử được hình thành từ những năm chống Mỹ; là địa điểm khởi nguồn của bài ca “Chiếc gậy Trường Sơn”. Nơi đây như còn in dấu của những đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm của các chiến sỹ giải phóng quân năm xưa. Con đường này hôm nay dù đã được trải nhựa phẳng lỳ, nhưng khung cảnh hùng vĩ của một góc rừng Cúc Phương vẫn gợi nên ấn tượng về nỗi gian truân mà cha, anh chúng ta đã một thời vượt qua đây để “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”.
Vũng Chùa-Quảng Bình
          Vẫn trên quốc lộ Hồ Chí Minh, 2 chiếc xe hơi tiếp tục rong ruổi để đưa chúng tôi đến với khu di tích đầu tiên, đó là Ngã ba Đồng Lộc - nơi có 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong đã gội bom, tắm đạn của quân thù, anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Dưới cái nắng trưa gay gắt của miền Trung, đoàn ghé lại đây thắp nén tâm nhang, bày tỏ lòng tri ân, thành kính với những người chị anh hùng, thầm chúc cho các chị đẹp mãi tuổi thanh xuân, tiếp tục dõi theo sự đổi mới đi lên và tương lai tươi sáng của đất nước mà trong ấy có kết tinh một phần máu xương của các chị.
          Hà Tĩnh xưa là sự khắc nghiệt của chiến tranh, Hà Tĩnh nay vẫn phải chịu sự tàn phá của bão lụt. Mặc dù chưa đến mùa mưa bão, nhưng hàng loạt cây cối gãy đổ, hậu quả của những trận cuồng phong năm trước vẫn cho thấy sự tàn khốc của thiên nhiên trên mảnh đất này.
16 giờ ngày thứ 2 Đoàn đến Vũng Chùa - Đảo Yến trên đất Quảng Bình, nơi đặt thi hài của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Như nhận xét của nhiều người, nơi yên nghỉ của Đại tướng có một địa thế phong thủy thật tuyệt vời:
Lưng tựa núi mặt hướng nhìn ra biển
Ngoài khơi xa Đảo Yến hướng về Người
Biển khơi xanh hòa màu xanh đất mẹ
          Người nằm đây còn trấn giữ biển khơi. 
Xung quanh mộ Đại tướng luôn rực rỡ muôn sắc màu, bởi hàng trăm vòng hoa và phảng phất mùi hương trầm. Đó là lòng ngưỡng mộ của cháu con trên khắp mọi miền Tổ Quốc về đây, bày tỏ tri ân cùng Đại tướng. Theo các chiến sỹ bảo vệ Gác chuông trước mộ đã được gia đình Đại tướng xây cất nên từ năm 2008,  hẳn đã là thể hiện ý định nơi an nghỉ cuối cùng cho Người từ nhiều năm trước đó. Có người nói, việc chọn vị trí an táng cho Đại tướng không chỉ là nơi yên giấc ngàn thu, mà với địa thế này Người còn tiếp tục chấn trạch biển Đông cho Tổ Quốc.
Tạm biệt Quảng Bình cũng là nơi in dấu ấn của giới tuyến tạm thời, nơi chia cắt 2 miền Nam - Bắc ở những năm giữa thế kỷ 20. Nơi đây vẫn còn một giàn loa phát thanh, đưa tiếng nói của miền Bắc gửi sang bờ Nam cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Cây cầu cũ với hai màu riêng biệt và chòi lính gác ở bờ Nam nay chỉ còn lại là dấu tích của một thời máu lửa; của những tháng năm ngày Bắc-đêm Nam. Giờ đây sự tương phản với nó còn là một tượng đài mẹ con ngóng trông về bờ Bắc, gợi cho ta chạnh nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“…Dao nào cắt được dòng Bến Hải
Lửa nào thiêu được dải trường Sơn
Căm hờn lại dục căm hờn
Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu…”
Huế, nơi cố đô đầy thơ mộng!. Thủ đô cuối cùng của triều đại Phong Kiến Việt Nam còn để lại rất nhiều những lăng tẩm đền đài. Đến thăm lăng Khải Định - công trình đầu tiên được xây cất hoành tráng bằng vật liệu xi măng, sắt thép mà khi ấy phải vận chuyển từ nước Pháp xa xôi, vượt hàng vạn hải lý về đây, đủ biết là tốn kém đến nhường nào.
