Cả Mõ

camoz77.blogspot.com/

26 tháng 8 2020

NGƯỜI CÓ MỘ KHI VẪN CÒN ĐANG SỐNG

                           (Chút kỷ niệm về người thầy thuốc - Thương binh Hồ Sĩ Tuyển)

                                            Hồi ký của: Mạnh Nguyên

          Một thời báo chí đã tôn vinh cho anh là người có “đôi bàn tay vàng”, đó là Hồ Sĩ Tuyển, một thương binh – một cán bộ Y tế quê gốc Nghệ An. Nhưng anh đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người ở tỉnh Lào Cai và phục vụ trên chiến trường Nam Bộ.

Tốt nghiệp y sĩ, Hồ Sĩ Tuyển tình nguyện lên công tác ở Lào Cai từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Năm 1968, khi chiến trường miền Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất thì anh được điều động vào chiến trường. Dù vẫn khoác áo dân sự, nhưng những cán bộ y tế được điều vào B (chỉ mặt trận miền Nam hồi đó) được biên chế thành các đội phẫu, làm nhiệm vụ cữu chữa thương binh ngoài mặt trận.

Theo giai thoại của những người cùng thời thì Hồ Sĩ Tuyển là một cán bộ chuyên môn ngành y, nhưng lại rất say sưa với nghiệp văn chương. Chuyện kể rằng, khi vợ anh (Chị Nguyễn Thị Biên) sinh cháu đầu lòng đặt tên Hồ Sĩ Toại. Vì mới sinh, mẹ thiếu sữa nên cháu bé khóc suốt. Trong khu tập thể gần đó có bác sĩ Thu Lan - trưởng khoa Nhi, vì viêm họng nên cũng ho khục khặc. Khu sơ tán của bệnh viện không có điện, chỉ leo lét mấy ngọn đèn dầu, lại luôn phải sẵn sàng xuống hầm hào khi có còi báo động máy bay địch. Vậy mà Hồ Sĩ Tuyển vẫn vô tư tức cảnh ra mấy câu thơ, làm mọi người phải bật cười. Anh ứng khẩu đọc:

“Thiếu sữa mẹ Toại oe oe khóc,

Vắng hơi chồng Lan khúc khắc ho.

Xóm làng kẻ bực người lo,

Riêng bố cu Toại vẫn khò khò ngủ say!”.

Trong mấy năm chúng tôi học cùng chị Biên ở khóa Y sĩ 21 đã có chuyện không vui xảy ra. Tự nhiên mấy ngày liền không thấy chị lên lớp, nghĩ là chị ốm nên sau giờ học mấy đứa cùng tổ học tập rủ nhau đến hỏi thăm. Bước vào gian phòng trong ký túc xá le lói ánh đèn dầu, thấy chị ngồi trầm lặng, nhưng rõ ràng là chị đã khóc đỏ cả hai mắt. Gặng hỏi mãi chị mới nói:

- Chị buồn lắm, nhưng chuyện này chỉ nói để các em biết thôi, cấm được nói ra ngoài. Là anh Tuyển nhà chị đã hy sinh rồi! - Chị nói trong nấc nghẹn.

- Đã có giấy báo tử chưa mà chị biết? – một người trong chúng tôi hỏi lại.

Chị xua tay:

- Không, làm gì có báo tử, đêm qua chị nghe cái đài “Gươm thiêng Ái quốc”, trong mục “Sinh Bắc-Tử Nam” nó công bố: “Chuyên viên phẫu thuật Hồ Sĩ Tuyển, thuộc quân Bắc Cộng đã tử trận tại một trận càn ở phía tây Sài Gòn!”.

Thì ra là như vậy nên chị mới nhắc chúng tôi phải giữ kín, bởi ngày đó người ta cấm ngặt việc nghe đài địch.

Sau này, khi đã ra trường một thời gian, mỗi người chúng tôi về một nơi công tác. Một hôm, trên chuyến tàu từ thị xã Lào Cai về Bảo Thắng tôi đã tình cờ gặp anh Tuyển - tôi nhận ra anh vì nghe được câu chuyện anh đang kể cho một ai đó về những ngày bị địch bắt giam ở Sài Gòn, rồi sau chúng chuyển anh ra nhà lao Côn Đảo. Mãi tới ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết, anh mới được trao trả tù binh ở bờ sông Thạch Hãn.

