Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

23 tháng 8 2015

THỜI SÁNG KIẾN

Để thành chiến sĩ thi đua
Phải trưng sáng kiến, chẳng đùa được đâu
Thế là thiên hạ đua nhau
Nặn ra “sáng kiến” để cầu được khen
Mỗi ngành mỗi kiểu đua chen
Mới thay, cũ đổi đảo điên tùng phèo   
Trên hô, dưới phải tuân theo
Triển khai “sáng kiến” cấm kêu, cấm bàn
Làm không được cũng phải làm,
Vẫn là chiếu lệ: Lệnh quan dân tòng!
                 *
Đổi thay nhân sự lòng vòng
Ấy là “luân chuyển”, chuyện không phải bàn!
Từ ngày “sáng kiến” được ban
Cửa quan càng thấy rộn ràng lắm thay
Người đi kẻ ở ai hay?
Tiền tươi, quà biếu càng đầy túi tham.
                  *
Học hành giữa buổi gian nan
Cũng vì sáng kiến phất tràn cung mây
Trẻ thành “chuột bạch” cả bầy
Phụ huynh nhớn nhác, cô - thầy ngẩn ngơ…
                   *
Chuyện nhà chuyện đất bây giờ
Nhiều quy định mới lơ mơ khó lường
Muốn sang đất, phải có đường ­­ ([1])
Mặc cho dân khó chẳng thương, chẳng chờ.
                    *
Mong sao cho đến bao giờ
Trên thôi sáng kiến dân nhờ được chăng?

                                              Cả Mõ




[1] Muốn chuyển mục đích đất ở thì đất phải có đủ chiều dài mặt đường theo quy định.

09 tháng 8 2015

Tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, cán bộ: Nhất quan hệ, nhì tiền tệ...
VOV.VN - "Thứ tự ưu tiên" này làm hỏng công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Để giải quyết, phải tinh giản biên chế. Nhưng làm thế nào?
Chị A, người bạn của gia đình tôi bị căng thẳng thần kinh kéo dài, mấy tháng nay phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Nghe nói như vậy, tôi rất sửng sốt. Ít lâu không gặp, vì chị thường quá bận không thể dự các cuộc gặp gỡ giữa mấy gia đình. Gần đây tình cờ bắt gặp, thấy chị gầy hẳn đi, gương mặt mệt mỏi.
Thoạt đầu chúng tôi cứ nghĩ vợ chồng họ có chuyện bất hòa, nên lựa lời gần xa khuyên nhủ. Không ngờ, lý do mà anh giải thích: đó là do việc cơ quan.
Sao lại phải mất ăn mất ngủ vì việc cơ quan? Chán quá không chịu nổi thì tìm cách chuyển việc khác chứ? Sao lại để đến nỗi phải phát ốm lên vì công việc?
Anh lại giải thích ngọn ngành nỗi tâm tư của chị: Chị phụ trách nhân sự ở một cơ quan mà năm ngoái có hơn 100 cán bộ, nhân viên. Năm nay, kinh phí bị cắt giảm 1/3, và do đó, buộc phải cắt giảm tương đương khoảng 30 người. Giảm ai, đó là việc của chị. Chị sẽ là người thông báo lý do, giải thích cho người ta. Việc này được tiến hành ngay trước Tết âm lịch, nên càng tạo áp lực.

Người đầu tiên mà chị giảm là cô em chồng- cô này trước kia được chính chị xin cho vào làm ở cơ quan. Tuy nhiên động thái này vẫn không đủ để mọi người thông cảm. Trong số những người phải nghỉ việc, có người phản ứng ôn hòa, có người phản ứng rất dữ dội khi "bỗng dưng" bị mất việc làm, thất nghiệp. Đa số làm việc với nhau một thời gian dài, ít nhiều cũng có mối quan hệ gắn bó thân tình khiến chị vô cùng khó xử.
Mọi việc rồi cũng qua, cơ quan hiện giờ chỉ còn gần 70 người. Công việc của mỗi người đã phải năng suất hơn, bận rộn hơn để bù lại với nhân lực thiếu hụt, do vậy, hiệu quả cũng cao hơn, thu nhập được đảm bảo.
Sự căng thẳng của cuộc tổ chức lại hệ thống nhân sự vẫn để lại dư âm khiến chị không dễ gì vượt qua được.  
Nhưng dù sao, thử thách khắc nghiệt nhất, phần việc khó nhất- chị cũng đã làm xong…
Câu chuyện của chị làm tôi nhớ đến nhận định được đưa ra tại Hội thảo hoàn thiện và công bố báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá về quy định và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức cuối tháng 7/2015: Mỗi lần thực hiện tinh giản biên chế thì dường như bộ máy lại phình to thêm!. (Thật là vô lý phải không? Nhưng thực tế đã diễn ra như vậy).
Suốt 10 năm qua, chúng ta có 3 lần tinh giản biên chế, vậy mà hiệu quả vẫn chưa thấy đâu. Trong bộ máy vẫn tồn tại những người không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu của công việc.

                                                              (nguồn: Internet)
Lâu nay, việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không thực sự khách quan, công bằng dẫn đến chất lượng cán bộ thấp. Nói về công tác cán bộ, sự thăng tiến, người ta bây giờ có câu "nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ”, rồi mới đến “bốn… trí tuệ”. Tiêu chí lẽ ra quan trọng nhất được xếp hạng cuối cùng. 

Nhiều người bỏ tiền ra “chạy” vào công chức để có được công việc ổn định hoặc những vị trí đem lại nhiều “bổng lộc”, dẫn đến chất lượng công việc thấp, kém hiệu quả, làm cho sự phát triển của xã hội bị trì trệ.
Tệ nạn chạy việc, chạy chức còn khiến cho nhiều kẻ gian dễ dàng lừa đảo tiền bạc của những người muốn giải quyết tất thảy mọi việc bằng “tiền tệ”.
Bài toán tinh giản biên chế được đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ qua phương tiện truyền thông đại chúng đã nói về các giải pháp đặt ra để quyết tâm tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều bộ ngành cũng có các kế hoạch cụ thể về việc này,  nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Nhưng giảm ai? Chọn ai để giảm là cả một vấn đề không nhỏ. Đã có những lời dự báo rằng nếu có đợt giảm biên chế thì người phải ra khỏi cơ quan có khi lại chính là những người chỉ có “trí tuệ” mà thiếu các yếu tố “quan hệ”, “tiền tệ” hay “hậu duệ”. Làm sao để có sự công bằng, để không xảy ra tình trạng người đáng bị giảm thì vẫn yên vị còn người có năng lực thì lại phải về vườn.
Nói về trách nhiệm của Công đoàn, các tổ chức xã hội để đảm bảo công bằng? xem ra còn chung chung và mơ hồ quá. Có lẽ trách nhiệm nên thuộc về người đứng đầu. Như chị vợ bạn tôi, phải lao tâm khổ tứ, phải trả giá đắt để đạt được mục tiêu “giảm người” đặt ra. Chứ cứ làm khơi khơi lấy lệ thì chắc chắn sẽ lại “đâu vẫn hoàn đó”.
Nên chăng nếu cơ quan nào tinh giản không thành công thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Trách nhiệm gắn liền với vị trí. Nếu người đứng đầu không hoàn thành trách nhiệm của mình thì vị trí ấy cũng nên được… giảm, cho người khác đảm nhiệm thay!./.
Cảo Thơm/VOV.VN