Cách lăng Khải Định  không xa là thành đô Đại Nội, nơi ở và làm việc của 13 đời vua triều Nguyễn. Vừa bước vào cổng thành đã thấy 9 cây súng lớn, được gọi là “Cửu đại thần công” đặt ở 2 bên. Bên phải (năm cây) thần công biểu thị cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; bên trái (bốn cây) thần công biểu thị cho Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi cây súng này được đúc với 18 tấn đồng. Mặc dù rất hoành tráng, nhưng chưa bao giờ được bắn, vì thời ấy những khẩu súng to xác này đã quá lạc hậu so với vũ khí tối tân của quân đội Pháp. Trong Đại nội, nơi ở của Hoàng tộc và cũng là nơi thiết triều của các vị vua, công trình được xây dựng nguy nga, hoàn toàn theo kiến trúc đăng đối của văn hóa phương Đông. Du khách chỉ cần bỏ ra 1 chút tiền là sẽ được trở thành ông hoàng, bà chúa ngay trong giây lát.
Ngoài Thành nội là cả một hệ thống kênh nước bao quanh. Có lẽ triều đình Huế thời đó muốn dùng hào nước như thế để bảo vệ thành trì, đảm bảo an ninh cho hoàng tộc và cả bộ máy thượng tầng của chế độ.

Trên đỉnh BÀ NÀ-Đà Nẵng
Lượt vào, đoàn không vượt đèo Hải Vân mà cho xe chạy dưới đường hầm, xuyên đèo để đến với Đà Nẵng. Nhưng lượt quay ra thì lại vượt đỉnh Đèo để được ngắm nhìn trời biển bao la. Đỉnh Hải Vân là phân giới giữa 2 tỉnh Huế và Đà Nẵng. Thành phố biển Đà Nẵng cũng là nơi có nhiều khu du lịch nổi tiếng, trên núi Ngũ Hành Sơn là cả một tổ hợp đền, chùa, am miếu được xây cất cheo leo trên sườn đá. Nhưng đến với Đà Nẵng, nơi đáng nhớ phải là khu du lịch BÀ NÀ HILLSS. Ở đây có tuyến cáp treo được mệnh danh “4 nhất”. Đường cáp dài trên 7 Km, hoàn toàn không có mối nối. Được di chuyển trên cáp treo du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên ngay dưới chân mình. Đó là những cánh rừng nguyên sinh, những vách đá, khe sối rất thơ mộng. Lên đến đỉnh BÀ NÀ, không khí dịu mát tựa như trên Cao Nguyên, các kiến trúc do người Pháp xây cất ở đây là những ngôi biệt thự, những lâu đài hình trụ, mái nhọn cổ kính. Trong khu du lịch này có rất nhiều trò chơi kỳ thú. Biển Đà Nẵng cũng khá đẹp, sóng mạnh, màu nước xanh biếc. Tắm ở đây phải biết nhảy sóng thì mới thấy hết sự thú vị.
Buổi tối đi chơi trên phố cổ Hội An, mục sở thị một số làng nghề và mua vài thứ hàng lưu niệm, ghé mấy căn nhà cổ được xếp hạng di tích thế giới cũng là một kiểu thư dãn. Dù chưa đi được hết nhưng cũng cảm được vẻ huyện ảo và sống động của mảnh đất này.
Trên đường đến Nha trang, thủ phủ tỉnh Khánh Hòa xe chạy quanh vịnh Vũng Rô, được biết đây là một trong những điểm tập kết của các con tàu “không số” thời đánh Mỹ. Đêm về, Vũng Rô lung linh trong ngàn vạn ánh đèn của các thuyền câu mực. Vậy mà trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây cha anh chúng ta đã từng được người dân địa phương chở che, đùm bọc để làm nên chiến thắng.
Xe tiếp tục lướt nhanh trên Quốc lộ 1, giữa những rừng dừa bạt ngàn. Đến Nha Trang là đến với du lịch qua các đảo trên một vùng vịnh xinh đẹp; đến với khu vui chơi trên đảo VINPEARL – đây là những địa danh khá nổi tiếng. Đi tàu biển, ngắm mặt biển xanh được điểm xuyết bới những con tàu cao tốc lướt nhanh trên sóng. Sau khảng 3 giờ trên tàu là đã đến được với nhiều đảo khác nhau, được tham gia các trò chơi như lặn dưới biển, bay trên dù lượn hoặc xem san hô qua đáy thuyền thúng thủy tinh …Được thưởng thức đặc sản tôm, cua, mực tươi và ăn gỏi cá mú ngay trên nhà nổi. 
 Vào Thủy cung của VINPEARL ta có thể đạt được cảm giác như đang ở đáy đại dương, được làm bạn với con cháu của Long Vương, thậm chí được chụp hình cả với mấy anh cá mập. Tùy thích mà mỗi người có thể xuống bãi tắm hay tham gia các trò chơi cảm giác mạnh như, ngồi trên xe trượt, lên đu quay, ôm ván vượt thác nước... Từ VINPEARL vào bờ cũng có đường cáp treo. Khác với cáp treo Bà Nà, ở đây là đi trên biển, ngắm mặt biển xanh cho cảm giác tựa như đi trên trực thăng vậy.
Ròng rã trên xe một ngày nữa, qua các tỉnh Bình phước, Ninh thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiểt, Đồng Nai, Bình Dương. Hai bên đường hình ảnh của miền Nam ngày càng thêm rõ nét.  Những rừng dừa trải dài mông mênh, xen với những cánh đồng thanh long. Dưới cái nắng, cái gió của miền Đông Nam bộ là những trụ quạt máy phát điện sức gió, nổi bật giữa nền trời xanh.
Sau hơn một tuần là đến thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều chứng tích của cuộc chiến tranh giải phóng. Một trong những chứng tích đó là Dinh Độc Lập - sào huyệt của các đời tổng thống bù nhìn. Được biết, từ năm 1873 – dưới thời thuộc Pháp, chính quyền bảo hộ đã cho xây dinh toàn quyền Đông Dương ở chính vị trí này, tòa dinh thự cũ ấy có tên là dinh Nô-Rô-Đôm. Đến năm 1962 dinh Nô-Rô-Đôm bị ngụy quyền Sài Gòn phá đi để xây dinh Độc Lập, tòa dinh này được hoàn thành vào tháng 10/1966. Dinh Độc Lập tọa lạc trên một khuôn viên rộng 12 ha, quy mô 4 tầng chính, 2 gác lửng, một tầng trệt và 2 đoạn tầng ngầm, do kỹ sư người Việt là Ngô Viết Thụ - người đã từng đoạt giải khôi nguyên La Mã thiết kế.
Công viên Đầm Sen
Sau khi hoàn thành, dinh Độc Lập là nơi ở và làm việc của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa - Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 8/ 4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung đã ném 2 quả bom vào khảng sân thượng, nơi để chiếc máy bay trực thăng phục vụ tổng thống đi kinh lý. Tầng ngầm được thiết kế rất tối tân, vững chắc, là nơi Tổng thống làm việc và điều hành khi chiến sự căng thẳng. Ở đây còn được bố trí cả một hệ thống viễn thông phục vụ chỉ huy tác chiến và một đài phát thanh dự phòng. Khi xe tăng quân Giải phóng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập thì tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa là Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu hàng chính quyền Cách mạng vô điều kiện. Dinh này đã được Chính phủ ta quyết định xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2009.
Công viên Đầm Sen - một khu vui chơi nổi tiếng cũng ở thành Phố Hồ Chí Minh là một nơi có nhiều cảnh quan kỳ diệu, đến đây du khách cũng có thể lựa chọn nhiều trò chơi giả trí. Song, đã đến thành phố này thì nên để dành chút thời gian ghé thăm Cảng Nhà Rồng, nơi hơn một trăm năm trước Bác Hồ đã từ đây xuống tàu, sang tận phương trời Tây xa xôi để tìm đường cứu nước.
Dưới cánh bay đi Côn Đảo
Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo bằng đường hàng không, du khách có thể ngắm cảnh dưới cánh bay, với toàn cảnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện ra tựa một bản đồ, các nhánh sông Cửu Long lần lượt lướt qua, ngoằn ngoèo như như những con rồng lớn. Biển xanh ngắt, lăn tăn sóng, chập chờn dưới mây trắng. Sau 40 phút là đã có mặt tại sân bay Côn Đảo.
Viếng Mộ nữ Anh hùng LS Võ Thị Sáu
Đến Côn Đảo là đến với mảnh đất thấm đầy máu của bao thế hệ chiến sỹ Cách mạng. Để có dịp viếng nghĩa trang Hàng Dương, nơi hiện có hơn một ngàn chín trăm ngôi mộ, trong đó phần lớn các ngôi mộ là chưa biết được danh tính. Được biết trên hòn đảo này vẫn còn đến gần chục ngàn ngôi mộ nữa còn chưa tìm được, trong đó có không ít mộ của chiến sỹ ta đã bị kẻ thù gạt xuống biển khơi. Bất kể ngày hay đêm ở nghĩa trang Này đều luôn có các đoàn người từ khắp mọi miền đất nước về  viếng các anhh hùng liệt sỹ. Bên mộ nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu luôn tràn ngập một màu hoa trắng.
Riêng nhà lao Côn Đảo – nơi được coi là địa ngục trần gian ta mới thấy được sự tàn bạo của kẻ thù, càng thấm thía hơn về giá trị của chiến thắng 30/4/1975.
Trưa Cà Mau
Rời Côn Đảo, chúng tôi đi tiếp xuống Mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Tổ quốc. Trên đường đi có ghé qua chợ nổi Cần thơ, vượt qua 2 cây cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu. Đây là những cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á. Rồi lần lượt đi qua các địa danh Vũng tàu, Hậu Giang, Vĩnh Long... Phong cảnh đồng bằng miền Tây với những rừng dừa nước cùng với những vạt rừng đước, rừng mắm mênh mông. Thấp thoáng bên các trảng cây rừng là mái nhà dân thấp nhỏ, được làm bằng gỗ nước mặn, lợp và thưng vách đều là sản phẩm của dừa nước. Đường đồng bằng thẳng tắp, nhưng xe luôn bị dềnh lên vì liên tục phải qua cầu. Trưa Cà Mau mà bầu trời ở đây như thấp hơn nơi khác, hắt cái nắng miền gần xích đạo xuống càng thêm gay gắt. Xe chạy đến huyện Năm Căn thì không còn đường bộ, để đến Ngọc Hiển - huyện cực Nam thì phải tiếp tục đi trên tầu cao tốc dọc theo sông Cái Lớn. Hai bên sông những làng chài san sát, tanh nồng mùi hải sản. Sau một giờ quá giang trên tầu cao tốc là đến được điểm nút cuối cùng của lục địa Việt Nam. Nắng dữ dằn như theo sát đoàn du lịch về đến tận vườn quốc gia. Ở chóp Mũi này có một tháp cao 21 mét, lên trên đó là được chiêm ngưỡng cả không gian rừng và biển. Được biết, mỗi năm dòng Cửu Long đã bồi đắp để nơi đây tiến ra khơi đến hàng trăm mét. Ai đến đây cũng không thể bỏ qua nơi cột cờ Tổ quốc và cột Mốc chủ quyền mang biểu tượng mũi Cà Cau và hình dáng mũi tàu, như nhà thơ Xuân Diệu đã ví von:
“Tổ quốc tôi như một con tàu
 Mũi thuyền xé sóng, mũi Cà Mau”.
