Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

30 tháng 3 2015

CÁCH TINH TUỔI KIM LÂU VÀ NHỮNG QUAN NIỆM DÂN GIAN VỀ XEM NGÀY

Khởi nguồn về cách tính tuổi Kim lâu được viết trong cuốn sách "Thông thư” của Trung Quốc. Theo đó thì, khi dựng vợ, gả chồng hay dựng nhà cần tránh các tuổi Kim Lâu, Hoàng Ốc và Tam tai.

Về tính tuổi Kim lâu có 2 cách tính riêng cho nam và nữ - "Dựng vợ gả chồng xem tuổi đàn bà, dựng cửa dựng nhà xem tuổi đàn ông". Trường hợp gia đình không có đàn ông, chỉ có người đàn bà là chủ gia đình thì làm nhà mới xem tuổi Kim Lâu của đàn bà (người đứng chủ gia đình).
    
Cách tính tuổi Kim Lâu đối với đàn ông là lấy tuổi mụ của người trụ cột trong gia đình chia cho 9, còn xem Kim Lâu của đàn bà là chia cho 10: 
+ Nếu dư 1 là phạm "Kim Lâu thân" (Gây hại cho bản thân người chủ); 
+ Nếu dư 3 là phạm "Kim Lâu thê" (Gây hại cho vợ của người chủ); 
+ Nếu dư 6 là phạm "Kim Lâu tử" (Gây hại cho con của người chủ); 
+ Nếu dư 8 là phạm "Kim Lâu lục súc" (Gây hại cho con vật nuôi trong nhà). Trường hợp không phải là người chuyên làm nghề chăn nuôi hoặc quá yêu quý động vật thì phạm phải Kim Lâu lục súc cũng không sao. 


Như vậy, tuổi Kim Lâu cần tránh là: 10, 12, 15, 17, 19, 21, 24, 26, 28, 30, 33, 35, 37, 39, 42, 44, 46, 48, 51, 53, 55, 57, 60, 62, 64, 66, 69, 71, 73, 75. 

Theo cách tính cung Kim Lâu trên lòng bàn tay thì, các cung phạm Kim Lâu là: Khôn, Càn, Cấn, Tốn; các cung không phạm Kim lâu là: Đoài, Khảm, Chấn, Ly, Ngũ Trung. 
Theo quy luật chuyển cung Bát quái, thuận chiều kim đồng hồ thì cứ cách 1 cung phạm Kim Lâu lại có một cung không phạm.


Tuổi Hoàng ốc cần tránh là: 12, 14, 15, 18, 21, 23, 24, 27, 29, 30, 32, 33, 36, 38, 39, 42, 45, 47, 48, 50, 51, 54, 56, 57, 60, 63, 65, 66, 69, 72, 74, 75. 

Các tuổi gặp hạn Tam tai cần tránh: 
+ Người chủ tuổi Thân-Tí-Thìn gặp hạn Tam tai vào năm Dần-Mão-Thìn 
+ Người chủ tuổi Dần-Ngọ-Tuất gặp hạn Tam tai vào năm Thân-Dậu-Tuất 
+ Người chủ tuổi Tỵ-Dậu-Sửu gặp hạn Tam tai vào năm Hợi-Tí-Sửu 
+ Người chủ tuổi Hợi-Mão-Mùi gặp hạn Tam tai vào năm Tỵ-Ngọ-Mùi 

Như vậy, đối chiếu với cách tính trong "Thông thư” thì cách tính của các cụ xưa nay có sự khác biệt. Vì cách tính Kim Lâu của người nam trong sách "Thông thư” là lấy tuổi mụ của người trụ cột gia đình chia cho 9, còn cách tính của các cụ lại lấy tuổi mụ chia cho 10. Như vậy, cách tính Kim lâu của các cụ truyền lại là sai với sách. Mặc dù vậy, bao đời nay con cháu vẫn áp dụng cách tính sai này. (!?) 

Từ đó cho thấy, chuyện tính tuổi Kim lâu còn mang tính dân gian, truyền miệng và mang tính địa phương; phụ thuộc vào quan niệm của từng vùng, từng miền. Ví dụ, ở miền Bắc nước ta, lấy vợ xem tuổi đàn bà để tránh Kim lâu, nhưng ở miền Trung lại lấy tuổi đàn ông để tính... 

Những thuyết xưa truyền lại nhiều khi không thuộc về kiến thức mà chỉ là những kinh nghiệm dân gian được đúc rút lại. Cách tính của các cụ thông thường chỉ là bấm ngày, truyền miệng. Bởi vậy, chỉ nên xem đó như những liệu pháp tinh thần trong đời sống, chứ không nên áp đặt vào trong mọi trường hợp. Không nên quá lệ thuộc vào những thuyết xưa mà sinh ra mê muội, mù quáng nhiều khi dẫn đến hại mình, hại cả cho người, mất đi những giá trị quý giá trong hiện thực.

                                                                                                                        Cả Mõ


                                                                                                        Tham khảo theo AFamily
                                                                                                        và Phong thuỷ tổng hợp


18 tháng 3 2015

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU BÀN VỀ “CON LỢN” CỦA TRANG HẠ

Mạnh Nguyên  

Tôi mới được biết đến Trang Hạ (Nữ nhà văn) qua “lá thư ngỏ” và “Tiểu luận” của anh Nguyễn Vũ Cường (Hà Giang). Tuy nhiên vẫn chưa rõ ngô khoai cho lắm nên đành “xớt” lên ông “Gu-gồ” để tìm hiểu thêm. Và rất may, đã gặp ngay được một bài phỏng vấn mới toanh, với tựa đề “Muốn chửi khi bị Trang Hạ túm cổ áo nhấc lên” được đăng trên VTC news. Đọc rồi, ngẫm nghĩ rồi, nhưng tôi cứ thấy có cái gì đó sàn sạn.
Điều rất lạ là Trang Hạ - với cách tự giới thiệu thì cũng là người từng trải, đã biên tập ở những tờ báo khá nổi tiếng. Nhưng hình như cách nhìn nhận chủ đề bàn về đàn ông lại có gì đó rất cực đoan. Vì vậy tôi cũng đồng cảm khi Nguyễn Vũ Cường phải nổi nóng, đưa ra quan điểm gay gắt với Trang Hạ.
Chúng ta đều biết, đấu tranh bình quyền cho phụ nữ đã là một chủ đề được cả thế giới quan tâm. Ở đâu sự bình đẳng nam nữ càng nhiều thì ở đó cũng đồng thời là  “tỉ lệ thuận” với trình độ văn minh của xã hội, đó là điều không thể chối cãi.
Tuy nhiên, nên hiểu bình đẳng như thế nào giữa hai giới nam và nữ thì đâu đó còn có quan điểm chưa hoàn toàn thống nhất. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, rạch ròi đến mức căng dây, kẻ chỉ. Có người cho rằng, bình đẳng là nam và nữ phải hoàn toàn sòng phẳng, bằng nhau mọi thứ, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến công việc lao động!.
Để bàn sâu về quan điểm này, trước hết tôi xin nêu ra mấy vấn đề, đương nhiên là có dựa trên cơ sở khoa học. Tạo hóa sinh ra muôn loài – chỉ trừ phần lớn thực vật và số rất ít động vật tiến hóa chưa hoàn chỉnh mới mang hệ zen lưỡng tính. Nghĩa là trong một cá thể có cả giống cái và giống đực, còn lại thì đều được chia ra hai giới khác nhau. Sự phân chia của Tạo hóa là rất tuyệt vời; giữa hai giới luôn có sự bù trừ cho nhau. Bởi thế, thuyết “Âm Dương Ngũ Hành” từ hàng ngàn năm trước đây cũng đã chỉ ra sự bù trừ tuyệt diệu này. Điều ấy đã tạo nên bản nhạc và bức tranh vô cùng tuyệt tác, sinh động cho sự sống. 

(Biểu tượng Âm-Dương)

Biểu tượng của học thuyết Âm – Dương là một hình tròn, ngăn cách giữa Âm với Dương là một đường hình chữ S lộn ngược. Theo đó thì trong Âm có nhân Dương, trong Dương có nhân Âm. Đây là hai thái cực khác nhau, nhưng lại hòa hợp với nhau trong sự bù trừ. Tuy có sự khác biệt đấy, nhưng phần tiếp giáp của hai thái cực này lại không thẳng căng như hai viên gạch xếp kề nhau mà lại là một đường cong thật là uyển chuyển.
Quy định về mang tính Âm, tính Dương thì có thể hiểu là hai mặt đối lập như sau:
Dương là trên, Âm là dưới; Dương là trước, Âm là sau; Dương là Trắng, Âm là đen; Dương là nóng, Âm là lạnh; Dương là sáng, Âm là tối; Dương là thực, Âm là hư; Dương là động, Âm là tĩnh; Dương là nam, Âm là nữ .v.v và .v.v.
Đối với vũ trụ thì  Âm-Dương mà bất hòa ắt sinh ra biến cố tiêu cực về thời tiết như thiên tai mưa đá, bão, lụt, hạn hán… Còn đối với cơ thể con người mà Âm-Dương không cân bằng cũng sinh ra bệnh tật, thậm chí là triệt tiêu sự sống.
Xin nói gọn vào chủ đề nam - nữ, hay khác đi là hai phái Âm-Dương của con người cũng vậy. Thượng Đế sinh ra họ đã có sự khác nhau cả về cấu trúc sinh học cũng như tâm lý tình cảm, nhưng lại có sự thu hút nhau để hòa hợp, bù trừ cho nhau. Anh thiếu mặt này thì tôi thiếu mặt kia và ngược lại cứ như hai nửa lõm lồi mà chắp vào nhau thì rất khít để tạo nên sự hoàn hảo.
Bởi vậy, hai giới nam nữ chính là hai nửa âm - dương của loài người. Họ sinh ra là để cho nhau, giới này phải có giới kia mới thực sự là hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh ấy sẽ giúp cho muôn loài nói chung và loài người nói riêng duy trì được sự sống trên thế gian này.
Tôi sinh được hai người con, một trai, một gái. Năm học lên đến phổ thông trung học thì nhà trường có cho học thêm môn học nghề, với mục đích là định hướng nghề nghiệp. Nhưng nhà trường lại chỉ có giáo viên dạy hai nghề nghề may và nghề điện. Khi bố trí học thì được sắp xếp ngẫu nhiên theo lớp chứ không theo giới. Thế là đứa con gái thì được học nghề điện. Trong khi học cháu rất chăm chỉ, cũng đủ cả bút điện, đồng hồ đo điện…Và tất nhiên là đánh giá hết môn được thầy cho điểm khá. Ngược lại, cậu con trai được xếp vào lớp học may, khi đang học thấy nó cùng các bạn kiếm giấy, kéo, thước…để tập cắt may khá là tích cực. Rồi kết quả cũng được nhận về điểm khá.
Có điều rất khôi hài là, giờ đây chúng đã tốt nghiệp đại học cả rồi, một hôm cái cái cầu chì điện bị đứt, cô con gái phải gọi bố sửa cho. Còn cậu con trai thì sao, chỉ đứt cái khuy áo cũng phải nhờ đến mẹ. Thực ra không phải chúng ỉ lại hay lười nhác gì cả, mà cái nghề chúng được học định hướng ở trường phổ thông là không phù hợp với đặc điểm của giới tính. Trong thực tế chúng ta cũng dễ nhận thấy, ngành điện lực rất ít công nhân là nữ, ngược lại ngành dệt may cũng rất hiếm có công nhân là nam giới.
Công việc trong gia đình cũng vậy thôi. Tôi nhớ ngày còn học ở đại học, thầy giáo tôi có đọc một bài thơ vui với tựa đề là: “Bố đi học”, ngay mở đầu bài thơ đã thể hiện khá rõ về vai trò người đàn ông:
“Bố đi học vắng buồn sao
Cái đinh cũng dỉ, con dao cũng cùn…”
          Rồi bạn tôi làm bài họa lại, với tựa đề “Mẹ vắng nhà”, cũng mở đầu với hai  câu:
“Mẹ đi công tác vắng nhà
Thiếu bàn tay mẹ bếp ga nguội hoài…”
          Chắc chắn không ngẫu nhiên mà hai bài thơ xướng-họa này lại có hai câu mở đầu như vậy. Trong tục ngữ của đồng bào Tày cũng có câu thế này:
“ Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác;
Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”
          Việc “nuôi heo” ở đây nên hiểu không chỉ là việc nuôi lợn đơn thuần, mà ý muốn nói lên công việc của người phụ nữ là “Tề gia nội trợ”. Cũng như vậy, việc “buộc lạt” không hẳn chỉ là buộc mối lạt đơn thuần, mà là việc dựng nhà dựng cửa.
          Trong tiêu chuẩn về đức hạnh người phụ nữ của Khổng Tử, Người cho rằng: Phụ nữ cần phải có đủ 4 đức là “Công, dung, ngôn, hạnh”. Ngày nay quan điểm này vẫn được xã hội hiện đại chấp nhận. Trong đó chữ “công” là ý nói người phụ nữ phải biết về nữ công gia chánh. Vậy nữ công gia chánh đương nhiên là những việc mang đặc thù giới tính rồi.
          Từ những phân tích trên đây tôi cho rằng, kiểu phân chia quá rách ròi dẫn đến “vơ đũa cả nắm” của Trang Hạ là một cái nhìn rất cực đoan, thiếu tính biện chứng. Tôi không phản đối sự chia sẻ công việc gia đình giữa vợ và chồng, nhưng trong công việc cũng luôn có đặc thù cho giới tính. Chẳng lẽ những việc mang đặc thù giới tính đàn ông như sửa chữa nhà cửa, điện, nước… Người chồng cũng phải dành cho vợ 50% mới là bình đẳng. Tạo hóa chỉ cho phụ nữ được mang bầu và cho con bú, nếu việc này cũng phải chia đôi thì dù có muốn, đàn ông cũng buộc phải chào thua.
          Trên đời này không thiếu gì những kẻ nam nhân vô tích sự như chây lười, cờ bạc, rượu chè và thậm chí là nghiện ngập và bạo hành vợ con. Đó là những kẻ đáng lên án và cũng đáng được gọi là “con lợn”. Nhưng những người này đâu phải là đa số?.  Ngược lại cũng không hiếm những  phụ nữ đã vụng đường nuôi con lại thích ngồi lê mách lẻo, ưa buôn chuyện nói xấu người khác; thậm chí cũng đề đóm, cờ bạc, lừa gạt tiền, tình…Đối với những người như thế liệu có xứng với hai chữ “sắt son”  dành cho phái đẹp?.
          Bởi thế, làm gì có cả trăm người tốt hoặc cả trăn người đều xấu tập trung vào một giới. Vậy mà Trang Hạ với tư cách một học giả lại đánh giá con người xấu tốt theo cả một giới mới là điều không bình thường.  
          Trong bài trả lời phỏng vấn VTC news, Trang Hạ có thanh minh rằng, nói “đàn ông là con lợn” chỉ là dẫn lại lời nhân vật trong một câu chuyện cách đây đã mấy năm. Ở câu chuyện ấy, anh chồng bị vợ mắng rằng: “…ông khác con lợn ở chỗ nào?” trong một trận khẩu chiến giữa hai vợ chồng, mà mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ chuyện tị nạnh nhau trong công việc gia đình và thái độ thiếu chia sẻ của anh chồng nọ.
          Đấy chỉ là hiện tượng cá biệt sao lại đem ra làm dẫn chứng cho tính phổ biến. Mà nếu tất cả đàn ông đều vô tích sự, đều như những con lợn cả thì chẳng lẽ phụ nữ lại chỉ còn cách tự kết hôn với nhau để thành được gia đình?.
          Việc trích lời mắng nhiếc của đôi vợ chồng đang cơn thịnh nộ với nhau, thậm chí là “Oán tắng hội khổ” với nhau ra để dẫn chứng cho một vấn đề xã hội nói chung là không logic. Vả lại việc dẫn một lời nói, một câu văn từ một hoàn cảnh cá biệt vào bài viết mà “trích cú” lại chẳng rõ ràng thì tất yếu là làm cho ý tứ của nó méo mó, không thể còn nguyên nghĩa như ở văn bản gốc. 
          Cũng may, khi trả lời phỏng vấn phóng viên VTC news, Trang Hạ đã thừa nhận rằng có người chồng rất tuyệt, biết chia sẻ cùng vợ những việc vặt trong gia đình. Phải chăng đây là lời thanh minh rằng chồng của Chị ấy không phải một trong những người đàn ông bị liệt vào danh sách là “con lợn”?. Rồi còn có bao nhiêu người trên thế gian này được Trang Hạ loại khỏi danh sách là “con lợn”?.
          Nói tóm lại, việc phê phán, đấu tranh với cái lạc hậu, cái tiêu cực và bất công là công việc của cả xã hội. Đừng vì một cái nhìn chủ quan, góc nhìn hẹp hòi, nặng định kiến mà đưa ra nhận định đánh giá thiếu logic, để rồi phải chịu trận “ném đá” của dư luận, âu cũng là “nhân quả” mà thôi.
                                                                                                                            M.N
                                                                                                                                         

14 tháng 3 2015

Tháng 6/2015, đổi giấy phép lái xe qua mạng trên cả nước

(Theo Đời sống Pháp luật Online)

(ĐSPL) - Dự kiến, tháng 6/2015, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ áp dụng hình thức cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET qua mạng.
Tháng 6/2015, đổi giấy phép lái xe qua mạng trên cả nước - Ảnh 1

Đổi giấy phép lái xe qua mạng dự kiến được áp dụng đại trà vào tháng 6/2015 

(Ảnh báo Giao thông).

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trên báo Lao động Thủ đô, hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ đã triển khai nhận hồ sơ đăng ký qua mạng từ ngày 1/12/2014. Trong quy trình cấp đổi GPLX thí điểm, có hai hình thức thông báo là qua email và SMS mà không thu bất kỳ khoản phí nào. Khi thực hiện ở giai đoạn chính thức, số người đăng ký đông, sẽ thu phí. Hiện tại, mô hình thí điểm ở cấp Tổng cục nên đối tượng được cấp đổi qua mạng đợt này chỉ áp dụng đối với người có GPLX do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp.
Người có nhu cầu cấp đổi GPLX chỉ cần truy cập vào trang web http://dichvucong.gplx.gov.vn để kê khai thủ tục. Sau khi đã điền hết thông tin, hệ thống sẽ xác nhận hồ sơ có đầy đủ hay không. Nếu được xác nhận, người dân sẽ được cấp một mã số tương tự như “code” vé máy bay hay tàu hỏa để đặt lịch hẹn.
Chậm nhất sau 3 ngày đăng ký trên trang thông tin điện tử, nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được sắp xếp lịch hẹn và thông báo đến người đăng ký qua hộp thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại. Nếu hồ sơ không hợp lệ người đăng ký cũng được thông báo rõ lý do.
Khi đến hoàn thiện hồ sơ, người dân chỉ cần đem GPLX cũ, giấy khám sức khoẻ, hồ sơ gốc, chụp ảnh tại chỗ và ngồi chờ khoảng 2 giờ là có thể lấy GPLX mới. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, đến muộn hoặc không đến theo đúng lịch hẹn, người có nhu cầu sẽ phải đặt lịch lại. Do đã có mã số (code) nên người dân được phép sử dụng 2 lần để đặt lại lịch hẹn mà không cần phải khai báo lại thông tin. Lệ phí cấp đổi GPLX vẫn giữ nguyên là 135.000 đồng.
Nếu người dân điền đầy đủ theo đăng ký trên hệ thống, không có gì sai sót, cơ sở cấp đổi sẽ chuyển sang duyệt in và chỉ mất khoảng 2 giờ là có thể nhận GPLX mới.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau gần 3 tháng thí điểm cấp, đổi giấy phép lái xe (GPXL) qua mạng, đã có khoảng 1.000 trường hợp được cấp, đổi thành công. Trung bình, mỗi ngày có 50 người đăng ký cấp, đổi GPLX qua mạng, chiếm hơn 50% số người có nhu cầu.
Dự kiến, tháng 6/2015, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ áp dụng hình thức cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET qua mạng. Thời gian qua, việc thực hiện đổi GPLX qua mạng được thực hiện ở một địa điểm duy nhất là Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Tổng cục Đường bộ cho biết, trước khi áp dụng đại trà, sẽ thực hiện thí điểm tại một số địa phương có lưu lượng đổi GPLX lớn như Hà Nội và TP HCM.
Hiện các công việc chuẩn bị hệ thống trang thiết bị, đường truyền, nhân lực, tập huấn, chuyển giao cho các địa phương đang được gấp rút triển khai. Trong tháng 3, Tổng cục sẽ tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 2 địa phương này.
MINH ANH (T.H)

13 tháng 3 2015

VÃN CỬA ĐỀN

                     Mạnh Nguyên
Đầu năm thậm thụt vãn cửa đền
Khấn vái sụt sùi kiếm chút hên
Tiền lẻ nhớp nhơ vung khắp chốn;
Mã đốt tro tàn tỏa bốn bên.
Miệng khấn, mắt nhìn đâu có thấy;
Lưng khom, tay vái đít hàng trên.
Nhắn bảo với ai - phường mụ mị:
                                                        Công đức sao cho đáng mặt tiền!
                                                                              Đầu xuân Ất Mùi-2015 

05 tháng 3 2015

HUYỆN BẢO THẮNG TỔ CHỨC ĐÊM THƠ NGUYÊN TIÊU HƯỚNG VỀ NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 13


          Tối ngày mùng 4 tháng 3 năm 2015 (14 tháng giêng năm Ất Mùi), tại hội trường Trung tâm Văn hóa huyện, huyện Bảo Thắng đã tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu-hướng về ngày thơ Việt Nam lần thứ 13, với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, mừng thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới.
          Tới dự, cổ vũ động viên cho đêm thơ có nhà thơ Đoàn Hữu Nam, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện cùng đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân trong khu vực. Ngày thơ đã có sự góp mặt của 35 tác giả, với 49 bài thơ. Tác phẩm thơ chiếm phần lớn là của các tác giả Người cao tuổi, ngoài ra còn có sự tham gia của 2 trường trung học phổ thông số 1 và số 2 huyện Bảo Thắng. 12 bài thơ và một bài bình thơ xuất sắc đã được hội đồng thẩm định lựa chọn, cho biểu diễn trong đêm thơ Nguyên tiêu. Nội dung thơ năm nay các tác giả đã tập trung vào đề tài ca ngợi 85 mùa Xuân vinh quang của Đảng, ca ngợi sự đổi mới của quê hương đất nước, công đức của Bác Hồ; đặc biệt là nói lên những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng nông thôn mới trên quê hương Bảo Thắng.
          Đêm thơ còn có sự đóng góp tiết mục của đội văn nghệ hát dân ca hội Người Cao tuổi thị trấn Phố Lu, càng làm tăng thêm không khí lắng đọng của tinh hoa văn học dân gian và nghệ thuật hát dân ca.
          Đây là một hoạt động văn hóa có tính truyền thống, đã được huyện Bảo Thắng duy trì trong nhiều năm nay, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của nhân dân.
                                                                                                       Mạnh Nguyên

                                                                                             Đài TT-TH huyện Bảo Thắng

04 tháng 3 2015

CẢM NHẬN NGUYÊN TIÊU

                                                                       Mạnh Nguyên

Nguyên tiêu trong tiết lập xuân
Sinh tình nên có đôi vần chung vui
Hương xuân phảng phất ngang trời
Chồi non nay vẫn ngậm nơi đầu cành
Nhạn chao cánh giữa trời xanh
Hội còn chưa vãn, chợ tình mới khai…
Đường làng rộn rã ban mai,
Phất phơ quần lụa, áo dài đua chen.
Đồng quê nón trắng chao nghiêng,
Mạ non bén rễ ruộng chiêm kín bờ.
Trời xuân đẹp tựa như mơ,
Ai đem trăng thả lững lờ trong mây.
Hội Nguyên tiêu đã tới ngày,
Góp vui một chút cho đầy đêm thơ.
Thi nhân ơi! Đến bao giờ,
Hồn thơ lại hẹn tình chờ năm sau.

                 Tháng Giêng năm Ất mùi-2015

03 tháng 3 2015

VỊNH TRÂU HỘI CHỌI

                                  Mạnh Nguyên



Rộn ràng tiếng trống trộn tiếng chiêng
Hội làng trâu chọi giữa tháng giêng
Anh này chúi mõm lao hùng hục;
Kẻ nọ lách sừng lựa miếng nghiêng
Đăng đàn ra giáng anh hùng nhỉ;
Bãi trận xả thân thật đáng thương.
Khốn nạn cho mày thân trâu mộng
Hết thời, ôi! nát thịt nhàu xương!

                       Hội chọi trâu 2015

CÂU ĐỐI KHAI XUÂN

                                                                                                    Mạnh Nguyên

1.
- Giáp Ngọ - Ngựa đui nên bữa ấy dính ngay đòn bể cánh;

- Ất Mùi - Dê khỏe chắc phen này gặp được phận hên đây  

2.
- Tiễn Giáp Ngọ tống Cựu Tạo Đường Xua Bất Hạnh

- Mừng Ất Mùi Nghinh Tân Mở Lối Đón Vinh Quang

MỐT RÁCH


Cảm thương cái mốt thời nay
Áo trên thiếu vải, quần dày tả tơi.
Phải là một kiểu ăn chơi,
Gợi tình khách hẩu một đời lao đao.
Chuyện lên đến tận Thiên Tào
Ngọc Hoàng phán bảo: Đứa nào thế kia!.
Áo, quần sao rách lia thia,
Để cho đùi, rốn phải chìa cả ra?
Bọn này Ta phạt, không tha!
Ban cho: "Danh phận ca-ve hạng thường!".
                                     M.N                                

                                  Xuân 2015