03 tháng 8 2015

TỘ CON GIỜI


Truyện ngắn của Mạnh Nguyên

            Cái năm mà tôi mới ti toe bước vào những lớp học đầu cấp một, ngôi trường của xã cũng chỉ có khoảng hơn chục gian nhà cấp bốn lộ cộ, cái thì lợp ngói, cái lợp rạ. Cho nên những lớp dưới như chúng tôi thường phải lang thang đi học nhờ ở các đình làng hoặc nhà kho của hợp tác xã. Mãi cho đến năm lớp ba, khi ấy trường mới xây thêm được một dãy nhà ngói, nên chúng tôi được về học ở trường chính, đặt tại trung tâm xã.
            Việc học hành ngày ấy không quá vất vả như lũ trẻ bây giờ, mỗi ngày chỉ lên lớp có một buổi. Một buổi nghỉ ở nhà thì bế em, chăn trâu hoặc ra con sông Đồng Tráng ở đầu làng mò rêu tóc tiên, rêu đuôi chó về cho lợn; rỗi nữa thì chơi các trò bắt chim, đuổi bướm, đánh đáo, đánh bi, hoặc đi câu cá rô đồng… Tuy học một buổi, nhưng giữa buổi được ra chơi cũng khá dài. Chúng tôi thích nhất thầy Đĩnh, thầy chủ nhiệm năm lớp ba. Người ta bảo, trước ngày đi dạy học thầy có một thời gian làm sư ở chùa, thảo nào mà thầy hiền lắm, thầy chiều chúng tôi còn hơn cả chiều con. Có hôm giờ ra chơi đã hết, nhưng ván đáo đánh chưa xong, chúng tôi nì nèo xin, thế mà thầy cũng cho thêm mấy phút để đánh cho xong rồi mới vào lớp.
            Trò chơi của lũ trẻ cũng không được hiện đại như bây giờ. Bọn con gái thì đánh chuyền, đánh chắt, nhảy dây hoặc chơi trò “bịt mắt bắt dê”. Con trai thì đánh bi, đánh đáo, đánh khăng, thổi diêm, búng diêm và đá bóng bằng quả bưởi non hoặc lá chuối gói. Về sau nhà trường cấm không cho đánh khăng vì đã có trường hợp que khăng văng vào mặt gây tai nạn. Trò chơi đánh bi thì rõ rồi, ăn nhau thắng thua là bằng bi. Có đứa đánh giỏi, ăn được đến hàng túi bi, nhưng chẳng may bất cẩn, đang ngồi học lại để sổ túi quần, làm bi lăn ra khắp lớp, thế là bị thầy quở phạt vì tội gây mất trật tự an ninh.
            Đánh đáo thì ăn nhau bằng những đồng xèng – một loại tiền cổ, đúc bằng đồng, mỏng,  giữa có cái lỗ vuông. Tôi thuộc loại còm, nhỏ người nhất hội nên ném đồng xu cái chẳng mấy  khi trúng, thậm chí thường bị “tịt” nhiều hơn là thắng. Bởi thế, lúc nào cũng nhẵn túi xèng. May mà có ông anh kề trên tôi, năm ấy anh đã học cấp hai, có biệt tài đánh đáo nên anh thường cho tôi mỗi ngày vài đồng để chơi. Hôm nào anh không cho thì tôi ăn trộm.
            Chúng tôi còn có một trò chơi khá hấp dẫn nữa, đó là đánh trận giả. Bắt chước các chú bộ đội về làng tập trận, rồi cũng chia quân ra mà đánh, mỗi bên có một chỉ huy hẳn hoi. Hai bên giàn trận đánh trực diện hoặc tản ra, chia địa bàn để chiếm lĩnh lẫn nhau. Cũng ẩn nấp, luồn lách, thậm chí cả lăn lê, bò toài. Dùng bàn tay phát vào người đối phương, anh nào phát trúng trước là thắng. Người bị phát trúng coi như đã “hy sinh”, phải loại ra khỏi vòng chiến đấu.
Một hôm, cũng vào giờ ra chơi giữa buổi học, chúng tôi rủ nhau chia quân đánh trận giả ngay trong sân nhà trường. Đúng lúc đang tách các đôi ôm nhau để nhận quân thì Anh Cu Tộ xuất hiện.
*

Lại nói về Tộ, hắn hơn chúng tôi độ ba, bốn tuổi. Nhưng nghe đâu gia đình hắn là dân ngụ cư ([1]) . Cha mẹ mất sớm, Tộ ở với bà ngoại đã già nên nghèo lắm, không được đi học. Hằng ngày Tộ thường phải mò cua, bắt ốc, hái rau má để phụ giúp bà kiếm sống. Quanh năm – từ mùa đông cho tới mùa hè, Tộ chỉ có mỗi bộ quần áo duy nhất. Cái quần lá tọa hắn mặc hai gấu ống đều lằng nhằng răng cưa như cá rô đớp, mảnh vá xem ra còn nhiều hơn là vải của thân quần. Còn cái áo nâu sồng may theo kiểu bà ba, có hai cái túi to tổ bố ở hai bên vạt thì cũng chắng mới hơn, hàng cúc trước bụng rơi gần hết vì hậu quả của trò chơi thổi diêm. Tuy nhiên, nó đã được khổ chủ khéo léo thay vào những cái khuy mất cúc bằng các cọng rơm  buộc vắt chéo, như vậy cũng đỡ phơi cái bụng đồng đen ra nắng gió. Tộ có nước da đen nháy từ đầu cho đến tận ngón chân. Đã thế khuôn mặt lại đầy những nốt rồi, đôi môi dày, duy chỉ có hàm răng và đôi mắt là trắng ởn, mỗi khi hắn cười cứ lóe lên như ba cái đốm sáng trên mặt.
Có lần hứng lên hắn chỉ vào những cái nốt ruồi trên mặt, hùng hồn tuyên bố:
- Tao là con ông Giời đấy. Vì được phái xuống trần gian làm người phàm, nên Ngọc Hoàng Thượng Đế mới phải in nhiều cái ấn lên mặt như thế này để đánh dấu.
Nói vậy, nhưng Tộ rất hiền, hắn thích chơi với bọn trẻ chúng tôi và cũng sẵn sàng ra tay bảo vệ, nếu một trong số chúng tôi bị trẻ làng khác bắt nạt. Mặc dù lớn hơn đến mấy tuổi, nhưng chẳng biết vì đâu mà lũ chúng tôi cũng không gọi Tộ là anh, cũng không giám gọi hẳn là cu mà cứ gọi là “anh cu Tộ”.
Tộ vẫy vẫy chúng tôi lại, bảo:
- Chúng mày cứ gộp nhau lại thành một phe đi, chiến đấu với mình tao thôi. Nhưng mà không chơi kiểu phát vào đít nhau rồi kêu “chết nhá!”, như thế nó “trẻ con” lắm. Bây giờ cho cả bọn bay đóng quân ở phía sân trường, làm quân “đỏ”. Mình tao là quân “xanh”, chiếm lĩnh khu ải tre bên kia đường. Vũ khí tấn công thì phải có “đạn dược” hẳn hoi. Nhưng quy định, chỉ được dùng đạn là đất cát vàng ở bờ giao thông hào thôi đấy.
Hồi ấy Mỹ đã giục dịch ném bom ra miền Bắc nên trường tôi có cho đào một dãy giao thông hào để khi có báo động thì tất cả nhảy xuống tránh bom. Đất đáy hào đào lên là loại đất cát mềm nên có ném nhau trúng người cũng không gây nguy hiểm.
Tộ lấy cái rổ hái rau má mà hắn còn chưa hái được cọng nào, nhặt “đạn” vào đấy. Chúng tôi cũng giúp hắn một tay, loáng cái Tộ đã có một cơ số đạn đủ cho “chiến dịch” phòng thủ. Hắn khệ nệ bê rổ “đạn” vào sau lũy tre gai trong ải. Đợi Tộ hô: Xong!, thế là chúng tôi ào ạt tấn công. Phải thừa nhận Tộ rất khỏe, sức ném của hắn xa gấp gần hai lần chúng tôi. Cho nên dù đông, nhưng chúng tôi vẫn bị “đạn” của hắn chọi cho túi bụi, phải lùi lại giao thông hào mấy lần để cố thủ.
Không biết đến lần xung phong thứ mấy, khi chúng tôi ào lên thì không thấy Tộ phản kháng gì cả. Mãi cho đến lúc chúng tôi đã áp sát gần các bụi tre thì bỗng nghe tiếng bẹt, bẹt!... Tôi còn chưa kịp nhìn rõ vật gì đó đen đen rơi ngay xuống trước mặt thì cu Thịnh - chỉ huy - dẫn đầu bỗng khựng lại, nó kêu to:
- Rút, rút, bom nguyên tử đấy!.
Cả lũ chúng tôi chưa biết “bom nguyên tử” mà thằng Thịnh kêu là cái giống gì, nhưng cũng thấy hú hồn, đứa nào đứa nấy mắt tròn, mắt dẹt co cẳng chạy thục mạng về, nhảy ào xuống giao thông hào để tránh.
Anh Cu Tộ nhô ra khỏi mấy búi tre, nhưng hắn không đuổi nữa mà đứng trân ra đó, nhe hàm răng trắng ởn ra cười khùng khục. Rồi hắn giơ cao hai nắm tay lên, mỗi bên cầm một nắm đen xì. Hóa ra hết “đạn”, Tộ đã dùng chiêu bốc phân chó để “chiến đấu”.
Một hôm, biết tôi lúc nào cũng rỗng túi, phải đứng ngoài đám đánh đáo vì không có xèng góp. Anh Cu Tộ mới kéo tôi ra khỏi đám chơi và bảo:
- Ra tao nói cái này!
Thấy có vẻ bí mật, tôi vội theo hắn ngay và hỏi:
- Cái gì mà quan trọng thế Anh Cu Tộ?
- Gượm đã, ra ngoài này tao mới nói, kẻo bọn kia chúng nó biết.
Đã kéo tôi ra xa ở mức có thế gọi là an toàn để tiết lộ tin “tối mật”, Anh Cu Tộ còn ghé sát tai tôi thì thầm:
- Mày có muốn kiếm xèng để đánh đáo không?
- Ở đâu? - Tôi vội sáng mắt lên, hỏi lại.
- Ở chùa! – Tộ vừa nói vừa chỉ về phía ngôi chùa của làng tôi, bên kia bờ con sông đào phân cách giữa làng tôi với làng Cao.
Đó là khu đất biệt lập ngoài cửa làng, ở đấy có cả một quần thể thờ cúng tôn giáo và tâm linh tín ngưỡng. Hướng Tây gồm có chùa - nơi thờ các tượng Phật; cạnh chùa là đình - nơi thờ cúng Thành Hoàng. Ở phía sau đối diện về hướng Đông còn có một dãy nhà xây, lúc nào cũng đóng cửa, nghe nói đó là khu nhà thờ Tổ hay điện thờ gì đó.
Tôi bĩu môi:
- Có mà nói phét, ở chùa thì làm quái gì mà có đồng xèng!.
Tộ cười hề hề:
- Nhóc, thế là mày đếch biết gì rồi! Ở hậu cung của chùa, các bát nhang đều có rất nhiều xèng dưới đáy. Mày cứ xắn tay áo, khua thật sâu qua hết lớp tàn nhang thì thấy ngay. Nhiều nhất là ở cái bát nhang to chính giữa, đặt ngay trước pho tượng Cửu Long vàng chóe ấy, dưới đáy bát nhang này có mà vô thiên lủng là xèng!.
Tôi trợn mắt:
- Làm thế phải tội chết!.
Tộ lại cười khùng khục, hắn bảo:
- Nhát, đúng là thằng dái ớt. Tao đây này, cứ mỗi lần thua sạch đồng con, tao lại vào vay các cụ. Thế mà có tội trạng qué gì đâu!.
Tôi không giám cự cãi nữa vì sợ lại bị hắn chê là đồ “dái ớt”. Nhưng tôi nhớ, ngày còn chưa đi học, tôi hay dắt em gái lẵng nhẵng theo bà nội ra chùa vào những ngày rằm và mồng một để bà cầu kinh. Chúng tôi chẳng hiểu cầu kinh để làm gì, chỉ thấy bà ăn mặc chỉnh tề, áo nâu, váy sồi, đầu quấn khăn mỏ quạ, rồi vào ngồi cùng các cụ bà ở cái chiếu giải ngay sau lưng sư thầy.
Sau một hồi chuông là tiếng củng([2]) vang lên cùng với tiếng đọc kinh của sư thầy. Tôi chẳng nghe rõ sư thầy độc cái gì, vì chỉ thấy có tiếng ôm ôm, ang ang như tiếng ãnh ương  sau mưa hòa cùng với tiểng củng. Sau một hồi ngừng đọc, sư thầy lại gõ một tiếng keng dõng dạc vào cái chông đồng nhỏ thó để ngửa ngay bên cạnh. Thế là các bà vãi ngồi đằng sau cùng vái rạp người, miệng đồng thanh niệm một câu: “Nam - mô - a - di - đà - phật!”.
Anh em tôi ngồi thập thò ở ngoài thềm chùa hàng giờ không chán. Có lẽ động cơ chúng tôi kiên nhẫn đợi bà cũng không hắn là để nghe các cụ “hát kinh”, mà vì một động cơ khác cơ. Ấy là kết thúc mỗi buổi đọc kinh, bao giờ bà tôi cũng được chia lộc, thường thì bà mang ra cho hai anh em một nắm bỏng nả. Ái chà, giữa buổi đang đói bụng mà được nắm bỏng nả, nhón từng hạt cho vào miệng, cảm được cái mùi thơm ngầy ngậy của lúa nếp và vị ngọt của bỏng nả thì mới khoái làm sao. Cũng có hôm bà được chia lộc có cả mấy quả chuối tiêu, cái giống chuối tiêu của nhà chùa đượm mùi hương, vỏ thì vàng rộm, bóc ra cắn một miếng, cứ  là ngọt suốt từ miệng cho đến tận dạ dày. Thảo nào người ta bảo “Ngọt như chuối chùa” cũng phải.
Ở nhà, bà và bu tôi thường hay nhắc:
- Nơi thờ cúng, đình chùa, miếu mạo là thiêng lắm. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”!. Các con chơi nghịch thì cấm có được nghịch bậy ở những nơi ấy mà phải tội.
Quê tôi là một vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ - không riêng cái làng nhỏ gia đình tôi sinh sống mà gần như làng nào cũng có nét hao hao giống nhau. Đều có một quần thể đình, chùa được tách ra ở một khu đất đầu làng hoặc cửa làng. Ngoài ra, ở trong làng và ở các gốc đa, gốc duối, gốc si còn thường có xây những bệ thờ ngoài trời, theo kiểu cây hương nhưng thấp, các cụ gọi là "ông Đông đống”. Ở những gốc cây này, có chỗ còn thờ cả các vị thần Khuyển; thần Hổ; thần Xà… (là những bức tượng chó, tượng hổ, tượng rắn hổ mang bán thân, bằng đá). Đầu làng tôi cũng vậy, lối đi ra con sông Đồng Tráng, dưới gốc cây đa cũng thờ một vị thần Khuyển. Không biết ông thần Khuyển này đã có từ bao giờ, nhưng có nhiều tin đồn là thiêng lắm. Các cụ bảo, ông thần Khuyển  thường hiện về vào những đêm trái gió trở trời, ngài hiện lên với nhiều bóng đèn xanh, đỏ, vàng, tím, cứ bay lơ lửng quanh gốc cây rồi vào tận bìa làng. Lượn lờ đến hàng giờ, ấy là để canh cho bọn ma đói, quỷ dữ khỏi vào làng quấy nhiễu.
Nghe vậy thì bọn tôi thích thú lắm, nhưng lại thấy ơn ớn ở sống lưng nên những hôm tối trời, Ngài có hiện lên thì cho kẹo cũng bố bảo đứa nào dám bén mảng ra đấy mà xem.
Ban ngày thì chúng tôi lại rất hay đến gốc cây đa này, còn trèo lên, leo ra các cành la để ăn quả đa chín. Mỗi đứa chọn lấy một cành, nhận là lãnh địa của mình, rồi lấy dao chích vào cành đa cho chảy nhựa. Sau một ngày nhựa đa đông khô thì leo lên cạy, cho vào miệng nhai như bọn trẻ nhai kẹo cao su bây giờ. Tất nhiên là nhựa đa thì đâu có ngọt, lúc đầu nó hơi chan chát, nhai một lúc lại thấy có vị ngầy ngậy, bùi bùi. Thế là cứ thi nhau trẹo mỏ ra mà nhai, nhai cho đến khi nào nhựa hết đàn hồi mới nhổ bỏ. Có đứa nhai chán rồi mà nhựa vẫn còn dẻo nên tiếc rẻ, lè ra gói vào giấy cất đi để mai nhai lại.
Chơi nghịch ở gốc đa, thậm chí trèo cả lên cây, nhưng chúng tôi không bao giờ dám đụng đến chỗ ông thần Khuyển. Những cành đa chìa ra trên đầu thần Khuyển cũng chẳng đứa nào dám trèo, sợ rằng ngồi lên trên đầu thần thì phải tội.
Có lần chơi ở nhà cu Thịnh, tôi nghe bu nó bảo:
- Ông thần Khuyển ở gốc đa Đồng Tráng làng ta thiêng lắm. Ngài có nhiệm vụ trông nom, đuổi bọn ma đói và quỷ lang thang, không cho chúng vào làng. Nhưng nếu ai đó xấc xược, giám báng bổ ngài thì cũng coi chừng. Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, người ta kể rằng có một ông uống rượu say, lại giám ra gốc đa mà lỡm với Thần, lấy roi vụt vào thần mấy cái. Thế mà ngay sáng hôm sau ngủ dậy, thần Khuyển liền vặn cho cổ ông ta không thể quay đi quay lại được. Về sau phải mất con gà, chai rượu ra lễ tạ mới khỏi.
Đấy là câu chuyện huyền thoại chẳng biết được truyền miệng từ đời nào. Nhưng nhỡn tiền thì chúng tôi đã thấy. Một hôm thằng cu Tẹo, con bà Phó Đoàn ở xóm Đông cùng chơi với chúng tôi ở gốc đa, buồn tè quá, cu cậu chẳng kịp chạy đi xa nên câu luôn vào gốc đa cho tiện. Lúc ấy chẳng đứa nào nghĩ đến bên kia gốc đa là chỗ ngồi của thần Khuyển. Vậy mà mấy hôm sau chim của cu tẹo bống lên, to lù lù như quả táo, làm cho nó đau, ngứa và đi tiểu cũng rất khó khăn. Bu nó tra mãi mới biết nguyên nhân. Thế thì đúng rồi, đúng là bị thần quở phạt rồi còn gì!.
Sau đấy, thày nó phải làm một mâm xôi, gà, rượu ra tạ lỗi với Thần. Còn bu nó thì xuống tận quán ông lang Bồng ở chợ Phủ, mua mất mấy đồng tiền thuốc Bắc, vừa sắc uống, vừa bôi cho nó mới khỏi.
Thế mà, bữa ấy chúng tôi đang chơi quanh gốc đa thì Anh Cu Tộ xuất hiện, hai tay hắn tung tẩy hai củ khoai lang nướng. Hắn trịnh trọng bảo:
- Tụi nhóc chúng mày trật tự để tao cúng thần Khuyển!.
Nói rồi, hắn nhặt hai cái lá đa phủi sạch bụi đất, đặt trước mặt tượng thần. Vuốt lại tóc và xóc lại bộ cánh cho gọn gàng, quỳ gối xuống, hai tay chắp trước ngực mà khấn thế này:
- Lạy chín phương trời, lạy mười phương đất!
Mày là thần khuyển của làng,
Nay tao có mẩu khoai lang,
Tao mang ra đây cúng bái.
Nếu mày mà không ngần ngại
Về đây cùng chén với Tao!.
Khấn mời!...
Này khoang, này đốm, này vện,
Này đen, này xám, này vàng:
Về đây cùng thưởng khoai lang
Chớ đừng có xơi đồ bẩn…i…a!
Thầy sai:
Khoang, đen, đốm, vện, xám vàng
Xin đừng ăn cứt cho làng được yên!
Cẩn cáo!

Khấn xong, hắn thò tay nhặt luôn hai củ khoai bỏ tót vào túi, tiện tay xách hai tai ông thần Khuyển nhấc bổng lên và bảo:
- Chó má gì mà cả đời không tắm, nay thì cho mày tắm này!
Nói rồi, hắn quăng luôn tượng ông thần Khuyển rơi đánh tủm xuống mương nước trước mặt, về thẳng. Bọn chúng tôi đứa nào đứa nấy mặt xanh như đít nhái, chuồn luôn vì sợ Thần liên lụy.
Nhưng sáng sớm hôm sau, không biết ai lại đã vớt thần Khuyển lên, tắm rửa sạch sẽ rồi đặt lại đúng chỗ cũ.
Chuyện Anh Cu Tộ giám khấn bậy, rồi lại ném cả thần Khuyển xuống mương nước nhanh chóng lan ra, cả làng ai cũng biết. Có người bảo, cái thằng không cha không mẹ này liều thật. Phen này chắc thế nào nó không có chết tươi đành đạch thì cũng “bán thân bất toại” cho mà xem!.
Nhưng rồi một ngày, hai ngày, một tuần, một tháng và đến cả nửa năm qua đi Anh Cu Tộ vẫn sống nhơn nhơn, khỏe mạnh, chẳng ốm đau gì sất. Thế là người ta tin, đúng Anh Cu Tộ là con ông Trời thật!.
Cũng từ đấy người làng có phần quý nể Tộ hơn. Nhiều người kinh tế khá trong làng còn thỉnh thoảng mang cho Tộ mớ khoai, bát gạo. Bọn trẻ chúng tôi cũng chẳng đứa nào bảo đứa nào, tự nhiên cất hắn cái chữ “CU” đi để gọi Tộ là anh Tộ rất tử tế.
                                                         *
Năm 1965 Nhà nước có chủ trương vận động di dân các tỉnh miền xuôi lên miền núi khai hoang. Phong trào ấy còn được gọi với cái tên rất chính trị là: “Đi xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi”. Gia đình tôi cũng nằm trong diện tình nguyện đi “Xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi”. Tháng tư năm ấy cả nhà bồng bế nhau, gồng gánh cùng với hơn mười hộ nữa lên tỉnh Lào Cai.
Sau ngày chúng tôi đi khỏi quê thì cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ cũng đánh mạnh ra miền Bắc. Chúng tập trung đánh các thành phố, thị xã và đặc biệt là các tuyến giao thông đường sắt, cầu cống…Vì thế mà chúng tôi không thể về thăm quê cũ được nữa. Mấy năm sau thày tôi và bác tôi mới quyết tâm về thăm quê. Chuyến ấy nguyên có đi đường từ Lào Cai về đến ga tầu trung tâm Thành Phố cũng mất hàng tuần. Tầu hỏa toàn đi vào ban đêm, nhưng luôn trải qua nhiều đoạn đường, cây cầu mới bị bom Mĩ đánh phá. Những nơi chưa sửa kịp thì phải “tăng bo” (tức là đi bộ) đến hàng chục cây số. Thế thì lũ nhóc như chúng tôi ai còn dám cho về thăm quê.
Mãi đến mười năm sau. Khi ấy tôi đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và được điều về công tác ở huyện. Giữa những ngày cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam của quân ta ào ào như vũ bão thì tôi có lệnh lên đường nhập ngũ. Tuy không khí khẩn trương vậy, nhưng cơ quan vẫn có đủ thời gian cho tôi nghỉ nửa cái phép để về thăm quê. Tôi khấp khởi mừng, vì lâu lắm rồi, nay mới về chắc quê mình có nhiều đổi thay lắm.
Đến ga Thành phố, tôi còn phải đi xe ca 30 cây số nữa mới đến được làng mình. Xuống xe, tôi đã nhận ra con đường rẽ quen thuộc, con đường này ngày bé chúng tôi đã từng đi học và theo người lớn đi chợ tết. Chẳng mấy chốc tôi đã về đến đầu làng. Dưới con sông đào ngăn giữa làng tôi với làng bên có rất đông thanh niên đang làm thủy lợi. Chẳng ai nhận ra tôi và tôi cũng không nhìn thấy khuôn mặt quen nào cả. Hình như những người làm thủy lợi ở đây toàn là con gái.
Đang đi trên cầu, tôi nghe thấy một giọng con gái nói to:
- Ê, chúng mày ơi có chú bộ đội đấy. Đứa nào dám tặng “Huân chương bùn” cho chú bộ đội không?
Rồi họ cười ré lên. Tôi hoảng thật sự nên cuốc càng hăng hơn, nhoáng một cái đã đến cầu ao nhà. Nhận ra thím tôi đang thái rau lợn, tôi bỏ mũ chào thím, thím cũng ngẩng lên, nhìn tôi một hồi rồi dụi mắt:
- Ối giời, mày ở Lào Cai về hả cháu. Nhưng đứa nào ấy nhỉ?
Tôi nói:
- Cháu Ngữ đây mà thím!
Thím vồ vội lấy tay tôi, nắn nắn rồi nói như khóc:
- Chúng mày nhớn quá rồi, nhìn thì thím nhận được, nhưng không biết là đứa nào, vì mấy anh em mày lúc đi cùng thau tháu cả.
Mấy ngày ở quê, tôi nhận ra một điều khác lạ, đó là cái gì cũng bé. Từ căn nhà cho đến bụi tre, cái ao làng cũng như được thu gọn lại, không to lớn mênh mông như ngày nào nữa. Thì ra lúc đi khỏi làng tôi còn nhỏ, nay đã lớn lên nên thấy cái gì cũng bé lại. Đặc biệt  là không gặp được một đứa bạn trai cùng học nào. Tối ăn cơm xong, ngồi uống nước với chú, tôi mới hỏi:
- Chú ạ, cháu về từ chiều qua mà không gặp được đứa bạn trai nào là sao hả chú?
Chú tôi cười:
- Làm gì còn con trai. Cái lũ ngang ngang tuổi anh chúng chẳng đi hết rồi. Phần lớn là đi bộ đội, đã có hai, ba đứa có giấy báo tử về làng. Còn mấy thằng không đủ sức khỏe, với con nhà chính sách thì cũng đi ra thành phố làm công nhân hết. Cả làng chỉ còn ba đứa là cu Ức điếc, cu Minh câm và cái nhà anh Khấm tồ con ông Cải, chẳng đi được đâu mới ở lại làng thôi.
Tôi chợt nhớ ra anh Tộ, liền hỏi:
- Thế còn anh Tộ?
- Tộ à, Tộ con giời chứ gì? – rồi chú nói tiếp:
- Sau ngày gia đình cháu đi khai hoang vài ba năm gì đấy thì bà cu Tộ chết. Bà nó chết rồi, nó còn mỗi một mình, bọn thanh niên trong làng thì lần lượt lên đường nhập ngũ. Thế là cu Tộ cũng viết đơn bằng máu, gửi lên xã đòi được đi bộ đội. Người ta chưa gọi là vì xét nhà nó có mỗi mình nó độc đinh, không có ai nối dõi. Nhưng trước sự khẩn khoản của nó rồi xã họ cũng giải quyết. Từ ngày nó đi cũng không ai biết tin gì về nó nữa, nhà nó là hộ ngụ cư, không có anh em, họ hàng thân thuộc nên thông tin về nó càng không ai biết.
Sau này còn mấy dịp về quê, tôi cũng có hỏi đến anh Tộ thì người ta bảo, anh ấy đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Nghe đâu sau giải phóng lấy vợ ngay trong đó, rồi ở lại luôn một tỉnh xa lắm, mãi miền Tây Nam bộ. Cũng có người lại bảo, hình như anh Tộ đã hy sinh rồi.

                                                              *
Gặp mặt đồng đội-D4 trên cao nguyên Lùng Phình

Trước tình hình biên giới ngày càng căng thẳng, các tỉnh giáp biên giới có chủ trương thành lập ở mỗi huyện một tiểu đoàn để phòng ngự. Tiểu đoàn chúng tôi được thành lập vào tháng 8 năm 1978. Tháng 1/1979  được lệnh sáp nhập vào đội hình chiến đấu của E 54 (quân thường trực địa phương, thuộc bộ CHQS tỉnh), chốt chặn trên hướng Đông-Bắc thị xã tỉnh lị, kéo về đến Ngã ba Bản Vượng.
Từ trước tết Nguyên đán (Kỷ mùi) hoạt động thám báo của Địch đã được tăng cường, liên tục thâm nhập vào nội địa ta. Có một số thám báo địch bị ta bắt, chúng đã khai là đại quân của Họ sẽ tấn công Việt Nam vào ngày X, nhưng sau đó lại có tin là sẽ tấn công vào đêm ngày Y…Vì vậy thời gian này các đơn vị của ta phải liên tục nâng cấp báo động.
Bốn ngày sau, Tiểu đoàn bộ chúng tôi được lệnh hành quân lên cách Ngã ba Bản Vượng khoảng 2 Km về phía Tây Nam. Các đại đội bộ binh C1, C2 làm nhiệm vụ thê đội 1 đã được điều ra chốt trên các điểm cao dọc bờ con sông Xanh và phía nam suối Bản La, sát cánh với D1. Phía sau các đơn vị bộ binh là C4 hỏa lực cối 82 và 12 ly7 được bố trí ngay trước mặt D bộ. Riêng C3 vẫn ở lại, làm nhiệm vụ thê đội 2.
Mới chân ướt chân ráo đến địa điểm tập kết, chúng tôi đã được lệnh triển khai đào hầm, chỉ có bộ phận hậu cần và chỉ huy Tiểu đoàn là được làm thêm các nhà lán, còn lại đều cắm lều, phủ tăng để tạm tránh nắng mưa. Không khí chuẩn bị cho chiến dịch phòng ngự rất khẩn trương. Một buổi tối, trước khi nghỉ sinh hoạt thì anh em trinh sát của Tiểu đoàn phát hiện thám báo địch thâm nhập, nhưng cuộc vây bắt không thành công.
Cũng như mọi ngày, sau sinh hoạt tối anh em lính chuyên môn chúng tôi lại cùng với chỉ huy chơi vài ván tiến lên. Nhưng hôm ấy mọi người đều cảm giác có gì đó không bình thường. Khoảng 11 giờ đêm đã thấy lác đác tiếng mìn nổ ở ngoài bờ biên. Mặc dù, hiện tượng mìn nổ ở biên giới thì ngày nào cũng có, nhưng hôm ấy tiếng nổ nhiều hơn, thỉnh thoảng lại có những loạt súng AK nổ xen kẽ. Mãi tới gần 12 giờ đêm chúng tôi mới đi nằm, nhưng rất khó ngủ vì tiếng súng, tiếng mìn vẫn vọng vào mỗi lúc một dày hơn. Khoảng hơn 2 giờ sáng, tiếng súng AK càng dày và còn điểm thêm những loạt 12 ly 7. Cậu Tùng liên lạc của tiểu đoàn xuống gọi tôi, nói là: “Tiểu đoàn phó nhắc chuẩn bị dụng cụ quân y, có thể sắp có thương binh”.
Bốn giờ sáng, chuẩn bị xong bộ tiểu phẫu và bông, băng, cáng, nẹp, tôi vào tấm phản trong lán ngả lưng. Nhưng chưa kịp chợp mắt thì hàng loạt tiếng đạn cối nổ đầu nòng vang lên, ánh lửa từ trận địa hỏa lực của ta - chỉ cách tiểu đoàn bộ chừng 500 mét chớp liên hồi, làm toàn bộ khu vực Tiểu đoàn bộ sáng rực. Tất cả chúng tôi đều bồn chồn, chờ đợi một cái gì đó sắp đến. Theo thông báo của Tiểu đoàn trưởng, điện từ các đơn vị báo cáo về là địch đã tấn công sang với lực lượng rất lớn.
Năm giờ sáng, sở chỉ huy Tiểu đoàn nhận được điện của ban tham mưu Trung đoàn thông báo, địch đã tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới. Chỉ sau đó ít phút, toàn bộ hệ thống thông tin hữu tuyến của đơn vị cũng bị pháo đối phương dập đứt. B thông tin đưa cả mấy tiểu đội đi khắc phục, nhưng do pháo địch bắn quá dày nên không thể nối thông được tín hiệu với Trung đoàn. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho vô tuyến hai oát lên sóng, nhưng trung đội trưởng thông tin báo cáo, địch đã gây nhiễu rất mạnh, máy thông tin của ta không thể thu được sóng liên lạc!.
Vậy là việc liên lạc với Trung đoàn đã hoàn toàn gián đoạn, chỉ còn thông tin chỉ huy từ tiểu đoàn đến các đại đội được thực hiện duy nhất bằng phương tiện chạy bộ. 
Sáu giờ, trong lán chỉ huy, chính trị viên trưởng Đào Liền vẫn cố xoay cái nút dò sóng của chiếc đài NATIONAL, nhưng vô hiệu, vì toàn bộ sóng vô tuyến đã bị nhiễu rất nặng. Ngoài sân tiểu đoàn trời đã sáng rõ. Khắp bốn phía là đủ loại tiếng nổ; trên không trung xuất hiện cả một dàn tiếng hú nghe rất lạ. Tôi hỏi tiểu đoàn trưởng:
- Tiếng gì nghe lạ thế hả thủ trưởng?
Tiểu đoàn trưởng cười:
- Tiếng pháo trong tầm đấy, cậu chưa có việc gì thì xuống hầm đi!.
Tôi vội sắp xếp lại bộ tiểu phẫu rồi tụt xuống cái hố cá nhân gần đấy. Nhưng làm sao ngồi yên được khi mọi tiếng nổ vẫn rền vang như sấm, nhất là cái tiếng hú chết tiệt cứ như xé nát không trung ngay trên đầu. Tôi lại nhảy lên, đến bên tiểu đoàn trưởng. Ông đang viết một mệnh lệnh ngắn gọn, đưa cho cậu lính thông tin rồi quay sang phía tôi:
- Chú ý nhé, khi nào nghe thấy tiếng “xoành xoạch” mới là pháo nó nổ ở gần, khi ấy phải lập tức nằm xuống ngay. Còn cái tiếng hu hu này là nó đang bay qua đầu ta thôi. Tôi phải ra C1 đây, cậu ở lại với chính trị viên phó, rút vào khe đồi, chuẩn bị cấp cứu và chỉ đạo vận chuyển thương binh, sắp có thương binh về rồi đó!.
Nói rồi, ông vơ vội tấm khăn dù quàng qua cổ, vẫy cậu Hài liên lạc cùng đi ra hướng Ngã Ba.
Đúng như nhận định của tiểu đoàn trưởng, chưa đầy mười phút phút sau, mười sáu thương binh cùng lúc được chuyển về. Ở tiểu đoàn bộ lẽ ra còn phải có một y tá, nhưng do đơn vị mới thành lập nên chỉ một mình tôi (quân y sỹ) phải đảm nhiệm tất cả. Tôi nhắc các đồng chí vận tải ở lại để tiếp tục đưa thương binh về tuyến sau - sau khi tôi làm nhiệm vụ kiểm tra vết thương, bổ sung cấp cứu, chống sốc tạm thời cho thương binh nặng và phân loại để ưu tiên vận chuyển.