Ngay phía sau cột Mốc chủ quyền là cánh rừng đước – căn cứ địa của ta trong kháng chiến. Vào rừng đước không khí mát dịu hẳn, bởi những hàng đước vươn lên thẳng tắp, tán che kín mặt tời, thân đước vững vàng trên tán rễ xum xuê bám chặt vào lòng đất mẹ. Phải vạy mà cây đước đã được coi là biểu tượng cho sự kiên cường và sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
Bên mốc chủ quyền Quốc Gia
Kết thúc chặng một, Đoàn quay ngược lên Tây Nguyên, mới chạm đất Lâm Đồng là cảnh núi núi non đã lại hiện ra. Hai bên đường, những hàng thông già cứ vun vút trôi qua. Buổi sáng ở Đà Lạt - thủ phủ tỉnh Lâm Đòng tuy có nắng, nhưng  không khí vẫn dịu mát. Dạo quanh Hồ Xuân Hương (trung tâm thành phố), khung cảnh tựa như bức tranh thủy mạc hữu tình. Đà Lạt là một thành phố đặc biệt với “5 không” - không đèn đỏ; không máy điều hòa; không có nhà máy; không lụt lội và không có xích lô. Vườn hoa Đà Lạt với trăm hoa đua sắc, đến đây không để lại tấm hình lưu niệm thì thật là đáng tiếc. Đến cuối vườn hoa có thể nhìn thấy hồ Than Thở và thung lũng Tình Yêu, nơi cảnh sắc sinh tình - điểm hẹn hò của hàng trăm đôi uyên ương của nhiều thế hệ.
Ở Đà Lạt cũng có dinh Bảo Đại –vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã chọn làm nơi nghỉ cùng gia đình và tiếp kiến các chính khách. Dù với thân phận bù nhìn nhưng Bảo Đại vẫn có một cuộc sống vương giả khác đời thường. Đến thác DATANLA – khu du lịch sinh thái luôn ồn ào vì tiếng thác. Vì vừa mới có trận mưa cho nên nước của con thác này đã chuyển sang màu vàng đất phù sa.
Rời Đà Lạt chúng tôi tiếp tục quay trở về miền Bắc, đường xuống dốc hut hút đến ù tai, hai bên đường là những cánh rừng thông, xen với rừng nguyên sinh trùng điệp chạy dài hàng chục cây số.
Vườn hoa Đà Lạt
Cuối cùng, điểm dừng chân là chùa Bái Đính, Ninh Bình. Mới bước chân đến khu vực chùa đã bực mình vì buộc phải đi xe điện với cái giá cắt cổ. Từ cổng vào, hàng đoàn người bán hàng rông xúm lại chèo kéo, đeo bám, gây khó chịu cho khách. Mặc dù nhà Chùa đang được tu bổ, mở rộng khang trang hơn. Nhưng việc quản lý khu du lịch đã giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu. Vì vậy nên ở đây như không còn là chốn  linh thiêng, thanh tịnh nữa. Nó thực sự đã nhuốm màu kinh doanh. Trong chùa thì chỗ nào cũng thấy hòm công đức bày la liệt. Tội nhất là các vị La hán ngồi xếp hàng hai bên đường vào khu chính điện tam tòa. Vị nào cũng bị khách sờ mó, vuốt ve nên cả chân tay, đầu gối đều đen nhẻm. Với cách quản lý du lịch kiểu này thì không biết người ngoại quốc họ sẽ nghĩ gì về du lịch của ta đây!.
Hơn 20 ngày ngao du dọc đất nước, chiều 27/4/2014 Đoàn đã trở về đến Phố Lu-nơi xuất phát, ai cũng thấm mệt, nhưng chuyến đi thực sự vui vẻ và an toàn.  Xin chân thành bày tỏ lòng cảm ơn đến Huyện ủy, UBND huyện Bảo Thắng quan tâm, tạo điều kiện để các cán bộ đã và sẽ hoàn thành nhiệm vụ có được một chuyến đi nghỉ đầy ý nghĩa.
                                                                              Mạnh Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét