Cách
đây hơn 10 năm, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có Chỉ thị số: 27/CT-TW “Về thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Chỉ thị
của Bộ Chính trị đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai bằng tuyên truyền,
giáo dục và hướng dẫn để cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện. Nhìn chung, sự
vào cuộc của các cấp, các ngành đã tạo nên chuyển biến khá tích cực, phục dựng
lại được những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế và
xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu như thách cưới, cướp dâu, tảo hôn; để người chết
lâu trong nhà.v.v.Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, thì trên từng
mặt vẫn tồn tại một số điểm đáng bàn. Đó là những hủ tục bảo thủ, với tính chất
“lệ làng” hoặc sự lợi dụng gây khó chịu từ những người làm dịch vụ hiếu - hỉ.
Trước tiên nói về việc cưới, đồng
nghĩa với việc vui, bởi nó là sự chắp nối “uyên ương” cho đôi trái gái; là sự
mở đầu để hình thành một “tế bào” mới cho xã hội. Vậy mà giờ đây, phía sau các đám
cưới lại tồn tại không biết bao nhiêu là phiền muộn. Với các bậc phụ huynh, mỗi
khi chuẩn bị đám cưới cho con, không mấy người có được cảm giác thực sự vui vẻ.
Cho dù gia đình khá giả, không phải lo lắng đến vấn đề kinh tế, thì việc lập
danh sách mời ra sao, rồi phải đi mời thế nào là cả một sự đắn đo, cân nhắc. Đã
có vị phụ huynh tâm sự về các bước chuẩn bị đám cưới cho con là cả nỗi một nỗi
lo, có khác nào “Trông trời, trông đất,
trông mây; Trông lên, trông xuống khôn tày nỗi lo”. Từ đi mời đến đặt tiệc,
thuê địa điểm, đón khách, tiếp khách...là một chuỗi công việc phức tạp. Có thể
nói, phát xong tập thiếp mời cho các tân khách cũng coi như đã hoàn thành đến
90% công việc. Đi mời ngày nay cũng không giống trước đây, có người không được mời
thì trách móc, nhưng nếu được mời thì nhất thiết phải có người “Môn đăng hậu đối”
trực tiếp đến trao thiếp mới được coi là trân trọng. Nhưng rồi tiệc cưới nào cũng
được diễn ra một cách nháo nhào, theo kiểu ăn tập thể. Gần đây không ít đám cưới,
các mâm cỗ chỉ được thực khách chọc ngáy chút đỉnh, khi mọi người đứng lên thì
các món ăn gần như vẫn còn nguyên. Nguyên nhân không hẳn là cỗ không ngon, thậm
chí chủ tiệc đã phải lao tâm khổ tứ để tìm ra thực đơn “ưu việt” nhất. Có những
món trước đây được coi là “cao lương mỹ vị”, như gà hầm, chim quay thì bây bây giờ
cũng trở nên bão hòa rồi. Ngoài ra, nỗi lo thực phẩm không an toàn cũng góp
phần làm cho thực khách cảnh giác với các món được coi là “thực đơn cao cấp này”. Bởi vậy, cỗ “ế” vẫn
diễn ra. Quả thực, đã có không ít đám cưới là nguyên nhân của những vụ ngộ độc
tập thể, vì thực phẩm và chế biến không đảm bảo vệ sinh. Hậu của các tiệc cưới còn
là những vụ tai nạn giao thông, bởi thực khách say rượu, điều khiển xe rồi tự
gây tai nạn cho mình và cho người khác.
Tuy chưa có một điều tra xã hội cụ thể
nào, nhưng không ít người đi dự đám cưới đã tâm sự, giá việc cưới xin giản đơn đi,
người đến dự chỉ mừng thôi mà không “phải” ăn cỗ, có khi lại đỡ khổ cho cả chủ
lẫn khách. Điều này có thể chưa đúng với tất cả mọi người, nhưng có thể sẽ đúng
với đa số. Vào mùa cưới, có người phải đi dự đến 3 - 4 đám trong 1 buổi sáng,
vì vậy chỉ còn cách là cho phong bì đi thay mặt. Nhưng không phải đám nào cũng
có thể thay mặt bằng phong bì, cho nên tình trạng đi ăn “đám” theo kiểu “chạy
sô” của thực khách thường được áp dụng cho những “ngày đẹp”. Tưởng rằng ăn lắm
thì no, nhưng đến đám nào cũng vội, đám nào cũng chỉ lo làm “thủ tục” để rồi
sớm “rút quân”. Thành thử, sau những bữa ăn mệt nhoài ấy, thực khách lại trở về
với cái bụng lưng lửng rượu, nhiều khi phải “cấp cứu” bằng cơm nguội hoặc mì
tôm để xử lý cho dạ dày khỏi bị kích ứng. Cũng có người ước rằng, giá đám cưới được
quay về với cách tổ chức “Nếp sống mới” như những năm 60 - 80 của thế kỷ trước,
xem ra lại hay hơn. Điều ấy chứng tỏ cái sự “bao giờ cho đến ngày xưa” vẫn còn đúng!.
Với các đám tang, nhìn chung cũng đã có tiến bộ. Đặc biệt là ở các vùng đô
thị, người ta quan niệm “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Vì vậy mỗi khi gia đình nào đó
có “đám” thì đại diện khu dân cư và chòm xóm đều tận tình vào cuộc, người đến
phúng-viếng cũng tự giác, tùy tâm. Sự bày vẽ ăn uống ở nhà có tang được giản
tiện đáng kể, vì hầu hết người đến viếng đều không ở lại ăn uống. Hiện tượng
này đã tự nhiên hình thành như một tập quán đẹp. Ở thôn quê thì phần lớn việc tổ
chức lễ tang đã được ghi vào hương ước. Không còn hiện tượng để người chết quá
48 giờ trong nhà, nhiều hủ tục mất vệ sinh trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được
hủy bỏ. Tuy vậy, trong việc tang cũng không phải không còn những điều đáng bàn.
Đó là tình trạng ăn uống ở nhà đám kéo dài nhiều ngày còn diễn ra ở khu vực
nông thôn, gây nên sự tốn kém cho tang chủ. Nhất là việc bố trí nấu nướng và ăn
uống nhập nhuội, nên không tránh khỏi mất vệ sinh, dễ xảy ra ngộ độc thức ăn. Để
phục vụ cho nghi thức tang lễ, nhiều nơi đã hình thành các “Phường Bát âm”, còn
có tên nôm là “Đội kèn hiếu” làm dịch vụ khá chu tất. Đội kèn vừa làm nghi
thức đón rước, dẫn chương trình, cảm ơn các đoàn đến viếng, vừa tranh thủ khóc
thuê, làm thủ tục cúng tế linh hồn người chết theo phong tục. Nếu như các hoạt động
dịch vụ của đội Kèn được thực hiện trang trọng và giản đơn thì cũng là việc cần
thiết cho nghi lễ của đám tang. Nhưng hiện nay không ít đội kèn đã biến tướng, lợi
dụng niềm tin tâm linh, tạo thêm sự rườm rà về nghi thức tế lễ. Có đám, việc thực
hành cái gọi là “cúng cơm” cho người đã khuất kéo dài đến hàng giờ, gây tốn
thời gian, phiền hà cho người đến phúng viếng vì phải chờ đợi. Khổ hơn là các
thành viên của gia đình tang chủ, họ phải quỳ phục trong suốt thời gian thầy
hành lễ, làm cho họ vốn đã đau buồn, càng thêm mệt mỏi. Có không ít đám, kèn
trống kéo dài quá 22 giờ đêm, cho âm thanh than khóc, trống kèn được tiếp qua tăng
âm công suất lớn, phóng đi xa hàng mấy trăm mét còn nhức óc đinh tai. Sự bày
vẽ, phiền hà của đội kèn không phải không có lý do, vì đó là một khâu dịch vụ,
cho nên càng phức tạp thì chi phí càng cao. Phải chăng đây cũng là một hình
thức lợi dụng làm tiền!. Có điều, sự khó chịu này lại nằm trong khuôn khổ của
cái gọi là “tế nhị” nên khó nhắc nhở ngay trong khi nhà đang có đám.
Chúng ta không thể phủ nhận những
thành quả tốt đẹp trong quá trình thực hiện Chỉ thị của Trung ương. Song cũng
cần nhìn nhận nghiêm túc về những hạn chế, tồn tại để có hướng khắc phục. Việc
khắc phục những hủ tục và lễ nghi rườm rà, tốn kém không thể chỉ dựa trên văn
bản. Vì, ngay ở một số văn bản của các cấp đưa ra cũng chỉ chung chung. Ví dụ,
có nơi đưa ra quy định, việc mời khách đám cưới chỉ khống chế trong số người
nhà, bạn bè thân hữu của đôi trai gái và cha mẹ chú rể, cô dâu. Nghe ra có vẻ
như đã khống chế khách mời, nhưng áp vào thực tế lại không phải vậy. Bởi vì, chẳng
có một tiêu chí nào đánh giá được đâu là bạn bè thân-sơ. Mà càng những người có
quyền cao, chức trọng thì bạn hữu càng đông, ai được mời tất người đó được xếp
vào hàng “thân hữu”. Vì thế, càng là đám cưới của con cháu cán bộ lớn thì số
thực khách càng đông. Thế mớí biết, “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau” trong
quá trình triển khai các chủ trương của Đảng cũng không phải là dễ.
Để Chỉ thị của Trung ương tiếp tục
thực hiện có hiệụ quả. Thiết nghĩ, ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục.
Các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị xã hội cần có sự phối hợp, tham mưu
cho cấp ủy và chính quyền, xây dựng mô hình đám cưới “sống mới” kiểu mẫu. Việc
tổ chức mô hình mẫu cũng nên vận động tình nguyện của một số gia đình cán bộ, đảng
viên làm thí điểm. Nhưng phải do đoàn thể đứng ra tổ chức. Sau đó rút kinh kinh
nghiệm, phổ biến đại trà, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chỉ đạo của chính
quyền. Quy định, tất cả các đám cưới của gia đình cán bộ, đảng viên phải làm
theo mô hình mẫu.
Đối với việc tang, các “đội kèn”
hoạt động nhất thiết phải có đăng ký qua cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Quy
định hoạt động dịch vụ và nghi thức tang lễ phải do cơ quan văn hóa địa phương
tham mưu cho chính quyền, đưa vào quy chế nếp sống văn hóa ở khu dân cư, được
phổ biến cho tất cả các đội kèn, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc. Nếu vi phạm
sẽ phải chịu xử lý hành chính và rút giấy phép hoạt động.
Trong khuôn khổ bài
viết này, người viết chưa dám lạm bàn rộng đến nhiều lĩnh vực khác, chỉ mới xin
nhận xét tập trung vào 2 loại hình là việc cưới và việc tang. Hy vọng đóng góp được
một vài ý tưởng cho quá trình thực hiện Chỉ thị của bộ Chính trị đạt được hiệu
quả thiết thực, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Bởi giá trị
truyền thống chính là sự “Gạn đục khơi trong” trong truyền thống nói chung. Sự
chọn lọc ấy nhằm tìm ra cái tiến bộ, cái đẹp vĩnh hằng mang giá trị phổ biến được
đại đa số công chúng chấp nhận. Từ đó nhằm loại bỏ sự lợi dụng và những hủ
tục rườm rà, lạc hậu để xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh ở cộng đồng.
M.N