Trong suốt bốn ngày sau đó, địch dùng lực lượng lớn áp đảo. Theo thông tin từ cấp trên thì chỉ riêng hướng đơn vị tôi đảm nhiệm, địch đã huy động quy mô đến cấp quân đoàn đánh sang. Nhưng để phá được phòng tuyến bờ biên của ta, địch còn dùng đến cả các loại động vật như trâu, bò, ngựa, chó… tràn sang trước, tiếp đó là lực lượng dân binh hỗ trợ để càn phá các trận địa vật cản.
Có một điều tôi không ngờ là ở chiến dịch bảo vệ biên giới này, tôi lại gặp được anh Tộ trong một trường hợp khá là kỳ ngộ. Hôm ấy đơn vị hành quân đến điểm cao 411, đang hí hoáy đào hầm thì tôi nghe có tiếng người nói ở trên:
- Tay nào có điếu cho tớ mượn làm một hơi.
Tôi quay lại, nhưng trời tối nên không nhìn rõ ai:
- Bọn này không hút thuốc lào, ông có dùng thuốc lá thì có đây - tôi trả lời.
- Ừ, lá cũng được, thèm quá!.
Nói rồi người ấy nhận điếu thuốc tôi đưa, chụm tay lại che ánh sáng và cúi xuống một góc hầm để bật lửa hút. Qua đốm sáng từ đầu điếu thuốc, tôi nhìn thấy khuôn mặt người này có gì đó quen quen, cộng với giọng nói đặc miền quê đồng bằng Bắc bộ. Tôi hỏi:
- Anh ở đơn vị nào?
- Mình mới được bổ sung về làm B trưởng ở C3 - người ấy trả lời.
- Thế à, nhưng từ đơn vị nào bổ sung về đây thế?
- Lính tái ngũ, Quân khu III.
Nghe nói Quân khu III, tôi nghĩ ngay đến có thể là đồng hương nên mới hỏi tiếp:
- Anh tên gì, quê ở đâu?
- Tên Tộ, quê Hải Phòng! Hỏi gì mà như thẩm vấn thế?.
Tôi quên cả câu trả lời có vẻ dấm dẳn của anh, vội hỏi tiếp:
- Có phải “Tộ con giời” không?
Người ấy vồ lấy hai vai tôi, ghé sát mặt hỏi lại:
- Mày là đứa nào mà biết cả tên cúng cơm của tao thế hả?
Vừa lúc ấy có tiếng rít và tiếng xoạnh xoạch của một quả đạn pháo, anh vội kéo tôi ngồi thụp xuống cái hố đang đào dở. Sau tiếng nổ đinh tai, đất đá rơi rào rào quanh mình, anh nhổm lên càu nhàu:
- Mẹ cha nó, tưởng không oánh đêm, thế mà thỉnh thoảng lại choảng một quả vu vơ!.
Quay lại phía tôi, Tộ hỏi:
- Đằng ấy quê đâu mà biết tớ?
Đoán chắc là anh “Tộ con giời” rồi, tôi mừng quá nắm lấy tay anh, vội xưng cả tên lẫn họ, rồi xưng luôn cả quê gốc ra nữa. Vậy là chúng tôi nhận nhau khá chóng vánh.
Tộ tóm tắt kể tôi nghe, sau giải phóng miền Nam anh bị thương, vào trại an dưỡng mãi cho đến cuối 76 mới về quê. Đang định cuối năm cưới vợ thì tình hình biên giới phức tạp, thế là được gọi tái ngũ và điều thẳng lên đây. Tôi lại hỏi:
- Ngày ấy em nghe đồn là anh hy sinh rồi cơ mà?
Vẫn cái cười khùng khục và giọng nói tưng tửng như gần hai mươi năm về trước, Tộ bảo:
Chết thế qué nào được, tớ cao số lắm. Nếu không đã tỏi từ trận Mĩ nó rải thảm B52 ở trường Sơn năm 68 rồi. Ừ mà chết cũng hay, người ta nói, đời người có hai lần sướng nhất mà đếch biết gì. Ấy là lần mới đẻ, cả làng đến chúc tụng, tranh nhau bế ẵm mà lúc ấy đã biết gì đâu. Rồi đến lúc chết, người ta lại bu vào, kèn trống, kể lể thành tích, khóc than om sòm, khiêng cáng trọng vọng, khi ấy cũng đếch biết gì cả, phí!. Hàn huyên một hồi rồi Anh nắm  lấy tay tôi giật thêm mấy cái, bảo:
- Tớ ở B2 của C3, đóng ngay phía trước kia kìa. Bây giờ phải về đôn đốc anh em khẩn trương chuẩn bị trận địa, kẻo sáng mai lại chẳng có công sự mà phòng ngự. Chúng tôi chia tay nhau, hẹn có dịp sẽ gặp lại.
Hôm sau địch pháo kích liên tục nên chúng tôi không gặp được nhau. Rồi một tuần nữa qua đi… Một hôm tiểu đoàn phó từ chốt hỏa lực về cho biết, đơn vị anh Tộ đã nhận lệnh tăng cường lên bảo vệ Trung đoàn bộ.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới năm ấy xảy ra không dài, nhưng ác liệt. Sau chiến dịch, chúng tôi hành quân về địa điểm tập kết. Khi ấy mới hay tin, đơn vị anh Tộ bị lọt vào vòng vây của đối phương. Tộ trực tiếp chỉ huy ở mũi chính của chốt bảo vệ Trung đoàn. Bộ binh của địch tấn công liên tục trong ba ngày liền, các chiến sĩ của ta chống trả rất quyết liệt. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên đến ngày thứ hai thì cả chốt chỉ còn lại ba người, trong đó một đồng chí đã bị thương nặng, không còn khả năng chiến đấu.
Để cản địch tràn lên chiếm chốt, anh Tộ nghĩ ra cách đánh lừa chúng là lực lượng ta vẫn còn đông. Tộ bảo cậu chiến sĩ còn lành lặn cùng với mình lấy các cành cây làm cọc, cắm dọc theo bờ giao thông hào. Mỗi cái cọc cho đội một mũ và đặt bên cạnh một loại vũ khí khác nhau. Những lúc địch tạm thời không tấn công thì Tộ tranh thủ chặt các ống nứa, mỗi ống dài hơn một mét, rút sẵn chốt lựu đạn, buộc dây nụ xòe vào nhau rồi tống đầy ống. Khi vào vào trận, mỗi lần địch ồ ạt xông lên đến cự li gần, Anh dùng cả hai tay vung mạnh ống nứa, lựu đạn trong ống kéo nhau sổ tung ra, nổ dàn hàng ngang, hất lùi bọn địch xuống chân chốt. Khi địch lùi xa vài chục mét thì Tộ di chuyển về vị trí thuận lợi, dùng AK vừa quét, vừa tỉa; xa hơn nữa thì dùng trung liên và súng cối. Cứ như vậy anh cùng chiến sĩ còn lại cầm cự không để địch lên chiếm được mục tiêu.
Ngày thứ ba, sức khỏe của chiến sĩ bị thương chuyển biến xấu, vết thương sưng tấy và sốt cao. Tộ quyết định, lệnh cho đồng chí chiến sĩ còn lại bằng mọi cách phải chuyển được thương binh về tuyến sau, còn mình thì tiếp tục ở lại để yểm hộ và cản địch.
Được biết, Tộ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi dùng quả lựu đạn “chia đôi”, anh dũng hy sinh chứ kiên quyết không để rơi vào tay quân địch.
            
                                                                                             
                                                                                    Phố Lu, đầu mùa Thu 
                                                                                               năm 2015

    




    








[1] . Do tản cư trong kháng chiến chống Pháp rồi ở lại, không trở về quê cũ nữa.
[2]. Giống như cái mõ, nhưng to hơn và sơn màu đỏ.

MÙA THU ĐAM MÊ

Ngoài trời mưa lác đác       
Gõ đều trên mái tôn
Âm vang như tiếng nhạc
Cho lay động tâm hồn…

Ai bảo mưa buồn nhỉ?
Ta thấy mưa rộn ràng
Xua bớt đi oi nóng
Tiễn hè đón thu sang.

Hết mưa trời lại sáng
Mây bồng bềnh trôi nhanh,
Cây sữa già cuối phố
Trổ thêm những chồi xanh.

Gió thu khua xào xạc
Ươm nụ sữa đầu cành
Tỏa mùi hương man mác
Nở xòe đóa hoa xinh.

Thềm nhà ai hoa cúc
Rực rỡ những bông vàng;
Cành cao vươn sức đỡ 
Chín mọng những trái bàng.

Chim chào mào hớn hở
Tiếng gọi nhau râm ran
Mùa thu nào cũng nhớ
Cùng về đây họp đàn


Mùa thu là thế đó
Không còn ồn tiếng ve.
Trời bắt đầu chuyển gió
Ôi, mùa thu đam mê!

                     M.N
            Tháng 31/ 7/2015





01 tháng 8 2015

CÁC NHÀ MẠNG ĐANG MẤT DẦN UY TÍN BỞI DỊCH VỤ ĂN THEO


          Gần đây nhiều khách hàng đau điếng vì những trò ăn theo của các nhà Mạng. Đó là các trò chơi, các dịch vụ khuyến mãi…Đăng ký thì dễ, thậm chí máy tay bấm nhầm một cái là dính đòn ngay, nhưng muốn hủy lại không dễ. Bởi vậy, không ít khách hàng đã méo mặt vì bị móc túi oan mà chẳng biết kêu ai.
          Cho đến nay, chỉ tính riêng nhà Mạng Viettel đã tung ra không ít dịch vụ. Nào là chơi đấu trí tìm kiếm số may mắn 5118; giả trí 24h thế giới thần tượng 5129; dịch vụ đăng kí gọi xả láng 24 giờ, nhắn tin cực rẻ 24 giờ…Các tin nhắn cứ dày đặc đến với các thuê bao. Quả thật thì không mấy ai có thời gian vào các trang mạng Internet để xem kỹ mọi điều khoản, mà phần lớn là thông qua tin nhắn với tóm tắt lời chào mời hấp dẫn và những chiêu khuyến mãi tưởng chừng như vô hại. Thế là không ít người tặc lưỡi, vào đăng ký tí cho vui!.
          Có khá nhiều khách hàng phàn nàn rằng, do không để ý nên chỉ quên đi một thời gian là méo mặt vì bị trừ tiền ở tài khoản nhanh đến mức không ngờ. Có những dịch vụ như khuyến mãi cuộc gọi, khuyến mãi tin nhắn hướng dẫn chỉ đăng kí giá trị trong ngày, nhưng nhà mạng lại rất sốt sắng trong việc tự động gia hạn. Vì vậy, khách hàng chỉ sơ xuất một chút, không kịp thời hủy đăng ký là lập tức bị trừ nghiến ngay một khoản tiền cho ngày kế tiếp. Khách hàng cho biết, việc đăng ký thì rất dễ, nhưng hủy đăng kí lại không dễ chút nào, vì thường là quy định cú pháp hủy có cấu trúc phức tạp hơn cú pháp đăng ký. Cho nên đã đăng ký một dịch vụ nào đó, có khi tìm cách hủy chưa xong đã lại bị “gia hạn”. Tóm lại là các dịch vụ này, khi ai đó “trót dại” đăng ký rồi thì sẽ bị nó bám dai như đỉa.
          Thường thì mỗi lần nạp tiền vào tài khoản điện thoại, chỉ sau ít phút là có ngay một tin nhắn của 9164, với nội dung: Chúc mừng “số thuê bao” vừa nạp tiền
…Thẻ cào đã mang đến cho quý khách cơ hội sở hữu giải 100 triệu đồng, cùng iPhone 6 và hơn 60 thẻ cào mệnh giá 500.000đ mỗi tháng . Soạn DK gửi 9164 để quay thưởng, cước dịch vụ 3000đ/ ngày”.v.v và v.v. Nếu ai đó thuận tay mà làm theo là mất tiền liền!. Rồi ngày nào khách hàng cũng nhận được hàng loạt tin nhắn đại loại như: “Cơ hội trúng xe máy Wave Alpha, TIVI và nhiều phần quà hấp dẫn khi quý khách nạp thẻ…”.
          Mobifone cũng gửi nhiều tin nhắn quảng cáo cho khách hàng. Anh Lê Sĩ H. (Phúc Yên- Vĩnh Phúc) cho hay, hầu như ngày nào cũng nhận được tin nhắn quảng cáo từ tổng đài 090 với nội dung: Mã dự thưởng chương trình khuyến mãi “Xuân Ất Mùi, Vui sum vầy”, dù bây gờ đã qua hết nửa năm dương lịch; rồi “Bạn đã biết gì chưa, Mobifone dành tặng bạn cơ hội trúng thưởng 300.000 đồng tiền mặt và 3 ngày miễn phí tham gia chương trình vòng quanh thế giới…” 
          Đại diện nhà mạng Vinaphone cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này được dự đoán là xuất phát từ việc một số cá nhân, công ti tiếp thị đã thu thập cơ sở dữ liệu, gồm nhiều số thuê bao hoạt động lâu dài, có thu nhập ổn định, là nhóm khách hàng tiềm năng để khai thác. Vậy các công ti tiếp thị đó hoạt động trên cơ sở bảo lãnh của ai, ai chịu trách nhiệm về những việc làm quấy rối bằng tin nhắn của họ?.
Gần đây bộ Thông tin và Truyền thông có sáng kiến, quy định mỗi thuê bao chỉ được nhắn không quá 50 tin nhắn/ ngày, trường hợp cần nhắn quá số lượng trên thì phải có đăng ký trước, nhằm hạn chế tin nhắn rác và những tin nhắn lừa đảo. Nhưng mới dự thảo quy định đã bị các nhà mạng lên tiếng phản đối. Họ cho rằng, quy định như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến doanh thu của nhà mạng, ảnh hưởng đến khách hàng có nhu cầu cần nhắn tin với số lượng lớn…
Suy cho cùng thì quy định nào cũng có mặt trái, tuy nhiên đối với quy định hạn chế số lượng tin nhắn cho 1 thuê bao/ ngày như của bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là khá hợp lí. Vì đối với các thuê bao có nhu cầu nhắn tin số lượng lớn thì cần có đăng ký trước với nhà mạng, điều đó sẽ giúp cho các nhà mạng kiểm soát được thuê bao, không để các thuê bao nhắn tin số lượng lớn lợi dụng phát tán tin rác, tin lừa đảo. Việc các nhà mạng phản ứng, cho rằng như vậy sẽ hạn chế doanh thu của họ là không có sức thuyết phục. Phải chăng, vì lợi nhuận của nhà mạng mà cứ để khách hàng bị quấy rầy, bị lừa đảo dài dài?. Các nhà mạng có nghĩ rằng, doanh thu của họ tăng theo kiểu thả nổi số lượng nhắn tin cho các thuê bao đang tỉ lệ thuận với với việc thả nổi tin nhắn rác, tạo kẽ hở để phần lớn các thuê bao khác bị móc túi bởi những chiêu khuyến mãi lập lờ?.
Thiết nghĩ, trong cơ chế thị trường, việc cạnh tranh, phấn đấu để tăng doanh thu đối với các dịch vụ là cần thiết. Nhưng tăng doanh thu phải dựa trên cơ sở dịch vụ lành mạnh và trung thực, đừng vì lợi nhuận mà xâm hại đến lợi ích của khách hàng, có như vậy mới thực sự là phát triển bền vững.


                                                                               Cả Mõ