Chúng tôi nhận nhau là như vậy. Rồi tình hình biên giới có biến, tôi cũng vào bộ đội. Chiến tranh nổ ra, các nhân viên bệnh viện Lào Cai phải tản đi khắp nơi, chủ yếu là về Yên Bái. Riêng Hồ Sĩ Tuyển xuống bệnh viện Bảo Yên, khi chiến sự vãn hồi thì anh được điều về bệnh viện huyện Bảo Thắng. Là người có chuyên môn vững về ngoại khoa, lại được rèn luyện nhiều năm qua các chiến trường nên Hồ Sĩ Tuyển luôn là một trong những phẫu thuật viên “cầm dao chính”  ở các kíp mổ.

Được là đồng nghiệp với anh, tôi luôn cảm phục lòng yêu nghề và thái độ làm việc của Hồ Sĩ Tuyển - đó là sự tận tâm, là trách nhiệm của người thầy thuốc trước  bệnh nhân. Hồi ấy phương tiện khám, chẩn đoán bệnh đâu có được máy móc hiện đại như bây giờ. Thầy thuốc phải thăm khám bệnh chủ yếu trực tiếp bằng kinh nghiệm lâm sàng. Nhưng với Hồ Sĩ Tuyển, anh không bao giờ đưa ra quyết định khi chưa chắc chắn về chẩn đoán. Không ít trường hợp, dù đã khám đi khám lại nhiều lần, nhưng đến đêm, nằm vắt tay lên trán vẫn không thể ngủ nổi, vì chưa chắc chắn với chẩn đoán của mình. Thế là dù nửa đêm người thầy thuốc già ấy lại lọ mọ đến phòng bệnh để khám lại.

Ra khỏi bộ đội trở về cơ quan huyện, tôi và  Hồ Sĩ Tuyển được sinh hoạt cùng chi bộ, có dịp gần gũi nhau nhiều hơn. Rảnh rỗi anh thường tâm sự với tôi về những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời binh lửa. Tôi nhớ nhất là câu chuyện “Người có mộ khi vẫn còn đang sống” của anh. Anh kể:

 “Sau khi tập trung, biên chế thành các đội phẫu thuật, chúng tôi được điều vào mặt trận phía Nam. Vượt vĩ tuyến 17, ban đầu còn phục vụ ngay phía ngoài miền Trung. Rồi cứ vào sâu dần cho đến giáp Sài Gòn. Hôm ấy, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đội phẫu thuật đang mổ cấp cứu thương binh trong một lán bán âm thì địch càn đến. Chúng sử dụng nhiều loại pháo, cối hạng nặng bắn cấp tập vào hậu cứ của ta. Toàn bộ khu vực đắm chìm trong khói đạn. Lúc này không thể biết ai còn, ai mất, chỉ nhớ là mình vẫn đang làm việc trong kíp mổ thì một ánh chớp lóe lên, sau đó không biết gì nữa. Khi tỉnh lại đã thấy nằm trong một bệnh viện ở Sài Gòn, toàn thân đầy thương tích. Bàn tay phải không thể cử động được, sau mới biết xương đốt bàn ngón cái đã gãy lìa, vì ăn trọn một mảnh pháo”.

Sau khi được cứu chữa và điều trị ổn định các vết thương, địch chuyển anh ra nhà lao Côn Đảo…Và được trao trả tù binh vào giữa năm 1973.

Anh nói, việc đài địch đưa tin anh đã chết ở trận càn phía Tây Sài Gòn là chưa chính xác. Vì Binh Dương là ở phía Đông Sài Gòn – hay còn gọi là chiến trường Đông Nam bộ. Tuy nhiên, chuyện đưa tin anh đã chết thì rất có thể. Vì với một trận mưa pháo như vậy mà không chết mới lạ. Song, thực tế thì chuyện lạ ấy vẫn có thể xảy ra.

Sau này, khi có dịp đi công tác và quay lại thăm vùng đất “Chiến trường xưa”, Hồ Sĩ Tuyển đã ngỡ ngàng khi thấy ở Nghĩa Trang tỉnh Bình Dương có ngôi mộ đề tên “Liệt sĩ Hồ Sĩ Tuyển, Quê Nghệ An, hy sinh ngày…”.

Thì ra, sau trận càn của địch năm ấy, số đồng đội còn sống đã quay lại làm công tác tử sĩ, nhưng những người đã hy sinh không mấy người còn nguyên vẹn. Họ đành điểm số đồng đội mất tích, chia cho mỗi người một phần thi thể gom nhặt được, chôn cất và ghi thành bia mộ, có ai mà biết được anh vẫn đang sống và bị địch bắt, giam cầm.

Tôi viết lại câu chuyện này coi như một nén tâm nhang cho người đồng nghiệp – người bạn vong niên tài hoa và đức độ, nay anh cũng đã đi về cõi vĩnh hằng!.

                                                                          Phố Lu, tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét